Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Năm 1850, Paul Julius Reuter dùng chim bồ câu để chuyển tin tức từ Đức sang Bỉ. Sáng kiến này giúp rút ngắn thời gian giao nhận tin tức giữa hai nơi xuống còn bốn tiếng đồng hồ, nhanh hơn hai tiếng so với việc dùng xe lửa - phương tiện truyền tin phổ biến vào thời điểm đó.
Bạn đọc có thể dễ dàng đoán ra Paul Julius Reuter chính là người sáng lập ra Reuters - một trong những hãng tin nổi tiếng và uy tín nhất thế giới.
Hơn một thập niên sau, khi có mạng lưới điện tín (telegraph) kết nối các quốc gia với nhau, tin tức được truyền đi gần như tức thời. Hơn 20 năm tiếp theo, điện thoại và công nghệ radio lần lượt ra đời. [1]
Lịch sử phát triển của hoạt động truyền tin gắn liền với sự phát triển của công nghệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là công nghệ giúp thỏa mãn nhu cầu tin tức hay đang đẩy con người vào "cơn nghiện" thông tin?
Độc giả có thể tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách “No Time to Think: The Menace of Media Speed and the 24-Hour News Cycle” (tạm dịch: Không có thời gian để nghĩ: Mối nguy hại của tốc độ truyền thông và vòng lặp tin tức 24 giờ) do Howard Anthony Rosenberg và Charles S. Feldman viết. Được xuất bản vào năm 2008, quyển sách này tập trung thảo luận về tốc độ và mặt trái của truyền thông trong kỷ nguyên tin tức số hóa. [2]
Những năm đầu của thế kỷ 21, thời điểm ra đời của cuốn sách, các kênh truyền hình cáp chuyên đưa tin 24/7 như CNN, Fox và MSNBC có ảnh hưởng rất sâu rộng, nhất là ở Mỹ.
Với những ai sinh ra vào thời điểm này, sự tồn tại của các kênh tin tức 24/7 là điều hiển nhiên. Nhưng chỉ vài thập niên trước đó, ít ai nghĩ đến việc cần một thứ như vậy trong đời.
Các tác giả của "No Time to Think" truy dấu sự ra đời của truyền hình tin tức 24/7 từ hai chuỗi sự kiện mà họ gọi là “Cách mạng Pháp” và “Cách mạng Mexico”.
Nhân dịp sinh nhật, Luật Khoa dành tặng bạn gói ưu đãi đọc báo trả phí với 30.000đ/tháng ($15/năm) trong tháng 11
Đăng ký MemberNăm 1895, anh em nhà Lumière đã tổ chức buổi công chiếu đầu tiên của những thước phim quay cảnh đời thường ở Pháp. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của họ từ thời điểm này là các cảnh quay công nhân rời khỏi nhà máy. Đây cũng được coi là một trong những ví dụ đầu tiên về phim tài liệu hay “phim tin tức”.
Năm 1911, Charles Pathé đã tiên phong trong việc sản xuất các thước phim tin tức (newsreel) hằng tuần tại châu Âu. Ba năm sau, tần suất được rút ngắn xuống thành hằng ngày.
Năm 1926, công nghệ giúp âm thanh đồng bộ với hình ảnh, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất phim tin tức.
Từ đó, phim tin tức trở thành một phần quan trọng của các rạp chiếu phim, với sự tham gia sản xuất của các công ty tên tuổi như Paramount, Universal hay Warner Bros. (dưới cái tên Warner Pathé News).
Các rạp chiếu phim tin tức rất ăn khách, ngay cả trong thời kỳ khó khăn như Đại khủng hoảng kinh tế (1929 - 1939). [3] Tuy nhiên, đến năm 1967, các rạp chiếu phim tin tức suy yếu và dần bị truyền hình thay thế.
