Cuộc “xâm lăng” của chuẩn mực tư bản trong pháp lý xã hội chủ nghĩa – Phần 1

Cuộc “xâm lăng” của chuẩn mực tư bản trong pháp lý xã hội chủ nghĩa – Phần 1

Phần này của chương xem xét các tranh luận về chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa và pháp luật trong ý nghĩa mới của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Theo sau chương trình “Đổi Mới” năm 1986, các nhà lập pháp bắt đầu tìm kiếm một hệ thống pháp luật hiệu quả hơn hệ thống đang được áp dụng. Người ta đã chỉ ra rằng, những cuộc tranh luận lý thuyết về việc sử dụng những chuẩn mực pháp lý của chủ nghĩa tư bản trong các bộ luật thương mại đã tái định hình một cách căn bản một số niềm tin cốt lõi của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Kỳ trước:

Kỳ 4

Dịch giả: Étranger Nguyen

Dịch từ chương Changing Concepts of Socialist Law in Vietnamcủa tác giả John Gillespie

Trích từ “Asian Socialism and Legal Change: The Dynamics of Vietnamese and Chinese Reform” (“CNXH và thay đổi luật pháp ở châu Á: Động năng của cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc”)

Các chú thích là của dịch giả. Tựa đề và cách phân đoạn chương sách cho từng kỳ để đăng trên LKTC là của Ban Biên tập Luật Khoa tạp chí.

Dù có tán thành hay không, học thuyết kinh tế chính trị Marxist thực tế đang bị lu mờ trước các giá trị nền tảng, phương thức kinh doanh và kỹ thuật lập pháp đến từ các quốc gia tư bản bằng nhiều con đường khác nhau. Ảnh minh họa

Tranh luận trong lĩnh vực chính trị

Đại hội Đảng lần thứ XVII năm 1991 đã thay đổi tiêu chuẩn chính trị – pháp lý xã hội chủ nghĩa bằng việc thêm định nghĩa “nhà nước pháp quyền” vào bộ khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể (Đỗ Mười 1992). Nhà nước pháp quyền cổ vũ cho các tiến trình quản lý nhà nước căn cứ trên pháp luật, với nền tảng là một hệ thống pháp luật ổn định, có thẩm quyền và có tính bắt buộc; dựa trên tính bình đẳng [của mọi người] trước pháp luật; và dựa trên việc sử dụng luật pháp như là một công cụ để hạn chế và hướng dẫn quyền lực nhà nước. Nó [nhà nước pháp quyền] cũng đề xuất việc phân tách chức năng và nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, trong đó Đảng được đề nghị làm các công việc đặt ra các mục tiêu kinh tế xã hội, và để cho Nhà nước ban hành các đạo luật và thực thi các nhiệm vụ mà Đảng giao cho.

Đáng tiếc, không những không hoàn thành được mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật chắc chắn, nhà nước pháp quyền [ở Việt Nam] còn thất bại trong việc xác định rằng liệu Đảng có được giữ những đặc quyền sử dụng chính sách thay thế cho luật pháp như trước nữa hay không. Hiến pháp 1992 đã đặt Nhà nước dưới luật pháp[1], nhưng cũng đồng thời tái xác nhận tính hợp hiến của pháp chế xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ và làm chủ tập thể[2], những học thuyết đã xác định quyền lực tối cao của Đảng so với pháp luật của nhà nước.

Đào Trí Úc (1999:18), một học giả nghiên cứu pháp luật tiêu biểu, gần đây đã khẳng định nền tảng Marx – Lenin của pháp luật Việt Nam, viết rằng:

Nhìn chung, pháp chế là phương pháp tổ chức xã hội, để đặt xã hội vào trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Nếu luật pháp là ý chí được luật hóa của giai cấp thống trị, bắt nguồn từ những nhu cầu hiện đại và điều kiện xã hội của giai cấp thống trị, thì pháp chế phải được hiểu là một tiến trình để đưa ý chí này vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực. Do đó, đối với chúng ta, pháp chế có một ý nghĩa tương tự với nhu cầu pháp điển hóa yêu cầu việc quản trị nhà nước và xã hội phải làm lợi cho nhân dân lao động.[3]

Nhắc lại “tinh thần khoa học” Marxist, tuyên bố trên trước tiên khẳng định rằng chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể sai lầm và là những chân lý vĩnh cửu. Sau đó, nó áp dụng các “chân lý” tiên nghiệm[4] để chứng tỏ rằng pháp luật thể hiện “ý chí của giai cấp thống trị”. Với tư cách là cơ quan đầu não của “giai cấp thống trị”, Đảng sẽ quyết định những điều luật nào là “có lợi cho nhân dân lao động” (Nguyễn Văn Thái 1996:3, 7).

