Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Năm 1989, khi Việt Nam đang chuyển mình từ thời kỳ bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không khí thi đua hừng hực diễn ra trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống. Lúc bấy giờ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” dành cho lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động. [1]
Phong trào này nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng của nữ giới: (1) tích cực tham gia lao động sản xuất để góp phần phát triển đất nước và (2) chu toàn thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu.
Cho tới nay, dù bị dư luận chỉ trích, phong trào này vẫn được duy trì. Những diễn ngôn như “hiệu quả”, “phát huy tốt”, “lan tỏa”, “nâng cao vị thế”, v.v. được sử dụng trong các báo cáo về “phụ nữ hai giỏi”. [2] [3] [4] [5] [6] Câu nói “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã trở thành một khuôn mẫu cứng nhắc, giới hạn sự phát triển cá nhân của phụ nữ.
Theo Báo cáo Điều tra lao động, việc làm năm 2018 của Tổng cục Thống kê, có khoảng 50% phụ nữ không tham gia hoạt động kinh tế vì "lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình", trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 18,9%. [7]
Tờ Tuổi trẻ dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ Việt Nam dành trung bình 20,2 giờ mỗi tuần cho các công việc gia đình như dọn dẹp, giặt giũ, nấu ăn và chăm sóc con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ. Đáng chú ý, gần 1/5 nam giới thậm chí không hề tham gia vào việc nhà.
Nhiều người nói rằng từ trước tới nay, trong xã hội phụ quyền, phụ nữ được ăn sung mặc sướng, chỉ cần chăm lo chồng con và làm đẹp, chứ có bị mất quyền gì đâu mà phải đi đòi. [8] Tuy nhiên, lập luận này chỉ đề cập đến một dạng tự do giới hạn trong khuôn khổ, và thực tế, nó đặt ra nhiều rào cản đối với quyền tự do lựa chọn cũng như sự phát triển cá nhân của phụ nữ.
Nhà triết học và nhà hoạt động nữ quyền Simone de Beauvoir đã trả lời câu hỏi “phụ nữ mất quyền gì mà đòi?” trong tác phẩm “The Second Sex” (tạm dịch: Giới tính hạng hai, hay Đệ nhị giới) xuất bản vào năm 1949 của mình. Bà kết hợp tư tưởng hiện sinh và phân tích xã hội học để chỉ trích những khuôn mẫu giới tính cứng nhắc đã áp đặt lên phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử. [9]
Beauvoir lập luận rằng phụ nữ thường được coi là "người khác" (the Other) trong mối quan hệ với nam giới, vì đàn ông mới là chuẩn mực của xã hội.
Bằng câu nói nổi tiếng “Người ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ” (One is not born, but rather becomes, a woman), bà phân biệt “phụ nữ” khỏi “giống cái” (tức giới tính sinh học), đồng thời nhấn mạnh vai trò giới không phải là bản chất tự nhiên mà là kết quả của các áp lực xã hội. Ý tưởng này của bà trở thành nguyên lý cốt lõi trong các lý thuyết nữ quyền hiện đại.
Viết The Second Sex, Beauvoir tổ chức nội dung liên quan hai chủ đề lớn gồm Facts and Myths (tạm dịch: Sự thật và huyền thoại) và Lived Experience (tạm dịch: Trải nghiệm sống).
Ở phần đầu, bà phân tích các định kiến về phụ nữ từ góc nhìn của văn học, triết học và phân tâm học, nhằm chỉ ra rằng những định nghĩa về phụ nữ thường bị các quan niệm rập khuôn của nam giới định hình. Bà phê phán các triết gia như Aristotle, Hegel, Freud vì những quan điểm của họ làm giảm đi giá trị của phụ nữ.
Beauvoir lập luận rằng sự phân biệt giới tính và sự thống trị của nam giới bắt nguồn từ những quan niệm truyền thống lâu đời, đặc biệt là việc gán phụ nữ với thân thể, sinh sản và vai trò như “người mẹ hiền". Bà truy tìm nguồn gốc của sự thống trị này từ thời cổ đại, cụ thể là từ các tượng nữ thần ở Susa (nay thuộc Iran), nơi phụ nữ được khắc họa với biểu tượng của “sinh sản” và “phì nhiêu”.
