‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, những yếu tố nào quyết định sự thành bại của các ứng viên? Đảng phái, lập trường chính trị, thông điệp và chính sách? Hay kinh nghiệm chính trị, thành tựu cá nhân và chiến lược vận động của người ứng cử?
Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ.
Thực tế, cử tri còn rất quan tâm đến đời sống cá nhân của các chính trị gia. Bên cạnh đó, các đặc điểm về nhân khẩu học của ứng viên như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, vùng miền, trình độ học vấn, v.v cũng đóng vai trò quan trọng.
Do là nơi tiếp nhận các làn sóng di cư từ châu Âu, châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, xã hội Mỹ là một tập hợp phong phú của nhiều nhóm chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa. Sự đa dạng này là một phần quan trọng của căn tính quốc gia và tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của đời sống chính trị.
Theo Giáo sư Chính trị học Priscilla Southwell (Đại học Oregon), có hai quan niệm trái ngược nhau khi bàn về mối tương quan giữa người đại diện và cử tri ở khía cạnh nhân khẩu học.
Thứ nhất, “đại diện tương đồng” (actual representation), tức người đại diện mang các đặc điểm nhân khẩu học tương tự với cử tri. Những người ủng hộ quan niệm này cho rằng sự tương đồng tạo ra khả năng thấu hiểu và kết nối tốt hơn giữa cử tri và chính trị gia, từ đó nâng cao chất lượng đại diện.
Ví dụ, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sắp tới giữa Donald Trump và Kamala Harris, một cử tri là phụ nữ gốc Á tin rằng một chính trị gia da màu và có cùng giới tính với mình mới có thể thấu hiểu hoàn cảnh, nhu cầu và đưa ra các chính sách có lợi cho nhóm người như cô. Vì vậy, cử tri này quyết định sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.
Thứ hai, “đại diện bất tương đồng” (virtual representation), tức người đại diện không mang các đặc điểm nhân khẩu học tương tự với nhóm bầu ra mình. Những người ủng hộ quan niệm này lập luận rằng một chính trị gia không nhất thiết phải là người da màu thì mới đấu tranh cho quyền lợi của người da màu, cũng như không cần phải trải qua cuộc sống nghèo khổ thì mới có thể đại diện cho những người yếu thế trong xã hội.
Những người có quan điểm này thường lấy ví dụ về cuộc đời và sự nghiệp của Thượng Nghị sĩ Ted Kennedy (1932-2009) để minh chứng cho luận điểm của mình. Ông được sinh ra trong gia tộc Kennedy danh giá, có nhiều thành viên giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ. Ông là em trai của Tổng thống John F. Kennedy và Thượng Nghị sĩ Robert F. Kennedy.
Trong thời gian phục vụ cho Thượng viện Mỹ từ năm 1962 đến 2009, Ted Kennedy nổi tiếng với việc đấu tranh cho các vấn đề xã hội và công bằng. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua nhiều đạo luật như Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (Affordable Care Act), Đạo luật Người Mỹ Khuyết tật (Americans with Disabilities Act) và Đạo luật Quyền Bầu cử (Voting Rights Act). Tóm lại, Ted Kennedy là một ví dụ điển hình cho khái niệm “đại diện bất tương đồng”, vì ông đã sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để làm việc vì lợi ích của những người không có cùng xuất thân hay hoàn cảnh sống như ông.