Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Ngày 5/11 này, Luật Khoa tròn 10 tuổi. Đây là dịp không thể tốt hơn để suy ngẫm lại hành trình làm báo và tổng kết những bài học xương máu của mình.
Mời bạn suy ngẫm cùng Luật Khoa.
Thuở mới lập ra Luật Khoa, chúng tôi chỉ ráng làm báo cho tốt. Dĩ nhiên, “làm báo cho tốt” trong điều kiện kiểm duyệt ở nước ta đòi hỏi những nỗ lực khá bất bình thường. Nỗ lực đó có tên là làm báo độc lập. Mà làm báo độc lập ở nước ta hay bị xem là “nhạy cảm”.
“Nhạy cảm”. Cái nhãn ấy bị dán khắp nơi, lắm lúc có cảm giác như thứ gì ở xứ này cũng nhạy cảm, chẳng còn gì bình thường nữa.
Bản thân chúng tôi cũng vô hình trung rơi vào cái lối mòn suy nghĩ ấy. Chúng tôi bị tự kỷ ám thị, cho rằng Luật Khoa là một thứ “nhạy cảm”.
Đó là một sai lầm không thể lớn hơn của chúng tôi.
Dần dà, chúng tôi nhận ra rằng, những gì Luật Khoa đang làm thực ra chỉ là làm báo một cách hết sức bình thường, theo đúng nghĩa bình thường của nghề báo. Đồng sáng lập viên Phạm Đoan Trang có lần phàn nàn với chúng tôi rằng chị ấy không thích cái mác “nhà báo độc lập”, “báo chí độc lập”. Lý do của chị ấy rất đơn giản: đã là nhà báo, đã là báo chí thì dĩ nhiên là phải độc lập, và độc lập là bản chất cốt lõi của cái nghề này, không cần phải thêm cái nhãn “độc lập” vào làm gì cho thừa thãi ra.
Dĩ nhiên, chúng tôi không ngây thơ đến mức cho rằng làm báo bình thường là thứ dễ dàng được chấp nhận ở nước ta. Nhưng chúng tôi muốn xác quyết một niềm tin nội tại rằng chúng tôi đang làm báo một cách bình thường và chúng tôi muốn biến thứ báo chí bình thường đó trở thành một thứ… bình thường trong xã hội.
Không ai muốn bị gạt, bị lừa, bị thao túng. Một trong những thứ đầu tiên chúng ta ở Việt Nam nghe thấy khi vừa lọt lòng mẹ là tiếng loa phường. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân bị bộ máy tuyên giáo thao túng thông tin một cách sâu sắc, toàn diện, và có hệ thống.
Nhưng các nhà tuyên giáo không đơn độc trong công cuộc này. Mạng Internet là một công cụ tuyệt vời cho những người làm báo trung thực lẫn những người chế biến và phát tán tin vịt. Ít ai trong chúng ta hoàn toàn vô can trong việc vô tình hay cố ý lan truyền loại thông tin độc hại này.
Luật Khoa không được phép dự phần vào công cuộc thao túng thông tin đó, bất kể là vì mục đích tốt đẹp gì chăng nữa, và không bao giờ được biện minh bằng lý do bị lừa.
Chúng tôi trung thực với độc giả về năng lực của mình, bằng cách không viết, không đăng những gì chúng tôi không có năng lực chuyên môn để thẩm định.
Chúng tôi trung thực với độc giả về nguồn thông tin của mình, bằng cách trích dẫn đầy đủ - cả dán link lẫn chú thích - để độc giả có thể kiểm chứng lại thông tin nếu muốn. Nếu phát hiện được lỗi sai, chúng tôi sửa lại và ghi đính chính. Và nếu phát hiện đạo văn, chúng tôi sửa/gỡ bài, thông báo và xin lỗi ngay.
Chúng tôi trung thực với độc giả về nguồn ngân sách của mình, bằng cách công khai ngân sách hằng năm (thông qua báo cáo thường niên và/hoặc thư gửi độc giả), cơ cấu nguồn thu ngân sách, và một số nhà tài trợ cho phép chúng tôi công bố thông tin. Nếu một bài viết có liên quan tới một nhà tài trợ ẩn danh, chúng tôi hoặc là không đăng, hoặc nếu đăng thì nói rõ để độc giả biết về xung đột lợi ích này.
