Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 12: Kiểm soát giới luật sư và các tiếng nói độc lập

Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 12: Kiểm soát giới luật sư và các tiếng nói độc lập

Sự kiểm soát xã hội và nền tư pháp một cách duy ý chí của chính quyền Việt Nam hiện nay tuy có thể không nghẹt thở trong những lĩnh vực kinh tế và thương mại nhưng vẫn chặt chẽ một cách bất công trong nhiều lĩnh vực hình sự và dân sự.

Giới luật sư bị đe dọa

Việc bắt bớ và cầm tù, theo những cách có thể nói là nhập nhằng về pháp lý, những nhà bất đồng chính kiến như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) và kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, cũng như những luật sư tham gia bảo vệ những nhà bất đồng chính kiến như luật sư Lê Công Định, cho thấy điều đó.

Cũng trong các lĩnh vực hình sự, việc dùng uy quyền chính trị để đàn áp tư pháp độc lập được nhìn thấy gần đây nhất qua vụ việc luật sư Võ An Đôn bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư vì tham gia bảo vệ gia đình người bị hại trong vụ năm công an tỉnh Phú Yên dùng nhục hình hại chết anh Ngô Thanh Kiều năm 2012.

Trên facebook của mình, luật sư Đôn kể:

“…Nguyên nhân ông Nguyễn Thái Học nhiều lần chỉ đạo kỷ luật tôi với hình thức nặng và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi là xuất phát từ việc ông Nguyễn Thái Học thất bại trong việc chỉ đạo Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa xử các bị cáo trong vụ án “Năm công an đánh chết dân” với mức án nhẹ và cho hưởng án treo, nhưng vấp phải sự phẫn nộ của dư luận cả nước nên sự chỉ đạo đó của ông Nguyễn Thái Học đã thất bại nặng nề.

Để gỡ gạc danh dự và trả thù cho sự thất bại đó, ông Nguyễn Thái Học với chức vụ “Trưởng ban Nội chính” đã chỉ đạo liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thành phố Tuy Hòa ra bản kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi vào ngày 20/11/2014, nhưng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía dư luận nên việc chỉ đạo đó một lần nữa bị thất bại.

Quá cay cú với hai lần chỉ đạo thất bại, ngày 12/02/2015 ông Nguyễn Thái Học đã trực tiếp tổ chức cuộc họp tại trụ sở Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, thành phần cuộc họp gồm có 05 người trong Ban Nội chính, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên và tất cả các thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên. Điều lạ thường là trong giấy mời ghi là mời họp mặt cuối năm nhưng thực chất đây là “cuộc đấu tố” đối với tôi, dùng số lượng khoảng 20 người để ép tôi phải thừa nhận việc tôi bảo vệ cho gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều và trả lời phỏng vấn các đài, báo nước ngoài là sai trái; tôi không thừa nhận nên cuối buổi họp ông Nguyễn Thái Học lớn tiếng chỉ đạo Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên phải kỷ luật tôi với hình thức nặng và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi…”[1] (phần tô đậm do người trích)

Liệu kết quả vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong có thể đã khác không nếu các viên chức chính phủ Hong Kong và Bộ Thuộc địa Anh đã làm những điều tương tự với các luật sư Loseby, Jenkin và Pritt khi họ tham gia bảo vệ Nguyễn Ái Quốc?

Trên thực tế các viên chức hành pháp người Anh đã không hề can thiệp thô bạo vào công tác bảo vệ pháp lý cho Nguyễn Ái Quốc. Họ thậm chí tôn trọng (dù không hoàn toàn tâm phục, khẩu phục) ý kiến pháp lý có lợi cho Nguyễn Ái Quốc của luật sư tranh tụng Cripps bên phía họ, và dàn xếp thỏa đáng với Nguyễn Ái Quốc. Sau đó họ đã tuân thủ thỏa thuận dàn xếp đó một cách chính trực, tạo điều kiện cho Nguyễn Ái Quốc rời Hong Kong một cách an toàn.

