Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 11: Sự bất lực của pháp luật?

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 11: Sự bất lực của pháp luật?

Nam Quỳnh – Qua các vụ án trong các kỳ trước, một câu hỏi có thể đặt ra là: pháp luật Pháp và châu Âu có đang vì bảo vệ tự do ngôn luận mà bỏ rơi một số cộng đồng tôn giáo trong sự báng bổ hay không? Liệu có cách giải thích pháp luật và phân xử nào tốt hơn hay không?

Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.

84050622_Muslim_451215c

Nguồn: The Times

Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.

Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp
Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án
Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng
Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa
Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)
Kỳ 6: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 2)
Kỳ 7: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 3)
Kỳ 8: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 4)
Kỳ 9: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo
Kỳ 10: Charlie Hebdo chiến thắng ở tòa án

Luồng ý kiến chỉ trích Charlie Hebdo

Dù Charlie Hebdo giành chiến thắng trong các vụ kiện, rất nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra trên báo chí về mức độ ‘có lỗi’ của các thành viên tòa soạn báo này trong vụ thảm sát làm 12 nhân sự của họ thiệt mạng.

Trước hết, cần nhìn nhận là việc chỉ trích báo Charlie Hebdo (bao gồm chỉ trích những nhà báo đã mất mạng trong cuộc thảm sát) về quyết định cho vẽ và cho đăng những biếm họa Hồi Giáo của họ không đồng nghĩa với việc đồng ý hay tán thưởng hành vi bạo lực man rợ của những kẻ khủng bố Hồi giáo.

Ngoài phép lịch sự tối thiểu trong việc tôn trọng những người đã khuất ra, không có yếu tố nào có thể được dùng một cách thuyết phục để chống lại việc chỉ trích Charlie Hebdo.

Xét trên các tiêu chuẩn về nghệ thuật châm biếm, sự nhạy cảm văn hóa hay thậm chí tiêu chuẩn triết học, có thể quyết định vẽ biếm họa Hồi giáo của Charlie Hebdo là sai lầm, kém khôn ngoan, thiếu kiềm chế trong bối cảnh xã hội Pháp nói riêng và phưong Tây nói chung đang lúng túng trong việc tiếp nhận và cư xử với một cộng đồng tôn giáo thiểu số khép kín có một số cá nhân cuồng tín và ưa bạo lực.

Nhưng xét về mặt pháp lý thì sao?

Sau khi xem xét cách mà các Tòa án Pháp và Tòa Nhân quyền châu Âu xử lý xung đột giữa sự linh thiêng của tôn giáo và tự do ngôn luận trong các bài vừa qua, chúng ta có thể kết luận một cách có cơ sở là báo Charlie Hebdo không có lỗi pháp lý.

Trong phạm vi luật của nước Pháp và luật nhân quyền nói chung ở châu Âu, những bức biếm họa Hồi giáo của Charlie Hebdo không phải là hành vi xem thường, cố ý vi phạm pháp luật. Báo Charlie Hebdo chỉ đơn thuần thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của họ sát mép những giới hạn hợp lý của luật pháp được các Tòa án Pháp và châu Âu công nhận. Charlie Hebdo đã ra tòa đối chất với các hội nhóm Hồi giáo lớn tại Pháp năm 2007 và đã thuyết phục được Tòa án Pháp đứng về phía họ.

Tranh luận đến đây có thể là kết thúc với nhiều người không theo đạo Hồi, nhưng với những người theo đạo Hồi, phải chăng như vậy là luật pháp về nhân quyền của Pháp và của châu Âu hiện nay là bất công đối với tôn giáo của họ và với bản thân cá nhân mỗi người trong số họ?

Phải chăng là luật nhân quyền Pháp và châu Âu quá bất lực trong việc bảo vệ người theo đạo Hồi, đã thả lỏng cho Charlie Hebdo ‘tác oai tác quái’ và gián tiếp dẫn đến vụ thảm sát làm rúng động thế giới ngày 07 tháng 01 năm nay?

