Tốc ký toàn cầu về hiện tượng “tội phạm hóa” COVID-19

Liệu thế giới có đang hình sự hóa quá độ các hành vi liên quan đến việc lây lan COVID-19?

Tốc ký toàn cầu về hiện tượng “tội phạm hóa” COVID-19
Ảnh: Nhac NGUYEN/ AFP.

“Đại dịch thế kỷ” COVID-19 tạo ra nỗi lo sợ đủ lớn và do đó, khiến các chính quyền trên toàn cầu có được sự ủng hộ đủ mạnh trong quá trình hình sự hóa các hành vi liên quan đến COVID-19.

Hiển nhiên, thừa nhận tác động lâu dài của COVID-19 để từ đó có những chính sách và ứng phó khoa học cụ thể là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu tiếng Việt hay tiếng Anh nào ghi nhận một cách tổng quát xem việc áp đặt các hình phạt hình sự dành cho một số hành vi liên quan đến dịch bệnh đang diễn ra như thế nào và được kiểm soát ra sao, v.v.

Liệu thế giới có đang hình sự hóa quá độ (over-criminalisation) các hành vi liên quan đến việc lây lan dịch COVID-19 hay không?

Bài viết này là một nỗ lực minh bạch và tổng hợp thông tin về vấn đề trên và từ đó, giới thiệu những nhóm quan điểm khoa học pháp lý đang tồn tại về hiện tượng này.

Chính quyền: Cùng nhau chơi “tẩy sàn”

Để ứng phó trước một đại dịch khổng lồ có khả năng ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội, bộ máy hành pháp của các quốc gia trên thế giới gần như tung hết mọi chiêu bài và lý lẽ mà họ có.

Một mặt, họ gây dựng hình ảnh một chính phủ cứng rắn, kiên quyết “dập dịch”. Mặt khác, họ tin rằng các biện pháp mạnh như truy tố hình sự với một số trường hợp “điển hình” có thể làm gương răn đe những vi phạm tương tự. Cuối cùng, xử lý hình sự dường như cũng được sử dụng như một công cụ nhằm đổ lỗi cho một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể khi chính quyền mắc phải những sai lầm trong kiểm soát dịch.

Đa số các bộ máy hành pháp trên thế giới đều có các động thái tương tự nhau trong phòng dịch COVID-19 và ít nhiều đều đưa ra những lập luận trên, hầu như không phân biệt giữa chính quyền dân chủ hay không dân chủ, tự do hay phi tự do.

Cảnh sát tuần tra trên đường phố Bắc Kinh trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Ảnh: AP.

Trung Quốc, lãnh thổ đầu tiên xác nhận sự tồn tại của virus SARS-CoV-2, hình sự hóa các hành vi liên quan đến lây truyền virus này trở thành chuyện thường tình. Ghi nhận trên những trang truyền thông lớn như CNN cho thấy, việc một người đã mắc bệnh nhưng cố tình thực hiện những hành vi có thể làm lây lan bệnh (như khạc nhổ nơi công cộng) hoàn toàn có thể bị truy tố hình sự. [1] Tương tự, những người có nguy cơ mắc bệnh hoặc đã được chẩn đoán có bệnh, song từ chối thực hiện cách ly hoặc không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, cơ quan có thẩm quyền cũng phải đối mặt với các biện pháp hình sự cứng rắn. [2]

Do thông tin bị kiểm soát gắt gao và những người dám cung cấp thông tin ra bên ngoài có thể phải chịu án tù, hiện tại khó tìm thấy các nguồn khả tín hay các nghiên cứu khoa học rõ ràng có liên quan đến vấn đề hình sự hóa nhằm kiểm soát COVID-19 tại Trung Quốc. [3]

Tuy nhiên, vì hầu hết các quyết định, thông báo về việc “nặng tay” để kiềm chế dịch bệnh đều đến từ phía cơ quan công an các cấp, không khó để hình dung rằng các công cụ bạo lực được sử dụng phổ biến ra sao khi Trung Quốc khi đạt đỉnh dịch.

Nhưng Trung Quốc không phải là chính quyền duy nhất viện dẫn đến pháp luật hình sự. Và càng bất ngờ hơn, Hoa Kỳ mới lại là quốc gia sử dụng những quy phạm có phần bất tương xứng một cách vượt trội, dù trong thực tế, việc áp dụng vũ lực có thể không ở mức nghiêm trọng như Trung Quốc.

