Khẩu trang tăng giá: Sự va chạm giữa nhà nước và thị trường

Khẩu trang tăng giá: Sự va chạm giữa nhà nước và thị trường
Ảnh: Người Đưa Tin.

Khẩu trang y tế, một mặt hàng không mấy ai đoái hoài tới trước khi virus Corona xuất hiện, bỗng chốc trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi. Một bên là những người theo chủ nghĩa tự do, phản đối việc can thiệp thô bạo của nhà nước vào thị trường bằng cách “hăm dọa” tước giấy phép của thương nhân tăng giá khẩu trang. Bên còn lại là những người theo chủ nghĩa dân túy ủng hộ việc nhà nước can thiệp vào thị trường để bình ổn giá cả.

Cuộc rượt đuổi giữa nhà nước và thị trường

Nỗi lo sợ virus Corona, một loại virus mới xuất hiện từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, có khả năng lây giữa người sang người và gây chết người đã khiến nhu cầu mua khẩu trang tăng cao đột biến ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Truyền thông nhà nước đã ghi nhận được nhiều hình ảnh mô tả cảnh chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để tranh giành việc mua khẩu trang của người dân ở một số địa điểm bán mặt hàng này ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn.

Khẩu trang, từ một mặt hàng bình thường, sau “một cơn gió dịch” bỗng chốc trở thành một mặt hàng quốc dân khi nhà nhà, người người ở Việt Nam trở thành ninja bịt khẩu trang. Nếu thông thường mỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tiêu thụ trung bình khoảng 5-10 hộp mỗi ngày thì nay mỗi siêu thị vừa nhập về 300 – 500 hộp khẩu trang, mỗi hộp 50 cái, đều bán hết vèo trong vòng 1-2 giờ, mặc dù đã cố gắng hạn chế chỉ bán cho mỗi khách một hộp.

Từ 10 hộp mỗi ngày tăng lên 500 hộp, tăng gấp 50 lần nhưng vẫn tiêu thụ hết trong vòng 1-2 giờ, chứng tỏ nhu cầu khẩu trang tăng rất mạnh khi nỗi sợ virus Corona nhờ Facebook lan truyền từ Vũ Hán đến Hà Nội, vào Sài Gòn với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ lây lan của virus Corona.

Một hộp khẩu trang trong những ngày bình thường có giá 25.000 đồng, ở trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, được một nhà thuốc ở Hải Phòng hét giá 400.000 đồng, tăng gấp 16 lần, một mức giá cắt cổ với giới bình dân. Theo phản ánh từ những người tiêu dùng mua khẩu trang với báo chí thì giá khẩu trang bị đẩy lên gấp đôi, thậm chí 5-6 lần là việc diễn ra phổ biến.

Hoàn toàn có thể hiểu được phản ứng của người tiêu dùng khi buộc phải mua khẩu trang với giá cắt cổ và họ đã bày tỏ thái độ lên Facebook và các phương tiện truyền thông của nhà nước.

Nhiều bài báo xuất hiện phản ánh hiện tượng khẩu trang tăng giá đột biến với giọng điệu chỉ trích những nhà thuốc đã găm hàng khiến khẩu trang khan hiếm và tận dụng dịch bệnh để bán khẩu trang với giá cắt cổ, trục lợi trong lúc đồng bào gặp khó khăn. Như thường thấy, ở cuối các bài viết là lời kêu gọi các cơ quan chức năng, chính phủ vào cuộc để bình ổn giá khẩu trang. Một số bài viết còn đề nghị gay gắt hơn như rút giấy phép kinh doanh của những nhà thuốc bán giá cắt cổ. Nhiều độc giả đã bình luận tiêu cực về đạo đức của những thương nhân bán thuốc tận dụng cơ hội khẩu trang tăng giá để bán với giá cắt cổ với bình luận tiêu biểu: “Dược sĩ mà không có tâm”.

Câu chuyện khẩu trang tăng giá đã buộc chính phủ Việt Nam hành động với các biện pháp mạnh tay. Trong cuộc họp trực tuyến sáng ngày 1/2 với các địa phương về phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người sở hữu một tấm bằng tiến sĩ kinh tế, yêu cầu rút ngay giấy phép nếu hiệu thuốc tăng giá khẩu trang. Ông Đam răn đe các hiệu thuốc tăng giá bán khẩu trang: “Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó, đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp ngày 1/2/2020. Ảnh: TTXVN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp ngày 1/2/2020. Ảnh: TTXVN.

Lời răn đe của ông Đam dường như có tác dụng ngược khi chợ thuốc lớn nhất ở Hà Nội đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, xin miễn hỏi”, một hành động ủng hộ lời kêu gọi: “Tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ nhà nước lo, miễn phí hay bán giá như trước thì nhà em không làm được rồi…”.

