‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Năm 2024, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp Cộng hòa Séc đứng thứ 17 về chỉ số tự do báo chí. [1] Nhưng trước đây, báo chí ở Séc từng trải qua một thời kỳ dài sống trong chế độ kiểm duyệt.
Hành trình thoát thai của nền báo chí ở nước thuộc khối Xô Viết cũ này đã diễn ra như thế nào?
Phóng viên của Luật Khoa Tạp chí đã phỏng vấn một số học giả, nhà báo độc lập nổi tiếng ở Cộng hòa Séc để hiểu thêm về chặng đường đó.
Tiệp Khắc từng là một phần của Đế quốc Áo-Hung cho đến khi đế chế này tan rã sau Thế chiến thứ Nhất vào năm 1918. Vào năm 1990, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc đổi tên thành Cộng hòa liên bang Séc và Slovakia. Tháng 1/1993, Cộng hòa liên bang Séc và Slovakia tách ra thành hai quốc gia độc lập là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia.
Vào tháng 2/1948, Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Tiệp Khắc bằng một cuộc đảo chính với sự hỗ trợ đắc lực của Liên Xô. Sau đó, họ đã cho thi hành loạt chính sách quốc hữu hoá kinh tế, cải cách về đất đai, thanh trừng quan chức và chỉ huy của lực lượng vũ trang được cho là thân cận với phương Tây, cũng như ban hành một bản hiến pháp mới nhằm củng cố quyền lực độc tôn của đảng.
Vào thời điểm này, báo chí ở Tiệp Khắc vẫn chưa bị chính quyền can thiệp mạnh tay, mãi cho đến năm 1950 khi chính quyền cộng sản ban hành một bộ luật báo chí mới. [2]
Bộ luật mới năm 1950 có hai điều luật đáng chú ý là Điều 184 và 185. Trong đó, Điều 184 không cho phép doanh nghiệp tư nhân xuất bản các ấn phẩm báo chí định kỳ; còn Điều 185 quy định rằng chỉ có thành viên của Hội Nhà báo (Union of Journalists), một tổ chức do nhà nước kiểm soát, mới được phép hành nghề. [3]
Tuy bộ luật báo chí mới chưa có quy định cụ thể nào về kiểm duyệt thông tin, nhưng Đảng Cộng sản đã bổ nhiệm người cho các vị trí lãnh đạo của những cơ quan truyền thông quốc doanh. Những nhà lãnh đạo này có nhiệm vụ giám sát quy trình xuất bản và đảm bảo rằng báo chí phải đi theo đúng sự chỉ đạo của đảng.
Báo chí, truyền thông Tiệp Khắc bị kiểm duyệt nặng nề hơn sau cái chết của lãnh tụ Liên Xô Stalin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Klement Gottwald vào tháng 3/1953.
Hơn một năm sau đó, vào ngày 22/4/1954, chính quyền ban hành Nghị định 17 quy định việc thành lập Văn phòng Giám sát Báo chí Quốc gia (State Press Supervision Office).
Văn phòng này sau đó được sáp nhập vào Bộ Nội vụ và giữ vai trò tiền kiểm (preliminary censorship) đối với mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cũng như kiểm tra mọi ấn phẩm được du nhập vào Tiệp Khắc từ nước ngoài.
Bước ngoặt lớn thay đổi toàn diện nền báo chí là vào năm 1966, khi chính quyền ban hành Luật Báo chí.
Trao đổi với Luật Khoa, ông Petr Andreas (Đại học Charles, Praha) - một học giả và tác giả sách người Séc chuyên nghiên cứu về đề tài kiểm duyệt và kiểm soát thông tin, cho biết quy định mới về báo chí này đặc biệt ở chỗ nó đánh dấu việc chính quyền công khai các thiết chế kiểm duyệt của mình.