Hình ảnh chính trị của pháp luật xã hội chủ nghĩa đã được khắc ghi rõ nét thông qua các chính sách của Đảng, các khóa đào tạo ở các trường đại học hoặc các trung tâm giáo dục hay các công sở, khiến cho rất nhiều viên chức trong lĩnh vực pháp luật của Việt Nam đã coi pháp luật xã hội chủ nghĩa là các tư tưởng của Việt Nam [thay vì du nhập từ Liên Sô] (Lê Hồng Hạnh 1998; Lê Minh Tâm 1998). Tái sử dụng một quan niệm cũ kỹ từ hàng chục năm trước, vốn cho rằng Việt Nam là một thành viên của đại gia đình xã hội chủ nghĩa, rất nhiều viên chức ngày nay tin rằng pháp luật xã hội chủ nghĩa tương thích với xã hội truyền thống của Việt Nam vì nó cũng được hình từ một hệ thống chính trị tương tự[5]. Trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa trước đây, Liên Sô được coi như là “anh cả” và các thành viên khác trong gia đình sẽ tuân thủ những gì được chỉ dạy.

Một vài nhà nghiên cứu đã xác định lại lý thuyết giai cấp để khiến nó trở nên gần gũi hơn với giới lập pháp, những người mà giờ đây vì tình thế đã bắt buộc phải vay mượn luật pháp từ các nước không phải cộng sản. Sử dụng hệ thống pháp luật dựa trên quan điểm về giai cấp như là chiếc la bàn về lý thuyết, Đào Trí Úc (1995) đã phát triển một phương pháp luận để hướng dẫn giới lập pháp vay mượn các quy định trong luật pháp các triều đại Lê[6] và Nguyễn[7]. Ông ta [Đào Trí Úc] lập luận rằng các bộ luật phong kiến được xây dựng dựa trên hai yếu tố cơ bản – các quy tắc xã hội để điều chỉnh các lợi ích chung và các luật được xây dựng để bảo đảm quyền lợi hoàng gia. “Ta không nên nhảy tới kết luận”, ông viết, “rằng khía cạnh thứ nhất [các quy tắc xã hội phục vụ lợi ích chung] là tiến bộ và nên được kế thừa, trong khi khía cạnh thứ hai [bảo vệ quyền lợi hoàng gia] là phản động và do đó không nên kế thừa” (Đào Trí Úc 1995:39). Mặt khác, trong ước lượng của mình, luật phong kiến đã là những đạo luật “tiến bộ” và đáng để học hỏi, bằng chứng là chúng không hề mâu thuẫn với quyền lợi cộng đồng hay quyền lợi quốc gia. Tách khỏi những quan điểm giai cấp chính thống, ông thúc giục các nhà lập pháp đương đại sử dụng những điều luật từ thời phong kiến mà phản ánh lợi ích của nhân dân lao động hoặc phục vụ lợi ích quốc gia.

Với Đào Trí Úc, pháp luật thuộc về kiến trúc thượng tầng nên phản ánh cả lợi ích của quốc gia cũng như lợi ích của người lao động. Quan điểm của ông về mối liên kết giữa ý chí của giai cấp công nhân và pháp luật đã cung cấp một điểm tựa về mặt lý thuyết cho các nhà lập pháp để vay mượn pháp luật từ các nước tư bản. Sau cùng, ông đã kết luận rằng nhiệm vụ của pháp luật là để thể chế hóa đường lối của Đảng – một quan điểm trung thành với những nguyên lý chính thống là tập trung dân chủ và làm chủ tập thể (nay đã được đổi tên thành “làm chủ nhân dân”[8]). Vậy, liệu các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác đã sẵn sàng cho việc thay đổi những nguyên lý cốt lõi của chủ nghĩa Marx – Lenin và giới hạn quyền lực của Đảng bằng pháp luật hay chưa?

Tranh luận trong lĩnh vực kinh tế

Công cuộc đổi mới thị trường đã tác động đến các quan điểm chính trị nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác. Các luận điểm kinh tế học đã thách thức quan điểm pháp lý về mối quan hệ nhân quả của Marx giữa “cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng”, “quản lý nhà nước về kinh tế[9]” và sự phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các nghi quyết của Đảng thừa nhận sở hữu tư nhân đã khiến cho một số nhà nghiên cứu kinh tế bạo gan đề nghị thay đổi những nguyên tắc của chủ nghĩa Marx để phù hợp với những quy luật của kinh tế thị trường (Vũ Anh Tuấn 1998; Võ Khánh Vinh 1997). Một vài cây bút vẫn khẳng định những quan điểm chính thống rằng “kinh tế quy định bản chất và hình thức của luật pháp”, nhưng đồng thời cũng sử dụng luận điểm này để đưa ra quan điểm rằng, dựa trên thực tiễn là “hạ tầng” hay “tư liệu sản xuất” đã thay đổi, thì sở hữu tư nhân nên được phản ánh bằng những thay đổi pháp lý tương ứng trong kiến trúc thượng tầng [thay vì chỉ thừa nhận bằng các nghị quyết của Đảng]. Bằng cách đó, họ cho rằng các văn bản pháp luật kinh tế trong kiến trúc thượng tầng cũng nên phản ánh những mối quan hệ kinh tế thị trường lai tạp[10]. Ứng dụng mới này của những quan điểm Marxist đã loại bỏ những rào cản lý thuyết để nhập khẩu các quy phạm pháp luật dựa trên quyền[11] vào trong kiến trúc thượng tầng.

Do ảnh hưởng nặng nề của các nhà lý thuyết Marxist Trung Quốc (Shih 1996), một số nhà nghiên cứu Việt Nam khác khăng khăng cho rằng “pháp luật có tính độc lập tương đối và ảnh hưởng lên nền kinh tế” (Vũ Anh Tuấn 1998:26 – 7, Lê Minh Quân 1997: 28 – 31). Nói một cách khác, cơ sở hạ tầng kinh tế và kiến trúc thượng tầng [pháp luật] đồng thời tồn tại với “sự tự trị tương đối”. Sự xem xét lại căn bản chủ nghĩa Marx chính thống không những xóa bỏ những rào cản lý thuyết để du nhập pháp luật từ các nước tư bản, nó còn đồng thời phế bỏ quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa xã hội rằng pháp luật phản ánh những lợi ích giai cấp.

(Còn tiếp)

Chú giải của người dịch

[1] Thực tế Hiến pháp 1992 không quy định về điểm này. Hiến pháp 1992 sửa đổi 2001 mới đưa thêm quy định về bản chất pháp quyền của nhà nước CHXHCN Việt Nam tại Điều 2. Tham khảo Hiến pháp 1992 tại http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=11243 và Hiến pháp sửa đổi năm 2001 tại http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=22863. Quan điểm này được nhắc lại tại Khoản a Điều 2 Hiến pháp 2013.

[2] Tập trung dân chủ được quy định tại Điều 6 Hiến pháp 1992, làm chủ tập thể được quy định tại Điều 12 Hiến pháp 1992. Tập trung dân chủ được nhắc lại tại Điều 8 Hiến pháp 2013 (tham khảo http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=28814).

[3] Người dịch dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Anh. Nguồn đoạn trích từ bài viết “Nguyên tắc pháp chế và sự thể hiện trong Bộ luật hình sự Việt Nam” (Tạp chí Cộng sản số tháng Giêng năm 1999), tuy nhiên người dịch không thể tìm được nguyên bản bài viết này bằng tiếng Việt.

[4] apriori

[5] Tác giả cho rằng, nhiều viên chức trong ngành luật pháp của Việt Nam tin [một cách sai lầm] rằng pháp luật xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc từ Việt Nam [chứ không phải du nhập của Liên Sô], do đó không tồn tại những vấn đề không tương thích.

[6] Bộ luật thời Lê sơ còn giữ được tương đối đầy đủ tới ngày nay là bộ Quốc triều hình luật, hay còn gọi là Luật Hồng Đức. Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Luật_Hồng_Đức

[7] Bộ luật phong kiến xây dựng từ thời Nguyễn trước khi Pháp đô hộ Việt Nam là bộ Hoàng Việt luật lệ, hay còn gọi là Luật Gia Long. Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoàng_Việt_luật_lệ

[8] Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.” Tham khảo văn bản Hiến pháp 2013 đã dẫn ở trên.

[9] Nguyên bản “state economic management”. Tác giả chú thích là “quan ly nha nuoc kinh te”. Người dịch thêm chữ “về” cho phù hợp với cách dùng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Tham khảo http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/4980/Quan_ly_nha_nuoc_ve_kinh_te_mot_so_van_de_dat_ra_truoc_yeu_cau_doi_moi

[10] Nguyên bản “mixed – market”. Việt Nam vẫn chưa được công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ. Tham khảo http://fica.vn/dong-chay-von/vi-mo/thu-tuong-thuc-eu-cong-nhan-nen-kinh-te-thi-truong-day-du-28917.html

Trong văn cảnh của bài viết, có thể hiểu thuật ngữ này tương đương với “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

[11] Nguyên bản “right – based market laws”. Tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Rights-based_approach_to_development

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.