Đã có những luồng ý kiến so sánh luật của Pháp với luật các nước Anh, Mỹ hay Úc vốn có khuynh hướng bảo vệ sự linh thiêng tôn giáo hơn luật của Pháp.

Đã có những luồng ý kiến phê phán chủ nghĩa thế tục của hệ thống công quyền Pháp, xem chủ nghĩa thế tục này là nguyên nhân hay một phần trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ các cộng đồng văn hóa và tôn giáo tồn tại trong lòng nước Pháp.

Nhiều ý kiến cho là cộng đồng người theo đạo Hồi là thiểu số trong lòng nước Pháp, họ không có tiếng nói xã hội và sức mạnh kinh tế, chính trị đủ để có thể tự bảo vệ sự linh thiêng của tôn giáo của họ.

Luật gia Esther Janssen (Đại học Amsterdam – Hà Lan) trong nghiên cứu của mình đã ghi nhận là một điểm đáng chú ý là tuy các nhóm Hồi giáo chịu nhiều công kích và phỉ báng thứ nhì trong các nhóm tôn giáo tại Pháp (sau nhóm thiểu số Do Thái), trong chín vụ kiện nổi bật nhất gần đây về xúc phạm cộng đồng tôn giáo, chỉ có đúng một vụ là liên quan đến đạo Hồi (bên bị đơn trong vụ kiện đó không ai khác hơn là tờ báo biếm họa Charlie Hebdo).

Janssen ghi nhận nhiều ý kiến của các luật gia Pháp cho rằng điều này là biểu hiện một thực tế xã hội nghiêm trọng: các nhóm Hồi giáo không có tổ chức chính trị và xã hội đủ mạnh để có thể thể hiện một cách hiệu quả và hợp pháp nhất sự bất mãn của họ trước những gì họ cho là lạm dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm và phỉ báng đức tin của họ.

Vì thế, việc để cho những nhóm người như báo Charlie Hebdo đẩy giới hạn tự do ngôn luận ra xa nhất có thể, bằng cách khiêu khích và xúc phạm người theo đạo Hồi tại Pháp, có thể được xem là một thất bại của hệ thống công quyền của Pháp trong việc bảo vệ một cộng đồng dân thiểu số yếm thế và nhạy cảm.

Việc cảm thấy đức tin bị coi thường và không được hệ thống công quyền bảo vệ được cho là đã góp phần đẩy cộng đồng người theo đạo Hồi ra rìa xã hội Pháp, tạo thêm lý do cho những tín đồ cực đoan của họ quay ra chống phá xã hội và nhà nước Pháp, gián tiếp góp phần dẫn đến vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo.

Phê phán hệ thống pháp luật Pháp và châu Âu

Những ý kiến trên đều là những ý kiến đáng giá, có thể thúc đẩy các luật gia, nhà xã hội học và chính trị học của Pháp phải nhìn nhận và đánh giá hệ thống luật bảo vệ nhân quyền của Pháp một cách có tính phê phán, với nhiều ý thức phản tỉnh hơn.

Có lẽ cần phải nhìn nhận là pháp luật, ngay tại một nơi mà nó được tôn trọng nhất có thể, vẫn không thể được cho là chân lý duy nhất phản ánh những mong muốn và tiêu chuẩn của toàn xã hội, và rằng chủ nghĩa thế tục bản thân nó cũng chỉ là một chủ nghĩa được công nhận tại thời điểm mà nền cộng hòa Pháp hiện nay ra đời, chứ không phải là một chân lý muôn đời không thể xoay chuyển.