Trong một bản ghi chú của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gửi cho các lực lượng chấp pháp liên bang, hành vi đe dọa, tiếp xúc và gây lây nhiễm COVID-19 có chủ đích có thể bị xem xét bằng cơ chế hình sự của liên bang cho tội chống… khủng bố. [4]

Phó Tổng Chưởng lý tại thời điểm đó, ông Jeffrey Rosen, ghi nhận:

“Vì virus Corona đã đạt đủ tiêu chuẩn pháp lý để được xem là vũ khí sinh học (biological agent – ND), các hành vi đe dọa hoặc sử dụng virus như một vũ khí chống lại người Mỹ sẽ không được dung thứ”.

Và thực tế là cả chính quyền tiểu bang lẫn liên bang đều không nói suông.

Jeffrey Rosen, người giữ chức phó tổng chưởng lý liên bang Hoa Kỳ trong giai đoạn 2019-2020. Ảnh: AP.

Hồi tháng 3/2020, Tổng Chưởng lý New Jersey đã đưa ra cáo trạng với tội danh “đe dọa khủng bố” (terroristic threat) cho một người đàn ông, được ghi nhận liên tục ho vào mặt một phụ nữ là nhân viên một cửa hàng bách hóa, và đe dọa rằng ông ta đã dương tính với COVID-19. [5]

Ở tiểu bang Florida, một người đàn ông bị bắt giữ và khởi tố vì ho và khạc nhổ vào các cảnh sát viên, đồng thời la lối rằng mình có mầm bệnh Corona và sẽ làm lây lan nó khắp mọi nơi. [6] Ông này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, nhưng ngay sau đó đã bị khởi tố với tội danh sử dụng vũ khí sinh học để đưa ra các lời đe dọa bịp (perpetrating a biological weapons hoax). Theo Luật Hình sự Liên bang, tội danh này có mức án tù cao nhất là 5 năm.

Khá tương tự, một người đàn ông sống ở tiểu bang Missouri và một người phụ nữ ở Pennsylvania được ghi nhận đã ho và liếm vào nhiều sản phẩm trị giá hàng chục ngàn Mỹ kim tại các trung tâm mua sắm địa phương. [7] [8] Họ đã bị bắt và bị khởi tố bằng các tội danh gần tương đương như ở các tiểu bang khác.

Tại Pháp lẫn Italy, nhiều công cụ pháp lý hình sự đã sẵn sàng từ tháng 3/2020 để đối mặt với hiện tượng vi phạm các quy định cách ly và giãn cách xã hội. [9] [10]

Với một số tình huống đặc biệt thú vị, nhiều luật sư và luật gia nước ngoài cũng gợi ý rằng việc lan truyền COVID-19 thông qua hành vi quan hệ tình dục nên được liệt kê vào nhóm tội danh tấn công tình dục (sexual assault). [11]

Một số quốc gia khác, như Nam Phi, đầu tư hẳn cả một đạo luật riêng để đối đầu với COVID-19.

Trong văn bản pháp lý có tên gọi “Đạo luật Kiểm soát Thiên tai” (Disaster Management Act), các nhà làm luật Nam Phi chủ động hình sự hóa hành vi cố ý gây phơi nhiễm COVID-19. [12] Thú vị hơn, theo họ, hành vi này hoàn toàn có thể bị khởi tố dưới tội danh cố sát (murder/attempt murder).

Tại Việt Nam, tội danh tại Điều 240, Bộ luật Hình sự ngày 27/11/2015 với tên gọi “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đang là tâm điểm chú ý trong suốt cả năm qua.

Điều khoản này được xây dựng chủ yếu liên quan đến việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người (độc giả chỉ cần đọc hai khoản đầu tiên để thấy được điều này), nhưng nhờ vào điều khoản thòng “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã kịp thời ra Công văn 45/TANDTC-PC, từ đó hình sự hóa các hành vi liên quan đến COVID-19. [13]

Hình sự hóa COVID-19 từ góc nhìn khoa học pháp lý

Ở một góc nhìn tổng quan, có thể đại đa số dân chúng đều ủng hộ việc hình sự hóa các hành vi cố ý, hoặc vô ý, cẩu thả làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Nhìn từ lăng kính chính trị cấp tiến hay dân chủ, rõ ràng các quốc gia phương Tây cũng không có định hướng hay cách tiếp cận nào tiến bộ hơn hẳn những quốc gia Đông Á như Việt Nam hay Trung Quốc. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc cho rằng hình sự hóa một số hành vi liên quan đến COVID-19 là đúng đắn hay có hiệu quả lâu dài về mặt chính sách.

