‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Hai con người, ở hai đầu chiến tuyến, yêu nhau.
Tiểu thuyết “Thiếu nữ đánh cờ vây” (tên gốc: La joueuse de go) ra đời vào năm 2001, ngay lập tức trở thành hiện tượng của nền văn học Pháp. Tác giả là Sơn Táp - một nhà văn, họa sĩ người Pháp gốc Trung Quốc.
Quyển sách lấy bối cảnh chiến tranh Trung - Nhật năm 1937. Cả hai thiếu niên - nhân vật chính trong truyện, như biết bao người vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc, đều là nạn nhân của cuộc chiến.
Họ ở hai đầu chiến tuyến, mà ở đó, một người là lính Nhật Bản, người còn lại là một cô gái Mãn Châu 16 tuổi. Trong tiểu thuyết, tác giả để hai nhân vật dùng ngôi thứ nhất (xưng tôi) để kể chuyện một cách song hành và điều này tạo nên cảm giác chân thật cho lời kể.
Nhân vật nam, trẻ tuổi, thừa nhận rằng anh lên đường chiến đấu vì lý tưởng của “người lính Nhật hoàng" mà anh, gia đình và xã hội Nhật Bản bấy giờ cho là cao đẹp, bởi cuộc chiến đó được tuyên truyền là “mang lại hòa bình” cho người dân Trung Quốc.
Nhưng đổi lại, với tư cách là một con người có học, anh ta cũng say mê tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, biết rung động trước những cuốn tiểu thuyết cổ điển của quốc gia này, biết băn khoăn và thương cảm với những người dân vô tội, nghèo đói.
Đặc biệt, anh ta say mê bộ môn cờ vây của xứ đại lục sau một lần đi thám thính dân tình chơi cờ vây ở quảng trường Thiên Phong. Tại buổi chơi cờ này, anh gặp cô gái người Mãn Châu, và từ đó, bi kịch bắt đầu.
Trong sự hỗn loạn và vô nghĩa của cuộc chiến, cả hai thiếu niên, vốn khao khát hòa bình, nay như tìm được tri kỷ, tri âm trong những ván cờ. Họ chơi cờ với nhau, không màng lai lịch, nghề nghiệp hay tên tuổi của đối phương.
“Quân phục làm cho tôi trở thành kẻ cai trị thành phố với sự ngạo mạn của người chiến thắng, còn thường phục khiến tôi bị chinh phục bởi vẻ đẹp của nơi đây”, nhân vật nam nói.
Giữa cuộc chiến khốc liệt, ván cờ vây như một nơi chốn xoa dịu tinh thần của con người. Nếu như cuộc sống của hai thiếu niên đều là chuỗi ngày vâng lời cấp trên và gia đình, thì chỉ khi chơi cờ, họ mới cảm thấy thực sự tự do quyết định đường đi nước bước của mình.
Nếu như cuộc chiến buộc người ta nhanh chóng triệt hạ đối phương để giành chiến thắng, thì không ai trong hai người muốn phân thắng bại để mà kết thúc ván cờ vây sớm cả.
Ở xã hội phong kiến vốn điều khiển và triệt tiêu cảm xúc cá nhân, dường như chỉ có họ mới thật sự hiểu những tình cảm sâu thẳm bên trong mình.
Ở cả hai nơi mà cái chết và sự hy sinh được chọn làm thước đo danh dự, họ có những khao khát sống trong mỗi ván cờ vây.
Rồi dần dà, tình yêu nảy nở trong họ. Nhưng tới lúc đó thì hai con người này buộc phải chia tay nhau vì cuộc chiến đã bước vào giai đoạn cam go nhất.
Đọc “Thiếu nữ đánh cờ vây", độc giả cũng sẽ thấy chiến tranh đã làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới của cả hai xã hội Nhật Bản và Trung Quốc lúc bấy giờ, nhất là khi nam giới buộc phải tròng mình vào các vòng kim cô của sự tôn thờ “nam tính độc hại”.
Nam chính kể về nền giáo dục khắc nghiệt “tát, đấm, chửi bới”, bạo lực trong quân ngũ và cảm thán rằng cuộc đời người lính cũng chỉ là một quân cờ đi theo mệnh lệnh của cấp trên mà không biết mình sẽ thực sự đi về đâu.
Trong khi đó, phụ nữ ở cả hai nước thì bị bắt phải hy sinh vô điều kiện cho gia đình, buộc phải chấp nhận chế độ đa thê một cách bao dung và không được phép đau khổ. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình chồng phụ thuộc vào việc họ có sinh được con trai hay không.
Đối với người lính Nhật trong cuộc chiến, phụ nữ bị xem là thứ công cụ để giải khuây. Đến cuối truyện, nhân vật nam chính đã chấp nhận phản bội thân phận của mình để bảo vệ tình yêu và nhân phẩm cho người con gái thuộc chiến tuyến bên kia.
Anh ta phá lệ những nguyên tắc của một samurai, tình nguyện trở thành một người con bất hiếu, làm nhơ bẩn dòng họ, chấp nhận bị nguyền rủa trong sử sách của quốc gia để bảo vệ người con gái anh yêu thương trước nguy cơ nàng bị đồng đội mình hãm hiếp tập thể.
Cái chết của nhân vật nam chính là cao trào nhưng xem ra chính là sự giải thoát của anh, khi anh đứng giữa hai sự chọn lựa: hủy diệt dân tộc Trung Quốc hay là trao tình yêu cho xứ sở này.
Sơn Táp đã sử dụng những sự kiện lịch sử quan trọng làm bối cảnh trong truyện. Nếu đánh giá ngắn gọn, người viết cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết đẹp, đầy chất thơ và đầy bi kịch, với những chương truyện ngắn, mang lại cảm xúc mạnh, và cuối cùng là một cái kết nghẹn ngào, dễ ám ảnh người đọc.
Nhưng điều quan trọng không phải là xét xem quyển sách có phải là kết thúc có hậu (happy ending) hay là không có hậu (sad ending), ta thấy rằng trong màn đêm vô tận của chiến tranh, vẫn có thứ ánh sáng rực rỡ mang tên tình yêu. Nó chính là động lực giúp con người vượt lên những nỗi đắng cay, cách biệt chủng tộc, văn hóa, giai cấp, chính trị, và tất nhiên trước hết là để vượt qua rào cản của bản thân mình.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.