Chống tham nhũng: Ba bài học từ các nghiên cứu về nói dối

Ứng xử với tham nhũng bằng tư duy khoa học.

Chống tham nhũng: Ba bài học từ các nghiên cứu về nói dối
Ảnh bìa sách: Harper Perennial. Đồ họa: Luật Khoa.

Nói dối là một biểu hiện của trí thông minh.

Có lẽ ai cũng từng nghe qua nhận định này, ít nhất là một lần trong đời.

Tạm bỏ qua định nghĩa thế nào là trí thông minh, vấn đề lớn nhất của mệnh đề trên là hệ quả suy ra: người càng giỏi nói dối chứng tỏ là họ càng thông minh, và ngược lại, ai ít, không chịu hoặc không biết nói dối tức là họ kém thông minh.

Điều đó tất nhiên không phải là sự thật.

Bạn có thể tự kiểm chứng trong thực tế, và các nhà khoa học cũng đã tiến hành thực nghiệm về vấn đề này.

Các thí nghiệm như vậy được mô tả trong quyển sách “The Honest Truth About Dishonesty: How We Lie to Everyone - Especially Ourselves” của giáo sư tâm lý học và kinh tế học hành vi Dan Ariely, Đại học Duke (North Carolina, Mỹ). [1]

Sau một chuỗi các bài kiểm tra, ông cùng các đồng sự kết luận rằng những người gian dối nhiều nhất không có chỉ số thông minh đặc biệt gì so với những người còn lại (điểm khác biệt nằm ở một năng lực khác mà bạn sẽ không mấy ngạc nhiên khi nghe đến).

Cuốn sách của Dan Ariely (bản dịch tiếng Việt có tên “Bản chất của dối trá”) là một tập hợp phong phú các kết quả nghiên cứu về hành vi gian dối của con người.

Các luận điểm trong sách giúp khơi gợi nhiều thảo luận thú vị trong các lĩnh vực khác nhau. Với những ai quan tâm đến vấn đề tham nhũng, sách có thể mang đến ba bài học đáng chú ý.

Thiệt hại từ tham nhũng vặt không thua gì các đại án tham nhũng

Tham nhũng về bản chất là hành vi gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi bất chính.

Mỗi khi nhắc đến tham nhũng, sự tập trung chú ý thường được dành cho các vụ án lớn, các cá nhân nổi cộm, nơi được cho là nguồn cơn của những thiệt hại.

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, những đại án, đại nhân vật phản diện đó lại chỉ đóng vai trò đánh lạc hướng sự chú ý.

Ngay trong phần mở đầu của sách, tác giả dẫn lại trường hợp của một cửa hàng quà tặng (gift shop). Cửa hàng bán các sản phẩm nghệ thuật, với 300 nhân viên thời vụ phụ trách việc bán hàng. Doanh thu bán hàng một năm đạt đến 400.000 USD. Nhưng họ gặp phải một vấn đề lớn: mỗi năm, cửa hàng thất thoát lượng tiền và hàng trị giá khoảng 150.000 USD.

Ban đầu, ban quản lý nghi ngờ nhân viên phụ trách giữ tiền đã thụt két. Họ thuê thám tử theo dõi, và phát hiện đúng là người này có hành vi ăn cắp tiền. Nhưng lượng tiền bị bắt quả tang rất nhỏ, và sau khi sa thải nhân viên trên, số tiền và hàng vẫn tiếp tục bị thất thoát.

Chỉ đến khi cửa hàng thiết lập một hệ thống quản lý hàng hóa và sổ sách chi tiết, yêu cầu tất cả nhân viên phải ghi chép lại rõ ràng các hoạt động bán hàng của mình, nạn thất thoát mới chấm dứt.

Nguồn cơn của thiệt hại vì vậy không phải là một vài nhân vật đặc biệt xấu, mà đó là kết quả tổng hợp từ hàng trăm người có hành vi gian lận nhỏ.

Các nghiên cứu về gian lận do Dan Ariely và các đồng nghiệp tiến hành cũng cho kết quả tương tự.

Họ thiết kế các bài kiểm tra và trả tiền cho những người tham gia dựa theo kết quả hoàn thành.

