Cuốn sách "Unpacking Death Penalty in Southeast Asia" do các tác giả Sriprapha Petcharamesree, Mark P. Capaldi và Alan Collins đồng chủ biên, đã phân tích nhiều khía cạnh của án tử hình tại khu vực Đông Nam Á, nhất là tại 8/10 quốc gia thành viên ASEAN (trừ Campuchia và Philippines). [1]
Mặc dù việc bãi bỏ án tử hình đã trở thành một xu hướng phổ biến trên thế giới, nhưng ở 8 quốc gia này đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Theo thống kê được đề cập trong quyển sách, đầu năm 2020, có hơn 2.000 người tại các nước này đang chờ thi hành án tử hình.
Cuốn sách cũng đặc biệt phân tích về những lập luận liên quan "giá trị xã hội đặc trưng của châu Á" (Asian values), [2] quyền lực của các chế độ chưa dân chủ trong khu vực cũng như hạn chế của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Ngoài ra, từ quyển sách, người đọc cũng có thể khám phá những điều nhạy cảm hoặc bí mật xoay quanh án tử hình trong khu vực này.
ASEAN có đang đi lùi so với thế giới?
Vào ngày 16/12/2020, trong số 123 quốc gia tham gia bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) về nghị quyết kêu gọi tạm dừng sử dụng án tử hình thì chỉ có 3/10 quốc gia thành viên của ASEAN (Campuchia, Philippines và Malaysia) bỏ phiếu ủng hộ. Trong khi đó, Brunei và Singapore bỏ phiếu chống, và 5 quốc gia, bao gồm Việt Nam, bỏ phiếu trắng. [3]
Tính đến nay, 8/10 quốc gia ASEAN này vẫn duy trì án tử hình (Malaysia chỉ mới bãi bỏ tính bắt buộc của hình phạt này). Thậm chí, ở Việt Nam và Lào, thông tin về án tử hình còn được coi là bí mật quốc gia. Điều này diễn ra bất chấp thực tế rằng tất cả các quốc gia này đều quy định về quyền được sống trong hiến pháp của mình.
“Nợ máu phải trả bằng máu"
Tại các quốc gia ASEAN duy trì án tử hình, lý do cơ bản mà các chính phủ đưa ra là nhằm ngăn ngừa tội phạm (deterrence of crimes). Thậm chí, nhiều quốc gia tại khu vực này còn cho rằng án tử hình là hình phạt thích đáng cho các tội phạm nghiêm trọng. Mặc dù vậy, chính phủ vẫn chưa có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy việc áp dụng án tử hình thực sự giúp kéo giảm tỷ lệ tội phạm.
Các tác giả đã đặt câu hỏi liệu chúng ta có đang bào chữa một cách đúng đắn cho việc duy trì án tử hình hay không, và liệu án tử hình có phải là hình phạt hiệu quả để ngăn ngừa tội phạm?
Nhiều quốc gia ASEAN cũng nhấn mạnh đến "giá trị xã hội đặc trưng của châu Á" khi nói về án tử hình, với trọng tâm là cần bảo vệ lợi ích cộng đồng hơn là quyền cá nhân, đảm bảo an ninh trật tự xã hội và xây dựng một nhà nước có chính quyền mạnh mẽ.
Ở một góc độ khác, quan điểm duy trì án tử hình phản ánh tư duy "ăn miếng trả miếng" hay "nợ máu phải trả bằng máu", cho rằng đó là hình phạt thích đáng để kẻ phạm tội chuộc lại tội ác đã gây ra.
Tuy nhiên, giá trị châu Á liệu có thực sự tồn tại như các quốc gia tuyên bố? Cuốn sách cũng chỉ ra rằng có nhiều trường hợp án tử hình tại khu vực này được áp dụng cho những tội danh không đến ngưỡng “tội nghiêm trọng nhất” theo luật quốc tế. Hầu hết các án tử hình liên quan đến tội phạm ma túy.
Chưa kể, quan điểm cho rằng công chúng ủng hộ án tử hình chưa được chứng minh đầy đủ. Câu hỏi đặt ra là liệu công chúng có được tiếp cận thông tin đa chiều về vấn đề này không? Và việc chính phủ duy trì án tử hình để chứng tỏ sức mạnh có đáng không?
Tại các quốc gia ASEAN, thông tin về án tử hình không được công khai minh bạch, khiến công chúng thiếu cơ sở để đưa ra ý kiến toàn diện. Trong khi đó, truyền thông vẫn chưa thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc giáo dục công chúng về vấn đề này.
Một số quốc gia, như Philippines dưới thời Tổng thống Duterte, thậm chí còn có xu hướng tái lập án tử hình trong cuộc chiến chống ma túy. Dù các kết quả khảo sát ý kiến công chúng cho thấy sự ủng hộ đối với án tử hình, nhưng độ tin cậy của những kết quả này chưa được xác thực đầy đủ.
