Luật Khoa 360 là dạng bài toàn cảnh về một sự kiện, cung cấp thông tin đa chiều, không kiểm duyệt.
🎧
Mời bạn nghe bản audio của bài này:
Luật Khoa 360: Thích Minh Tuệ và 3 bức tâm thư gây chú ý
0:00
/551.376
Ngày 26/11, nhiều tờ báo trong nước đã đăng tải một bức thư viết tay được cho là của Thích Minh Tuệ. Bức thư này có chữ ký của ông và con dấu xác nhận của Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ do anh trai và chị dâu ông Minh Tuệ làm chủ.
Những bài báo này hiện nay đã bị gỡ bỏ. Cần lưu ý rằng đến nay vẫn chưa có ai xác nhận rằng những lá thư này chính xác là được Thích Minh Tuệ viết ra.
Đi bộ tới quê hương của Đức Phật
Nội dung bức thư cho biết Thích Minh Tuệ có nguyện vọng đi bộ từ Việt Nam đến Ấn Độ - quê hương của Đức Phật, để đảnh lễ bốn thánh tích và tri ân Đức Phật.
Ông cũng cho rằng đi bằng phương tiện khác chỉ là “hạ sách”, “không đúng với phẩm hạnh đạo đức, với sự tôn kính của mình với Đức Phật”.
Theo Thích Minh Tuệ, để tới Ấn Độ, ông sẽ đi qua nhiều quốc gia, gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, do đó, ông mong nhận được sự hướng dẫn về thủ tục, giấy tờ và lộ trình.
Sau khi hoàn tất các bước này, ông sẽ tự đi mà không ảnh hưởng đến ai và cũng không đòi hỏi thêm điều gì.
Trước đó hơn một tuần lễ…
Vào ngày 17/11, truyền thông cũng lan truyền một bức thư tay khác, cùng với chữ ký “Minh Tuệ” và con dấu đỏ của Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ.
Trong thư, Thích Minh Tuệ thông báo tạm dừng đi khất thực, vì “điều kiện xã hội, an ninh chính trị phức tạp, chưa phù hợp với việc học tập theo hạnh khất thực”.
Cụ thể, Thích Minh Tuệ cho rằng việc đi khất thực không cần người đi theo bảo vệ hay đứng hai bên đường chào đón, la ó, kêu gào ồn ào, vì những hành động này không phù hợp với chánh pháp. Ông cho rằng sự tụ tập đông người như vậy gây mất trật tự, lộn xộn và ảnh hưởng đến quá trình tu tập của ông.
Trả lời BáoNgười Lao Động, anh trai của Thích Minh Tuệ là ông Lê Anh Tuấn cho hay văn bản này không được gửi đến chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào khác.
Cùng ngày, Thích Minh Tuệ cũng lập giấy ủy quyền công dân của mình cho ông Tuấn và Công ty TNHH Phát Tâm Thiên Định Tuệ.
Đề nghị xử lý ai phát tán hình ảnh lên mạng
Bức thư tay đầu tiên xuất hiện vào ngày 13/11, do Báo Gia Lai đăng tải. Trong lá thư này, không có dấu đỏ xác nhận của công ty nào, ngoại trừ chữ ký của Thích Minh Tuệ xuất hiện tới ba lần.
Điều đáng lưu ý là lá thư này xuất hiện khi công chúng đang hướng sự quan tâm của mình vào vụ cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị Chile trục xuất với cáo buộc lạm dụng tình dục ngay trong chuyến thăm của vị nguyên thủ.
Về nội dung bức thư, Thích Minh Tuệ gửi thông điệp đến “cơ quan chức năng, gia đình và xã hội”, yêu cầu không tụ tập để đảm bảo an toàn giao thông khi ông xuất hiện. Đồng thời, ông đề nghị cơ quan chức năng xử lý những người phát tán thông tin của ông lên mạng khi chưa xin phép.
Thích Minh Tuệ cũng nhấn mạnh rằng ông là một công dân bình thường, đang tu tập theo nhu cầu tự thân chứ chưa phải là sư hay phật.
Khi đơn đề nghị này được phát tán trên mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu của Thích Minh Tuệ, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng về quyền riêng tư của ông. Nhưng cũng có nhiều luồng dư luận nghi vấn về tính xác thực và động cơ của của bức thư, nhất là cách trình bày và việc ký tên ba lần.
Trên trang cá nhân, nhà báo Hà Tùng Long viết: “Một lá đơn mà ký đến ba lần, trong khi ông Minh Tuệ trước từng làm bộ phận soạn thảo văn bản của xã, không lẽ không biết viết một cái đơn. Đã thế lại còn ký tên là Minh Tuệ chứ không phải Lê Anh Tú - tên thật của mình [...]”.
Từ vô danh trở thành hiện tượng
Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là con thứ hai trong một gia đình có bốn anh em.
Năm 1994, gia đình ông chuyển vào xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai để lập nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đi nghĩa vụ quân sự trong khoảng ba năm và sau khi xuất ngũ, ông theo học tại Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai.
Sau khi ra trường, ông làm việc tại một công ty tư nhân có trụ sở tại tỉnh Phú Yên với chuyên môn về đo đạc địa chính. Trong thời gian này, ông nghiên cứu sách Phật giáo và ăn chay, tu tại gia. Đến năm 2015, tức năm 34 tuổi, ông quyết định xuất gia và lấy pháp danh Thích Minh Tuệ.
Từ năm 2018, Thích Minh Tuệ bắt đầu hành trình đi bộ khất thực từ Bắc chí Nam, đặt chân đến hầu hết các tỉnh, thành.
