Vì sao chính quyền Việt Nam không chấp nhận các tôn giáo mới?

Hứa hẹn cởi mở, âm thầm xóa sổ.

Vì sao chính quyền Việt Nam không chấp nhận các tôn giáo mới?
Ảnh minh họa. Đồ họa: Luật Khoa

Tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã tuyên bố Việt Nam sẽ chào đón tất cả các tôn giáo, kể cả các tôn giáo mới. [1]

Đến tháng 12/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã công nhận 5 mặt tích cực của phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam. [2]

Tuy nhiên, cho đến nay, đó chỉ là những lời hứa suông hoặc thông tin đưa ra để đánh lạc hướng dư luận, nhằm che đậy mục đích triệt tiêu các tôn giáo mới đang phát triển mạnh mẽ.

Vì sao Việt Nam không chấp nhận các tôn giáo mới như những quốc gia khác, trong khi tín đồ Việt Nam vẫn thường tìm đến một số nước để sinh hoạt trong các giáo phái, như Đài Loan hay Campuchia?

Việt Nam: Một trong 41 nước cấm các nhóm tôn giáo

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, Việt Nam là một trong 41/198 nước trên thế giới cấm các nhóm tôn giáo. [3]

Theo đó, một số nước cấm các nhóm tôn giáo vì vấn đề an ninh, một số nước khác dán nhãn các nhóm tôn giáo bị cấm là tà đạo. Ở khu vực châu Á, Trung Quốc và Việt Nam tất nhiên là ví dụ nổi bật cho việc dán nhãn “tà đạo” vào các tôn giáo mới.

Việt Nam bắt đầu ghi nhận các tôn giáo mới từ năm 1980. [4] Đến nay, Việt Nam đã có ít nhất 85 tôn giáo mới. [5] Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa công nhận bất kỳ tôn giáo mới nào.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có quy định để xác định một tôn giáo là tà đạo, nhưng công an và báo chí vẫn tùy tiện dán nhãn tà đạo vào các tôn giáo mới, chủ yếu để thuyết phục người dân không theo các tôn giáo này.

Trên thực tế, chính quyền đang cản trở hoạt động của các tôn giáo mới bằng cách sách nhiễu hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ như các học viên Pháp Luân Công bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xuất bản, do họ phổ biến các tờ rơi hoặc cất giữ các tài liệu được cho là không có nguồn gốc hợp pháp.

Muốn xóa sổ các tôn giáo mới

Vào tháng 9/2022, Ban Tôn giáo TP. Hà Nội đã thành lập “Phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng tôn giáo mới” để đối phó với 16 tôn giáo mới đang hoạt động ở thành phố này. [6]

Theo đó, nhiệm vụ của phòng này được mô tả một cách khá tích cực là: “...giải quyết các nhu cầu chính đáng của tổ chức và cá nhân liên quan đến tín ngưỡng và hiện tượng tôn giáo mới theo quy định”.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, Trưởng ban Ban Tôn giáo TP. Hà Nội Phạm Tiến Dũng đã có một bài viết cáo buộc tất cả các tôn giáo mới là: “vay mượn giáo lý, lừa bịp, phản khoa học”, “dùng ngôn ngữ để mê hoặc”, “thông tin không rõ ràng”, “núp bóng tôn giáo chính thống để trục lợi” và “dùng hình thức tẩy não”. [7]

Ông Phạm Tiến Dũng, từng là một thượng tá an ninh, còn cho biết rằng cơ quan do ông lãnh đạo đã đề xuất phương án “xử lý dứt điểm” khía cạnh tiêu cực các hoạt động của các tôn giáo mới lên UBND TP. Hà Nội. [8] Như đã nói ở trên, việc tuyên bố với thực hiện là hai câu chuyện khác biệt.

Ở khu vực Tây Nguyên, vào tháng 5/2022, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn, một hiện tượng tôn giáo mới bắt đầu từ năm 2000. [9]

Ở khu vực phía miền núi phía Bắc, đạo Dương Văn Mình, một tôn giáo được thành lập vào năm 1990, đang chống chọi với cuộc trấn áp của chính quyền. Tỉnh Bắc Kạn khẳng định sẽ xóa bỏ đạo này vào năm 2023. [10]

Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ xóa bỏ thành công các tôn giáo mới. Năm 1989, Việt Nam có 12 hiện tượng tôn giáo mới. Con số này vào năm 2000 là 54, và hiện nay là 85. Có khoảng 40 - 50 nghìn người theo các tôn giáo mới, dựa trên số liệu thống kê được thực hiện tại 28 tỉnh, thành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào năm 2020. [11]

Vì sao chính quyền không chấp nhận các tôn giáo mới?

Mô hình quản lý tôn giáo của chính quyền Việt Nam được thiết kế theo hướng kiểm soát chặt chẽ và toàn diện các tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ có các phòng ban riêng để quản lý từng tôn giáo một. Sở Nội vụ ở các tỉnh, thành lại có các ban tôn giáo.

Ngoài ra, ngành công an cũng có một cơ quan chuyên quản lý về tôn giáo thuộc Cục An ninh Nội địa. Vào tháng 3/2021, một Phó Cục trưởng của cục này là ông Nguyễn Tiến Trọng đã được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có vai trò kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Các cơ quan của tổ chức này được trải dài, trải rộng từ trung ương đến cấp xã.

Theo danh mục thông tin bí mật của nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội của nhà nước như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đều có nhiệm vụ bí mật kiểm soát các hoạt động tôn giáo. [12]

Đồng thời, chính quyền không ngừng nỗ lực xâm nhập vào các tổ chức tôn giáo.

