Tờ báo lớn nhất và có uy tín hàng đầu nước Mỹ là The New York Times sẽ mở lại văn phòng đại diện ở Việt Nam vào tháng Mười sắp tới. [1]
Sự kiện này là một bước đi bình thường trong bối cảnh hai nước đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. Tuy nhiên, để đánh giá điều gì đang thực sự diễn ra bên trong bộ máy chính trị ở Việt Nam, chúng ta cần điểm qua một số sự kiện.
Vào tháng 7/2023, Chỉ thị 24, một tài liệu mật của Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản đã được Dự án 88 lan truyền cho báo giới. Chỉ thị này thể hiện sự cảnh giác của chính quyền đối với ảnh hưởng của nước ngoài lên đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ những dự án có nguồn tiền từ nước ngoài, đặc biệt là các dự án của tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự. [2]
Tinh thần của chỉ thị này nhất quán với việc bắt giữ sáu nhà hoạt động môi trường và một loạt những người bất đồng chính kiến trong vài năm qua. [3]
Việc này tạo ra sự hoảng sợ trong xã hội dân sự, khiến nhiều người phải tìm đường sống ở nước ngoài. Số lượng tổ chức xã hội dân sự giảm đi trông thấy. Nhiều chuyên gia cho rằng xã hội dân sự và nhân quyền đã gần như quay trở về tình trạng của nhiều năm trước, tức là gần như về con số không.
Trên không gian mạng, gần như không còn những cây bút phản biện xã hội. Đây có thể nói là một “thành công” của chính quyền trong việc đàn áp các tiếng nói phản biện.
Sự kiện thứ hai đáng chú ý là lễ tốt nghiệp của trường Đại học Fulbright Việt Nam, khi cả một đạo quân dư luận viên ồ ạt chụp mũ, phỉ báng và thậm chí đe dọa tấn công tới giáo viên, sinh viên của trường này. Họ gọi trường này là nơi ươm mầm của cách mạng màu, là nơi đào tạo phản động và thế lực thù địch. [4]