‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Cho tới nay, họ cũng không có nhiều lựa chọn hơn.
Cách đây hơn chục năm, cụ thể là năm 2013, tạp chí Autrepart đã xuất bản một bài báo khoa học có tựa đề “L'exploitation de la sexualité des femmes par leur famille au Vietnam: financer les chocs exogènes et le crédit informel” [1] (tạm dịch: “Việc khai thác tình dục của phụ nữ ở các hộ gia đình tại Việt Nam: Ứng phó với các sự cố bên ngoài và tín dụng phi chính thức"). Tác giả là Tiến sĩ Nicolas Lainez, một nhà nhân chủng học người Tây Ban Nha.
Nicolas Lainez dành nhiều năm đi thực tế, thâm nhập vào đời sống gia đình ở một số vùng nông thôn của Việt Nam. Ông đã tổ chức hàng loạt cuộc phỏng vấn những gia đình có điều kiện kinh tế bấp bênh tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Qua đó, ông nhận định có hai cách mà các hộ lựa chọn nhằm thoát nghèo hay ứng phó các bất trắc của cuộc sống, đó là (1) để một hoặc vài thành viên nữ trong gia đình đi làm gái mại dâm hoặc (2) vay nợ tín dụng phi chính thức (thường gọi là vay nóng).
Nicolas Lainez cho rằng quan điểm mại dâm do nghèo đói không hẳn đúng hoàn toàn. Không phải người phụ nữ nào cũng chọn con đường này để thoát nghèo, và không phải gia đình có phụ nữ làm gái mại dâm đều nghèo.
Hơn nữa, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, khái niệm nghèo không phải là một hằng số và thường được định nghĩa mơ hồ trong các nghiên cứu về mại dâm. Cái nghèo cũng thường được đo bằng mức thu nhập chứ chưa bao quát đến các chi phí xã hội và đặc biệt là các khoản vay. Do đó, có nhiều gia đình thật sự nghèo khó nhưng không thuộc hộ nghèo, nói cách khác, không nằm trong tiêu chí nghèo của chính phủ Việt Nam.
Nếu chỉ nói về cái nghèo dựa vào chỉ tiêu thu nhập thì không thể lột tả hết những bất an của các gia đình Việt Nam, bởi sự bấp bênh thực chất nằm ở chỗ các hộ gia đình thiếu một số tiền tích lũy phòng thân để ứng phó với những biến cố trong cuộc sống mà tác giả gọi là những cú sốc bên ngoài (les chocs exogènes) như thiên tai, dịch bệnh hay kinh tế - chính trị bất ổn, v.v.
Những phụ nữ hành nghề mại dâm, ngoại trừ nguyên do kinh tế (nghèo đói, nợ nần) thì còn vì thực hiện mong đợi của gia đình (dường như có một “chuẩn mực văn hóa” buộc người phụ nữ phải biết hy sinh và phải bày tỏ lòng hiếu thuận).
Nicolas Lainez viết rằng nhiều hộ gia đình ở Việt Nam xem việc khai thác tình dục của những đứa con gái là một “chiến lược hợp lý” khi họ xem xét đến việc thu nhập cao của nghề này có thể giúp gia đình cải thiện đời sống, đặc biệt là vượt qua được tình huống khủng hoảng bất ngờ.
Đó là trường hợp thứ nhất, để đối phó với khó khăn hay cải thiện kinh tế, người dân nông thôn còn một lựa chọn khác: vay nóng.
Theo Nicolas Lainez, ngay cả khi có nhiều ngân hàng nhà nước thực hiện các chính sách cho vay giảm xóa đói giảm nghèo thì những nơi này cũng hiếm khi là lựa chọn mà người dân nghĩ tới đầu tiên. Nghiên cứu chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố thủ tục hành chính phức tạp, chưa kể không phải ai cũng vay được vì chưa đáp ứng đủ các giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu, ví dụ như sổ hộ nghèo, giấy chứng nhận sở hữu đất đai, v.v.