Thay vì mua được khẩu trang với giá cao, sau khi lời răn đe của chính quyền xuất hiện, người tiêu dùng mất đi nguồn cung khẩu trang giá cao ở chợ thuốc lớn nhất Hà Nội.

Chính quyền tiếp tục phản ứng lại bằng cách răn đe xem xét xử lý hình sự người kêu gọi không bán khẩu trang trên Facebook.

Đạo đức học khẩu trang

Thiếu đạo đức là từ được báo chí chính thống, người tiêu dùng và cả chính phủ Việt Nam dùng để chỉ hành vi bán khẩu trang với giá cắt cổ. Vấn đề của “phải trái, đúng sai” khi bàn luận về chủ đề đạo đức học khẩu trang đó là có nhiều quan điểm khác nhau về đạo đức.

Nếu dùng quan điểm đạo đức của chủ nghĩa tự do, ủng hộ quyền tư hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền định đoạt giá bán sản phẩm trên cơ sở thuận mua vừa bán của thị trường thì việc tăng giá khẩu trang là một hành vi bình thường, hợp với những nguyên tắc đạo đức của chủ nghĩa tự do.

Thử tưởng tượng, bạn là một thương nhân bán khẩu trang. Trong cửa hàng thuốc của bạn có 1.000 hộp khẩu trang. Khi thông tin về virus Corona lan truyền, nhiều người đến mua khẩu trang của bạn với số lượng 2-4 hộp, cao hơn nhiều so với ngày thường, bạn giữ nguyên giá bán cho 100 hộp khẩu trang đầu tiên. Sau đó, bạn nhận thấy số lượng người mua khẩu trang vẫn tăng lên, bạn nâng giá bán lên 50% cho 100 hộp tiếp theo. Và 100 hộp tiếp theo vẫn được mua hết. Bạn lại tiếp tục tăng giá lên 100% cho 100 hộp tiếp theo mà vẫn có người mua. Mặc dù có người phàn nàn giá tăng gấp đôi so với bình thường nhưng họ vẫn mua. Bạn lại tiếp tục tăng giá lên 200%, 300% và 400% nhưng vẫn có người mua.

Rõ ràng, bạn không ép người khác phải mua khẩu trang với giá cao, bạn chỉ tăng giá khẩu trang lên vì có nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho khẩu trang bạn bán.

Bất kỳ ai học kinh tế học, kể cả Tiến sĩ kinh tế học Vũ Đức Đam, đều được học về đường cung – cầu. Theo đó, khi cầu tăng lên nhưng cung không tăng theo kịp sẽ làm giá tăng. Một ngày đẹp trời, khi chiếc khẩu trang màu xanh da trời bỗng trở thành vật bất ly thân và hàng hóa thiết yếu của cuộc sống thì từ một món hàng rẻ tiền không ai ngó ngàng nó sẽ trở nên xa xỉ ai cũng phải tranh giành. Giá tăng mạnh là điều hiển nhiên, như thịt heo ngày Tết phải đắt hơn ngày thường.

Người dân chen lấn mua khẩu trang y tế tại một hiệu thuốc. Ảnh: Báo Đầu tư.
Người dân chen lấn mua khẩu trang y tế tại một hiệu thuốc. Ảnh: Báo Đầu tư.

Hiện tượng cầu tăng mạnh làm giá tăng mạnh có thể quan sát được trên thực tế ở Việt Nam tại thời điểm Tết Nguyên Đán hàng năm. Vào dịp nghỉ lễ quan trọng và kéo dài nhất trong một năm, nhu cầu về quê ăn Tết tăng cao đột biến, giá vé của các phương tiện giao thông vận chuyển hành khách tăng mạnh. Vé máy bay Vietnam Airlines chiều từ Sài Gòn ra Hà Nội vào dịp Tết Nguyên Đán là 3,5 triệu đồng/vé một chiều trong khi chiều ngược lại từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ có 800.000 đồng/vé một chiều.

Không ai chỉ trích các hãng máy bay như Vietnam Airlines vô đạo đức khi bán vé máy bay với giá cắt cổ vào dịp Tết Nguyên Đán nhưng lại chỉ trích các nhà thuốc bán khẩu trang với giá cắt cổ. Tâm lý học nhận thức có thể giải thích hiện tượng đó bằng cách cho rằng bộ não của người tiêu dùng đã quen với việc Tết là tăng giá vé máy bay, nhưng lại không quen với việc có dịch bệnh thì khẩu trang tăng giá.