Trong các trường hợp được thiết kế sao cho người tham gia hoàn toàn có thể gian lận mà không ai biết (làm xong tự chấm kết quả của mình rồi tự hủy bài thi), các nhà nghiên cứu thỉnh thoảng gặp phải những người ăn gian đến cùng, tự chấm cho mình điểm cao nhất (gấp hai đến ba lần mức thông thường). Tuy nhiên, những ca ngoại lệ như vậy chỉ khiến họ phải trả thêm vài trăm USD.

Trong khi đó, hàng ngàn người tham gia cùng tự chấm mình cao hơn mức thông thường một chút lại khiến các nhà nghiên cứu thiệt hại số tiền gấp chục lần.

Nhiều chiến dịch chống tham nhũng gặp phải vấn đề tương tự. Phần lớn sự tập trung được dồn cho các đại án tham nhũng, những cán bộ cấp cao bị sa lưới, trong khi vấn đề tham nhũng vặt lại không được chú ý bằng.

Có thể thử làm một phép tính nhẩm để hình dung được vấn đề.

Giả sử chỉ 1% trong 5,3 triệu đảng viên cộng sản tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại có hành vi tham nhũng. Giả sử họ chỉ tham nhũng một số tiền nhỏ, 10 triệu đồng mỗi tháng, bằng với mức lương cơ bản của một nhân viên văn phòng. Mỗi năm, tổng thiệt hại từ đó đã là hơn 6.300.000.000.000 VND (sáu ngàn ba trăm tỷ đồng).

Trên thực tế, số lượng đảng viên tham nhũng và con số thất thoát từ tham nhũng vặt nhiều khả năng cao hơn rất nhiều lần so với bài toán nhẩm tính ở trên. Bởi nếu thực sự chỉ có 1% lượng cán bộ đảng viên tham nhũng, các lãnh đạo đảng khó có lý do xem tham nhũng là “nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ”. [2]

Tham nhũng không phải do “tự diễn biến, tự chuyển hóa”

Một trong những mô hình phổ biến lý giải cho các hành vi dối trá, gian lận là SMORC (simple model of rational crime), tạm dịch là mô hình đơn giản cho các hành vi phạm tội có tính toán.

Theo đó, những hành vi gian lận là kết quả so sánh thuần túy giữa lợi ích (benefit) và chi phí (cost) cho bản thân. Nếu một hành động đem lại lợi ích và cái lợi đó lớn hơn rủi ro bị thiệt, người ta sẽ thực hiện mà không cần quan tâm yếu tố gì khác.

Nói cách khác, nếu thấy một cục tiền để hớ hênh trước mặt và xung quanh không có bóng người hay thiết bị nào theo dõi, ai cũng sẽ tìm cách chiếm lấy số tiền đó cho riêng mình.

Mô hình đơn giản và thực dụng này không lý giải được trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp không hề có rủi ro bị phát hiện, vì sao rất nhiều người không thực hiện hành vi gian lận?

Dan Ariely dành phần lớn cuốn sách để chứng minh rằng bên cạnh việc so đo lợi - hại thuần túy, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hành vi dối trá của một người.

Đầu tiên là yếu tố đạo đức, hay chính xác hơn là nhu cầu đạo đức.

Tác giả và các đồng sự cho rằng con người vừa có động cơ làm những việc có lợi cho bản thân, vừa có nhu cầu tạo dựng một hình ảnh “coi được” cho chính mình. Chính nhu cầu xem mình là một người đàng hoàng tạo ra giới hạn điều chỉnh các hành vi gian lận.

Điều đó lý giải vì sao trong các bài kiểm tra được thiết kế để người tham gia có thể gian lận tùy ý mà không thể bị phát hiện, rất ít người tự chấm cho mình điểm cao nhất và đòi phần trả công lớn nhất có thể. Tuyệt đại đa số chỉ tự chấm cao hơn mức thông thường một ít, đủ để họ cảm thấy mình vẫn còn là một người trung thực.

Bên cạnh nhân tố tự thân, những yếu tố bên ngoài cũng tác động lớn đến hành vi gian lận của một người. Trong đó, môi trường hay văn hóa của tổ chức và suy tính về lợi ích của người trong nhóm là những điểm đáng lưu ý.

