Nếu trở thành tổng thống Mỹ, Joe Biden sẽ tác động đến châu Á ra sao?

Sẽ khá vất vả để xử lý cơn sang chấn tại châu Á mà ông Trump đã gây ra, từ công nghệ đến thương mại, từ Đài Loan đến Bắc Hàn.

Châu Á - Thái Bình Dương đang tự hỏi chiến thắng của ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với...
Châu Á – Thái Bình Dương đang tự hỏi chiến thắng của ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách của Mỹ trong khu vực này sau 4 năm của Tổng thống Donald Trump. Nguồn ảnh: Getty, đồ họa: Nikkei.

Cuộc bầu cử Mỹ sẽ sớm ngã ngũ, và Joe Biden vẫn duy trì vị thế dẫn trước Donald Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận quốc gia. Nếu kịch bản bất ngờ như năm 2016 không xảy ra, và Biden trở thành tổng thống Mỹ, thì châu Á sẽ chịu tác động như thế nào? Luật Khoa trân trọng giới thiệu bài phân tích về vấn đề này của Nikkei Asia đăng ngày 20/10/2020.

***

Việc Joe Biden đắc cử tổng thống sẽ có ý nghĩa thế nào đối với châu Á? Ông ta sẽ là Obama phiên bản 2.0 hay một phiên bản Trump thu gọn? Đây là các câu hỏi mà các nhà chính sách ở cả hai bờ Thái Bình Dương đang đặt ra trước cuộc bầu cử 3/11 tới.

Nếu ông Biden có thể biến vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò thành chiến thắng thực sự, Biden sẽ phải xử lý cơn sang chấn mà ông Trump đã gây ra tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (TBD) trong bốn năm qua.

Chính quyền Trump đã xây dựng một lập trường đối đầu với Trung Quốc về mọi mặt, từ thương mại, công nghệ, COVID-19 cho tới Biển Đông và Đài Loan. TT Trump cũng tạo ra căng thẳng với các đồng minh châu Á khi đe dọa giảm số lượng lính đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như xây dựng một mối quan hệ thân thiết cá nhân với nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong Un.

Việc tách rời khỏi Trung Quốc về mặt công nghệ và tài chính có thể nói là đang diễn ra khi Washington chế tài các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc như Huawei và TikTok. Biden cũng sẽ thừa kế Thỏa thuận Thương mại Giai đoạn I (Phase One trade deal) với Trung Quốc. Đáng lưu ý là Bắc Kinh đang không hoàn thành trách nhiệm mua hàng theo thỏa thuận này. Ngoài ra, mối quan hệ thương mại giữa Washington và các nước châu Á khác cũng đang rạn nứt vì ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Trên đường đua tranh cử, lập trường của Biden về Trung Quốc nghe có vẻ giống với Trump hơn là vị sếp cũ của mình (ông Obama). Trong một cuộc tranh luận, ông gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tên côn đồ (thug). Nhiều nhà phân tích tin rằng lối tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc kiểu Trump sẽ còn tồn tại lâu, thậm chí nếu ứng viên Đảng Dân chủ thắng cử.

Nikkei Asia đã nghiên cứu toàn diện về triển vọng mà tổng thống Biden có thể mang đến cho châu Á. Dưới đây là các nội dung chính:

Một thùng container được cẩu lên ở Cảng Oakland, California vào ngày 13/12/2019. Quan hệ Mỹ-Trung đã bị đảo lộn bởi cuộc thương chiến của TT Trump. Ảnh: AP.
Một thùng container được cẩu lên ở Cảng Oakland, California vào ngày 13/12/2019. Quan hệ Mỹ-Trung đã bị đảo lộn bởi cuộc thương chiến của TT Trump. Ảnh: AP.

Công nghệ và Trung Quốc

Ban vận động của Biden nói rằng ông sẽ dẫn dắt Hoa Kỳ “chiến thắng cuộc cạnh tranh vì một tương lai chống lại Trung Quốc” (win the competition for the future against China).

Trích dẫn việc Trung Quốc tăng chi tiêu 30 lần cho nghiên cứu phát triển từ 1991-2016, Biden cam kết sẽ đầu tư mạnh vào các công nghệ mới, dưới sách lược kinh tế “Mua của người Mỹ” (Buy American). Kế hoạch này sẽ giải ngân 300 tỷ USD để phát triển hàng loạt công nghệ mới, từ xe điện, vật liệu nhẹ tới 5G và trí tuệ nhân tạo – những lĩnh vực mà Trung Quốc đang tăng tốc vượt trội.

Chiến dịch của Biden không đưa ra nhiều thông tin về các biện pháp cụ thể mà ông sẽ thực hiện đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Ông cũng không nói rõ ông có duy trì các chế tài cứng rắn của Trump lên các thực thể Trung Quốc đang bị xếp vào danh sách đen như Huawei hay không. Tuy vậy, các cố vấn của Biden cho chúng ta biết một vài manh mối.

