Điểm tin: Số người chết vì COVID-19 đã lên tới gần 100.000

Bản đồ các vùng dịch COVID-19 của Reuters.
Bản đồ các vùng dịch COVID-19 của Reuters.

Tình hình dịch bệnh COVID-19

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

  • Website của Bộ Y tế lúc 17:50 hôm nay báo cáo 255 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào.
  • Reuters cho biết 1.000 nhân viên y tế và 14.400 người có liên quan đến một vụ lây nhiễm ở một bệnh viện ở Hà Nội đã xét nghiệm âm tính với COVID-19.
  • Tổng số người được xác định nhiễm bệnh đã lên tới 1,56 triệu người, với 95,050 người chết, theo thống kê của Reuters lúc 5:40 giờ Việt Nam.
  • Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) tiếp tục xét nghiệm cư dân sau khi dỡ lệnh phong tỏa thành phố hôm 8/4.
  • Trung Quốc thông báo có 42 ca nhiễm mới vào thứ Năm, giảm so với 63 ca ngày trước đó.
  • Số người chết ở Iran tăng thêm 122 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 4.232. Đây là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Trung Đông.
  • Thủ tướng Tây Ban Nha cảnh báo lệnh phong tỏa xã hội nhiều khả năng sẽ phải kéo dài tới hết tháng Năm mặc dù nước này có thể sắp tới đỉnh dịch và số người chết đang giảm xuống.
  • Thủ tướng Italy có kế hoạch kéo dài thời gian phong tỏa xã hội đến ngày 3/5.
  • Các quan chức kinh tế của chính quyền Mỹ cho biết họ tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể mở cửa trở lại và hoạt động bình thường vào tháng Năm.
  • Quốc hội Campuchia hôm nay đã thông qua luật dọn đường cho Thủ tướng Hun Sen tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chống đại dịch COVID-19.

Washington Post: Danh sách 11 ứng cử viên phó tổng thống tiềm năng cho ông Joe Biden

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021 - 2025 gần như đã chắc chắc sẽ diễn ra với hai ứng cử viên chính là cựu phó tổng thống Joe Biden và đương kim tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP.
Cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021 – 2025 gần như đã chắc chắc sẽ diễn ra với hai ứng cử viên chính là cựu phó tổng thống Joe Biden và đương kim tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP.

Với việc ông Joe Biden gần như nắm chắc tấm vé ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ, câu hỏi nhiều người đang đặt ra là ông sẽ chọn ai cho tấm vé ứng viên phó tổng thống.

Tờ Washington Post mới đăng một danh sách được cho là 11 lựa chọn hợp lý nhất cho vị trí này.

11. Bà Susan E. Rice: Cố vấn an ninh quốc gia và đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Obama.

10. Bà Michelle Lujan Grisham: Thống đốc bang New Mexico, cựu dân biểu liên bang.

9. Bà Stacy Abrams: Cựu dân biểu bang Georgia.

8. Bà Tammy Duckworth: Thượng nghị sĩ, cựu dân biểu liên bang, người mất cả hai chân trong chiến tranh Irag.

7. Bà Val Demings: Dân biểu liên bang.

6. Bà Catherine Cortez Masto: Thượng nghị sĩ, cựu bộ trưởng tư pháp bang Nevada.

5. Bà Tammy Baldwin: Thượng nghị sĩ từ năm 2012, đồng thời là thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố là gay.

4. Bà Elizabeth Warren: Thượng nghị sĩ, vốn là đối thủ của ông Biden trong mùa bầu cử này trước khi rút lui.

3. Bà Gretchen Whitmer: Thống đốc bang Michigan.

2. Bà Amy Klobuchar: Thượng nghị sĩ, vốn là đối thủ của ông Biden trong mùa bầu cử này trước khi rút lui.

1. Bà Kamala Harris: Thượng nghị sĩ, vốn là đối thủ của ông Biden trong mùa bầu cử này trước khi rút lui.

Như vậy, tất cả các ứng viên đều là nữ.