Đảng thừa nhận có bí mật bố trí người của mình trong các tổ chức tôn giáo. [13] Bộ Nội vụ cũng công khai nhắc nhở chính quyền các tỉnh, thành phải lựa chọn nhân sự cho các tổ chức tôn giáo trước các kỳ đại hội. [14]

Hệ thống kiểm soát này cho thấy chính quyền rất quan ngại về khả năng tác động đến quần chúng của các tổ chức tôn giáo.

Vì vậy, các tổ chức tôn giáo mới nếu được công nhận sẽ tạo thêm nhiều áp lực lên hệ thống này. Nếu công nhận một tôn giáo mới thì đồng nghĩa phải công nhận các tôn giáo mới khác. Chính quyền phải dùng nhiều nguồn lực hơn nữa để kiểm soát chặt chẽ quá trình này.

Mặt khác, các tôn giáo mới ở các nước thường không có mô hình tổ chức bài bản, phần lớn phụ thuộc vào người sáng lập. Người sáng lập các tôn giáo này thường ảnh hưởng sâu sắc đến các tín đồ, nắm giữ tiềm lực lớn về tài chính. Chính quyền Việt Nam có thể xem điều này là một mối nguy hiểm.

Điển hình như trường hợp Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông là một nhà sư nổi tiếng trên thế giới và chính quyền Việt Nam chỉ ông phép ông trở về nước khi đã già yếu. Tuy nhiên, một thời gian sau khi trở về Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ trích nhà nước về việc đàn áp quyền tự do tôn giáo và sự lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay, chính quyền vẫn chưa cho phép Làng Mai hoạt động chính thức tại Việt Nam.

Một yếu tố khác có thể lý giải cho việc cấm các tôn giáo mới là để đảm bảo lợi ích của các tôn giáo trong nước. Khi các tôn giáo mới được hoạt động hợp pháp thì sẽ cạnh tranh với các tôn giáo truyền thống. Việc này dễ ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức tôn giáo có quan hệ chặt chẽ với nhà nước, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó nhà nước đảm bảo các lợi ích dành cho giáo hội, đổi lại giáo hội sẽ phục vụ các mục tiêu của chính quyền.

Cũng giống như Trung Quốc, chính quyền Việt Nam sẽ không chấp nhận các tôn giáo mới khi nào vẫn còn tham vọng kiểm soát, lợi dụng các tổ chức tôn giáo.


Bài viết này được đăng lần đầu trên website luatkhoa.com và được đăng lại trong số báo Tết 2023 đề ngày 5/1/2023 của Luật Khoa tạp chí (ấn bản PDF và EPUB). Quý độc giả cũng có thể đọc tất cả các bài viết của số bài này tại đây.


Chú thích

1. Ban Tôn giáo Chính phủ nói “sẵn sàng đón các đạo lạ”. Bạn nên hiểu chuyện này thế nào? (2021, August 28). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2021/08/ban-ton-giao-chinh-phu-noi-san-sang-don-cac-dao-la-ban-nen-hieu-chuyen-nay-the-nao/

2. Ban Tôn giáo Chính phủ thừa nhận mặt tích cực của tôn giáo mới. (2021, December 5). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2021/12/ban-ton-giao-chinh-phu-thua-nhan-mat-tich-cuc-cua-ton-giao-moi/

3. 41 countries ban religion-related groups; Jehovah’s Witnesses, Baha’is among the most commonly targeted. (2021, November 15). Pew Research Center. https://www.pewresearch.org/fact-tank/2021/11/15/41-countries-ban-religion-related-groups-jehovahs-witnesses-bahais-among-the-most-commonly-targeted/

4. Nguồn gốc đa dạng, biểu hiện phức tạp. (2022, October 20). Báo Điện Tử Đại Biểu Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20221027030252/https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nguon-goc-da-dang-bieu-hien-phuc-tap-i304276/

5. Các giáo phái có thực sự đáng sợ? (2021, September 10). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2021/09/cac-giao-phai-co-thuc-su-dang-so/

6. Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội thành lập Phòng Tín ngưỡng và Hiện tượng tôn giáo mới. (2022, September 20). Hà Nội Mới. https://web.archive.org/web/20220920110542/http:/www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1042554/ban-ton-giao-thanh-pho-ha-noi-thanh-lap-phong-tin-nguong-va-hien-tuong-ton-giao-moi

7. Biến tướng của các hiện tượng tôn giáo mới. (2022, October 20). Báo Điện Tử Đại Biểu Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20221027030948/https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bien-tuong-cua-cac-hien-tuong-ton-giao-moi-i304279/

8. Chủ động nghiên cứu, kịp thời xử lý. (2022, October 20). Báo Điện Tử Đại Biểu Nhân Dân. https://web.archive.org/web/20221027031213/https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chu-dong-nghien-cuu-kip-thoi-xu-ly-i304277/

9. Tôn giáo tháng 5/2022: Thêm người ở Tịnh thất Bồng Lai bị bắt, đàn áp đạo Hà Mòn. (2022, June 15). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2022/06/ban-tin-ton-giao-thang-5-2022/

10. Đàn áp đạo Dương Văn Mình: 3 vấn đề chính quyền phải làm rõ. (2022, October 1). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2022/10/dan-ap-dao-duong-van-minh-3-van-de-chinh-quyen-phai-lam-ro/

11. Xem [4].

12. 7 bí mật nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo có thể làm bạn bất ngờ. (2021, January 1). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2021/01/7-bi-mat-nha-nuoc-trong-linh-vuc-ton-giao-co-the-lam-ban-bat-ngo/

13. Xem [12]

14. Khi nhà nước làm hư nhà sư. (2022, August 20). Luật Khoa. https://luatkhoa.org/2022/08/khi-nha-nuoc-lam-hu-nha-su/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.