Luật Khoa chắc chắn không tránh khỏi thiên kiến, phần lớn bài viết của Luật Khoa là bài phân tích, bình luận theo một hướng nào đó, nhưng chúng tôi không dùng thủ pháp viết lách nào để lừa độc giả. Ngay cả khi đó là bài quan điểm, các biên tập viên của chúng tôi luôn cố gắng hết sức để kiểm chứng thông tin và đánh giá tính logic của bài.
Chúng tôi đã nỗ lực tối đa để làm báo trung thực, còn phần phán xét sau cùng, dĩ nhiên, thuộc về độc giả.
Dù bán báo, Luật Khoa vẫn giữ nguyên mô hình phi lợi nhuận. Về mặt pháp lý, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) - chủ sở hữu của Luật Khoa - là một tổ chức phi lợi nhuận đăng ký ở Hoa Kỳ, mọi nguồn thu đều phải được tái đầu tư cho tổ chức. Luật Khoa để ngỏ khả năng mở một công ty con nhưng đa số cổ phần vẫn do LIV nắm giữ.
Làm báo vì lợi nhuận không có gì sai, nhiều tờ báo tốt nhất thế giới là những công ty làm ăn có lãi và làm giàu cho cổ đông. Họ vừa làm báo chất lượng, vừa kiếm được lời.
Ở Luật Khoa, chúng tôi cho rằng báo chí là một loại hàng hóa công, phụng sự lợi ích công, do đó, chúng tôi muốn tránh khả năng bị cổ đông và mục tiêu lợi nhuận làm xói mòn các giá trị công của mình. Trên thế giới có đầy đủ các ví dụ về những tờ báo vì chạy theo lợi nhuận mà làm báo bất chấp các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phao tin đồn nhảm, gieo rắc hận thù, cốt để kiếm thêm “view”; cũng không thiếu tiền lệ về việc chủ sở hữu tờ báo can thiệp sâu vào khâu sản xuất nội dung và trực tiếp xâm hại đến tính độc lập của tòa soạn.
Cho đến nay, Luật Khoa vẫn tin vào mô hình phi lợi nhuận này.
Đứng trước những lời góp ý, chỉ trích nặng lời, có một cách chống chế là “góp ý, chỉ trích cũng phải có tính xây dựng”. Chúng ta hẳn đã nghe quan chức nhà nước nói điều đó đến nhàm tai, bất kể nghĩa vụ công bộc của họ là phải lắng nghe dù lời góp ý, chỉ trích có khó nghe cỡ nào đi chăng nữa.
Thế nhưng điều này cũng không ngăn báo chí lựa chọn một phương châm làm báo có tính xây dựng.
Báo chí xây dựng chọn một thái độ tôn trọng với tất cả các bên khác nhau của vấn đề và cho họ cơ hội được bày tỏ ý kiến như nhau. Nó có đả kích ai cũng đều trước hết tôn trọng nhân phẩm của đối tượng bị đả kích, thừa nhận tính chính đáng trong lập luận của họ (nếu có), và đặt họ vào bối cảnh cụ thể để không phán xét một cách hời hợt. Nó xử việc chứ không xử người. Nó phê phán để ngồi được với nhau chứ không phải để thù hận nhau. Nó đề xuất giải pháp và hướng các cuộc thảo luận vào việc giải quyết vấn đề chứ không chửi bới cho sướng miệng.
Dĩ nhiên, nói dễ, làm khó. Xây bao giờ cũng khó hơn phá (lưu ý: phá ở đây là từ trung lập, bao gồm cả phá cái xấu và phá cái tốt). Phê phán, thậm chí khơi lại những nỗi đau và đẩy lùi tệ nạn xã hội, luôn là việc Luật Khoa cần làm thường xuyên. Luật Khoa chọn báo chí xây dựng để ít nhất là không gieo rắc thêm hận thù vốn đã mưng mủ trong xã hội, và nếu may mắn, có thể đóng góp một viên thuốc giảm đau, một mũi khâu đẹp, và một viên gạch tốt để xây dựng một ngôi nhà mới.
Khi Luật Khoa bước sang tuổi thứ ba, đã có một độc giả thân thiết khuyên Luật Khoa kinh doanh báo chí và tự sống được bằng nguồn thu của mình thay vì đi xin tiền tài trợ. Chúng tôi nhận ra ngay tính hợp lý của việc kinh doanh nhưng khi đó tờ báo đang loay hoay để sinh tồn, và tiền tài trợ vẫn là nguồn thu khả thi hơn hẳn so với một ý tưởng kinh doanh chưa rõ ràng.