Mỹ: Bộ trưởng Tư pháp bảo vệ quyết định sa thải Tổng Thanh Tra Tình báo của TT Trump, lên án cuộc điều tra Nga

Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News hôm thứ Năm (giờ Mỹ), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cho rằng cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử, vốn phủ bóng hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, đã được Cục Điều tra Liên bang (FBI) tiến hành mà không dựa trên căn cứ nào, và là một nỗ lực “phá hoại tổng thống”, hãng tin AP cho biết.

“Tôi nghĩ tổng thống có quyền bực bội, vì tôi nghĩ những gì xảy ra với ông là một trong những trò nhạo báng kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ”, ông nói.

Tuy vậy, trong một báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái, Tổng Thanh tra của Bộ Tư pháp cho rằng FBI có đủ cơ sở biện minh cho quyết định mở hồ sơ điều tra vụ Nga can thiệp bầu cử, và không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ có động cơ chính trị. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy 17 lỗi nghiệp vụ của FBI trong quá trình điều tra.

“Tôi cho rằng các chứng cứ cho thấy chúng ta không chỉ phải xử lý những lỗi [nghiệp vụ] hay cẩu thả”, ông nói. “Có điều gì đó rắc rối hơn nhiều, và chúng tôi sẽ làm cho ra nhẽ”.

Trung Quốc cấm công dân du học Đài Loan kể từ học kỳ tới

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Hôm qua, 9/4, Bộ Giáo dục Trung Quốc ra thông báo cấm công dân nước này đăng ký học tại Đài Loan kể từ học kỳ mùa Thu, bắt đầu vào tháng Chín tới, tờ Taipei Times đưa tin.

Sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học ở các trường đại học Đài Loan có thể đăng ký ở lại.

Thông báo đề cập đến những khó khăn mà sinh viên Trung Quốc đang gặp phải khi muốn trở lại Đài Loan học sau kỳ nghỉ xuân, và Bộ Giáo dục nước này muốn bảo vệ quyền lợi của các sinh viên.

Những khó khăn mà thông báo trên nói tới là quyết định mà Bộ Giáo dục Đài Loan đưa ra ngày 3/2 cấm sinh viên Trung Quốc trở lại nước này nhằm hạn chế dịch bệnh COVID-19 lây lan. Bộ Giáo dục Đài Loan thay vào đó đã cung cấp các khóa học trực tuyến cho các sinh viên này.

Hiện có gần 8.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký học ở Đài Loan, nhưng chỉ có 800 sinh viên đang có mặt ở đây.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ cần phải thu hồi, trong khi Đài Loan trên thực tế có chính phủ riêng và tồn tại độc lập với đại lục.

Mỹ: Đảng Dân chủ muốn mở rộng hình thức bỏ phiếu bằng thư

Cập nhật lúc 13:00 – Giờ Việt Nam.

Bà Nancy Pelosi và các đồng nghiệp tại Quốc hội Mỹ, ngày 13/3/2020. Ảnh: AP.

Hôm thứ Năm, 9/4 (giờ Mỹ), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) cho biết đảng bà muốn mở rộng hình thức bỏ phiếu bằng thư trong kỳ tổng tuyển cử tháng 11 tới đây, AP đưa tin.

Đây là một hình thức bỏ phiếu được bàn thảo rộng rãi ở Mỹ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, khi việc ra khỏi nhà để đi bầu có thể khiến cử tri nhiễm bệnh. Phần lớn người Mỹ hiện nay vẫn đang được lệnh phải ở nhà.

Dự tính này của Đảng Dân chủ gặp phải phản ứng quyết liệt của Đảng Cộng hòa. Thủ lĩnh của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, Kevin McCarthy nói không có lý do gì để thay đổi luật bầu cử vào lúc này. Viện dẫn tình hình dịch bệnh và thất nghiệp gia tăng, ông cáo buộc bà Pelosi đang tranh thủ thảm họa này để làm lợi cho đảng bà.

“Thật ghê tởm”, Chủ tịch Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) cũng đồng tình.