Hệ thống công quyền Pháp hiện nay là sản phẩm của cả một quá trình tiến hóa với khởi điểm là cuộc cách mạng Pháp đẫm máu năm 1789, khi các nhóm cách mạng đưa chủ nghĩa thế tục lên ngôi không phải hoàn toàn bằng lý lẽ biện luận thuyết phục số đông quần chúng một cách hòa bình, mà còn bằng cả khủng bố và bạo lực với súng, gươm và máy chém.

Bản thân sự kỳ thị thiểu số người Do Thái cũng có một lịch sử tồn tại lâu đời tại Pháp và chỉ thực sự bị hệ thống công quyền Pháp cương quyết bài trừ từ sau thế chiến thứ hai, sau khi sự thật về việc phát xít Đức thảm sát sáu triệu người Do Thái trở thành một bài học lớn cho nhân loại.

Trong một xã hội hiện đại thực sự dân chủ, tôn trọng hòa bình và khoan dung với khác biệt, pháp luật hoàn toàn có thể được thay đổi, hoàn thiện một cách ôn hòa để ngày càng phù hợp hơn với lương tri và chuẩn mực của đa số xã hội mà không dồn ép các nhóm thiểu số dẫn đến chia rẽ trong xã hội đó.

Một thay đổi luật pháp có thể làm là nâng cao mức hình phạt cho các tội xúc phạm cá nhân hay cộng đồng dựa trên tôn giáo của họ. Việc này sẽ có lợi cho tất cả các cộng đồng tôn giáo chứ không chỉ cộng đồng theo đạo Hồi.

Nhưng mức phạt tăng mà tội vẫn không ghép được thì cũng bằng thừa. Vậy phải chăng bản thân các thẩm phán Pháp và thẩm phán tòa Nhân quyền châu Âu phải thay đổi tư duy và chuẩn mực hiện có của họ?

Đi tìm điểm cân bằng 

Thẩm phán Pháp có thể bắt đầu bằng việc thay đổi cách áp dụng chuẩn mực về xác định mức độ tội lỗi của bên thực hiện hành vi tự do ngôn luận: đánh giá thông qua ảnh hưởng khách quan hay tác hại thực tế tới sự công bằng và tinh thần khoan dung của hành vi tự do ngôn luận trong xã hội Pháp, thay vì chỉ đánh giá thông qua mục đích chủ quan, chủ đề của hành vi, ngôn luận, biểu hiện gây xúc phạm có là chính đáng hay không. Thay đổi này có hệ lụy là các thẩm phán Pháp bắt buộc phải trở thành những người quyết định khi nào và như thế nào thì hành vi tự do ngôn luận gây ra tác hại cho công bằng và tinh thần khoan dung xã hội. Quyết định này là một quyết định mang nhiều tính chính trị hơn là pháp lý.

Thẩm phán Pháp cũng có thể khắt khe hơn trong đánh giá tiêu chuẩn về mức độ đóng góp thực tế vào công luận của hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm các cá nhân hay cộng đồng theo tôn giáo.

Một bức biếm họa có thể khiến một số người quan tâm hơn đến khía cạnh cực đoan của Hồi giáo nhưng lại làm tổn thương cảm xúc của cả một cộng đồng người theo đạo Hồi, khiến họ cảm thấy yếm thế hơn, bị đe dọa hơn, và theo đó chia rẽ các tín đồ Hồi giáo và những người không tôn giáo trong xã hội Pháp, thì phải chịu một hình thức chế tài hay giới hạn nhất định để phản ánh tác hại của bức biếm họa đó lên xã hội.

Một hình phạt tài chính đủ mạnh để khiến các nhà báo biếm họa phải cẩn thận hơn trong việc chế giễu những gì thiêng liêng với người theo đạo Hồi có thể vừa bảo đảm thể hiện sự bảo vệ cộng đồng Hồi giáo ở Pháp, vừa không phải là một hình thức kiểm soát tự do ngôn luận quá gắt gao (tới mức như cấm phát hành hay ép đóng cửa tòa báo).

