Vụ tự sát của Venezuela: Những bài học từ một quốc gia thất bại

Một góc phố ở Venezuela năm 2016. Ảnh: Alvaro Ybarra Zavala / Getty Images Reportage for Time.
Một góc phố ở Venezuela năm 2016. Ảnh: Alvaro Ybarra Zavala / Getty Images Reportage for Time.

Dịch từ bài Venezuela’s Suicide: Lesson from a Failed State của hai tác giả Moisés Naím và Francisco Toro trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng Mười Một/ Mười Hai 2018.

***

Xin xem xét hai nước Mỹ Latin.

Nước thứ nhất là một trong những chế độ dân chủ lâu đời và vững mạnh nhất của khu vực. Họ tự hào với mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả hơn bất kỳ lân bang nào khác, và đang từng bước thực hiện lời hứa chu cấp y tế và giáo dục đại học miễn phí cho tất cả các công dân trong nước.

Mô hình tiêu biểu cho năng động xã hội, quốc gia này cũng là thanh nam châm thu hút người nhập cư từ khắp châu Mỹ Latin và châu Âu. Đây là nơi có nền báo chí tự do và hệ thống chính trị cởi mở: các đảng đối lập tuy cạnh tranh quyết liệt trong các cuộc bầu cử nhưng vẫn thường xuyên chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nước này đã né tránh được các chính quyền quân sự từng đẩy một số nước Mỹ Latin lún sâu vào chế độ độc tài.

Nhờ có liên minh chính trị lâu dài và quan hệ đầu tư thương mại vững chắc với Mỹ, họ đã thu hút được một cơ số các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ Latin tới đặt trụ sở trong nước. Đây cũng là đất nước có cơ sở hạ tầng tốt nhất Nam Mỹ.

Tuy rằng họ vẫn còn là quốc gia đang phát triển, với những vấn đề tham nhũng, bất công và xáo trộn, nhưng nước này so ra đã đạt mức tiến bộ hơn nhiều nước nghèo khác trên một loạt các tiêu chí.

Nước thứ hai là một trong những nước bị bần cùng hoá nhất Mỹ Latin, đồng thời là thể chế độc tài mới nhất trong khu vực. Trường học gần như hoang phế. Hệ thống y tế đã bị tàn phá vì thiếu đầu tư suốt hàng thập kỷ, vì tham nhũng và thái độ thờ ơ của mọi người; những dịch bệnh bị xóa sổ từ lâu như sốt rét và sởi đã hoành hành trở lại. Chỉ có một số ít người ăn trên ngồi trốc là có đủ tiền để mua thức ăn mà thôi. Bạo lực lan tràn, chẳng khác gì đại dịch, đã làm cho nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ giết chóc cao nhất thế giới.

Đây là xuất phát điểm của cuộc di dân tị nạn lớn nhất ở Mỹ Latin trong một thế hệ, với hàng triệu người chạy trốn trong chỉ có vài năm vừa qua. Hầu như không có nước nào trên thế giới (ngoài các chính phủ chuyên quyền khác) công nhận cuộc bầu cử gian lận của chính phủ nước này, và ngay cả phần trăm cơ quan truyền thông ít ỏi không trực thuộc quyền kiểm soát của chính phủ cũng phải thuận theo diễn ngôn của nhà nước vì lo sợ bị trả thù.

Đến cuối năm 2018, nền kinh tế của nước này sẽ chỉ còn bằng khoảng một nửa so với năm năm trước đó. Nước này là một trung tâm buôn bán cocaine lớn, và những kẻ môi giới quyền lực chủ chốt trong giới cầm quyền chính trị của nước này đã bị Mỹ truy tố vì tội buôn bán ma túy.

Cứ mỗi 25 ngày giá cả lại tăng gấp đôi. Sân bay chính hầu như bỏ không, chỉ còn sót lại vài hãng hàng không còn bám trụ để phục vụ một lượng hành khách ít ỏi.

Hai quốc gia này trên thực tế lại là cùng một nước, đấy là Venezuela, ở hai thời điểm khác nhau: đầu những năm 1970 và hiện nay.

Venezuela đã lột xác một cách toàn diện, triệt để và đồng bộ đến mức khó mà tin rằng quá trình đó đã diễn ra mà không có chiến tranh can thiệp. Chuyện gì đã xảy ra với Venezuela? Làm sao mà mọi thứ lại thành ra tồi tệ đến như thế?