Những người ủng hộ nền kinh tế tự do lập luận rằng theo quy luật kinh tế, việc tăng giá khẩu trang phản ánh đúng quy luật cung – cầu giống như những lần tăng giá vào các dịp Tết Nguyên Đán của các mặt hàng khác. Họ phản đối việc nhà nước phạt các nhà thuốc vì bán khẩu trang với giá cao vì vi phạm quyền tự do kinh doanh, trong đó có quyền được tăng giá bán khẩu trang khi nhu cầu tăng cao. Nếu phạt các nhà thuốc bán khẩu trang khi nhu cầu tăng cao thì cũng phải phạt luôn các hãng máy bay đã tăng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán thì mới công bằng.

Giá trị trường, mức giá thuận mua – vừa bán, là mức giá được các tín đồ kinh tế tự do bảo vệ. Tại sao lại trừng phạt những người bán khẩu trang với mức giá cao trong khi có rất nhiều người sẵn lòng trả mức giá cao hơn để có khẩu trang?

Những người bảo vệ thị trường tự do lập luận: nếu trừng phạt việc bán khẩu trang với giá cao thì sẽ làm rối loạn thị trường, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Lý do họ đưa ra là khi áp đặt một mức “giá trần” bằng biện pháp hành chính (nếu bán cao hơn mức giá đó, nhà nước sẽ dùng các biện pháp hành chính – cụ thể là sử dụng vũ lực – để trừng phạt người bán), người bán sẽ rời bỏ thị trường, hoặc bán với số lượng nhỏ giọt vì không có lợi nhuận. Từ đó, khẩu trang sẽ trở nên khan hiếm, hiện tượng xếp hàng như thời bao cấp sẽ diễn ra và hiện tượng chợ đen, nơi giá khẩu trang được giao dịch theo mức giá thị trường sẽ xuất hiện.

Những người ủng hộ nền kinh tế tự do cho rằng giá là tín hiệu quan trọng và cần thiết để truyền tải thông tin đến nhà sản xuất. Giá bán khẩu trang tăng mạnh sẽ khuyến khích người bán đặt hàng các nhà sản xuất với giá cao hơn và nhà sản xuất sẽ sử dụng nguồn vốn đó để mua thêm nguyên vật liệu, thuê thêm nhiều công nhân để tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến. Nhiều doanh nghiệp khẩu trang đã chạy hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu.

Lập luận của những người ủng hộ nền kinh tế thị trường đúng trong dài hạn với điều kiện phải chấp nhận bất ổn trong ngắn hạn. Trong dài hạn thì theo lý thuyết, giá tăng lên sẽ làm cung tăng lên, khi cung tăng lên, giá sẽ giảm trở lại. “Nhà nước không cần can thiệp vào thị trường, hãy để thị trường tự điều tiết” là câu châm ngôn và niềm tin của những tín đồ của chủ nghĩa tự do.

Tăng giá khi nhu cầu tăng cao là một quy luật, nhưng lợi dụng tình hình dịch bệnh, tâm lý lo sợ của người dân để găm giữ hàng hóa chờ giá tăng cao hơn nữa để trục lợi kiếm lời từ nỗi đau của người dân liệu có phải là một hành vi phù hợp với các giá trị đạo đức của chủ nghĩa tự do?

Ủng hộ kinh tế thị trường nhưng không ủng hộ biến động giá cả

Tháng 7/2015, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới đã công bố một khảo sát thú vị về cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt. Đa số người tham gia khảo sát ủng hộ nền kinh tế thị trường. Nhưng đa số chiếm 75% người trả lời cho rằng nhà nước nên can thiệp vào thị trường để bình ổn giá những hàng hóa thiết yếu, thiểu số 25% còn lại ủng hộ việc giá cả nên được quyết định bởi thị trường. Điều đó có nghĩa là mỗi khi có biến động giá cả trên thị trường, người dân cho rằng nhà nước can thiệp sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn là để cho thị trường quyết định.

Ủng hộ cơ chế thị trường nhưng lại không ủng hộ biến động giá cả, đó là một nghịch lý đầy mâu thuẫn nhưng dễ cảm thông của người dân Việt Nam.

Trong điều kiện bình thường, khi nền kinh tế tăng trưởng, giá cả ổn định, những người theo chủ nghĩa dân túy vốn chiếm số đông ở Việt Nam cũng là những người ủng hộ thị trường, ủng hộ tự do kinh doanh vì nhìn thấy kinh doanh mang lại sự giàu có, cuộc sống sung túc, tiện nghi cho họ. Họ mong muốn sự ổn định và phát triển đó kéo dài mãi mãi. Con người luôn không thích sự bất ổn, và khi bất ổn xảy ra, ngày xưa con người cầu cứu đến những vị thần để mang lại sự ổn định và hòa hợp, ngày nay con người cầu cứu đến nhà nước để bình ổn giá khẩu trang.

