Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Ở phần trước, Luật Khoa tạp chí đã giới thiệu về các loại nhóm lợi ích hoạt động trong mô hình dân chủ, điển hình là ở Hoa Kỳ. Bài này tiếp tục giới thiệu về cách thức hoạt động của các nhóm này.
Giáo sư Thomas Patterson, trong cuốn “We the people: An Introduction to American Government”, chia các loại hoạt động này thành hai nhóm: vận động chính sách từ bên trong và bên ngoài. [1] Nhóm thứ nhất tạo ảnh hưởng thông qua các đầu mối chính thức trong hệ thống chính quyền, loại thứ hai là tạo ảnh hưởng bằng cách vận động cử tri bên ngoài.
Các nhà vận động nhắm vào tất cả các nhánh quyền lực nhà nước hòng gây ảnh hưởng lên hành pháp, lập pháp, tư pháp. Họ phát triển mối quan hệ thân thiết với các nhà làm chính sách, quan chức trong chính quyền, người làm trong hệ thống tòa án đủ các cấp bậc. Mục đích cuối cùng là để tìm cách xoay chuyển các chính sách, cách áp dụng luật, các phán quyết theo hướng có lợi cho các thành viên trong nhóm lợi ích của mình.
Các nhà vận động sử dụng thông tin là vũ khí cho hoạt động của mình. Chẳng hạn, đối với một dự luật có thể ảnh hưởng xấu đến ngành nghề của mình, họ tìm cách trình bày chi tiết nhất các dự báo thiệt hại như số người mất việc, số lương hay chế độ có thể bị cắt.
Thực tế, có rất nhiều dự luật được đưa ra ở Mỹ là dựa trên thông tin của các nhà vận động cung cấp. Văn phòng của các dân biểu thường chỉ có số nhân viên và kinh phí hạn hẹp. Trong khi đó, các văn phòng vận động chính sách, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, bất động sản, dược phẩm, thì có hầu bao rất rộng.
Về mặt lý thuyết, các nhà vận động phải đảm bảo uy tín là cung cấp thông tin, số liệu xác tín cho các chính trị gia, nếu không họ sẽ dễ dàng bị cắt đường giao dịch về sau.
Để tối đa hoá sự ủng hộ, các nhóm lợi ích còn nhắm vào số đông cử tri để quảng bá cho các lịch trình của mình. Họ liên lạc với các nhóm cử tri có cùng mối quan tâm để yêu cầu viết thư gửi lên các dân biểu để bỏ phiếu thuận hay chống cho một chính sách nhất định. Họ cũng có thể giúp tổ chức biểu tình, gọi điện thoại để cử tri gây áp lực lên chính quyền.
Trong khi hoạt động tranh cử cấp tiểu bang và liên bang chỉ diễn ra mỗi mấy năm một lần, và các chính sách tranh cử thường bao trùm trên diện rộng, hoạt động của các nhóm lợi ích diễn ra khá thường xuyên, nhắm vào một vấn đề cụ thể. Như vậy, các nhóm lợi ích khá có lợi thế trong việc gây chú ý và tranh thủ sự ủng hộ của những người có cùng động lực.
Các nhà tư tưởng theo thuyết đa nguyên cho rằng sự phát triển rộng rãi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau sẽ giúp ích cho chính quyền hoạt động tốt hơn. Các nhóm này tập hợp các thành viên có cùng lợi ích, họ hiểu hơn ai hết những gì có lợi và có hại cho các thành viên trong nhóm của mình, và mang tiếng nói của người dân đến với chính quyền.
Theo tư tưởng này, chính quyền không thể chỉ đơn giản là phục vụ cho lợi ích của số đông mà quên đi lợi ích của các nhóm nhỏ khác. Trong nhiều trường hợp, các nhóm nhỏ hơn cũng cần được thể hiện nguyện vọng và đòi hỏi lợi ích của họ. Các nhóm lợi ích là một cầu nối không thể thiếu cho mục đích này. Nếu mỗi nhóm thành phần trong xã hội đều được tổ chức theo các nhóm lợi ích của mình, các nhóm này đấu tranh cho lợi ích của các thành viên, thì chung cuộc ai cũng giành được một phần.
Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền không bao giờ có thể bao quát hết mọi lĩnh vực và mọi thành viên trong xã hội. Nếu các thành viên tự tổ chức lại và đưa tiếng nói ủng hộ hoặc phản đối của mình đến với chính quyền, thì phạm vi hoạt động của chính quyền sẽ rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, quan điểm nói trên cũng nhận được nhiều chỉ trích. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Theodore Lowi đã chỉ ra hai nhược điểm lớn nhất của lập luận nói trên. [2]
Vấn đề thứ nhất là trong một hệ thống mà các nhóm lợi ích được tự do vận động cho các chính sách chỉ có lợi cho mình, thì sẽ không còn có gì là lợi ích công cộng. Và những điều có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó không có nghĩa là cũng có lợi cho số đông.
Vấn đề thứ hai là không phải loại lợi ích nào, nhóm dân số nào cũng có khả năng và nguồn lực để tổ chức thành các nhóm lợi ích bài bản như nhau. Điều này dẫn đến việc các nhóm giàu có hơn, có nhiều động lực kinh tế hơn, sẽ dễ dàng thắng trong các cuộc vận động chính sách hơn.
Nếu các nhóm lợi ích về kinh tế được hoàn toàn tự tung tự tác, hẳn nhiên họ sẽ thao túng cả chương trình nghị sự theo ý mình. Trong khi đó, các nhóm phi kinh tế, chẳng hạn như nhóm hoạt động vì môi trường, không thể đọ được với các nhóm sản xuất kinh doanh, cho nên trận chiến của họ khó thắng hơn nhiều.
Cả hai hướng quan điểm bảo vệ và chỉ trích các nhóm lợi ích nói trên đều có nhiều điểm hợp lý.
Thực tế, James Madison, một trong những nhà lập pháp đầu tiên của Hoa Kỳ, đã đưa ra tranh luận về tính hai mặt của nhóm lợi ích trong xã hội Hoa Kỳ. Mặc dù lo ngại các nhóm lợi ích sẽ giành được nhiều ảnh hưởng chính trị, nhưng ông vẫn cho rằng một xã hội tự do phải cho phép người dân được tổ chức lại thành các hội nhóm để cổ súy cho lợi ích riêng của mình. Một khi con người không được vận động một cách riêng lẻ từ nhiều góc độ về nhu cầu, giá trị, quyền sở hữu, thì dân tộc đó không phải là hoàn toàn tự do.
Tóm lại, các nhóm lợi ích là một phần không thể tách rời trong một xã hội đa nguyên tự do. Đó là đại diện của một nhóm cá nhân có cùng chia sẻ lợi ích kinh tế, giá trị xã hội, niềm tin hoặc tầm nhìn về xã hội hay tương lai của dân tộc họ đang sống. Trong số này, các nhóm lợi ích kinh tế chiếm số đông đảo, có nhiều nguồn lực hơn cả để tạo ảnh hưởng trực tiếp lên các chính sách của quốc gia.
Sự hoạt động đông đảo của các nhóm lợi ích có thể là một dấu hiệu cho thấy nhiều thành phần trong xã hội đang được tự do mưu cầu lợi ích cho bản thân mình. Tuy nhiên, do sự bất cân xứng về nguồn lực của các nhóm lợi ích về nhiều lĩnh vực khác nhau, xã hội luôn phải đối mặt với vấn đề một số nhóm lợi ích quá lớn mạnh thường đạt được những điều mình muốn, cho dù điều đó là có hại cho số đông.
Phần tiếp theo sẽ thảo luận trong các chế độ phi dân chủ, các nhóm lợi ích có tồn tại không, và nếu có thì họ tồn tại ở đâu, dưới dạng thức nào.
Đọc thêm:
Chú thích