Kurt Campbell, nhà ngoại giao và Jake Sullivan, cố vấn của Biden đã cùng viết trong một bài xã luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 2019 rằng Hoa Kỳ cần “bảo vệ các lợi thế công nghệ trước các hành động bất lương của Trung Quốc như ăn cắp tài sản trí tuệ, các chính sách công nghiệp mục tiêu, và việc nước này mập mờ giữa các thực thể kinh tế và an ninh”. Đây đều là các vấn đề hóc búa trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Hai tác giả cổ súy cho việc “tăng cường áp đặt hạn chế lên dòng chảy đầu tư công nghệ và thương mại hai chiều”. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh việc này nên được thực hiện “một cách chọn lọc” đối với các công nghệ trọng yếu với an ninh quốc gia và nhân quyền”, hơn là áp dụng bừa bãi. “Cấm đoán công nghệ thái quá có thể đẩy các nước khác về phía Trung Quốc”, hai tác giả cảnh báo.

Đồ hoạ: Nikkei. Việt hoá: LK.

Giới chính trị Washington đã dứt khoát lựa chọn một lối tiếp cận cứng rắn với các hãng công nghệ Trung Quốc. Trong tháng này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington (CSIS) công bố một cuộc khảo sát cho hay 71% các lãnh đạo tư tưởng (thought leader) của Mỹ tin rằng Mỹ nên cấm Huawei và các hãng công nghệ Trung Quốc khác tham gia vào thị trường 5G. Hơn 50% cho rằng Washington nên cấm hẳn xuất khẩu với các công ty này.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và là chủ tịch ban quản trị hội đồng Kinh tế và Doanh nghiệp Trung Quốc tại CSIS, nói ông dự đoán “có một sự hòa trộn giữa hợp tác và gây áp lực, nhưng phần hợp tác sẽ nhiều hơn nhiều” với các chính phủ nước khác dưới thời chính quyền Biden.

Ông Biden có thể vẫn duy trì các biện pháp mà chính quyền Trump sử dụng, như kiểm soát xuất khẩu và giới hạn đầu tư – nhưng việc thực hiện thì sẽ rất khác, Kennedy nói.

“Người ta phải hiểu rằng chính sách của Mỹ sẽ bị tác động rất lớn bởi những gì mà Trung Quốc làm”, nhà cố vấn nói. “Nếu Trung Quốc tiếp tục các chính sách mà họ đang thực hiện như bây giờ… với kế hoạch năm năm mới và kế hoạch [công nghệ và khoa học] 15 năm, thì nó sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực từ nước Mỹ và các nước khác”.

TT Trump cầm lệnh hành pháp ra lệnh cho Mỹ rút khỏi TPP tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng hôm 23/1/2017. Ảnh: UPI/Kyodo.
TT Trump cầm lệnh hành pháp ra lệnh cho Mỹ rút khỏi TPP tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng hôm 23/1/2017. Ảnh: UPI/Kyodo.

Thương mại

Biden đã nói rằng ông muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ để cùng gây áp lực lên Bắc Kinh.

Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đã khiến nền kinh tế thế giới mất nhiều tỷ đô-la. Mặc dù hai nước đã đạt thỏa thuận giai đoạn một, mức thuế trung bình mà Mỹ áp lên hàng nhập từ Trung Quốc vẫn là 19,3%, cao hơn chín lần so với năm 2018, thời điểm trước thương chiến. Mức thuế trung bình mà Trung Quốc áp cho hàng Mỹ là 20,3%, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Chính quyền Trump cũng tỏ ra không thích hợp tác với đồng minh và ghẻ lạnh các thiết chế quốc tế. Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP, Thỏa thuận Khí hậu Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa bỏ luôn cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ tập trung vào vấn đề Trung Quốc nhiều hơn, và làm việc chặt chẽ hơn với đồng minh. Biden cũng sẽ thận trọng hơn nhiều khi sử dụng thuế”, Edward Alden, nhà nghiên cứu lâu năm tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, chuyên về thương mại nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là thuế quan sẽ được gỡ bỏ ngay lập tức”.

Biden gọi Thỏa thuận Giai đoạn I của Trump với Bắc Kinh là “rỗng tuếch” (empty), vì nó chưa can thiệp được vào các hành vi thương mại bất công hay việc ăn cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, theo trang web chiến dịch tranh cử của Biden. Ông cũng cam kết sẽ làm việc với đồng minh của Mỹ để buộc Trung Quốc phải thay đổi lối hành xử.

