Tại Việt Nam, chính quyền mô tả cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) là các cuộc cách mạng bạo lực chính nghĩa, chống lại thực dân và đế quốc. Trong công cuộc bạo lực cách mạng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tự tôn vinh mình là một lực lượng nòng cốt trong phong trào cộng sản toàn cầu.
Sách vở lịch sử, tài liệu giảng dạy và truyền thông nhà nước thường cổ xúy và tôn vinh bạo lực cách mạng như một phương thức chính đáng để cướp chính quyền hoặc thay đổi chế độ, bất chấp điều này luôn dẫn đến giết chóc và đổ máu. Việc ca ngợi các cuộc chiến đấu này như biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc đã được đảng - nhà nước khai thác triệt để trong nhiều thập kỷ nhằm củng cố tính chính danh của mình.
Ngược lại, cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập vốn là những phong trào phản kháng phi vũ trang, xuất phát từ sự bức xúc với chính quyền độc tài, tham nhũng và quyền con người bị đàn áp thì bị truyền thông Việt Nam mô tả là nguy hiểm, gây bất ổn, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Nó cũng bị gán ghép là do các “thế lực thù địch” giật dây, dàn xếp nhằm lật đổ chế độ.
Một mặt, Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò của “thế trận lòng dân,” “chiến tranh nhân dân”, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong việc giành độc lập dân tộc. Nhưng mặt khác, truyền thông nhà nước lại gắn mác cho cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập là “bạo loạn”, “vô chính phủ” hay “phản cách mạng”, dù đây là các phong trào nhân dân, thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia.
Tại sao lại có tiêu chuẩn kép như vậy trong cách mà nước ta mô tả các cuộc đấu tranh của quốc gia và thế giới? Chẳng phải các cuộc cách mạng này khá giống cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp về tinh thần chống áp bức và khát vọng thiết lập một xã hội tự do, công bằng hay sao?
Chưa kể, nếu người dân có thể dùng lá phiếu của mình để loại bỏ chính quyền yếu kém lực trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng thì liệu có ai muốn làm cách mạng? Cách mạng là giải pháp cuối cùng để thay đổi thể chế khi người dân không có lựa chọn nào khác với khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Vừa qua, sau chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung. Trong đó, hai nước khẳng định cần “tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống cách mạng màu, cùng nhau bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ”. [1]
Diễn ngôn tuyên truyền về cách mạng màu và Mùa xuân Ả Rập của Việt Nam và Trung Quốc đều nhấn mạnh các phong trào này có tính chất “nguy hiểm”, “phá hoại” và là “âm mưu thâm độc” của các thế lực thù địch.
Ở bài này, người viết sẽ phân tích ba diễn ngôn tuyên truyền phổ biến của báo chí nhà nước.
Diễn ngôn thứ nhất: “Âm mưu của phương Tây”
Gần 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nhà nước tiếp tục sử dụng ngôn ngữ mang âm hưởng thời chiến cho các diễn ngôn tuyên truyền, như “cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch”, “mặt trận văn hóa - tư tưởng”, “tấn công vào ý thức hệ”, “chống phá cách mạng Việt Nam” hay “bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng”, v.v.
Các lãnh đạo đảng - nhà nước nhiều lần khẳng định cách mạng màu, “Cách mạng Nhung” hay “cách mạng đường phố” là âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và những nước tư bản phương Tây nhằm thay đổi chế độ chính trị ở quốc gia không theo quỹ đạo của họ. [2]
Năm 2021, chương trình “Đối diện” của VTV4 còn sản xuất ra một video “Nhận diện cách mạng màu – Việt Nam có phải đối diện nguy cơ xảy ra cách mạng màu hay không?” và đến nay đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Trong video, người dẫn chương trình nhận xét:
Các thế lực thù địch bên ngoài vẫn có những quyết tâm quy phục các quốc gia mà họ cho rằng không tuân theo những chuẩn mực mà họ đề ra. Không thuyết phục, gây sức ép được với chính quyền đương nhiệm thì họ sẽ tìm cách lật đổ hoặc xóa bỏ, tạo ra những chính quyền mới ngoan ngoãn nghe theo hoặc làm theo những chuẩn mực mà họ đề ra. [3]
Trong video này, người tham gia biểu tình bị mô tả như con rối bị “thế lực thù địch”, lực lượng phản động trong và ngoài nước giật dây; còn quốc gia có cách mạng nổ ra chỉ là quân cờ của các nước lớn. Tất cả sự diễn giải này nhằm khiến cho các phong trào mất uy tín và tính chính đáng.
Đó là truyền thông Việt Nam viết, còn báo chí nước ngoài nói thế nào? Hãy xem cách mà Al Jazeera - một trong những hãng thông tấn hàng đầu ở Trung Đông - truyền tải thông điệp.
Đối với cách mạng màu, Al Jazeera có bài viết với tiêu đề “Colour revolutions: Symbols of change”. [4] Bài viết mô tả về cách mạng màu như sau: