Lãnh đạo nữ đang nhiều lên, nhưng vẫn là thiểu số

Lãnh đạo nữ đang nhiều lên, nhưng vẫn là thiểu số

Hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa từng có lãnh đạo là nữ.

Trở thành thủ tướng hay tổng thống đối với nữ giới là một thách thức lớn. Số lượng quốc gia có nữ tổng thống hay thủ tướng đang gia tăng đáng kể, tuy nhiên, nó vẫn là một con số khiêm tốn. Ngay cả khi họ giành được quyền lực, hiếm khi nam giới để họ lãnh đạo trong một thời gian dài.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong hơn nửa thế kỷ qua (từ 1964 đến 2017) chỉ có 56 trong 146 quốc gia có nữ tổng thống hoặc thủ tướng (khoảng 38%) và lãnh đạo từ 1 năm trở lên. Trong đó có 10 quốc gia lãnh đạo nữ chỉ nắm quyền trong vòng một năm và 31 quốc gia khác từ 5 năm trở xuống.

Cũng có những quốc gia có nữ tổng thống chỉ nắm quyền trong vài ngày, ví dụ như Madagascar và Ecuador: 2 ngày. Tại Nam Phi, một người phụ nữ đã nắm quyền tổng thống chỉ trong 14 tiếng đồng hồ, trước khi tổng thống mới nhậm chức. Người thay thế họ đều là nam giới.

Hiện tại có 15 quốc gia có tổng thống hoặc thủ tướng là nữ, trẻ nhất là tổng thống 48 tuổi của Croatia, Kolinda Grabar-Kitarović. Dưới đây là 8 đương kim nữ tổng thống/thủ tướng đầu tiên của đất nước họ, số năm lãnh đạo và tuổi.

Mặc dù số lượng nữ tổng thống và thủ tướng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, con số này đại diện chưa đến 10% tổng số 193 quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc.

Khoảng 60% quốc gia ở châu Âu có lãnh đạo là nữ giới.

Năm ngoái, bà Theresa May đã thay thế vị trí thủ tướng Anh của ông David Cameron sau khi quốc gia này trưng cầu ý dân để rời khỏi Liên minh châu Âu. Bà May đi vào lịch sử Anh Quốc khi trở thành nữ thủ tướng thứ hai sau Margaret Thatcher.

Tiếp đến, hai nữ lãnh đạo Kersti Kaljulaid và Doris Leuthard lần lượt trở thành tổng thống của Estonia và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, quốc gia được lãnh đạo bởi một hội đồng gồm 7 thành viên, luân phiên nhau giữ chức chủ tịch.

Những quốc gia có lãnh đạo nữ nắm quyền lâu nhất

Nếu năm 1966 số quốc gia có nữ tổng thống hoặc thủ tướng chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì đến năm 1991 con số này đã là 20. Đầu năm 2017, có tổng cộng 70 quốc gia đã được lãnh đạo bởi các nữ chính khách thông qua bầu cử, bổ nhiệm hoặc kế vị tạm thời, bao gồm 6 trong 10 quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bangladesh, quốc gia đông dân thứ 8 thế giới, có thời gian lãnh đạo bởi nữ thủ tướng dài nhất, hơn 23 năm. Sheikh Hasin, đương kim thủ tướng và Khaleda Zia là hai người phụ đã điều hành chính phủ nước này trong hơn 50 năm qua.

Tiếp theo là Ấn Độ và Ireland cùng có 21 năm được điều hành bởi các nữ chính trị gia.

Các quốc gia màu xanh có lãnh đạo nữ trong giai đoạn 1964 – 2017. Ảnh: PEW.

Chính phủ các nước Bắc Âu chưa bao giờ được dẫn dắt bởi lãnh đạo nữ, ngoại trừ Thụy Điển. Iceland đã có một nữ thủ tướng và tổng thống duy trì quyền lực trong khoảng 20 năm, xếp thứ tư thế giới.

Tiếp đến là Philippines và Sri Lanka lần lượt là 16 và 13 năm. Đan Mạch và Phần Lan lần lượt là 13 và 12 năm.

Canada đã có nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất là Kim Campel, sau khi thủ tướng trước đó nghỉ hưu, phần lớn do sự bất tín nhiệm của công chúng. Tuy nhiên, Kim Campel đã thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sau đó 4 tháng.

Mỹ và Mexico chưa bao giờ có nữ tổng thống. Hilarry Clinton là người phụ nữ thứ 13 chạy đua vào Nhà Trắng trong kỳ bầu cử Mỹ vừa rồi và là nữ ứng viên duy nhất từng được một đảng lớn đề cử. Tại Mexico, Margarita Zavala, vợ của một cựu tổng thống, được dự đoán là ứng cử viên tổng thống sáng giá cho kỳ bầu cử năm 2018.

3 nữ lãnh đạo không được nhắc tên

Aung San Suu Kyi (Myanmar)

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà lãnh đạo đã chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử năm 2015, nhưng Ang San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống. Hiến pháp từ thời quân đội không cho phép người có con mang quốc tịch nước ngoài làm tổng thống, Aung San Suu Kyi lại có 2 con mang quốc tịch Anh. Sau đó, chính phủ đã bổ nhiệm Aung San Suu Kyi trở thành Ngoại trưởng kiêm cố vấn Nhà nước (state councilor). Ảnh: FacenFact.

Tsai Ing-wen (Đài Loan)

Bà là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan. Tuy vậy, sự độc lập của Đài Loan vẫn chưa được nhiều nước công nhận. Đài Loan vẫn còn chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc, điển hình là chính sách “Một Trung Quốc”. Đài Loan đang cố gắng gia nhập lại Liên Hiệp Quốc kể từ khi mất tư cách thành viên vào tay Trung Hoa đại lục năm 1971. Đến nay chỉ có 22 quốc gia công nhận sự độc lập của Đài Loan và có quan hệ ngoại giao chính thức với nước này. Ảnh: The Huffington Post.

Park Geun-hye (Hàn Quốc)

Park Geun-hye là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Đáng lý ra bà đã có mặt trong danh sách này nếu không dính líu đến bê bối tham nhũng rúng động gần đây. Quốc hội nước này đã phế truất bà khỏi vị trí tổng thống tháng 12 năm ngoái và được Tối cao Pháp viện chuẩn thuận vào tháng 3 năm nay. Hàn Quốc sẽ có cuộc bầu cử vào giữa năm 2017. Các ứng cử viên cho đến nay đều là nam. Ảnh: Yonhap News.

Dịch và tổng hợp từ:

Number of women leaders around the world has grown, but they’re still a small group (Pew Research Center)
People’s Republic of China In, Taiwan Out, at U.N (The New York Times)
The Wall Street Journal – South Korea to Hold Election on May 9 (The Wall Street Journal)
Margarita Zavala Could Become Mexico’s First Female President (Pannam Post)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.