Hầu hết các chuyên gia tin rằng việc Mỹ-Trung đối đầu là không thể tránh được, nhưng cách chính quyền Mỹ xử lý cuộc cạnh tranh này sẽ là chìa khóa để tạo ra các thay đổi tích cực trong mối quan hệ song phương.

Clayton Dube, giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ-Trung tại Đại học Nam California, nói rằng một lối tiếp cận thành công cần dựa trên “một khuôn khổ thực tế” và Mỹ không nên “dành quá nhiều thời gian cho những thứ bất khả thi”, chẳng hạn như đòi Trung Quốc cải tổ thể chế.

Bằng cách hợp tác với các đồng minh tin cậy của mình và cho Bắc Kinh thấy rằng “thay đổi cuối cùng sẽ có lợi, và không thay đổi thì lại làm hại Trung Quốc”, giới lãnh đạo Mỹ sẽ có khả năng cao hơn trong việc thuyết phục Bắc Kinh đồng ý với các điều khoản của mình, Dube nói.

Tuy nhiên, việc này cũng không có nghĩa là Biden sẽ quay trở lại gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP – phiên bản TPP thiếu Mỹ) ngay lập tức sau khi ông đắc cử.

Trong thời gian vận động, Biden hầu như im lặng đối với TPP – một thiết chế vốn được ca tụng bởi chính quyền Obama nhưng lại bị nhánh cấp tiến của Đảng Dân chủ chỉ trích. Biden lập luận rằng nước Mỹ cần phải đầu tư trong nước trước khi thực hiện các thỏa thuận to lớn bên ngoài.

Wendy Cutler, cựu phó đại diện thương mại Mỹ và phó chủ tịch Viện chính sách Xã hội châu Á, nói rằng Biden sẽ cần phải xây dựng lại niềm tin ở châu Á và chứng tỏ Mỹ thực sự muốn hợp tác thương mại với khu vực.

Bà đề xuất rằng các “thỏa thuận theo lĩnh vực lâm thời” có thể gây dựng thiện chí của tân chính quyền Biden, trong khi “tránh được rất nhiều vấn đề nhạy cảm ở trong và ngoài nước”. Các nội dung như thương mại số, sản phẩm y tế và các vấn đề môi trường, khí hậu sẽ thích hợp cho các thỏa thuận dần dần này của Mỹ với châu Á.

Biden nói rằng thay vì đưa về Mỹ tất cả mọi thứ (điều mà Trump liên tục nhắc đến), ông muốn đưa các chuỗi cung ứng trọng yếu về nước, chẳng hạn sản xuất y tế, trong bối cảnh Mỹ thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Cutler nói rằng Mỹ có thể làm việc với các đồng minh tin cẩn trong CPTPP để giải quyết vấn đề tính dễ tổn thương của các chuỗi cung ứng đặt ở nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc – người dịch).

Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis di chuyển ở Biển Đông trong hoàng hôn ngày 25/2/2019. Ảnh: Reuters.

Biển Đông

Trong chuyến công du tới Úc năm 2016, Biden thề rằng Mỹ sẽ “bảo đảm các tuyến đường biển và bầu trời không bao giờ bị đóng kín”.

“Và tôi cam đoan với các bạn, Hoa Kỳ sẽ không đi đâu hết. Hoa Kỳ sẽ luôn luôn ở đây, ở Thái Bình Dương này”, ông nói.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố sức mạnh đồng minh của Washington và khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ. Ở Biển Đông, điều này nghĩa là Mỹ sẽ tương tác nhiều hơn với các nước Đông Nam Á.

Phương án của Biden sẽ không chỉ tập trung vào “mặt đối đầu trong chính sách Trung Quốc”, mà còn “làm sao để giải tỏa các lo ngại trong khu vực của các đồng minh và đối tác của Mỹ”, và “cố gắng thiết lập một cái đáy an toàn trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung”, Patrick Cronin, chủ tịch ủy ban An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Hudson tại Washington, nói.

Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong chính quyền Obama, cho rằng Biden sẽ cố tránh leo thang quân sự xảy đến từ việc thiếu trao đổi thông tin.

Nhưng “điểm khác biệt mấu chốt nếu Biden đắc cử là chúng ta sẽ có một tổng thống biết lập chính sách”, Russel nói. Ông cho rằng hành động của Mỹ tại Biển Đông trong những năm gần đây, chẳng hạn các chiến dịch tự do hàng hải, không đến từ Trump mà từ các cơ quan bên dưới như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

“[Với Biden] chúng ta sẽ có một chiến lược an ninh quốc gia … mà không chỉ bao gồm mỗi việc gửi tàu chiến đi tuần tiễu”, ông nói. “Nó sẽ bao gồm cả ngoại giao, tương tác và tham giao và các diễn đàn ASEAN và khu vực”.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong buổi khánh thành trung tâm bảo trì máy bay F-16 (mua của Mỹ), tại Đài Chung, Đài Loan hôm 28/8. Ảnh: AP.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong buổi khánh thành trung tâm bảo trì máy bay F-16 (mua của Mỹ), tại Đài Chung, Đài Loan hôm 28/8. Ảnh: AP.