Bà tiếp tục phê phán quan điểm của Pythagoras về “nguyên tắc tốt tạo ra trật tự, ánh sáng và đàn ông; nguyên tắc xấu tạo ra hỗn loạn, bóng tối và phụ nữ”. Bà dẫn chứng trong xã hội Hy Lạp cổ đại, trừ trường hợp của Sparta, thì phụ nữ bị coi gần như là nô lệ; hay ở Rome, phụ nữ có nhiều quyền hơn, nhưng đó chỉ là “tự do rỗng tuếch” vì họ vẫn chịu sự phân biệt giới tính và không có quyền tự chủ thực sự.
Vào thế kỷ 16, quyền của phụ nữ trong hệ thống pháp luật không thay đổi nhiều so với trước, nhưng công chúa Pháp Marguerite xứ Angoulême vẫn đạt được nhiều thành tựu trong văn học. Beauvoir cũng chỉ trích Bộ luật Dân sự của Napoléon vì những quy định hạn chế quyền của phụ nữ và phê phán nhà triết học Pierre-Joseph Proudhon, người phản đối nữ quyền.
Beauvoir đề cập rằng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp, phụ nữ bắt đầu tham gia lực lượng lao động, nhưng thường nhận mức lương thấp. Chưa kể, mặc dù tổ chức công đoàn phát triển nhanh chóng nhưng sự tham gia của phụ nữ vẫn còn hạn chế. Khi xã hội phát triển vượt bậc vào đầu thế kỷ 20, phụ nữ vẫn chưa có chỗ đứng đáng kể như nam giới.
Ngày nay, khái niệm “male gaze” (nhãn quan nam giới) được dùng để chỉ hiện tượng này. Nhà nghiên cứu phim Laura Mulvey đã đặt ra thuật ngữ này trong một bài luận vào năm 1975. [10] Mulvey giải thích rằng các bộ phim lúc bấy giờ thường được xây dựng từ góc nhìn của khán giả nam. Do đó, phụ nữ bị vật thể hóa (objectified), trở thành đối tượng để thỏa mãn ánh nhìn của nam giới. Trong phim, phụ nữ thường phải gợi cảm, quyến rũ và thụ động trong mối quan hệ với các nhân vật nam thay vì được công nhận là những con người độc lập với giá trị riêng.
Trong phần thứ hai của cuốn sách, Beauvoir chuyển sang phân tích cuộc sống của phụ nữ từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, tập trung vào các yếu tố như hôn nhân, làm mẹ và trách nhiệm gia đình.
Bà cho rằng hôn nhân mang lại sự an toàn và ổn định nhưng đồng thời tạo ra sự lệ thuộc, buộc phụ nữ phải từ bỏ một phần tự do cá nhân, nhất là khi họ phải gánh vác hầu hết công việc nhà sau khi kết hôn.
Cuốn sách The Second Sex chịu ảnh hưởng sâu sắc từ triết học hiện sinh, đặc biệt là ý tưởng rằng mỗi con người có trách nhiệm tự tạo dựng ý nghĩa cho cuộc đời mình.
Nhân dịp sinh nhật, Luật Khoa dành tặng bạn gói ưu đãi đọc báo trả phí với 30.000đ/tháng ($15/năm) trong tháng 11
NHẬN ƯU ĐÃINhững kỳ vọng xã hội thường gò ép phụ nữ vào vai trò thụ động và phụ thuộc vào nam giới cả về mặt tài chính lẫn địa vị xã hội. Quan điểm hiện sinh của Beauvoir khuyến khích phụ nữ từ chối những vai trò áp đặt này và tìm kiếm tự do bằng cách sống một cuộc đời theo ý muốn của chính mình.
Theo Beauvoir, sự giải phóng thật sự chỉ xảy ra khi phụ nữ có độc lập kinh tế, quyền tự chủ về sinh sản và mối quan hệ bình đẳng với nam giới. Dù một số quốc gia đã có tiến bộ về mặt pháp lý, nhưng bà vẫn cho rằng thay đổi bền vững phải xuất phát từ nhận thức của cá nhân và xã hội.
Quyển The Second Sex mang đậm tính triết lý, nhưng độc giả sẽ thấy nó không hề khô khan vì Beauvoir dẫn chứng nhiều ví dụ và câu chuyện. Có thể nói, cuốn sách của Beauvoir là một trong những tác phẩm nữ quyền tiên phong, mở đường cho làn sóng nữ quyền thứ hai vào những thập niên 1960 và 1970.