Khi tình trạng bất ổn diễn ra, giá hàng hóa tăng đột biến, những người ngày thường vốn yêu thích và ủng hộ thị trường cảm thấy không thể chấp nhận được một mức giá cắt cổ, đánh trực tiếp vào túi tiền của họ, khiến ngân sách gia đình bị thâm hụt. Phản ứng tự nhiên của họ là kêu gọi sự hỗ trợ từ thế lực mà họ nghĩ rằng có quyền lực cao hơn thị trường, đó là nhà nước, để làm giá giảm xuống.

Khi sự bất ổn và khủng hoảng xảy ra, mọi người sẽ nhớ lại câu mà Tổng thống Mỹ Richard Nixon, một người theo chủ nghĩa tự do, đã tuyên bố: “Giờ thì tất cả chúng ta đều là những người Keynes”. Ý của Nixon bảo rằng khi lâm vào tình cảnh khủng hoảng thì ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do cũng trở thành Keynes, một nhà kinh tế ủng hộ nhà nước can thiệp vào thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm khẩu trang tại một hiệu thuốc. Ảnh: Người Lao Động.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm khẩu trang tại một hiệu thuốc. Ảnh: Người Lao Động.

Can thiệp hay không can thiệp: đó không phải là vấn đề

Nhà nước nên để mặc thị trường tự điều tiết hay can thiệp vào thị trường? Đó là cuộc tranh luận không có hồi kết giữa các trường phái kinh tế.

Câu hỏi đúng đó là: Nếu nhà nước can thiệp sẽ làm cho nền kinh tế tốt hơn không và nếu có thì nên can thiệp bằng cách nào?

Các nhà kinh tế học không đồng tình với việc nhà nước can thiệp một cách ấu trĩ bằng cách đi bắt và phạt các cửa hàng bán khẩu trang với giá cắt cổ. Hệ quả của nó là làm cho các tiệm thuốc ngừng bán khẩu trang vì nếu bán đúng giá thì không có lãi, nếu bán giá cao sẽ bị phạt. Bằng cách tung ra lực lượng kiểm soát và quản lý thị trường, vô hình chung, nhà nước đã làm cho các tín hiệu giá cả méo mó, động lực để thúc đẩy nguồn cung suy giảm và lãng phí nguồn lực của xã hội để đảm bảo cho việc kiểm soát giá cả.

Thay vì lãng phí nguồn lực để kiểm soát giá, nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp để tăng nguồn cung lên nhanh chóng và dùng hệ thống tuyên truyền để giảm cầu tạm thời. Để tăng công suất sản xuất khẩu trang, doanh nghiệp cần có thêm vốn để thuê thêm công nhân, mua thêm nguyên vật liệu, mua thêm máy móc… Giải pháp các nhà kinh tế học đề xuất là nhà nước hoàn toàn có thể nhanh chóng cấp vốn, đẩy nhanh các quy trình thủ tục giấy tờ cho các đơn vị sản xuất khẩu trang. Trước nhu cầu khẩu trang phòng chống dịch bệnh tăng cao, các doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc sản xuất khẩu trang.

Bên cạnh đó, để nhu cầu khẩu trang giảm xuống, nhà nước có thể sử dụng bộ máy tuyên truyền để thông báo cho người dân biết rằng các cơ sở sản xuất đang tăng công suất, cập nhật hàng ngày số lượng khẩu trang được xuất xưởng đang tăng mạnh. Khi biết được khẩu trang không khan hiếm, nhu cầu mua khẩu trang để dành phòng ngừa khi khẩu trang thiếu hụt của người tiêu dùng sẽ giảm, nhu cầu tích trữ khẩu trang để bán giá cao hơn của các thương nhân cũng giảm, thị trường khẩu trang sẽ ổn định trở lại.

Việc không can thiệp vào thị trường trong các tình huống bất ổn, để mặc thị trường tự điều tiết như những tín đồ của chủ nghĩa tự do kinh tế kêu gọi là không tưởng vì con người không phải là một cỗ máy lý trí như giả định của chủ nghĩa tự do. Con người rất phi lý trí, đặc biệt trong những tình huống bất ổn. Do đó, với tư cách là một tổ chức, nhà nước có thể can thiệp vào thị trường một cách lý trí bằng cách tập trung để thúc đẩy nhanh chóng nguồn cung khẩu trang.

Sự va chạm giữa nhà nước và thị trường luôn tồn tại nhưng để phát triển thì nhà nước không thể thiếu thị trường và thị trường cũng không thể thiếu nhà nước. Cho dù xảy ra mâu thuẫn thì cả hai cũng cần nghĩ đến những giải pháp để hóa giải mâu thuẫn và chung sống với nhau.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.