Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Một trong những tài liệu sớm nhất viết về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 17/2/1979 là cuốn sách "Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc" của Nhà xuất bản Sự Thật, được in lần đầu vào tháng 4/1979 tại Hà Nội với 5.100 bản.
Một bài báo trên Đài Á châu Tự do (RFA) vào năm 2008 có dẫn lời nhà báo Bùi Tín, cho biết rằng cuốn sách này xuất phát từ Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam (được công bố từ năm 1979), ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc.
Như vậy, có thể thấy cuốn sách này là một tài liệu thể hiện quan điểm, lập trường và đường lối của Chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó.
Cuốn sách có 40 trang và 5 phần, gồm: (1) sự hình thành biên giới lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc và thỏa thuận năm 1957 - 1958 về vấn đề biên giới giữa hai nước; (2) tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ 1954 đến nay; (3) hai cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc để giải quyết những vấn đề biên giới giữa hai nước; (4) tình hình Trung Quốc gây khiêu khích, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam từ 1978 đến nay; (5) con đường đúng đắn để giải quyết các vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Phần đáng chú ý nhất của quyển sách là phần (4). Bên cạnh nội dung chính nói về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam thì phần này cũng đưa ra những luận điểm khẳng định cuộc chiến tranh diễn ra vào ngày 17/2/1979 không phải là cuộc “phản công tự vệ” như cách mà phía Trung Quốc vẫn rêu rao để lừa dối dư luận trong và ngoài nước.
Cuốn sách nêu rõ: “Tất cả những hành động khiêu khích ngang ngược, ngày càng nghiêm trọng của phía Trung Quốc từ trước đến nay, nhất là từ năm 1978, không nhằm mục đích nào khác là ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược chống nhân dân Việt Nam”. Điều này có thể được chứng minh qua các dữ kiện như:
- Từ rạng sáng ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với hơn 60 vạn quân gồm 11 quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, hơn 500 xe tăng và thiết giáp, hơn 700 máy bay các loại. Ngay ngày đầu, gần 20 sư đoàn bộ binh Trung Quốc đồng thời tiến đánh sáu tỉnh của Việt Nam giáp với Trung Quốc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
- Từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam, đi đến đâu, quân xâm lược Trung Quốc cũng bắn bừa bãi, đốt phá, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và giết người không ghê tay bằng những cách cực kỳ dã man. […] Số đông người bị giết hại là người già, phụ nữ và trẻ em.
Nhận định về nguồn gốc của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, cuốn sách chỉ ra rằng đây là chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm làm cho Việt Nam suy yếu hơn, hòng buộc Việt Nam phải khuất phục và phụ thuộc Trung Quốc, đồng thời nhằm thôn tín Lào và Campuchia, biến bán đảo Đông Dương thành bàn đạp để thực hiện chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc của họ tại Đông Nam Á.
Lúc bấy giờ, Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ lập trường của mình là yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng dùng quyền tự vệ thiêng liêng, kiên quyết chiến đấu chống lại quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh các vấn đề về biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc và cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979, cuốn sách này còn nhắc đến sự kiện Trung Quốc tiến đánh quân đội của chính quyền Sài Gòn đóng ở quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974 như sau:
"Trung Quốc trắng trợn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của nước ta và đòi quần đảo Trường Sa cũng là của họ mặc dù chưa bao giờ họ đến đây hoặc thiết lập bất cứ hình thức chính quyền nào ở đây. Về phía ta, có đầy đủ tài liệu về địa lý, lịch sử để chứng minh hai quần đảo đó là lãnh thổ Việt Nam".
Điều đáng nói là những thông tin về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc sau đó lại ít được các tài liệu lịch sử và báo chí Việt Nam nhắc đến trong suốt một thời gian dài. Thậm chí, trong sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp phổ thông, thông tin về cuộc chiến này cũng chỉ được nhắc đến một cách hời hợt, qua loa với vài dòng ngắn ngủi.
Trước những động thái cởi mở hơn của chính quyền và báo chí tại Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng lịch sử về cuộc chiến đau thương này sẽ được ghi nhận một cách công khai, khách quan và được nhắc đến nhiều hơn.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.