Tới năm 2022, chúng tôi nhận thấy đã sẵn sàng kinh doanh và bắt đầu bán các số báo PDF. Đến tháng 1/2023, chúng tôi ra mắt chương trình membership (đọc báo điện tử trả phí) với mức giá 2 USD và 5 USD/tháng. Cho đến sinh nhật lần thứ 10 này, Luật Khoa có gần 1.000 độc giả trả phí với nguồn thu gần 2.000 USD/tháng. Đây là một con số rất tốt sau hai năm triển khai mô hình thuê bao trả phí.
Luật Khoa là tờ độc lập đầu tiên chuyển sang kinh doanh nội dung thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào tiền tài trợ, và là một trong những tờ tiên phong trên thị trường báo chí Việt Nam triển khai mô hình này.
Doanh thu chỉ là một loại kết quả. Việc kinh doanh giúp tòa soạn bắt đầu vận hành theo một cách năng động và sáng tạo hơn rất nhiều so với trước đây. Câu hỏi luôn phải đặt ra không phải chỉ là viết gì cho hay, mà còn là viết gì thì bán được. Và thông qua việc bán báo, Luật Khoa đang bình thường hóa hoạt động báo chí của mình.
Chúng tôi tin rằng bán báo là con đường phát triển bền vững, lâu dài của Luật Khoa, và là phương án mà ai làm báo cũng nên cân nhắc ngay từ đầu.
Nhân dịp sinh nhật, Luật Khoa dành tặng bạn gói ưu đãi đọc báo trả phí với 30.000đ/tháng ($15/năm) trong tháng 11
NHẬN ƯU ĐÃITám năm sau khi thành lập, Luật Khoa mới bắt đầu vận hành một kênh YouTube, bất kể từ trước đó rất lâu đã có rất nhiều độc giả khuyên chúng tôi nên mở kênh. Sự chậm trễ của chúng tôi là một bài học đắt giá cho sức ì của một tổ chức báo chí trẻ.
Vì sao còn trẻ mà sức ì đã lớn như vậy?
Chúng tôi khởi nghiệp Luật Khoa với tư cách là một nhóm bút, chuyên về báo viết. Chúng tôi say mê với ngòi bút của mình và tin rằng chỉ cần chuyên tâm mài sắc ngòi bút là đủ. Ngay cả khi website bị chặn, chúng tôi vẫn tin như vậy.
Trừ Đoan Trang, tất cả chúng tôi đều xa lạ với báo hình. Phần lớn đều ngại lên hình. Phần lớn đều viết tốt hơn là nói.
Không cưỡng lại được thời cuộc, chúng tôi buộc phải gia nhập xu thế với một kênh YouTube ra mắt vào giữa năm 2022. Chúng tôi tuyển một nhà sản xuất video về, và phải học cách viết kịch bản, cách nói, cách diễn, học cả cách sử dụng máy móc, cách điều chỉnh ánh sáng, v.v. Đó là một hành trình khó nhọc cho một tờ báo nhỏ, ít nguồn lực, lại chỉ có 1-2 người là có thể ra mặt lên hình (vì lý do an ninh).
Tất cả đã được tưởng thưởng xứng đáng khi sau hơn hai năm, chúng tôi có hơn 80.000 người theo dõi với hơn 20 triệu lượt xem. Đa phần khán giả đều bình luận, đánh giá tích cực. Cho tới nay, đây là kênh có độ phủ lớn nhất trong tất cả các sản phẩm của Luật Khoa.
Website của Luật Khoa vận hành trên nền tảng phần mềm Wordpress được tám năm thì đổi sang Ghost CMS vào tháng 10/2022. Khi đó, chúng tôi đều thấy Wordpress quá nặng nề, chậm chạp, chi phí vận hành lại lớn, trong khi chúng tôi không có tiền để thuê nhân viên kỹ thuật.
Ghost khi đó lại nổi lên như một giải pháp hấp dẫn vì nó có tính năng gửi bài qua e-mail cho độc giả. Đây là thứ chúng tôi cần trong bối cảnh website bị chặn. Chưa kể, Ghost lại nhẹ nhàng, giản tiện.
Vậy là đổi. Khoảng một năm sau, đơn vị tư vấn kinh doanh cho Luật Khoa là Quỹ Đầu tư và Phát triển Truyền thông (MDIF) khuyên chúng tôi nên quay trở lại với Wordpress vì lý do Ghost thiếu rất nhiều tính năng, phù hợp với blog cá nhân hơn là những báo chuyên nghiệp kinh doanh nội dung.