Trong khi đó, những đơn vị nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện chính sách cho vay nhằm mục tiêu loại trừ việc vay tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Chính mục tiêu này của họ đã loại trừ ngay từ đầu những nhóm người thuộc phạm vi nghiên cứu của tác giả, hay loại trừ những người rất nghèo hoặc những người thuộc sắc tộc thiểu số.
Thế nên, người dân mới tìm tới các dịch vụ vay nóng, khi các điều kiện vay dễ thở hơn, nó có lợi ở tính linh hoạt, hiệu quả, tốc độ, chi phí thấp, dựa vào lòng tin, danh dự và vốn xã hội. Đối phó với những chuyện bất trắc tạm thời, họ cần một khoản vay nhỏ, ngắn hạn dù rủi ro lãi cao.
Bấy giờ, nổi lên ở những vùng nông thôn Việt Nam là các hiệu cầm đồ cho người dân vay số tiền ít mà không yêu cầu bất kỳ biện pháp đảm bảo đáng tin cậy nào. Nếu số tiền vay lớn hơn, rủi ro cao hơn và mối quan hệ không thân tình, họ chỉ yêu cầu đặt cọc tài sản như tivi, xe máy, điện thoại di động hay là trang sức.
Các khoản vay thường được trả hằng ngày, thường là người cho vay tới thăm người vay vào cuối ngày để thu tiền góp. Nicolas Lainez cũng điểm qua một số dịch vụ vay vào thời điểm bấy giờ như vay tiền góp (trả góp có lãi), vay tiền đứng (tức vay tín chấp, tiền buộc phải hoàn trong tuần hay trong ngày). Tuy nhiên, nhược điểm của các dịch vụ vay này là tiền lãi cắt cổ. Các điều kiện và lãi suất áp dụng có thể đẩy người mượn vào vòng xoáy nợ nần. Nếu hộ gia đình vay để thoát khỏi khó khăn tạm thời, họ có thể phải tiếp tục vay thêm để trả lãi của khoản vay trước.
Tất nhiên việc vay nóng không đáp ứng đủ hết nhu cầu của tất cả các tầng lớp dân cư. Nhưng đối với người nghèo thì tín dụng phi chính thức là nơi duy nhất mà họ có thể tìm đến khi cùng cực, dù họ hiểu những rủi ro, thậm chí là nguy cơ bị bạo lực nếu có tranh chấp xảy ra.
***
Nói chung, theo nghiên cứu của Nicolas Lainez, việc những người con gái ở Châu Đốc, tỉnh An Giang, hành nghề mại dâm không phải là một lựa chọn đường cùng mà là một quyết định tỉnh táo và có tính toán của các gia đình dựa trên lợi nhuận và tính linh hoạt cũng như độ dễ dàng của nghề này.
Các hộ trong nghiên cứu này đều không thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn của nhà nước. Các gia đình chỉ đang khai thác tình dục của con gái để cải thiện kinh tế hoặc thoát khỏi khủng hoảng đột xuất từ bên ngoài.
10 năm sau nghiên cứu của Nicolas Lainez, vẫn còn những cô gái ở nhiều vùng nông thôn của Việt Nam chấp nhận làm nghề mại dâm hay “bán mình" lấy chồng ngoại quốc để phụ giúp gia đình.
Và nói về tín dụng phi chính thức cũng vậy, tới nay, người dân khó khăn ở nông thôn hay ở thành thị cũng đều nghĩ về vay nóng trước khi tìm tới các ngân hàng.
Trong khi đó, nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ việc phát triển kinh tế vi mô. Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang khoác tấm áo quá chặt khi nằm dưới sự bảo trợ của một tổ chức đoàn thể như CEP - Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh hay Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) của các hội liên hiệp phụ nữ, v.v.
Người dân khi đứng trước những cơn khủng hoảng ngoại sinh vẫn không có nhiều lựa chọn để cầu cứu.
[1] Lainez, N. (2015). L’exploitation de la sexualité des femmes par leur famille au Vietnam : financer les chocs exogènes et le crédit informel. Autrepart, 66(3), 133–152. https://www.cairn.info/revue-autrepart-2013-3-page-133.htm#:~:text=L'enqu%C3%AAte%20r%C3%A9v%C3%A8le%20que%20l,risques%20que%20de%20chocs%20exog%C3%A8nes