Ông nổi lên như một hiện tượng mạng vào tháng 5/2024 khi hình ảnh và video về ông được người dân và các YouTuber ghi lại, phát tán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.
Thời điểm này, Thích Minh Tuệ tự nhận mình không phải là tu sĩ Phật giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng xác nhận ông không phải là tu sĩ thuộc Giáo hội.
Tuy nhiên, đám đông vẫn đi theo Thích Minh Tuệ.
Trước tình hình này, ngày 16/5, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi văn bản cho các tỉnh, thành phố nơi Thích Minh Tuệ xuất hiện, yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự và đặc biệt là không để “các thế lực xấu xúi giục, lôi kéo”. Cùng ngày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phát cảnh báo về việc có "nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam".
Tháng Sáu, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết Thích Minh Tuệ đã tự nguyện dừng đi bộ khất thực. Tuy nhiên, theo thông tin từ BBC News Tiếng Việt, đoàn khất sĩ đi cùng ông cho biết họ bị chính quyền giải tán lúc tới Thừa Thiên - Huế. Sau đó, lực lượng chức năng đã đưa ông đến nơi mà ông yêu cầu và hỗ trợ làm căn cước công dân cho ông. Và kể từ đó, dư luận không còn biết Thích Minh Tuệ đang ở đâu.
Hiện tượng Thích Minh Tuệ làm dậy sóng cả cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các cửa hàng thời trang cũng “ăn theo” khi nhanh chóng thiết kế và bán các mẫu quần áo “chắp vá”, “nhiều mảnh”, như y phấn tảo mà Thích Minh Tuệ thường mặc khi đi khất thực. Những sản phẩm này được rao bán sôi động trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Nhiều người, trong đó có giới nghệ sĩ, đã mua như một cách để bày tỏ sự ngưỡng mộ với Thích Minh Tuệ.
Cũng trong thời gian này, một số cá nhân bị xử phạt hành chính vì đăng tải thông tin mà chính quyền cho là sai sự thật về ông Thích Minh Tuệ. Đơn cử, vào tháng Mười, một người dân ở tỉnh Lâm Đồng đã bị phạt năm triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến Thích Minh Tuệ.
Luật Khoa tạp chí viết gì về hiện tượng Thích Minh Tuệ?
Bình luận trên Luật Khoa, tác giả Trần Bình Thản đã phân tích về quyền tự do cá nhân, trách nhiệm của nhà nước và vai trò của cơ quan công quyền, cụ thể là lực lượng cảnh sát giao thông, trong việc bảo đảm trật tự công cộng. Tác giả đả kích lập luận "gây cản trở giao thông" để yêu cầu ông Thích Minh Tuệ ngừng bộ hành, vì điều này đang chuyển trách nhiệm của nhà nước (bảo đảm an ninh, trật tự giao thông) sang công dân. Lấy ví dụ từ các sự kiện đông người như bóng đá, tiệm bánh ăn khách, lễ hội tôn giáo, đại nhạc hội, Trần Bình Thản lập luận rằng việc tập trung đông người không thể là lý do để cấm đoán hoạt động hợp pháp của một cá nhân.
Tác giả Vũ Liên cũng có nhiều bài bình luận, phê phán các hành động của chính quyền như chia rẽ nhóm khất sĩ, lập chốt kiểm soát quanh lều của ông Minh Tuệ… Những giải pháp này của chính quyền không xuất phát từ lý do giữ gìn trật tự, mà thực chất từ mục tiêu duy trì sự kiểm soát toàn diện đối với các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Tác giả cũng chỉ ra rằng những đám đông tại chùa Ba Vàng, Tam Chúc, Bái Đính, Chùa Hương hay các sự kiện như lễ hội chọi trâu, khai ấn đền Trần dù có nguy cơ gây mất trật tự hoặc tai nạn nhưng thường không bị chính quyền can thiệp. Trong khi đó, đám đông theo chân Thích Minh Tuệ không có dấu hiệu gây nguy hiểm hay mất trật tự thì lại bị chính quyền thẳng tay giải tán.
Theo quan điểm của phóng viên Luật Khoa, sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ còn khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam “chột dạ”. Việc Giáo hội gấp rút tuyên bố Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ thuộc Giáo hội và cũng không đứng ra bảo vệ quyền tu tập cá nhân của ông đã khiến nhiều người quay lưng, bài trừ. Một mặt, họ cảm thấy Giáo hội không có đủ tiếng nói độc lập để đại diện cho cộng đồng Phật tử nữa, mặt khác, hình ảnh giản dị và khổ hạnh của Thích Minh Tuệ đối lập rõ rệt với lối sống xa hoa, xa rời lý tưởng Phật giáo của một bộ phận tăng ni, phật tử, sư sãi của Giáo hội hiện nay.
Sự xuất hiện của Thích Minh Tuệ còn là một lời nhắc nhở về giá trị nguyên thủy của một tôn giáo được người dân mến mộ nhất nước ta. Đó là sự giản dị, khiêm nhường và tự do.
Chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm lần này khởi sự bằng việc sắp xếp lại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số báo đài cấp trung ương.
Làm sếp ở Viện Y Dược học Dân tộc TP. HCM từ năm 34 tuổi, ông Huỳnh Nguyễn Lộc, người mới bị Bộ Công an bắt, là một cán bộ ngành y trưởng thành từ phong trào đoàn hội với biệt danh nổi tiếng là "bác sĩ công nhân".