Chúng tôi đồng ý quay lại với Wordpress, nhưng hành trình này vô cùng chông gai. Hóa ra bỏ đi thì dễ, quay lại rất khó, vì lý do kỹ thuật và vì rất tốn kém. Cho tới nay, Luật Khoa vẫn đang loay hoay với bài toán này và chưa chuyển đổi được về Wordpress.
Việc chuyển từ Wordpress sang Ghost là một sai lầm lớn và gây thiệt hại khủng khiếp cho hoạt động của tờ báo về sau này.
Thư tin (newsletter) là thứ tưởng như đã chết từ trước khi Luật Khoa ra đời. Thời buổi báo điện tử, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, ai mà đọc báo qua e-mail nữa. Nhưng nhờ những nền tảng như Substack và Ghost, thư tin đã trở lại và còn lợi hại hơn xưa: ngày nay, người ta trả tiền để nhận thư tin.
Không những là xu thế báo chí mới, sự trở lại của thư tin còn vô cùng quan trọng và kịp thời cho những tờ có website bị chặn như Luật Khoa: chúng tôi có thể gửi toàn văn bài viết qua e-mail cho độc giả mà không sợ bị chặn. E-mail là thứ không thể bị chặn, trừ khi chính quyền ngắt hoàn toàn mạng Internet.
Cho đến nay, đã có khoảng 13.000 độc giả đăng ký nhận thư tin của Luật Khoa trong tổng số 17.000 tài khoản đăng ký trên website. Với tài khoản này, độc giả có thể chọn nhận bài qua email hoặc có thể đọc trực tiếp trên website.
Thư tin, do vậy, trở thành phương tiện phân phối nội dung chiến lược của Luật Khoa. Chúng tôi tiếc vì đã không triển khai sớm hơn và khai thác một cách hiệu quả hơn.
Làm báo điện tử dễ ở chỗ có bài là đăng được ngay. Chi phí để dựng lên một website bây giờ rẻ, thời gian dựng chỉ tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ. Nhưng dựng lên thì dễ, duy trì được lâu dài mới khó.
Trong quá trình làm báo, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều link chúng tôi trích dẫn ngày xưa bây giờ đã “chết”. Website đó bây giờ đã biến mất, hoặc bài báo được trích đã bị gỡ (vốn là chuyện thường với báo chí nhà nước), hoặc vì lý do kỹ thuật mà website đó đã thay đổi cấu trúc tên miền, v.v. Dù vì lý do gì đi chăng nữa thì nó cũng làm tổn hại đến niềm tin của độc giả vào các nguồn dữ liệu này.
Có hai vấn đề đặt ra cho Luật Khoa:
Vấn đề thứ nhất thì đã có cách giải quyết. Rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện này từ khi Internet mới bắt đầu phổ biến. Các công cụ lưu trữ như Internet Archive đã cho phép lưu lại nội dung các link, phòng khi link “chết”. Vài năm trở lại đây, Luật Khoa cũng đã bắt đầu những nỗ lực đầu tiên trong việc lưu lại các link này, mặc dù chưa làm được nhiều và một cách có hệ thống. Chúng tôi dự định sẽ đầu tư thêm cho việc này trong thời gian tới.
Việc thứ nhì khó hơn. Luật Khoa (và cả phiên bản tiếng Anh là The Vietnamese Magazine) may mắn vì được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn lưu trữ trong hệ thống của họ, và do đó có khả năng cao sẽ trở thành một phần dữ liệu vĩnh viễn trong kho tàng tri thức lớn nhất thế giới này. Mặt khác, Luật Khoa cũng phải chủ động lưu trữ dữ liệu của mình bằng cách sao lưu dữ liệu, phát hành phiên bản PDF, và in ấn. Một mai, kể cả khi không còn Internet, vẫn luôn có ít nhất hai phiên bản của Luật Khoa tồn tại trong công chúng: các bản PDF và bản in giấy.
Luật Khoa xin dành bài học thứ 10 để quý độc giả góp ý. Chúng tôi tin bản thân mình luôn có điểm mù, không thể nhìn thấy được thứ mà người khác nhìn thấy.
Từ quan sát của mình, bạn nghĩ Luật Khoa nên rút ra bài học nào khác? Xin hãy cho chúng tôi biết bằng cách gửi thư tới địa chỉ docgia@mail.luatkhoa.com hoặc bình luận trên website.
Chúng tôi sẽ tổng hợp và đăng tải ý kiến của bạn.