Trong khi đó, vào đầu thập niên 1960, Gordon McLendon, một doanh nhân người Mỹ, đã lập ra kênh phát thanh tin tức 24/7 đầu tiên ở Mexico. Sáng kiến này đã thu hút nhiều nhà đầu tư cho loại hình tin tức mới nổi. Đến năm 1980, Ted Turner đã thành lập CNN (Cable News Network - Mạng lưới Tin tức Truyền hình cáp), kênh truyền hình tin tức 24/7 đầu tiên trên thế giới.
Khi CNN xuất hiện và kéo theo đó là hàng loạt các kênh 24/7 khác, các nhà đài đối diện với áp lực phải tạo ra nội dung liên tục. Và họ đã giải quyết vấn đề này bằng cách mở rộng định nghĩa “tin tức” là bất kỳ thông tin nào có thể thu hút sự chú ý của công chúng.
Điều này đã dẫn đến việc lạm dụng ghi hình trực tiếp (live coverage) hay việc phát sóng những nội dung “dự đoán” và “bình luận” trước khi sự kiện xảy ra. Phóng viên hiện trường thường phải “biểu diễn” trước ống kính mà không có đầy đủ thông tin. Trong rất nhiều trường hợp, những nội dung phát sóng này chỉ được xây dựng dựa trên ý kiến chủ quan và các tin đồn.
Dù thiếu chiều sâu và giá trị, nhưng do được phát sóng liên tục nên các nội dung này dần trở nên quen thuộc với khán giả và không bao lâu, nó được chấp nhận như một dạng tin tức bình thường.
Vào thời điểm cuốn sách được viết, truyền hình cáp tin tức 24/7 được xem là nguồn tin tức chính thống và có ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, gần hai thập niên sau, Internet và mạng xã hội đã thay thế vị trí này và trở thành nguồn tiếp nhận tin tức chủ yếu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các cuộc cách mạng tin tức tiếp theo.
Nhưng công nghệ mới vẫn đặt ra một vấn đề cũ: giá trị tin tức.
Tốc độ truyền tin ngày nay được tính bằng giây, và hệ lụy của nó chính là sự lây lan của tin giả. Việc các nhà đài và nền tảng trực tuyến cạnh tranh gay gắt với nhau càng làm vấn đề thêm trầm trọng.
Theo các tác giả, sự phát triển như vũ bão của tin tức đã tạo ra một “cơn nghiện”. Nó khiến nhiều người, từ các phóng viên chuyên nghiệp cho đến người dùng mạng xã hội, đều có khuynh hướng chia sẻ ngay lập tức những thứ mình nhận được thay vì dành thời gian để đánh giá, kiểm chứng.
Điều đó có nghĩa là vòng xoáy tin tức cấp tốc đã biến truyền thông, công luận lẫn chính quyền trở thành “con tin” của tin tức. Hệ lụy là xã hội vận hành một cách vội vàng và thiếu lý trí.
Đặt vào bối cảnh của Việt Nam, vấn đề càng trở nên phức tạp do tình trạng kiểm duyệt. Những thông tin quan trọng thường bị khống chế, còn nội dung vô thưởng vô phạt hoặc thậm chí sai lệch lại được tùy ý lan truyền trên khắp các nền tảng.
Có lẽ, thách thức lớn nhất đặt ra cho chúng ta ngày nay chính là dừng lại vài phút để suy nghĩ và đánh giá thông tin.
[1] The Transcontinental Telegraph (U.S. National Park Service). (2024). Nps.gov. https://www.nps.gov/articles/000/the-transcontinental-telegraph.htm
[2] No Time To Think: The Menace Of Media Speed And The 24-Hour News Cycle: Rosenberg, Howard: 9781441112354: Amazon.com: Books. (2024). Amazon.com. https://www.amazon.com/No-Time-Think-Menace-24-hour/dp/1441112359
[3] Pells, R. H., & Romer, C. D. (1998, July 20). Great Depression | Definition, History, Dates, Causes, Effects, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/event/Great-Depression