Ở nơi mà hành vi gian lận được công khai cho phép hay trở thành thông lệ, người ta có xu hướng gian lận nhiều hơn. Trong các thí nghiệm mà hành vi dối trá được công khai cổ xúy, những người tham gia có xu hướng gia tăng gian lận; nhóm này tự chấm cho mình điểm cao hơn so với nhóm gian lận một mình.

Đáng chú ý, trong các thí nghiệm mà hành vi dối trá có thể đem lại lợi ích cho đồng đội, người ta có xu hướng gian lận nhiều hơn, kể cả khi bản thân không được lợi gì.

Từ các bài học trên, có thể rút ra được gì về động cơ của hành vi tham nhũng?

Trước tiên, có thể khẳng định “tự diễn biến, tự chuyển hóa” - lý do thường được chính quyền đưa ra để lý giải cho vấn nạn đảng viên tham nhũng - là thiếu thực tế. [3]

Nó dựa trên một niềm tin rằng bình thường, các đảng viên là những người liêm chính, không dối trá, không gian lận. Họ chỉ bị tha hóa do các yếu tố bên ngoài như quyền lực và lợi ích vật chất.

Trong các thí nghiệm của Dan Ariely và cộng sự, khi không có chế tài nào để kiểm tra mức độ hoàn thành của người tham gia, hầu như tất cả đều tự chấm cho mình điểm cao hơn mức bình thường. Nghĩa là ai cũng gian lận. Nhưng mức độ gian lận của họ không tỷ lệ thuận với lợi ích vật chất. Phần lớn chỉ ăn gian ở mức “vừa đủ” để họ vẫn cảm thấy hài lòng với độ chính trực của mình.

Thứ làm tăng mức độ gian lận, hay trong trường hợp này là hành vi tham nhũng, là môi trường văn hóa nơi các hành vi dối trá được bảo vệ, thậm chí là cổ xúy.

Tệ hơn, đó là khi những hành vi gian lận được cho là cần thiết để giúp đỡ người khác.

Không ít trường hợp, nhận “tiền bôi trơn” được xem là việc hỗ trợ người khác, giúp tất cả cùng có lợi trong một thể chế đầy những chính sách chồng chéo, mập mờ, và liên tục thay đổi.

Một môi trường như vậy khiến giới hạn đạo đức của các cán bộ liên tục bị đẩy lùi. Càng ngày họ càng gian lận, trong khi vẫn cùng lúc tự thuyết phục được bản thân rằng mình không phải người xấu.

Chống tham nhũng bằng tư duy khoa học

Nếu đọc gần hết quyển sách, bạn có thể dễ cảm thấy bi quan. Hóa ra ai cũng gian lận khi có cơ hội.

Bạn sẽ cảm thấy bi quan hơn nữa nếu biết rằng bản thân tác giả Dan Ariely, ngoại trừ những câu chuyện gian lận tự khai trong sách, từng dính phải nghi vấn gian dối với một trong các nghiên cứu nổi tiếng nhất của ông.

Tháng 8/2021, một nhóm các nhà khoa học khi kiểm tra bộ dữ liệu của một nghiên cứu được Ariely và các cộng sự thực hiện vào năm 2012 đã kết luận rằng các số liệu trong đó bị làm giả. [4]

Nghiên cứu vào năm 2012, được dẫn lại trong sách, làm thực nghiệm kiểm tra mức độ trung thực khi điền vào bản khai báo bảo hiểm xe. Những người tham gia được chia ra điền hai bản khai như nhau, với điểm khác biệt là một bản có lời tuyên thệ trung thực ở đầu, và bản kia có lời tuyên thệ ở cuối. Kết luận đưa ra là những người ký vào lời hứa trung thực ngay đầu có xu hướng khai báo thành thực hơn.

Khi các cáo buộc làm giả số liệu được đưa ra, Dan Ariely thừa nhận “chắc chắn có sai sót”, rút lại nghiên cứu nhưng phủ nhận ý đồ cố tình gian dối. [5]

Bê bối này khiến cho danh tiếng của Dan Ariely, một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất trong thập niên qua, bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do để chúng ta bi quan, mà ngược lại, nó chỉ chứng minh một điều mà chính tác giả kết luận trong sách: bất kỳ ai cũng có thể gian dối, và không ai là ngoại lệ.

