‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Được xuất bản năm 2022, cuốn sách “Surveillance State: Inside China's Quest to Launch a New Era of Social Control” đã phân tích về cuộc cách mạng kiểm soát xã hội của Trung Quốc bằng công nghệ siêu giám sát. [1]
Theo hai tác giả Josh Chin và Liza Lin, ở Tân Cương, chính quyền Trung Quốc đã trang bị một lực lượng an ninh tinh nhuệ và sử dụng nhiều thiết bị công nghệ như camera, điện thoại, mã QR Code, hệ thống giám sát môi trường không khí, v.v để quản lý người dân. Lý do, khu vực này còn tồn tại nhiều bất ổn chính trị và là nơi chiến lược trong dự án “Một vành đai, Một con đường” của Tập Cận Bình.
Ngoài Tân Cương, Trung Quốc cũng tổ chức kế hoạch giám sát công dân mọi lúc mọi nơi trên lãnh thổ, nhất là ở các khu vực nhạy cảm như Tây Tạng.
Từ thời Mao Trạch Đông, chính quyền Trung Quốc đã đưa tai mắt của đảng - nhà nước tới khắp mọi miền của đất nước và dùng công nghệ số để giám sát công chúng. Tới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc bắt đầu vươn mình thành cường quốc công nghệ. Nhằm xây dựng những bộ dữ liệu lớn, Trung Quốc huy động một đội ngũ nhân lực từ nhóm chóp bu cho tới trí thức trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, nhà nước còn có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các công ty công nghệ mà đi đầu là Alibaba và Tencent.
Theo hướng đi này, chính quyền không cần dùng bạo lực như thời của Benito Mussolini hay Stalin để kiểm soát xã hội nữa. Họ chỉ cần dùng công nghệ để đánh giá tình cảm, tâm tư của người dân và từ đó ngăn chặn những tiếng nói bất đồng.
Chỉ tính ở phạm vi một thành phố, như Trùng Khánh, theo thống kê cho tới năm 2019, chính quyền đã gắn hơn hai triệu camera để giám sát người dân.
Theo hai tác giả, những “ông lớn” ở Trung Quốc sở hữu nhiều dữ liệu của người dùng hơn và có mối quan hệ phụ thuộc vào chính phủ hơn (ví dụ như được hưởng ưu đãi thuế, được nhà nước nới lỏng các quy định về sở hữu trí tuệ, v.v). Do đó, chỉ cần hai công ty tham gia với chính quyền thì cũng đã tạo nên sự chuyển đổi ngoạn mục.
Trung Quốc cũng vươn vòi và xuất khẩu hệ thống công nghệ giám sát ra nước ngoài với giá thành rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn so với phương Tây. Một trong những điểm đến của Trung Quốc là Uganda. Các công ty công nghệ Trung Quốc, cụ thể là Huawei, đã trợ giúp chính phủ Uganda truy lùng, bắt giữ những nhà bất đồng chính kiến.
Mỹ không hoàn toàn vô can trước sự trỗi dậy của Trung Quốc về công nghệ siêu giám sát. Nhiều tập đoàn về công nghệ của Mỹ đã không bỏ qua thị trường Trung Quốc. Đơn cử, Tập đoàn Intel đã hợp tác với Netposa - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu AI của Trung Quốc để sản xuất những công cụ giám sát cho Tân Cương.
Ngoài ra, theo các tác giả dẫn chứng, có hơn một nửa trong số 37 công ty hậu thuẫn cho chính sách giám sát xã hội của Trung Quốc hợp tác với Mỹ.
Hai tác giả còn cho rằng việc doanh nghiệp phương Tây cộng tác với Trung Quốc đã manh nha từ sau sự kiện Thiên An Môn, bởi bấy giờ nhà nước Trung Quốc chưa đủ năng lực để phát triển công nghệ.
Dù vậy, thông tin Intel nhúng tay hỗ trợ chính quyền độc tài trừng phạt các nhóm thiểu số không phải là hiện tượng mới mẻ. Trước đó, Tập đoàn IBM đã hỗ trợ chính quyền Hitler truy lùng người Do Thái. Cho tới thời điểm này, IBM vẫn trốn tránh trách nhiệm giải trình về những thảm họa nhân quyền thời Đức Quốc xã.
Ngày nay, thay vì trực tiếp “nhúng chàm", các công ty công nghệ sẽ đứng ở vai trò cố vấn cho những nhà lãnh đạo độc tài.
Để đạt được mục đích của mình, Trung Quốc mở cửa, thu hút nhân tài; hỗ trợ các công ty công nghệ của mình ở nước ngoài cũng như chi tiền cho nhiều trường đại học hàng đầu như Stanford và MIT để nghiên cứu về công nghệ.
Dư luận từng chỉ trích việc có chuyên gia Mỹ hậu thuẫn cho Trung Quốc tiến hành chiến dịch thu thập DNA của người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời phản đối một số trường đại học của Mỹ như UC Berkeley nhận tài trợ từ Trung Quốc để tiến hành các nghiên cứu khoa học có nguy cơ vi phạm nhân quyền.
Tất nhiên, bạn sẽ đặt một câu hỏi là liệu Mỹ có giám sát người dân như Trung Quốc hay không.
Câu trả lời là có.
Mỹ đã tăng cường an ninh quốc gia sau sự kiện ngày 11/9/2001.
Từ những năm đầu của thập niên 2010, cảnh sát Mỹ đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong điều tra.
Ngoài ra, Mỹ có công nghệ để giám sát người bản địa Mỹ, người gốc Ireland và người Trung Quốc.
Tuy nhiên, cái khác nhau giữa hai quốc gia này đó là Mỹ có truyền thông độc lập để giám sát lực lượng an ninh. Còn Trung Quốc thì không.
Người dân Trung Quốc không thể lên tiếng phản biện điều gì, phần đông công chúng còn vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền thay vì quan tâm tới quyền riêng tư.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng siêu giám sát xã hội này có dẫn tới hệ lụy gì không? Và bài học nào cho Việt Nam?
Hãy tìm đọc quyển sách này để biết thêm.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hằng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
[1] Josh Chin and Liza Lin, Surveillance State: Inside China’s Quest to Launch a New Era of Social Control, St Martin’s Press, 2022. Tạm dịch tên sách: “Nhà nước giám sát: Nỗ lực của Trung Quốc trong việc khởi đầu kỷ nguyên mới của kiểm soát xã hội”.