Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Mười Hai năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành lần đầu trên ấn bản PDF đề ngày 1/12/2022.
“Giọt máu ném ra ngoài sân
Thì em trong số vô phần”
– Trầm Tử Thiêng
Xã hội dân sự là một khái niệm mà ngữ nghĩa đã có nhiều thay đổi theo thời gian. Quan niệm được chấp nhận rộng rãi ngày nay cho rằng xã hội dân sự là trụ cột thứ ba, bên cạnh nhà nước và thị trường, làm thành một thứ “kiềng ba chân” giữ cho xã hội phát triển bền vững. [1] Xã hội dân sự còn là không gian nằm giữa cá nhân và nhà nước, làm cầu nối cho tương tác khi thì hòa ái, lúc thì căng thẳng giữa đôi bên.
Bộ phận mang tính tổ chức nhất của xã hội dân sự có lẽ là các tổ chức phi chính phủ (NGO), ngày nay hiện diện khắp nơi, ở mọi cấp độ, từ địa phương tới toàn cầu, với nguồn lực nhân sự, tổ chức, kết nối, và tài chính dồi dào. Bộ phận tự phát nhất hẳn là các hội đoàn không hề xa lạ với chúng ta, nào là hội đồng hương, đồng niên, đồng ngũ, nào là hội chơi cây, chơi cá, chơi chim, đáp ứng đủ mọi loại nhu cầu kết nối của các cá nhân trong xã hội.
Ở ý nghĩa chính trị tích cực nhất, xã hội dân sự được kỳ vọng như một vòng cương tỏa của quần chúng đối với quyền lực chính trị (nhà nước) và quyền lực kinh tế (thị trường), giữ chúng khỏi sự hư hỏng được thúc đẩy bởi cám dỗ quyền - tiền. Ở dạng thức tiêu cực nhất, xã hội dân sự bảo vệ cho chính những thế lực quyền - tiền này, khi thì dưới hình thức những đoàn thể hưởng lương và phụng sự chính quyền, lúc thì trong bộ dạng những nhóm lợi ích, nhóm áp lực tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho doanh chủ.
Lắm khuôn mặt, nhiều hình hài, xã hội dân sự sinh ra và phát triển một cách tự nhiên trong lòng xã hội dân chủ - thị trường, bởi lẽ kinh tế thị trường ban cấp cho mỗi cá nhân các nguồn lực cần thiết để kết nối, trong khi nền chính trị dân chủ tôn trọng quyền kết nối đó của các cá nhân. [2]