Câu trả lời ngắn gọn là Chavismo[1].

Dưới sự lãnh đạo của Hugo Chávez và người kế vị của ông ta, Nicolás Maduro, đất nước này đã bị ép thưởng thức món hổ lốn đầy độc hại của những chính sách phá hoại tùy tiện, chủ nghĩa độc đoán ngày càng leo thang, và chế độ đạo tặc[2] – tất cả diễn ra dưới bàn tay ảnh hưởng của Cuba.

Bản thân bất kỳ tính chất nào nêu trên của chính quyền này cũng đã là một vấn nạn to lớn. Và khi hoà quyện lại, chúng tạo nên công thức cho một thảm họa.

Ngày nay, Venezuela là một đất nước nghèo với một chính phủ thất bại bị lên án, do một kẻ chuyên quyền được một thế lực bên ngoài chống lưng. Chẳng có mấy lựa chọn còn sót lại đủ sức lật ngược tính thế; nguy cơ bây giờ là sự tuyệt vọng sẽ thúc đẩy người Venezuela xem xét những biện pháp giải quyết đầy mạo hiểm, ví dụ như ủng hộ cuộc xâm lược quân sự do Mỹ dẫn đầu, và có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Dưới ngọn cờ của Hugo Chavez, Venezuela đã lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Chavismo ngóc đầu dậy 

Nhiều nhà quan sát cho rằng thật dễ dàng để giải thích thực trạng khó khăn của Venezuela: dưới thời Chávez, đất nước họ đã đâm lao theo chủ nghĩa xã hội, và tất cả các thảm họa sau đó đều bắt nguồn từ ”tội tổ tông truyền” này.

Nhưng trong 20 năm qua, dân chúng Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Nicaragua và Uruguay cũng đã bầu lên các chính phủ xã hội chủ nghĩa. Mặc dù mỗi nước đều đã chật vật trên con đường chính trị và kinh tế, đa số họ sau đó đã tiếp tục phát triển một cách hưng thịnh, và chỉ duy có Nicaragua là bị sụp đổ mà thôi.

Nếu chủ nghĩa xã hội không phải là nguyên nhân làm Venezuela sụp đổ, thì có lẽ thủ phạm là dầu khí. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Venezuela trùng khớp với giai đoạn giá dầu trên thị trường quốc tế giảm mạnh – bắt đầu vào năm 2014. Nhưng lời giải thích này cũng không thoả đáng.

Venezuela bắt đầu xuống dốc từ bốn thập kỷ trước chứ không phải bốn năm trước. Năm 2003, GDP trên mỗi lao động của Venezuela đã giảm 37% so với mức cao nhất năm 1978 – chính vụ suy giảm này là lý do đầu tiên đưa quyền lực vào tay Chávez. Hơn nữa, năm 2014, tất cả các quốc gia dầu khí trên thế giới đều hứng chịu cú sốc nghiêm trọng về thu nhập do giá dầu giảm mạnh, nhưng chỉ có Venezuela là không chịu đựng được áp lực từ cú sốc đó.

Những yếu tố làm cho Venezuela thất bại có gốc rễ sâu xa hơn thế.

Hàng thập kỷ suy giảm kinh tế một cách từ từ đã mở đường cho Chávez, một kẻ mị dân có sức cuốn hút với đầu óc tư tưởng đã lỗi thời, lên nắm quyền và lập ra chế độ chuyên chế tham nhũng, phỏng bám theo chế độ độc tài của Cuba. Mặc dù cuộc khủng hoảng đã xảy ra trước khi Chávez nắm được quyền lực, mọi nỗ lực để truy tìm căn nguyên của nó cần phải đặt trọng tâm vào những hệ luỵ mà ông ta để lại cũng như ảnh hưởng của Cuba.

Chávez sinh năm 1954 trong một gia đình trung lưu ở một thị trấn tỉnh lẻ. Ông ta trở thành một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp nhờ nhận được học bổng thể thao môn bóng chày và nhanh chóng được bí mật thu nạp vào hàng ngũ ít ỏi của một phong trào cánh tả từng dành hơn một thập kỷ âm mưu lật đổ chế độ dân chủ.