Tiếp nối hay bác bỏ lịch sử thuộc địa?
Cuốn sách phân tích rằng luật pháp quốc tế hiện tại không cấm hoàn toàn án tử hình nhưng cũng không khuyến khích hình phạt này. Ví dụ, Điều 3 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) khẳng định quyền được sống, trong khi Điều 6 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR, 1966) chỉ cho phép áp dụng án tử hình đối với "tội phạm nghiêm trọng nhất". Điều 11 của Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (AHRD, 2012) cũng nhấn mạnh rằng không ai bị tước đoạt quyền sống một cách tùy tiện.
Tuy nhiên, luật pháp quốc tế chưa có định nghĩa cụ thể về "tội phạm nghiêm trọng nhất" và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận trong việc áp dụng án tử hình.
Cuốn sách cũng chỉ ra rằng nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ quốc gia của các thành viên ASEAN là một rào cản lớn trong việc thống nhất các quy chuẩn về án tử hình trong khu vực. Chính vì nguyên tắc này, ASEAN không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung về việc áp dụng án tử hình, dẫn đến sự khác biệt lớn về cách tiếp cận trợ giúp pháp lý cho tử tù giữa các quốc gia.
Ngoài ra, quy định về phúc thẩm và ân xá tại nhiều quốc gia ASEAN thường không mang lại hiệu quả đáng kể. Án tử hình vẫn là bắt buộc đối với một số tội danh, dù rằng một số quốc gia đã dần dỡ bỏ quy định này.
Ngoài các lập luận trên, cuốn sách cũng nhấn mạnh rằng án tử hình không chỉ tác động đến tử tù mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình và cộng đồng của họ. Việc quyết định xử tử đáng lý ra không phải chỉ dựa trên tội danh mà còn cần phải đi kèm với nhiều yếu tố khác, như tử tù phải chịu đựng các hình thức tra tấn về thể xác và tinh thần, bị thiếu thốn thức ăn, nước uống, chăm sóc y tế, hoặc thậm chí bị lạm dụng tình dục trong nhà tù. Những vi phạm nhân quyền này có thể làm tổn thương nghiêm trọng phẩm giá của họ.
Chưa kể, nhiều tử tù đến từ các tầng lớp yếu thế trong xã hội, không đủ hiểu biết về hành vi của mình để nhận thức được hậu quả dẫn đến án tử hình. Trong khi đó, kẻ chủ mưu thường không phải chịu hình phạt nặng nề nhất, làm gia tăng sự bất công trong việc áp dụng hình phạt này.
Độc giả có thể từng đặt câu hỏi liệu án tử hình có chịu sự chi phối từ tôn giáo không.
Câu trả lời là không.
Theo quyển sách, các tôn giáo lớn như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Phật giáo đều không ủng hộ hoặc phản đối rõ ràng hình phạt này. Tại một số quốc gia áp dụng luật Sharia (hay Shari'ah, là hệ thống pháp luật dựa trên các giáo lý của đạo Hồi), án tử hình không bị coi là vi hiến, nhưng mỗi nước lại có cách áp dụng luật hình sự khác nhau, chứ không hoàn toàn dựa trên Sharia.
Điều này cho thấy nhiều quốc gia duy trì án tử hình không phải do tôn giáo mà thường vì các yếu tố chính trị, xã hội và văn hóa cụ thể.
Một số quốc gia ASEAN tuyên bố duy trì án tử hình như một cách để khẳng định chủ quyền pháp lý của họ, bất chấp áp lực từ phương Tây và xu hướng toàn cầu trong việc bãi bỏ hình phạt này. Lập luận này đặc biệt quan trọng với những nước từng trải qua thời kỳ thuộc địa, khi họ muốn thể hiện sự độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các quan điểm pháp lý bên ngoài.
Tuy nhiên, một điều mâu thuẫn là án tử hình từng là công cụ được các chính quyền thực dân sử dụng để kiểm soát và duy trì trật tự trong thời kỳ thuộc địa. Do đó, việc các chính phủ hiện nay tiếp tục áp dụng án tử hình đặt ra câu hỏi liệu họ đang bác bỏ hay thực chất là tiếp nối di sản của chế độ thực dân?
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Đọc thêm:
Chú thích
[1] Unpacking the Death Penalty in ASEAN : Petcharamesree, Sriprapha, Capaldi, Mark P., Collins, Alan: Amazon.sg: Books. (2024). Amazon.sg. https://www.amazon.sg/Unpacking-Death-Penalty-Sriprapha-Petcharamesree/dp/9811988390
[2] Asian values | Definition, Criticism, & Facts | Britannica. (2024). In Encyclopædia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Asian-values
[3] UN: Opposition to the death penalty continues to grow. (2020, December 16). Amnesty International. https://www.amnesty.org/en/latest/news/2020/12/un-opposition-to-the-death-penalty-continues-to-grow-2/