‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Bài báo “Géopolitique des religions au Viêt Nam. Les voies multipolaires d’une société civile confessionnelle (tạm dịch: "Địa chính trị tôn giáo tại Việt Nam. Sự đa chiều của xã hội dân sự có mang đặc điểm tâm linh") của hai nhà nhân chủng học Pháp Jérémy Jammes và Paul Sorrentino được xuất bản trên tạp chí Hérodote vào năm 2015 [1] đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện về tôn giáo, niềm tin, tín ngưỡng và tác động qua lại của chúng với hệ thống, diễn biến chính trị tại Việt Nam.
Hai tác giả chỉ ra những yếu tố nội tại và ngoại lai trong đời sống tâm linh của người Việt, sự mơ hồ và nghịch lý của các quy định pháp luật cũng như điểm lại các phong trào tôn giáo nổi bật tại Việt Nam. Bài viết này điểm lại một số nội dung chính của báo cáo trên.
Theo hai tác giả, khái niệm tôn giáo (religion) ở Việt Nam còn bị hiểu theo nghĩa hẹp, tức là hoạt động của các giáo phái chính được nhà nước công nhận (như Phật giáo, Thiên Chúa giáo) chứ chưa bao gồm những vấn đề tâm linh đa dạng và phức tạp khác trong đời sống con người. Bằng chứng là vào thời điểm 2009, chỉ có 20% dân số Việt Nam tuyên bố rằng họ đang thực hành một tôn giáo chính thống.
Đảng Cộng sản và chính phủ luôn nhấn mạnh tính thế tục của nhà nước Việt Nam. Các hoạt động sẽ bị coi là mê tín nếu gây lãng phí của cải, tái tạo thứ bậc giai cấp thời phong kiến và cản trở sự phát triển xã hội.
Bằng việc tuyên truyền chủ nghĩa vô thần tuyệt đối, nhà nước kiểm soát tôn giáo. Muốn được công nhận và hoạt động, các tôn giáo phải hiện thân hoặc gắn liền với “tính dân tộc”, đồng thời có “tính tương thích” với cách gọi của người cộng sản như phong trào Công giáo yêu nước, Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam hoặc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, v.v.). Chưa kể, những địa điểm tôn giáo như nhà thờ hay nhà chùa được nhà nước chấp thuận cũng đều gắn với hình ảnh của Hồ Chí Minh.
Nói thêm, hiện nay, việc thần thánh hóa lãnh tụ (như Hồ Chí Minh) hay các vị anh hùng dân tộc được chấp nhận, nhưng nhà nước không xếp nó vào tôn giáo.
Ranh giới giữa các hoạt động tâm linh hợp pháp hay bất hợp pháp đều do nhà nước quyết định. Nhà nước "chính trị hóa" hoạt động tôn giáo, cấm đoán hoạt động của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, cấm đốt vàng mã vào năm 2010 và sẽ cấm bất cứ hoạt động nào mà nhà cầm quyền cho rằng chúng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định 92 của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này đã chỉ ra những hoạt động tâm linh, tổ chức và địa điểm mà người dân được phép thực hiện.