Bằng một cuộc đảo chính bất thành ngày 4/2/1992, ông ta đã gây được cú đột phá khuấy động ý thức quốc gia. Thất bại này đã dẫn ông ta vào tù, nhưng, đồng thời lại biến ông ta thành anh hùng của dân chúng, thành hiện thân của những thất vọng đang ngày càng gia tăng vì nền kinh tế đã lâm vào tình trạng trì trệ suốt một thập kỷ.

Sau khi được tha, ông ta tung ra chiến dịch tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1998 và giành chiến thắng long trời lở đất, hất tung hệ thống lưỡng đảng từng neo giữ chế độ dân chủ Venezuela trong suốt 40 năm.

Cái gì làm cho cơn thịnh nộ mang tính dân túy bùng nổ đến mức đưa Chávez lên vị trí quyền lực? Chỉ cần một từ: Thất vọng.

Thành tích kinh tế xuất sắc của Venezuela trong suốt năm thập kỷ đã hụt hơi xuống sắc trong những năm 1970 và con đường đưa người ta vào tầng lớp trung lưu đã bắt đầu thu hẹp lại.

Hai nhà kinh tế học Ricardo Hausmann và Francisco Rodríguez nhận xét: “Năm 1970, Venezuela đã trở thành quốc gia giàu nhất Mỹ Latin và là một trong hai mươi quốc gia giàu nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người cao hơn Tây Ban Nha, Hy Lạp và Israel và chỉ thấp hơn Vương quốc Anh có 13%.”

Nhưng, đầu những năm 1980, thị trường dầu mỏ xuống dốc đã đưa giai đoạn tăng trưởng vượt bậc này đến chỗ cáo chung. Thu nhập từ dầu tụt xuống đồng nghĩa với cắt giảm chi tiêu công, các chương trình phúc lợi xã hội bị cắt bớt, đồng tiền mất giá, lạm phát, khủng hoảng ngân hàng, thất nghiệp và đời sống khó khăn hơn cho người nghèo.

Mặc dù vậy, khi Chávez được bầu làm tổng thống, nếu chỉ tính trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người của Venezuela vẫn chỉ đứng sau Argentina mà thôi.

Tổng thống Hugo Chávez, một trong những tác nhân làm biến tướng nền kinh tế và xã hội Venezuela. Ảnh: darkroom.baltimoresun.com.

Một cách giải thích phổ biến khác cho rằng chính phản ứng của các cử tri trước hiện tượng bất bình đẳng kinh tế do tham nhũng lan tràn đã góp phần giúp Chávez leo thang quyền lực. Nhưng tại thời điểm Chávez lên nắm quyền, thu nhập ở Venezuela thực tế đã được phân bổ đồng đều hơn bất kỳ lân bang nào khác. Nếu bất bình đẳng là vấn đề quyết định kết quả bầu cử, thì một ứng cử viên như Chávez sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn ở Brazil, Chile hoặc Colombia, những nơi mà khoảng cách giữa người giàu và các tầng lớp khác còn lớn hơn so với ở Venezuela.

Có thể Venezuela đã không sụp đổ ngay vào năm 1998, nhưng lúc đó nước này đã rơi vào trạng thái đình đốn và thụt lùi về nhiều mặt, khi giá dầu thô giảm xuống chỉ còn 11 USD/thùng, dẫn đến một giai đoạn thắt lưng buộc bụng mới.

Chávez rất xuất sắc trong việc khai thác thái độ bất mãn – hệ luỵ của sự trì trệ này. Những lời tố cáo hùng hồn của ông ta về bất bình đẳng, nghèo đói, tham nhũng và giới ăn trên ngồi trốc thâm căn cố đế trong chính trị đã đánh trúng tình cảm của các cử tri đang gặp khó khăn, những người đang nhớ tiếc thời kỳ thịnh vượng hơn trước đó. Trong khi đó, giới thượng lưu cổ hủ trên chính trường và thương trường, vốn tự mãn và kém thích nghi, chưa bao giờ có thể đối địch với Chávez về khả năng lôi kéo quần chúng.

Người dân Venezuela hẳn đã đặt cược vào Chávez. Và cái mà họ nhận được không chỉ là một kẻ ngoài cuộc tìm cách đảo chiều thế cục mà còn là một thần tượng cánh tả người Mỹ Latin, một người chẳng bao lâu sau đã có các môn đồ trên toàn thế giới.

Tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, Chávez vừa là kẻ phá rối vừa là điểm nóng cuốn hút, đồng thời là người lãnh đạo làn sóng bài Mỹ đang dâng cao sau cuộc xâm lăng Iraq do Tổng thống George W. Bush phát động.

Về mặt đối nội, vốn là quân nhân chuyên nghiệp, Chávez thích thâu tóm quyền lực và tỏ ra không khoan nhượng với các ý kiến bất đồng. Ông ta cho ”treo giò” không chỉ các chính trị gia đối lập mà còn cả các đồng minh chính trị dám cả gan nghi ngờ chính sách của ông ta.

Các cộng sự của ông ta nhanh chóng nhận ra cơn gió chính trị đã đổi chiều: các cuộc tranh luận chính sách hoàn toàn vắng bóng, trong khi chính phủ thì theo đuổi một chương trình nghị sự độc đoán mà không hề có suy nghĩ sâu xa hay nghiên cứu kĩ lưỡng.

Sắc lệnh về cải cách ruộng đất do Chávez ban hành vào năm 2001 mà không hề thông qua một cuộc tham khảo hay tranh luận nào là màn dạo đầu cho các chính sách thất bại chồng chất sau này. Sắc lệnh này đã phá vỡ mô hình trang trại nông nghiệp lớn và chuyển giao chúng vào tay các hợp tác xã của nông dân, vốn không được trang bị kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng quản lý, hay nguồn vốn để sản xuất với quy mô lớn. Hệ quả tất yếu của quyết định này là dây chuyền sản xuất lương thực đứt gãy.

Tương tự, trong các lĩnh vực còn lại, chính phủ Chávez tiếp tục ban hành các chính sách tự chặt chân mình.

Họ sung công các liên doanh dầu khí thuộc quyền sở hữu của nước ngoài mà không bồi thường và chuyển các công ty này cho những người được bổ nhiệm không có chuyên môn kỹ thuật điều hành.

Họ quốc hữu hóa các công ty dịch vụ công ích và viễn thông bưu chính, làm cho Venezuela lâm vào cảnh mất nước mất điện liên miên và là một trong các nước có tốc độ kết nối Internet chậm nhất thế giới.

Họ tịch thu các công ty thép, làm cho sản lượng giảm từ 480.000 tấn mỗi tháng, trước khi quốc hữu hóa vào năm 2008, xuống gần như không còn gì vào thời điểm hiện tại.

Quá trình tịch thu các các công ty nhôm, các công ty khai thác mỏ, khách sạn, và các hãng hàng không cũng dẫn tới kết quả tương tự.

Sau khi tịch thu hết công ty này đến công ty khác, các nhà lãnh đạo do nhà nước bổ nhiệm đã vét sạch ngân quỹ và thay máu toàn bộ nhân viên bằng tay chân của Chávez. Khi gặp rắc rối về tài chính, các công ty này cầu cứu chính phủ để được bảo lãnh.

Năm 2004, khi giá dầu tăng vọt trở lại, kho bạc của chính phủ lại được bơm đầy những đồng đô-la dầu khí, và Chávez thì cứ việc bội chi mà không hề vướng bận với một ràng buộc, kiểm soát, hoặc trách nhiệm nào. Trên nữa là các khoản vay dễ dàng mà Trung Quốc đã rất vui vẻ gia hạn tín dụng cho Venezuela để đổi lấy nguồn cung cấp dầu thô ổn định.

Bằng cách nhập khẩu tất cả hàng hóa mà nền kinh tế rỗng tuếch của Venezuel không sản xuất được và vay vốn để chu cấp cho thị trường tiêu dùng đang bùng nổ, Chávez đã có thể tạm thời che mắt công chúng khỏi tác động của các chính sách thảm khốc của mình và duy trì được sự tín nhiệm của người dân.

Sản lượng thép của doanh nghiệp SIDOR, doanh nghiệp thép lớn nhất Venezuela, giảm mạnh sau quá trình quốc hữu hoá của Chávez. Ảnh: en.wikipedia.org.

Nhưng không phải ai cũng bị ông ta lừa phỉnh.

Công nhân ngành dầu khí là một trong những người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về xu hướng độc tài của Chávez. Năm 2002 và 2003, họ đã tổ chức các cuộc đình công đòi tổ chức bầu cử tổng thống mới.