Có một số hướng phản biện chủ yếu sau đây.

Phổ biến nhất, nhiều nhà nghiên cứu kêu gọi các quốc gia cẩn trọng để không dẫm vào vết xe đổ của kinh nghiệm hình sự hóa liên quan đến “căn bệnh thế kỷ” – HIV/AIDS. [14]

Trong nghiên cứu mang tên “The Risks of Criminalizing COVID-19 Exposure: Lessons from HIV”, nhóm tác giả đến từ Đại học George Washington đã sử dụng các yếu tố nhân khẩu, lịch sử của quá trình hình sự hóa hành vi làm lây nhiễm HIV để so sánh với đại dịch COVID-19. [15]

Theo đó, nhóm ghi nhận rằng sau một khoảng thời gian nhất định ban đầu mà ai cũng có thể mắc phải, HIV/AIDS và COVID-19 đều cùng trở thành một loại bệnh của người yếu thế.

Người vô gia cư ở Sài Gòn trong đợt cách ly xã hội, tháng 4/2020. Ảnh: Lao Động.

Có thể sử dụng các biện pháp an toàn trong tình dục – sử dụng chất hướng thần để bảo vệ con người khỏi căn bệnh HIV/AIDS, hoặc chích ngừa vaccine và dùng các sản phẩm y tế khác để phòng tránh COVID-19. Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm có chất lượng để phòng chống các dịch bệnh trên đều ngốn một lượng thu nhập đáng kể từ các hộ gia đình nghèo. Nhóm nghiên cứu dẫn chứng, tương tự như HIV/AIDS, COVID-19 đã và đang cho thấy khả năng nhiễm bệnh và gây ảnh hưởng đến đời sống của người da đen là cao hơn hẳn so với các hộ gia đình da trắng.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu không cẩn thận, việc sử dụng các công cụ pháp luật hình sự hoàn toàn có thể dẫn đến hiện tượng tội phạm hóa quá độ các hành vi đơn giản như không khai báo bệnh HIV (khét tiếng với tội danh “HIV non-disclosure”, thường vì người bệnh lo sợ định kiến của xã hội). Chính sách này không những không có đóng góp gì đáng kể cho quá trình phòng chống dịch bệnh, mà còn không giải quyết được tận gốc của vấn đề liên quan đến bất bình đẳng kinh tế – xã hội (ví dụ, có người trốn cách ly vì là nguồn nhân lực duy nhất nuôi gia đình, hoặc không đủ tài chính trang trải chi phí cách ly…).

Trong một số nghiên cứu khác, như của nhóm tác giả thuộc  trường Đại học Queensland, tội phạm hóa hành vi gây lây nhiễm, trốn tránh cách ly hay các hành vi có tính chất tương tự chỉ càng đẩy mạnh thái độ thù địch và định kiến của cộng đồng với người bệnh và gia đình của họ. [16]

Nhóm nghiên cứu khẳng định các chiến dịch đổ lỗi và đấu tố (“naming” and “shaming”) trên mạng xã hội và báo chí đã diễn ra ở khắp mọi ngóc ngách trên thế giới. Điều này không hề giúp gì cho nỗ lực chống lại một căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải.

Nhóm cũng tranh biện rằng, đối với những căn bệnh truyền nhiễm, trước khi chính quyền dùng đến bộ luật hình sự, phải xác định được một cách rõ ràng yếu tố động cơ và lỗi cố ý. Một người cần phải có đủ thông tin để chắc chắn rằng mình đang mang mầm bệnh, và sau đó cố ý lan truyền bệnh cho người khác, thì việc sử dụng tội danh hình sự mới tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi.

***

Nhìn chung, trong một số bối cảnh cụ thể, việc áp dụng các quy định pháp luật hình sự có thể là cần thiết. Nhưng lơ lửng chiếc “máy chém” này trên đầu những người đang mắc bệnh và phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn tài chính – xã hội khác chắc chắn không phải là câu trả lời xác đáng cho một dịch bệnh đến nay vẫn chưa có lối ra.

Tại Việt Nam, các gia đình công nhân, lao động nghèo không thể tiếp cận với hệ thống hạ tầng nơi ở tách biệt, không có đầy đủ tiện ích y tế và vệ sinh luôn là nhóm dễ tổn thương nhất trong các đợt dịch bệnh hoành hành.

