Bức tranh 2020 qua các con chữ

Một năm với nhiều biến động như 2020 không thể chỉ được mô tả bằng một hai từ.

Bức tranh 2020 qua các con chữ
Đồ họa: Luật Khoa.

Cách đây vài ngày, độc giả trên trang Public Address của New Zealand đã bình chọn “doomscrolling” là từ khóa nổi bật nhất của năm 2020.

Từ này là kết hợp giữa “doom” (sự bất hạnh, có thể dùng như tận thế) và “scroll” (cuộn, ở đây mô tả thao tác dùng ngón tay lướt điện thoại). “Doomscrolling” là hành động cầm điện thoại không ngừng cuộn màn hình để đọc những tin tức thảm họa, tiêu cực. Dù biết là toàn tin xấu, người ta vẫn bị ám ảnh phải theo dõi cập nhật nó liên tục.

Những độc giả của trang từ điển nổi tiếng Dictionary.com thì bình chọn “unprecedented” là từ khóa của năm. Nó được ghép từ tiền tố “un-” (không) và danh từ “precendent” (tiền lệ, hay việc đã từng xảy ra). “Unprecedented” vì thế nghĩa là chưa từng có tiền lệ, hay chưa bao giờ thấy. Năm 2020 đối với họ là năm trải đầy các biến cố chưa bao giờ thấy trước đây.

Trước đó, những người điều hành trang từ điển Dictionary.com đã chọn “pandemic” là từ khóa của năm. Đó cũng là kết quả lựa chọn của Merriam-Webster, nhà xuất bản từ điển có gần 200 năm tuổi. “Pandemic” dùng để chỉ các loại dịch bệnh lây lan trên diện rộng, giữa các quốc gia và châu lục, ảnh hưởng một bộ phận đáng kể của dân số.

Nhiều người New Zealand chọn “doomscrolling” (dán mắt theo dõi tin tức tiêu cực) là từ khóa của năm 2020. Ảnh: Alamy Stock Photo.

Một nhà xuất bản từ điển khác là Colins Dictionary chọn “lockdown” (phong tỏa) là từ đại diện của năm. Họ lý giải từ này “diễn tả trọn vẹn trải nghiệm của hàng tỷ người trên thế giới trong năm qua”.

Trang từ điển Lexico năm nay lần đầu tham gia cuộc chơi, và lựa chọn của họ là “quarantine” (cách ly), một từ mà “mới hồi đầu năm còn là một thuật ngữ xa lạ, chỉ nghe tới trong phim, giờ đây đã trở thành một phần trong ngôn ngữ đời sống hàng ngày.”

Các trang từ điển bình chọn những từ khóa dựa trên mức độ truy cập tăng vọt so với năm trước đó, từ hàng trăm đến hàng ngàn lần.

Có quá nhiều ứng viên

Nhà xuất bản của Oxford Dictionary, từ điển có lẽ là quen thuộc nhất với người Việt Nam, cũng ghi nhận lượng truy cập tăng vọt cho các từ đề cập ở trên. Nhưng đồng thời họ cũng ghi nhận hàng chục từ khóa khác mà mức độ sử dụng nhiều đến mức “có thể đánh bại bất kỳ từ khóa nào của những năm trước đó”. Vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử, Oxford không bình chọn một từ đại diện của năm, mà đưa ra hàng loạt từ cùng lúc. Đó là một chuyện “unprecedented”, vô tiền khoáng hậu, như những người phụ trách công việc theo dõi bình chọn này của Oxford nhận định (có lẽ họ cũng đã bình chọn cho từ này trên trang Dictionary.com ở trên).

“Pandemic” được nhiều người lựa chọn là từ nổi bật nhất của năm 2020. Nhưng nhiều ứng viên khác cũng xứng đáng cho vị trí đại diện. Ảnh: Getty.

Thay vì chọn một từ khóa, Oxford chia ra các từ theo chủ đề khác nhau, đại diện cho những sự kiện nổi bật của năm.

Sự kiện đáng chú ý nhất tất nhiên là dịch bệnh Covid-19, cùng với nó là hàng loạt từ bỗng dưng trở thành cửa miệng của nhiều người. “Covid-19” và “coronavirus” được nhắc đến hàng ngày. “Lockdown” (phong tỏa), “facemasks” (khẩu trang), PPE (personal protective equipment – thiết bị bảo vệ cá nhân), “frontliners” (những người ở tuyến đầu chống dịch) trở nên quen thuộc.

Các từ được sử dụng phổ biến còn phản ánh những mâu thuẫn xã hội, như khi “mask up” (đeo khẩu trang vào) được nhắc đến nhiều, “anti-mask” (chống lại việc đeo khẩu trang) cũng lập tức nổi lên.

Sự kiện đáng chú ý khác là làm việc và học tập từ xa qua mạng. Từ khóa “remote” (từ xa) nghiễm nhiên được nhắc đến mọi nơi. Những từ như “mute” (im lặng) và “unmute” (mở tiếng) bống chốc cũng thịnh hành, khi người ta loay hoay làm quen với các phần mềm làm việc trực tuyến, tìm cách bật và tắt âm thanh trong các cuộc họp.