Các nhà báo biếm họa có thể phản đối hình phạt tài chính nặng như thế là gián tiếp đàn áp, là ép bản thân họ phải tự-kiểm-duyệt, là đi ngược lại tinh thần tự do ngôn luận thuần khiết (không gì là bị giới hạn, không gì là mãi mãi ngồi trên bàn thờ). Nhưng họ đồng thời cũng có thể chọn cách cố gắng tư duy ra những biếm họa khác vừa làm hài lòng đa số quần chúng bất kể tôn giáo, vừa thể hiện và khắc sâu vào tâm trí người đọc được những gì được cho là bảo thủ, cuồng tín tới mức ngớ ngẩn và phản tiến bộ nghiêm trọng trong tư tưởng một số tín đồ đạo Hồi.

Nhiều họa sỹ biếm họa trên thế giới trong những ngày đầy nước mắt sau cuộc thảm sát Charlie Hebdo đã chứng minh việc vẽ được những bức biếm họa như thế không phải là bất khả:

11-1

Biếm họa

11-2

Biếm họa

11-5

Biếm họa

11-4

Biếm họa

11-3

Biếm họa

Khi cân bằng giữa quyền của các tín đồ đạo Hồi và quyền của các nhà báo biếm họa, các thẩm phán có lẽ nên để ý hơn đến phạm vi các lựa chọn có thể có của mỗi bên. Các nhà báo biếm họa vẫn có thể thực hành quyền tự do ngôn luận của mình để giễu nhại sâu cay sự bảo thủ, cuồng tín của một số tín đồ đạo Hồi; mà không phải sử dụng những gì được xem là thiêng liêng của đạo Hồi.

Ngược lại, có thể tranh luận là các tín đồ đạo Hồi ở Pháp không có nhiều lựa chọn khi họ vô tình phải nhìn thấy hình ảnh nhà tiên tri mà họ tôn thờ bị biến thành một hình ảnh giễu cợt nhiều khi thô tục trên mặt báo được lưu hành công cộng mà họ có thể dễ dàng bắt gặp khi đi ngang một sạp báo, hay khi ngồi trên tàu điện nhìn sang một người đọc báo ngồi đối diện.

Các thẩm phán Tòa Nhân quyền châu Âu có thể xem xét việc quay lại quan điểm ban đầu mở rộng phạm vi bảo vệ sang “quyền của công dân không bị nhục mạ cảm xúc tôn giáo bởi biểu hiện trong không gian công cộng của các công dân khác” như đã thể hiện trong các vụ Otto Preminger, Wingrove và phần nào là I.A.

Nên chăng là Tòa Nhân quyền châu Âu cần điều chỉnh tư duy của họ theo hướng nhắm đến việc bảo vệ sự công bằng và tinh thần khoan dung trong xã hội như sau:

Nếu một sự thực thi tự do ngôn luận, dù là có tác dụng làm lợi cho công luận nhưng mang tính xúc phạm ác ý vào cảm xúc của cá nhân hay nhóm người theo tôn giáo, dẫn đến cô lập, đẩy ra rìa và tiêu cực hóa một nhóm thiểu số yếm thế theo tôn giáo trong cộng đồng, làm giảm công bằng và gây chia rẽ trong lòng xã hội, thì cần phải có sự can thiệp, giới hạn sự thực thi tự do ngôn luận đó, nhưng sự can thiệp và giới hạn này phải ở mức tối thiểu và tương xứng với mức độ ác ý của xúc phạm, phản ánh nhu cầu bức thiết của xã hội, và phản ánh sự cân bằng được mất về quyền trong thực tế vụ việc, chứ không phải là chỉ duy nhất tương xứng với mức độ cảm thấy bị xúc phạm của cá nhân hay nhóm người theo tôn giáo.

Kỳ tới và hết: Tôn giáo có khả năng tự thay đổi?

Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas di Eropa, Journal of European Studies, Volume V – nr. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row: Re-drawing the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 .

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.