Gần đây, câu chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, thí sinh chương trình Đường lên đỉnh Olympia, được lan truyền mạnh mẽ trên truyền thông xã hội nước ta. Vào ngày 1/9, nam sinh đã chia sẻ trên trang cá nhân: "Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân, nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.
Phát biểu nói trên của Quang Vinh nhanh chóng gây ra làn sóng tranh cãi và em bị chỉ trích là phản động, vị kỷ và vô ơn. Ngay sau sự việc, liên ngành giáo dục - công an tỉnh Yên Bái liền có động thái. Họ yêu cầu trường học, gia đình theo dõi tư tưởng và tâm lý của Vinh, đồng thời tăng cường giáo dục chính trị và truyền thống cách mạng cho em, nhấn mạnh tình yêu quê hương đất nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. [1]
Cách xử lý em Vinh phơi bày bản chất tuyên truyền của hệ thống giáo dục và nỗi lo sợ của chính quyền trước tự do tư tưởng và ý kiến phản biện của người trẻ. Làn sóng chỉ trích gay gắt nhắm vào em cho thấy những tư tưởng chính thống đã được hệ thống giáo dục và tuyên truyền khắc sâu vào tâm trí của nhiều người, làm giảm lòng khoan dung và khả năng tiếp nhận các quan điểm khác biệt trong xã hội.
Vì sao các chế độ độc tài chính trị hóa hệ thống giáo dục, nói cách khác, vì sao học sinh bị áp đặt tư tưởng ngay từ nhỏ?
Theo Giáo sư Đại học Notre Dame Karrie Koesel, các chế độ độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam chính trị hóa hệ thống giáo dục vì hai lý do chính:
Thứ nhất là yếu tố lịch sử. Việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi hệ thống giáo dục phải sản sinh ra những cá nhân có niềm tin vững chắc vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa cũng như sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Thứ hai là lý do thực tiễn. Bằng cách kiểm soát nội dung giáo dục và ngăn chặn sự hình thành các quan điểm đối lập, chính quyền có thể phòng ngừa các phong trào phản kháng từ thế hệ trẻ. [2]
Giới trẻ luôn là một thách thức lớn đối với các chế độ độc tài. Họ là lực lượng chủ đạo dẫn dắt nhiều cuộc biểu tình và phong trào cách mạng, từ Thiên An Môn (1989) đến Mùa xuân Ả Rập (2010 - 2012) và gần đây là Phong trào Dù Vàng (2014) và chống dự luật dẫn độ (2019) ở Hồng Kông.
Sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong thập niên 1980 và sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động chiến dịch giáo dục lòng yêu nước (爱国主义教育) vào năm 1991. Ở bài này, người viết sẽ phân tích nội dung của chiến dịch này và khuyến khích người đọc so sánh thực trạng ở Trung Quốc với hệ thống giáo dục Việt Nam.
Khi yêu nước trở thành yêu đảng
Các tài liệu chính trị và giáo dục lòng yêu nước tập trung vào việc nâng cao nhận thức về lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là các giai đoạn bị xâm lược và áp bức từ ngoại bang. Chương trình nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản trong việc chống lại áp bức và nhờ vậy mà đất nước có độc lập và thịnh vượng.
Học sinh được khuyến khích tự hào về chế độ hiện tại và tin rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc vượt trội hơn phương Tây. Các tài liệu tuyên truyền cũng yêu cầu giới trẻ tuân phục đảng và coi những quan điểm trái chiều là “phản quốc” hay "phản cách mạng". [3]
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nỗ lực kiểm soát tư tưởng của học sinh, sinh viên càng được tăng cường. “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được tích hợp vào chương trình học và trở thành một phần quan trọng của hệ thống giáo dục, từ cấp tiểu học đến đại học.
Giáo trình “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa trong thời đại mới”, dành cho học sinh tiểu học, sẽ cung cấp một ví dụ về cách thức mà ĐCSTQ chính trị hóa giáo dục. [4]
Trong bài học “Một lòng đi theo Đảng,” phần I với tựa đề “Không có Đảng Cộng sản sẽ không có nước Trung Hoa mới” có nội dung như sau:
Hơn 180 năm trước, nhà Thanh tham nhũng và yếu kém, khiến Trung Quốc bị nhiều thế lực ngoại bang xâm lược, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Vô số người đã đứng lên đấu tranh để phục hưng dân tộc. Năm 1921, ĐCSTQ được thành lập, mang đến cho cách mạng Trung Hoa một diện mạo hoàn toàn mới.
Ngày 1/7 là ngày kỷ niệm thành lập ĐCSTQ.
Đây là lá cờ của ĐCSTQ, với biểu tượng búa liềm màu vàng.
ĐCSTQ thường xuyên nhấn mạnh “thế kỷ ô nhục” (1839 - 1949) trong sách giáo khoa và phương tiện truyền thông. Trong giai đoạn này, Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản xâm chiếm, áp đặt các hiệp ước bất bình đẳng và mất lãnh thổ. ĐCSTQ sử dụng ký ức về sự nhục nhã này để khẳng định vai trò bảo vệ quốc gia và duy trì ổn định xã hội.
Sách giáo khoa thường kết hợp ký ức bị áp bức với các tấm gương anh hùng cộng sản, như câu chuyện về Lưu Hồ Lan dưới đây là một ví dụ.