Mặc dù Đảng Cộng hòa cho rằng bỏ phiếu bằng thư dễ xảy ra gian lận, các chuyên gia cho biết hiện tượng gian lận là hiếm có.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Đảng Cộng hòa có thể không bao giờ trúng cử được nữa nếu mở rộng hình thức bỏ phiếu bằng thư.

Mỹ: Viện Y tế Quốc gia thử nghiệm thuốc ký ninh để trị COVID-19

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NHI) hôm thứ Năm, 9/4 (giờ Mỹ), họ đang thử nghiệm thuốc ký ninh (vốn được dùng để trị sốt rét) để điều trị COVID-19, vài ngày sau khi nhiều bác sĩ Mỹ cho biết họ đang dùng thuốc này để chữa mà không biết có hiệu quả hay không, Reuters cho biết.

“Thuốc ký ninh đã chứng tỏ tiềm năng trong điều kiện phòng thí nghiệm chống SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID-19, và các báo cáo sơ bộ cho thấy hiệu quả tiềm tàng trong một số nghiên cứu nhỏ với bệnh nhân”, một giám đốc của NHI cho biết.

Thuốc ký ninh (hydroxychloroquine ) liên tục được Tổng thống Donald Trump khen ngợi và quảng cáo thời gian qua.

Cho đến nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn thuốc ký ninh để trị COVID-19, nhưng cho phép dùng trong một số trường hợp khẩn cấp khi không thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

Khảo sát mới: Mức độ tín nhiệm của TT Trump tiếp tục giảm sâu sau một tuần

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Một khảo sát mới của Reuters/Ipsos Core Political cho thấy mức độ tín nhiệm của cử tri Mỹ đối với Tổng thống Donald Trump tiếp tục giảm sâu so với tuần trước. Chỉ có 42% cử tri tán thành cách ông xử lý đại dịch COVID-19, so với 48% của tuần trước. Mức độ tín nhiệm chung dành cho tổng thống hiện ở mức 40%.

Tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Trump gần như phụ thuộc vào đảng phái của cử tri: trong số cử tri Cộng hòa, có tới 86% cử tri tín nhiệm tổng thống, trong khi bên Đảng Dân chủ chỉ có 9% tín nhiệm ông.

Thêm 6,6 triệu người Mỹ nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp tuần qua

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ trong tuần này đã công bố lại có thêm 6,6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua, nâng tổng số người khai mất việc làm trong ba tuần qua lên 16,8 triệu, theo Reuters.

Con số này tương đương với 10% tổng số lao động Mỹ.

Các nhà kinh tế dự báo trong tháng Tư rằng Mỹ sẽ mất 20 triệu việc làm vì đại dịch COVID-19 và sẽ dễ dàng vượt qua tỷ lệ thất nghiệp đỉnh điểm của thời kỳ Đại suy thoái (1922 – 1933) là 10% và đỉnh điểm của thời hậu Thế Chiến II là 10,8% năm 1982.

Các bộ trưởng tài chính của EU đồng ý chương trình hỗ trợ hơn nửa nghìn tỷ euro để cứu vãn nền kinh tế

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Cơn bão coronavirus đã khiến cho các nền kinh tế trên thế giới lao đao và Liên minh Châu Âu (EU) cũng không là ngoại lệ. Vì thế, sau nhiều ngày thương thảo, các bộ trưởng tài chính của EU đã đồng ý soạn thảo một gói hỗ trợ 540 tỷ euro (khoảng 590 tỷ USD) để giúp đỡ cho các nước trong liên minh bị ảnh hưởng vì coronavirus.

Chương trình này sẽ cần được các lãnh đạo trong khối EU chấp thuận.

Nếu được chấp thuận, 100 tỷ euro sẽ được dùng chi trả trợ cấp thất nghiệp, 200 tỷ euro sẽ dùng cho những khoản vay mượn của các doanh nghiệp nhỏ, và 240 tỷ sẽ được Eurozone cho các quốc gia thành viên vay để sử dụng trong những khoản chi trả về y tế.