Đài Loan

Năm 2001, Biden viết một bài quan điểm đăng trên tờ Washington Post kêu gọi “Không nên quá tay trong vấn đề Đài Loan” (Not So Deft on Taiwan). Bài viết bộc lộ thái độ cẩn trọng của ông Biden đối với sự can thiệp của Mỹ (theo hướng ủng hộ Đài Loan) tại khu vực này.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, Biden ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ông chỉ trích ông Tập Cận Bình thẳng thừng về vấn đề Hong Kong, và là ứng viên Đảng Dân chủ đầu tiên chúc mừng Tổng thống Thái Anh Văn khi bà thắng cử, đồng thời cổ vũ cho mối quan hệ Mỹ-Đài mạnh mẽ hơn.

Tuy vậy nếu Biden đắc cử, chính sách bán vũ khí hàng loạt của chính quyền Trump cho Đài Loan có thể đặt ông vào một vị thế khó xử.

Obama “không đồng ý bán thiết bị hiệu năng cao mới cho Đài Loan”, David Denoon, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung, đại học New York, nói.

“Vì thế, khả năng là chính quyền Biden sẽ ít sẵn lòng hơn (so với Trump) về mặt cung cấp thiết bị quân sự cho Đài Loan”.

“Mặt khác, hiện lưỡng đảng trong Quốc hội đang ủng hộ Đài Loan rất mạnh, vì thế Biden cũng không thể hoàn toàn gạt Đài Loan ra được”, Denoon nói.

Rafiq Dossani, giám đốc Trung tâm Chính sách Châu Á – TBD nói rằng động lực của mối quan hệ Mỹ-Đài “không phải là Mỹ, mà là quan hệ Đài-Trung”.

Nếu quan hệ giữa các đảng cầm quyền Đài Loan và Đại lục tiếp tục xuống cấp, “tôi cho rằng Biden sẽ ủng hộ Đài Loan và cứng rắn với Trung Quốc”, Dossani nói. “Về mặt khác, nếu mối quan hệ này ổn định, thì sẽ có chỗ trống để Biden dàn xếp các lo ngại của Trung Quốc [về vấn đề Đài Loan]”.

Bắc Hàn trưng bày tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của mình trong một cuộc diễu hành ở Bình Nhưỡng hôm 10/10. Ảnh: KCNA/Kyodo.
Bắc Hàn trưng bày tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của mình trong một cuộc diễu hành ở Bình Nhưỡng hôm 10/10. Ảnh: KCNA/Kyodo.

Bắc Hàn và lính Mỹ ở châu Á

Biden nói ông muốn hợp tác với các đồng minh – nổi bật nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc – và kể cả các nước khác như Trung Quốc, để gây áp lực buộc Bắc Hàn phi hạt nhân hóa. Ông cũng muốn thắt chặt kiểm soát vũ trang trong khu với sự hợp tác của Nga.

Lập trường này tương phản với Tổng thống Trump. Theo nhiều báo cáo cũng như theo lời của chính cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, ông Trump đã đe dọa rút binh lính khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đồng minh lâu đời của Mỹ tại Đông Bắc Á – nếu họ không trả thêm hàng tỷ đô chi phí hỗ trợ lính Mỹ đồn trú.

“Tôi nghĩ rằng mối quan hệ của chúng ta với Hàn Quốc đang bị tổn hại”, Cronin từ Viện Hudson nói. “Biden chắc chắn sẽ có thể đánh hiệu từ sớm, gửi Ngoại trưởng của ông tới khu vực để cho thấy một thái độ hoàn toàn khác”. Cronin cũng đánh giá Biden sẽ sẵn lòng hơn trong việc “can thiệp và dùng thiện chí chính trị để giúp hòa giải mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Quả vậy, trong ba phút đánh giá chính sách ngoại giao của Trump tại cuộc nói chuyện với cử tri do ABC News tổ chức, Biden đã nhắc đến thực tế rằng “Nhật Bản và Hàn Quốc đang không ưa nhau”, ám chỉ rằng chính quyền của ông coi đây là một vấn đề cần sửa chữa.

Jennifer Lind, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Dartmouth, cho rằng Biden sẽ đưa Mỹ trở lại phương pháp truyền thống khi đối phó với Bình Nhưỡng.

“Tôi kỳ vọng Biden sẽ chọn theo lối tiếp cận lâu đời của Mỹ đối với Bắc Hàn, vốn là phương án hỗn hợp, vừa ngăn chặn, vừa nỗ lực ngoại giao khi có thể”, Lind nói.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.