Không gian tự do dân sự hạn hẹp

Sự kiểm soát duy ý chí chà đạp lên tư pháp độc lập của chính quyền Việt Nam có lẽ được nhìn thấy rõ rệt nhất trong các lĩnh vực dân sự qua cách họ hành xử với những nỗ lực mở rộng phạm vi xã hội dân sự ở Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam hiện nay rõ ràng là hoàn toàn không hoan nghênh việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện những nhân quyền và dân quyền cơ bản vốn phải được tôn trọng và cổ vũ trong bối cảnh một xã hội Việt Nam đang ngày càng trở nên đa nguyên.

Một cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội ngày 12/4/2015. Ảnh: Chưa rõ nguồn

Một cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội ngày 12/4/2015. Ảnh: Chưa rõ nguồn

Ví dụ gần đây hơn có lẽ là cách nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách kiểm soát và ngăn chặn những nhóm biểu tình bảo vệ cây xanh của Hà Nội. Trong một status trên facebook của mình, nhà báo Đoan Trang đã viết:

Trong tất cả những lần tuần hành, đạp xe, dã ngoại vì cây xanh, những người dân tham gia hoạt động xã hội – cho dù là thành viên của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh hay không – đều “được” hàng chục công an, an ninh bám theo, phưỡn bụng, dí máy quay phim, máy ảnh, điện thoại ghi hình vào tận mặt mà quay mà chụp…”[2]

Những sự đàn áp và kiểm soát nói trên cho dù là bằng việc áp dụng một cách gượng ép những luật lệ nhập nhằng, hay có thể bằng những cách tinh vi hơn không dùng đến vũ lực, thì đều cho thấy là nhà cầm quyền Việt Nam không thể hiện tinh thần tôn trọng tư pháp độc lập, thượng tôn pháp luật, cũng như sự tôn trọng tự do, những giá trị đã cứu mạng Hồ Chí Minh khi ông gặp nạn ở Hong Kong năm 1931.

Xã hội vẫn cựa mình

Thực tế là sự mở cửa và đổi mới nền kinh tế Việt Nam từ những năm 1980 của thế kỷ trước đã góp phần khiến sự kiểm soát xã hội và tư pháp của nền chuyên chính cộng sản Việt Nam trở nên đỡ nghẹt thở hơn thời của luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

Việt Nam hiện nay đã có một đội ngũ nhất định những luật sư và chuyên gia pháp lý chuyên nghiệp được đào tạo bài bản ở nước ngoài có hiểu biết về những triết lý nền tảng về thượng tôn pháp luật và tôn trọng tự do của một nền tư pháp độc lập kiểu phương Tây.

Trong phần giới thiệu bài viết của của họ (đăng trên tạp chí chuyên ngành luật Law Quarterly Review số tháng 4 năm 2008 của nhà xuất bản Sweet & Maxwell) về vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, các tác giả Handley và Lemercier giải thích lý do đã làm họ để tâm đến vụ việc nay ban đầu:

Các tác giả bắt đầu quan tâm đến vụ việc này sau khi tham gia các khóa đào tạo luật sư nhà nước (‘government lawyers’) đến từ Việt Nam. Các khóa học này được tài trợ bởi các chương trình viện trợ nước ngoài để tạo điều kiện cho các luật sư học thêm vài thứ về hệ thống thông luật và nền thượng tôn pháp luật của một hệ thống tư pháp độc lập trong một nền kinh tế thị trường hiện đại. Các khóa học này đã diễn ra dưới sự điều hành của tác giả thứ hai [nhà luật học Karin Lemercier – ND] tại Trung Tâm Luật Châu Á Thái Bình Dương của trường Luật – Đại học Sydney.