Đặc biệt, trong môi trường và chất lượng tư pháp hình sự của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng tội danh hình sự để biến một cá nhân hay một tổ chức thành “vật tế thần” cho các sai lầm trong chính sách của nhà nước luôn có thể xảy ra.

Vì vậy, phản đối việc tội phạm hóa quá độ việc lây lan COVID-19 trở thành lựa chọn lý tính nhất hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1.  Regan, B. H. (2020, January 31). January 30, 2020 coronavirus news. CNN. https://edition.cnn.com/asia/live-news/coronavirus-outbreak-01-30-20-intl-hnk/h_f66290a211493ac108b20f9bd7921d1e

2.  Tone, S. (2020, February 6). Hubei Police Say Refusing Quarantine, Spitting at People Illegal. Sixth Tone. https://www.sixthtone.com/news/1005147/hubei-police-say-refusing-quarantine%2C-spitting-at-people-illegal

3.  Baculinao, E., Talmazan, Y., Frayer, J. M., Reuters, & The Associated Press. (2020, December 31). Chinese citizen journalist Zhang Zhan jailed for “provoking trouble” with Wuhan reporting. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/world/chinese-citizen-journalist-zhang-zhan-jailed-provoking-trouble-wuhan-reporting-n1252403

4.  Gerstein, J. (2020, March 25). Those who intentionally spread coronavirus could be charged as terrorists. POLITICO. https://www.politico.com/news/2020/03/24/coronavirus-terrorism-justice-department-147821

5.  Office of The Attorney General. (2020, March 24). Man Charged with Terroristic Threats for Allegedly Coughing on Food Store Employee and Telling Her He Has Coronavirus [Press release]. https://www.nj.gov/oag/newsreleases20/pr20200324b.html

6.  Balsamo, M. (2020, April 8). US Charges 2 With Terror Crimes Over Threats to Spread Virus. NBC New York. https://www.nbcnewyork.com/news/national-international/us-charges-2-with-terror-crimes-over-threats-to-spread-virus/2365998

7.  Burke, M. (2020, March 26). Missouri man charged with licking items at Walmart to mock coronavirus fears. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/amp/ncna1168901

8.  Fieldstadt, E. (2020, March 27). Woman who coughed on $35K worth of grocery store food charged with four felonies. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/us-news/grocery-store-throws-out-35k-worth-food-woman-coughed-twisted-n1169401

9.   Pham-Lê, J. D. E. J. (2020, March 19). Confinement : premières gardes à vue pour «mise en danger de la vie d’autrui». leparisien.fr. https://www.leparisien.fr/faits-divers/confinement-premieres-gardes-a-vue-en-france-pour-non-respect-des-regles-19-03-2020-8284038.php

10.  Uslenghi, M. (2020, April 3). Criminal Penalties For Non-Compliance With COVID-19 Containment Measures. Mondaq. https://www.mondaq.com/italy/reporting-and-compliance/912024/criminal-penalties-for-non-compliance-with-covid-19-containment-measures

11.  Lee Seshagiri – The Lawyer’s Daily. (2020) Criminalizing COVID-19 transmission via sexual assault law? No. And that means no. The Lawyer’S Daily. https://www.thelawyersdaily.ca/articles/18817

12. Disaster Management Act (March 2020). https://www.gov.za/sites/default/files/gcis_document/202003/43107gon318.pdf

13.   Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Trach-nhiem-hinh-su/Cong-van-45-TANDTC-PC-2020-xet-xu-lien-quan-den-phong-chong-dich-benh-Covid-19-438602.aspx

14.  Abdool Karim S. Criminalisation of transmission of SARS-CoV-2: A potential challenge to controlling the outbreak in South Africa. S Afr Med J. 2020 Apr 22;110(6):458-460. doi: 10.7196/SAMJ.2020v110i6.14753. PMID: 32880551.

15.  Seiler, Naomi K.; Vanecek, Anya; Heyison, Claire; and Horton, Katherine (2020) “The Risks of Criminalizing COVID-19 Exposure: Lessons from HIV,” Human Rights Brief: Vol. 24 : Iss. 1 , Article 3. Available at: https://digitalcommons.wcl.american.edu/hrbrief/vol24/iss1/3

16.  Lelliott, J., Schloenhardt, A., & Ioannou, R. (2021). Pandemics, punishment, and public health: COVID-19 and criminal law in Australia. The University of New South Wales Law Journal, 44(1), 167–196. https://search.informit.org/doi/10.3316/informit.688041115306745

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.