Trong tuần tới, các quốc gia EU sẽ họp để bàn bạc thêm chi tiết và chấp thuận gói hỗ trợ này. Một trong những vấn đề cần bàn là liệu EU có đưa ra một số công trái – gọi là “công trái corona” – để giúp những nước khó khăn nhất, như Ý và Tây Ban Nha hay không. Tuy nhiên, những nước như Đức và Hà Lan lại không đồng ý liên minh phải gánh nợ chung cho các khoản công trái này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn nằm viện nhưng đã được đưa ra khỏi khu điều trị tích cực

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Theo CNN, vào tối thứ Năm, 9/4/2020 (giờ Anh), Thủ tướng Boris Johnson đã được đưa ra khỏi khu điều trị tích cực, nơi ông được chăm sóc từ hôm thứ Hai tuần này. Tuy nhiên, ông Johnson vẫn ở bệnh viện để tiếp tục được quan sát đặc biệt và sẽ bắt đầu giai đoạn phục hồi sức khỏe sau khi nhiễm coronavirus. Văn phòng Thủ tướng Anh cũng cho biết tinh thần của Boris Johnson rất tốt trong một thông báo hôm thứ Năm.

Ông Boris Johnson, 55 tuổi, đã nhập viện vào Chủ nhật tuần trước sau 10 ngày xét nghiệm dương tính với coronavirus. Tình trạng của ông chuyển biến xấu vào thứ Hai tuần này và được chuyển đến khu điều trị tích cực. Tuy nhiên, ông Johnson đã không cần sử dụng các biện pháp trợ thở, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab – là người đã được ủy nhiệm hỗ trợ chức vụ thủ tướng khi Johnson bị ốm.

Hai nước có số người bệnh COVID-19 cao nhất châu Âu, Ý và Tây Ban Nha, sẽ tiếp tục phong tỏa cả nước

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tây Ban Nha sẽ tiếp tục phong tỏa đất nước cho đến hết ngày 25/4/2020, theo Bloomberg. Cùng lúc đó, tại Ý, lệnh phong tỏa quốc gia sẽ hết hạn vào ngày 13/4/2020, nhưng chính phủ Ý sẽ tiếp tục phong tỏa thêm hai tuần nữa.

Mặc dù chính phủ của các quốc gia tại châu Âu mong sẽ có thể nới lỏng các lệnh cách ly và phong tỏa để giảm bớt sức ép lên nền kinh tế, nhưng con số người bị nhiễm bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục tăng tại châu lục này. Ngoài ra, con số tử vong tại châu Âu cũng rất cao, 65% trên tổng số người chết trên toàn thế giới. Các nước Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Đức cũng nằm trong số năm nước đứng đầu (chỉ thua Mỹ) về số người nhiễm bệnh.

Theo thống kê từ Đại Học John Hopkins, Hoa Kỳ, số người nhiễm bệnh gia tăng tại Đức trong năm ngày qua. Tại Ý, hôm thứ Tư vừa qua có 3.836 người dương tính, cao nhất trong ba ngày vừa qua. Tại Tây Ban Nha, tổng số người bệnh là 150.000 và số tử vong là hơn 15.000.

Joe Biden đưa ra một số chính sách mới có xu hướng thiên tả hơn

Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Theo tạp chí Politico, ngày 9/4/2020 tại Mỹ, ứng cử viên Joe Biden đã đưa ra một số chính sách mới nghiêng về cánh tả hơn nhằm thu hút những cử tri đã từng ủng hộ đối thủ Bernie Sanders. Theo đó, Biden đề nghị hạ thấp độ tuổi được hưởng bảo hiểm y tế dành cho người già (Medicare) từ 65 xuống 60. Ngoài ra, ông Biden cũng đề nghị xóa nợ học phí cho một số sinh viên thuộc các gia đình trung lưu hoặc thu nhập thấp tại Mỹ.

Động thái này được cho là vì ông Biden biết mình cần có sự ủng hộ của những người trẻ, vốn ủng hộ ông Bernie Sanders.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.