Ngoài những từ sẵn có, từ chế cũng lên ngôi. “Workcation”, ghép từ “work” (làm việc) và “vacation” (nghỉ phép), ý chỉ những ngày vừa nghỉ phép vừa làm việc, nhắc nhở về một năm không có ngày nghỉ. Trong khi đó, “staycation”, từ ghép của “stay” (ở nhà) và “vacation”, mang nghĩa đi du lịch nghỉ mát loanh quanh trong nước hay ở nhà, lại nhắc nhớ về một năm bị chôn chân bó buộc của hàng triệu người.

Năm 2020 không thiếu các biến động về chính trị. Ở các nước phương Tây, “Black Lives Matter” (sinh mạng của người da màu cũng đáng quý) là cụm từ nóng hổi, khuấy đảo các cuộc thảo luận chính trị và thổi bùng những phong trào xã hội. “QAnon” cũng trở thành cái tên quen thuộc với những ai hâm mộ và chia sẻ cuồng nhiệt các thuyết âm mưu giật gân.

Trong một năm mà vấn đề môi trường hầu như lép vế so với các diễn biến căng thẳng về dịch bệnh và chính trị, vẫn có một từ khóa mới đáng chú ý xuất hiện. “Anthropause”, ghép từ “anthro” (con người) và “pause” (tạm ngưng), được tạo ra để chỉ hiện tượng các hoạt động du lịch và sản xuất toàn cầu bị giới hạn và ngưng lại dưới tác động của đại dịch. Một hệ quả tích cực từ đó là suy giảm ô nhiễm từ các hoạt động của con người, cả về khí thải, âm thanh, lẫn ánh sáng.

Bức tranh mini của người Thụy Sĩ

Giống như từ điển Oxford, những người Thụy Sĩ cũng không chọn ra được một từ khóa riêng lẻ nào để mô tả về năm qua. Mỗi vùng của Thụy Sĩ, với người dân nói các thứ tiếng khác nhau, có suy nghĩ riêng về bức tranh trong năm 2020 này.

Người Thụy Sĩ ở những vùng khác nhau chọn các từ khóa khác nhau để mô tả năm 2020. Ảnh: ZHAW Linguistik.

Người ở vùng nói tiếng Ý chọn “pandemia”, giống như “pandemic” (dịch bệnh) của tiếng Anh, làm từ của năm. Điều này dễ hiểu khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Thụy Sĩ xuất hiện tại khu vực này. Người ở vùng nói tiếng Romansh, một ngôn ngữ gốc Latin gần với tiếng Ý, thì chọn “mascrina”, nghĩa giống với “mask” (khẩu trang), làm từ khóa. Các lựa chọn này khá tương đồng với thế giới. Nhưng dân cư ở hai vùng này thuộc nhóm thiểu số tại Thụy Sĩ.

Ở nhóm dân cư lớn nhất, những người nói tiếng Đức, từ khóa là “systemrelevant”, tương đương với “systematically relevant” trong tiếng Anh. Nghĩa đen chỉ những thứ liên quan đến hệ thống, có thể hiểu đơn giản là “trọng yếu”. Nó trở thành từ được thảo luận nhiều khi chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa kinh tế nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Chỉ những ngành nghề được xem là “trọng yếu” mới được phép tiếp tục hoạt động. Hệ quả là mọi người bắt đầu suy nghĩ và đặt ra câu hỏi, “chẳng phải tất cả chúng ta đều trọng yếu, đều là một phần của hệ thống đó sao?”.

Tại nhóm dân cư lớn thứ hai của Thụy Sĩ, khu vực người dân nói tiếng Pháp, từ khóa được lựa chọn lại là “coronagraben”. Nó là sáng tạo ăn theo của một từ xuất hiện từ lâu, “röstigraben”, được ghép từ chữ “rösti”, món bánh khoai tây truyền thống của người dân vùng nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ, và “graben”, chỉ hố ngăn cách. “Röstigraben” xưa nay được dùng để mô tả sự khác biệt về tập quán, văn hóa lẫn tư duy chính trị giữa hai vùng lớn nhất của Thụy Sĩ, khu vực người dân nói tiếng Đức và tiếng Pháp.

Trong năm của dịch bệnh, “coronagraben”, ghép từ virus “corona” và “graben”, được chế ra để tiếp tục phản ánh sự khác biệt giữa hai vùng này. Trong khi vùng nói tiếng Đức ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thì khu vực nói tiếng Pháp lại phải chống đỡ vất vả với nhiều ca lây nhiễm.

Nhưng đó là thời điểm ban đầu. Giờ đây, khi các vùng (canton) nói tiếng Pháp đã chứng kiến tốc độ lây lan của dịch bệnh bị khống chế nhờ vào các biện pháp phong tỏa gắt gao, khu vực nói tiếng Đức lại bắt đầu phải đối phó với các ca bệnh tăng cao do buông lỏng kiểm soát.

Có lẽ “coronagraben” vẫn sẽ tiếp tục được nhắc tới, hoặc một từ “-graben” nào đó sẽ được người Thụy Sĩ chế ra để phản ánh sự khác biệt giữa những người sống trong cùng một đất nước này.

Đó như một bức tranh mini, đồng điệu với bức tranh chung của nhân loại. Tuy khác biệt nhưng cùng chung một số phận, và tuy chung một con thuyền, nhưng vẫn chèo về những hướng khác nhau.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.