Hiệp định Paris và Nhân quyền: Điều khó nói của ‘bên thắng cuộc’
Nếu có một điều bạn nên quan tâm trong Hiệp định Paris thì đó là Điều 11.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Tư năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF ngày 26/4/2022.
Gần như người Việt Nam trưởng thành nào cũng từng nghe nói đến Hiệp định Paris năm 1973 về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đó được coi là thắng lợi của phe miền Bắc, tạo đà cho họ cùng với Mặt trận Giải phóng kiểm soát hoàn toàn miền Nam hai năm sau đó. Nhưng chấm dứt chiến tranh, buộc Mỹ rút quân có phải là toàn bộ nội dung của Hiệp định Paris không?
Câu trả lời là không. Hãy cùng xem:
Cần lưu ý rằng, có bốn bên và hai phe tham gia ký kết Hiệp định Paris: một phe gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCM), phe kia là Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Mỹ.
“Hai bên miền Nam Việt Nam” mà hiệp định nhắc tới là VNCH và CPCM.
Chỉ trích VNCH vi phạm nhân quyền
Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, hai chính phủ tại miền Nam Việt Nam tiến hành tổ chức các buổi hiệp thương để giải quyết các vấn đề nội bộ giữa họ.
Phe CPCM liên tục nhấn mạnh việc cần phải tuân thủ hiệp định và đảm bảo các quyền tự do dân chủ nói trên cho người dân. Họ cũng liên tục cáo buộc chính quyền VNCH đã đàn áp và tước đoạt các quyền này của người dân miền Nam Việt Nam.