Nhiều nhà hoạt động như Betty Friedan và Gloria Steinem đã lấy cảm hứng từ tác phẩm này để đấu tranh vì bình đẳng ở Mỹ. Ngoài ra, Beauvoir cũng ảnh hưởng nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng sau này, như nhà triết học Judith Butler. [11] Theo đó, Butler đã mở rộng khái niệm của Beauvoir để phát triển lý thuyết “performativity” (trình diễn giới), cho rằng giới tính là một vai diễn do xã hội áp đặt và cá nhân thực hiện. [12]
Sau khi đọc xong tác phẩm, bạn đọc chắc chắn sẽ trả lời được câu hỏi “phụ nữ có mất quyền gì đâu mà cứ phải đi đòi?”. Và đối với tôi, đấu tranh cho nữ quyền không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ, mà còn vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
[1] Hiếu, M. (2024, July 13). Phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà trong nữ công nhân, viên chức, lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm nào? Thuvienphapluat.vn; ThuVienPhapLuat.vn. https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/phong-trao-thi-dua-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-trong-nu-cong-nhan-vien-chuc-lao-dong-duoc-tong-lien-163831.html
[2] Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. (2024). Hoilhpn.org.vn. https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hieu-qua-tu-phong-trao-thi-%C4%91ua-gioi-viec-nuoc-%C4%91am-viec-nha-gan-voi-phong-trao-phu-nu-tich-cuc-hoc-tap-lao-%C4%91ong-sang-tao-xay-dung-gia-%C4%91inh-hanh-phuc-trong-nu-can-bo-cong-nhan-vien-chuc-lao-%C4%91ong--35663-4523.html
[3] Phát huy vai trò nữ CNVCLĐ trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” trong khối giáo dục. (n.d.). Liên Đoàn Lao Động Tỉnh Thái Nguyên. https://congdoanthainguyen.org.vn/cac-chuyen-de/-/asset_publisher/mLHPz9VbmFm3/content/phat-huy-vai-tro-nu-cnvcl-trong-phong-trao-thi-ua-gioi-viec-nuoc-am-viec-nha-trong-khoi-giao-duc-
[4] Lan tỏa phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (n.d.). http://www.congdoan.vn/tin-tuc/cong-tac-nu-cong-gioi-510/lan-toa-phong-trao-thi-dua-%E2%80%9Cgioi-viec-nuoc-dam-viec-nha%E2%80%9D-806232.tld
[5] Thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” nâng cao vị thế phụ nữ. (n.d.). https://congdoan.kiengiang.gov.vn/Trang/TinTuc/ChiTiet.aspx?nid=2805&chuyenmuc=189
[6] Minh, B. P. L. T. H. C. (2013, December 17). “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không chỉ dành cho nữ giới. Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. https://plo.vn/gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-khong-chi-danh-cho-nu-gioi-post258141.html
[7] Báo cáo Điều tra Lao động việc làm năm 2018. (2018). General Statistics Office of Vietnam. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/02/bao-cao-dieu-tra-lao-dong-viec-lam-nam-2018/
[8] Dear Patriarchy,. (2010, April 6). Crunkfeministcollective.com. https://www.crunkfeministcollective.com/2010/04/06/dear-patriarchy/
[9] De Beauvoir, S. (1949). The Second Sex. Newuniversityinexileconsortium.org. https://newuniversityinexileconsortium.org/wp-content/uploads/2021/07/Simone-de-Beauvoir-The-Second-Sex-Jonathan-Cape-1956.pdf
[10] Mulvey, L. (1975). Visual Pleasure and Narrative Cinema. Screen, 16(3), 6–18. https://doi.org/10.1093/screen/16.3.6
[11] Thiên Tân. (2023, May 23). Phá vỡ nhị nguyên giới có gây nên rắc rối cho xã hội? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2023/05/pha-vo-nhi-nguyen-gioi-co-gay-nen-rac-roi-cho-xa-hoi/
[12] Salih, S. (2006). On Judith Butler and Performativity (pp. 55–67). https://www2.kobe-u.ac.jp/~alexroni/IPD2020/IPD2020%20No.2/Salih-Butler-Performativity-Chapter_3.pdf