Bên cạnh đó, câu chuyện trên cho thấy cách mà chúng ta có thể hạn chế gian lận nói chung và tham nhũng nói riêng: áp dụng những tiêu chuẩn trong môi trường nghiên cứu khoa học.

Đó là dữ liệu phải công khai, phải luôn được kiểm chứng, và đội ngũ kiểm chứng phải độc lập.

Bê bối của Ariely bị, hoặc được phát hiện, là nhờ vào yêu cầu cơ bản đối với các nghiên cứu khoa học: mọi dữ liệu và quy trình thực hiện đều phải công khai. Nhờ đó, tất cả đều có thể kiểm chứng độ chính xác của nghiên cứu.

Cần phải nói thêm rằng một trong những chỉ dấu cơ bản cho độ tin cậy của một nghiên cứu khoa học là khả năng tái lập kết quả (replication). Với cùng một quy trình thực hiện, nếu nghiên cứu được thực hiện nhiều lần và cho ra kết quả giống nhau, độ chính xác sẽ càng cao.

Trước khi các số liệu bị tố cáo là làm giả, vào năm 2020, Dan Ariely và các cộng sự đã tái lập nghiên cứu nhưng không ra được kết quả như ban đầu. Kết luận khi đó của nhóm tác giả là “ký vào lời khai ở đầu không giúp giảm bớt gian dối hơn so với ký vào ở cuối”. [6]

Như vậy, chính những người trong cuộc đã phát hiện nghiên cứu của mình có vấn đề (đó là giả định họ không có hành vi cố tình gian dối). Nhưng sai sót chỉ có thể được đưa ra ánh sáng nhờ vào những nhóm kiểm tra độc lập, không có xung đột lợi ích với các tác giả.

Tương tự, tham nhũng không thể bị đẩy lùi nếu chỉ trông chờ vào minh quân, vào một bộ máy tự kiểm tra giám sát với những xung đột lợi ích chồng chéo, và vào một cơ chế độc quyền nắm giữ thông tin.

Nó chỉ có thể bị hạn chế bằng việc minh bạch thông tin các dự án, công khai thu nhập và tài sản của cán bộ, tạo mọi điều kiện để người dân có thể giám sát, xác minh và tố cáo bất kỳ sai phạm nào.

Phòng chống tham nhũng ở Trung Quốc: Thiết kế để thất bại? - Kỳ 1
Lợi ích chính trị cao hơn khi chỉ tập trung “chống” thay vì “phòng”.
“From development to democracy”: Một lý thuyết về tương lai dân chủ cho Việt Nam
Bài học từ những nhà nước kiến tạo phát triển ở Á châu.

Bạn có thể mua quyển “The Honest Truth About Dishonesty: How We Lie to Everyone - Especially Ourselves tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

1. The Honest Truth About Dishonesty: How We Lie to Everyone--Especially Ourselves: Ariely, Dr. Dan: 9780062183613: Amazon.com: Books. (n.d.). https://www.amazon.com/Honest-Truth-About-Dishonesty-Everyone-Especially/dp/0062183613

2. "Tham nhũng trở thành nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong chế độ". https://thuvienphapluat.vn/. (n.d.). Retrieved February 21, 2023, from https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tham-nhung/12184/tham-nhung-tro-thanh-nguy-co-chinh-de-doa-su-ton-vong-che-do

3. Báo điện tử VOV. (2023, February 18). Tham ô, tham nhũng, biến chất có phải là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”? VOV.VN. https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-chinh-don-dang/tham-o-tham-nhung-bien-chat-co-phai-la-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-post1002255.vov

4. Uri, J. (2022, April 23). [98] Evidence of Fraud in an Influential Field Experiment About Dishonesty. Data Colada. https://datacolada.org/98

5. Staff, T. (2021, September 4). Behavioural researcher says he ‘undoubtedly made a mistake’ in false data scandal. Times of Israel. https://www.timesofisrael.com/behavioral-researcher-says-he-undoubtedly-made-a-mistake-in-false-data-scandal/

6. Comerford, D. (2021, September 8). Exposure of faked dishonesty study makes me proud to be a behavioural scientist. The Conversation. https://theconversation.com/exposure-of-faked-dishonesty-study-makes-me-proud-to-be-a-behavioural-scientist-167168

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.