Sức bền của nền dân chủ: Nhìn bầu cử Hoa Kỳ và hy vọng ở Việt Nam
Giới nghiên cứu ngày nay có lẽ đã nói rất nhiều về khái niệm “authoritarian resilience”, hay “sự bền bỉ
Ở ta người ta hay nói về “lòng dân”.
“Ý đảng - lòng dân”. “Thế trận lòng dân”. “Sức mạnh của lòng dân”.
“Đi vào lòng dân”.
Gần đây, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, người ta lại nói về “Bác Trọng trong lòng dân”, “quốc tang trong lòng dân”, “những câu nói đi vào lòng dân của Tổng Bí thư", v.v. [1]
Cựu đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người rất hay nói về lòng dân, cũng cảm thán trên đường đi viếng ông Trọng: "Lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất, bà con khắp nơi đến đây đã thể hiện rất rõ điều đó". [2] Rất nhiều người đồng tình với ông Quốc, lấy những hàng dài người đi viếng như một đại lượng đo lòng dân với ông Trọng.
Tôi hoàn toàn tin rằng nhiều người, nếu không muốn nói là đa số thường dân ta, thực lòng mến mộ và cảm phục ông Trọng. Tình cảm của họ thể hiện ra trên mạng và trên đường thăm viếng là thật. Nó phản ánh nhiều điều, trong đó chắc chắn có nỗi bức xúc của họ với quốc nạn tham nhũng và sự ủng hộ của họ với những nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng. Nó cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các quan chức khác rằng cứ trong sạch thì dân thương, bằng không thì dân ghét.
“Dân thương dân lập đền thờ
Dân ghét dân đái trôi mồ thối xương".
Không biết tự bao giờ lòng dân đã đi vào ca dao như vậy.
Ấn tượng ta có được từ những diễn ngôn về lòng dân như vậy là gì? Hàm ý của nó rất rõ: dân biết.
Dân biết nên dân mới thương, mới ghét được. Dân biết hết, không lừa được dân đâu. Bởi vậy nên nói như ông Dương Trung Quốc, dân là chuẩn nhất.
Tới đây, mọi thứ bắt đầu phức tạp
Dân biết xuất phát từ việc dân hoặc là được cung cấp thông tin, hoặc là được tự do điều tra thông tin, hoặc tốt nhất là cả hai. Đáng tiếc rằng, nguồn tin mà dân được cung cấp về ông Nguyễn Phú Trọng lại đến từ một nguồn duy nhất: Đảng và Nhà nước. Nguồn tin đó chất lượng tới đâu? Có khách quan không? Có đa chiều không? Có lẽ đi hỏi “lòng dân” là tốt nhất.
Dân có được tự do điều tra thông tin, hay nói cách khác là dân có được tự do làm báo để đi moi tin về các nhà lãnh đạo như ông Trọng hay không? Câu trả lời rất rõ ràng là không. Suốt đời ông Trọng đã theo đuổi chính sách cấm đoán hà khắc với báo chí, không cho phép báo chí tư nhân, bỏ tù những nhà báo độc lập và những ai lên tiếng phản biện. [3]
Không những vậy, ông Trọng còn chủ trương xây dựng một nền độc tài kỹ thuật số, ngăn chặn những luồng thông tin “phi chính thống” trên mạng Internet bằng cách chặn website và yêu cầu các công ty như Facebook, YouTube gỡ/chặn nội dung bị cho là “phản động”.