Năm 1995 khi nhóm học sinh thứ hai đang ở Sydney thì tác giả thứ nhất [Kenneth Handley – một luật sư tranh tụng, quan tòa, và là một Q.C. – Queen’s Counsel], vốn đã nghe qua về vụ “Hồ Chí Minh” tại Viện Cơ Mật nhưng không nhớ rõ là từ đâu, bèn hỏi tác giả thứ hai là không biết các luật sư Việt Nam có biết về vụ này không. Các tác giả đã nhận ra rằng chính phủ Việt Nam có vẻ đã không hề muốn tạo sự chú ý vào các vai trò của một nền tư pháp và ngành luật sư độc lập, công cụ habeas corpus cũng như cơ chế thẩm định pháp lý (‘judicial review’) trong hệ thống thông luật. Các luật sư có nghe nói về vụ việc này và họ muốn biết thêm…[3] (phần tô đậm do người dịch)

Cho dù chính quyền Việt Nam hiện nay có muốn cổ vũ cho sự độc lập tư pháp, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự bảo vệ nhân quyền và tôn trọng tự do hay không thì những ý tưởng này cũng đã được giới trí thức Việt Nam biết đến.

Tuy những khái niệm này có lẽ vẫn còn xa lạ với những người bình dân ở Việt Nam, thực sự đã có khá nhiều bài viết và nghiên cứu về những đề tài này được đăng tải trên mạng internet từ những nguồn chính thống[4] và cũng được truyền thông dòng chính ở Việt Nam nhắc đến[5].

Điều gây nhức nhối nhất là những triết lý và ý tưởng này vẫn chưa được tôn trọng và đưa vào thực tiễn ở Việt Nam theo một cách sâu rộng nhất có thể.

Người viết muốn dành phần còn lại của loạt bài này để nói về vai trò của một nền tư pháp độc lập đối với thực tại và tương lai của xã hội Việt Nam, cũng như tổng kết những giải pháp có thể áp dụng để vừa giúp nền tư pháp Việt Nam trở nên độc lập hơn và tôn trọng tự do hơn, vừa giúp xã hội Việt Nam ngày càng có tinh thần thượng tôn pháp luật hơn.

Kỳ tới: Giá trị của một nền tư pháp độc lập với Việt Nam

Kỳ trước:

Đón đọc: Nguyễn Ái Quốc – Thoát nạn ở Hong KongKỳ 1: Nguyễn Ái Quốc bị bắtKỳ 2: Thẩm vấn trục xuấtKỳ 3: Luật sư vào cuộc và xung đột nội tâm của chính quyền AnhKỳ 4: Magna Carta (Đại Hiến Chương)Kỳ 5: Công cụ Habeas CorpusKỳ 6: Cuộc chạm trán lịch sử ở Tòa Thượng ThẩmKỳ 7: Tranh cãi về hai lệnh trục xuấtKỳ 8: Phản kháng lệnh trục xuất thứ haiKỳ 9: Kháng cáo lên Viện Cơ mật Hoàng gia AnhKỳ 10: Trở về MoscowTài liệu tham khảo:[1] https://www.facebook.com/100008231020747/videos/1612568255694193/ [2] https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10153579674768322[3]Ho Chi Minh and the Privy Council” (K.R.Handley & K.Lemercier) L.Q.R. 2008, 124(Apr). Handley và Lemercier cũng kể lại rằng họ muốn giúp các luật sư Việt Nam thế nên đã có tìm  hiểu thêm nhưng không có kết quả vì họ không nhận ra rằng tên của nguyên đơn trong vụ việc trước tòa Viện Cơ Mật là Tống Văn Sơ (‘Sung Man Cho’) chứ không phải Hồ Chí Minh. Phải đến vài năm sau khi phát hiện ra việc này, họ mới có thể nghiên cứu chi tiết vụ việc và công bố các kết quả nghiên cứu của mình.[4] Ví dụ: http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6059.[5] Ví dụ: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/238702/nguon-co-vu-dau-tranh-chong-doc-tai-chuyen-che.html.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.