Để đối phó với làn sóng phản đối này, Chávez đã sa thải gần một nửa lực lượng lao động trong công ty dầu khí nhà nước và áp đặt một chế độ kiểm soát trao đổi tiền tệ cồng kềnh phức tạp. Hệ thống này nhanh chóng biến thành đống phân tham nhũng, khi đám tay chân chính phủ nhận ra rằng họ có thể trục lợi nhanh chóng bằng cách lũng đoạn giữa tỷ giá hối đoái của nhà nước và thị trường chợ đen.

Thủ đoạn buôn bán lấp liếm này đã tạo ra một giới trưởng giả giàu sụ, những tên đạo tặc móc nối với chính phủ. Chế độ đạo tặc mới ra đời này càng hoàn thiện kỹ nghệ thút dầu vào túi riêng bao nhiêu thì các kệ hàng của Venezuela càng trở nên trống rỗng bấy nhiêu.

Cái kết đau xót và tất yếu của nền kinh tế Venezuela đã được nhiều người tiên liệu. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế càng lớn tiếng báo động, thì chính phủ càng cương quyết bám víu vào chương trình nghị sự của mình. Đối với Chávez, những lời cảnh báo đáng sợ của các nhà kỹ trị chỉ là tín hiệu chỉ ra cuộc cách mạng đang đi đúng hướng.

Chuyển giao

Năm 2011, Chávez được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Các bác sĩ ung thư hàng đầu ở Brazil và Mỹ đề nghị được điều trị cho ông ta. Nhưng cuối cùng ông tổng thống quyết định chữa bệnh ở Cuba, đất nước mà ông ta tin tưởng không chỉ về tay nghề y sĩ mà còn về khả năng giữ bí mật tình trạng sức khỏe của ông ta.

Khi bệnh tình nặng thêm, ông ta càng trở nên phụ thuộc vào Havana hơn, và bức màn che phủ tình trạng sức khỏe thực sự của ông ta ngày một dày thêm. Ngày 8/12/2012, một Chávez yếu ớt xuất hiện trên truyền hình lần cuối để đề nghị người dân Venezuela đưa Maduro, lúc đó là phó tổng thống, lên làm người kế nhiệm ông ta.

Trong ba tháng sau đó, Venezuela được cai trị và kiểm soát từ xa: các sắc lệnh được chuyển đến từ Havana với chữ ký của Chávez, nhưng không một ai nhìn thấy ông ta, và tin đồn lan tràn rằng ông ta đã chết.

Cuối cùng, khi cái chết của Chávez được công bố vào ngày 5/3/2013, điều rõ ràng duy nhất giữa bầu không khí bí mật và che giấu là nhà lãnh đạo tiếp theo của Venezuela sẽ tiếp tục truyền thống lệ thuộc vào Cuba.

Từ lâu Chávez đã coi Cuba như hình mẫu của một cuộc cách mạng và luôn viện dẫn Chủ tịch Cuba Fidel Castro để tham vấn trước mỗi quyết định khó khăn. Đổi lại, Venezuela đã đưa dầu tới Cuba: viện trợ năng lượng cho Cuba (115.000 thùng mỗi ngày được bán với chiết khấu quá lớn) trị giá gần một tỷ USD mỗi năm.

Theo Chávez, mối quan hệ giữa Cuba và Venezuela không còn dừng ở mức liên minh, mà đã trở thành “sự hợp nhất giữa hai cuộc cách mạng.” (Điểm bất thường ở đây là vai trên trong liên minh này tuy nghèo hơn và nhỏ bé hơn vai dưới, nhưng giỏi hơn rất nhiều nên đã giữ thế thượng phong trong mối quan hệ.) Cuba tỏ ra thận trọng nhằm che dấu hành tung của mình: các cuộc tham vấn hầu hết được tiến hành ở Havana chứ không phải Caracas.

Mọi người đều biết rằng nhà lãnh đạo mà Chávez chọn làm người kế tục mình đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản Cuba. Khi còn niên thiếu, Maduro đã tham gia một đảng Marxist thân Cuba ở Caracas. Ở độ tuổi 20, ông ta không đi học đại học mà tham gia khóa đào tạo tại một ngôi trường chuyên huấn ở Havana, nơi đào tạo các cán bộ quốc tế trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Là Bộ trưởng Ngoại giao của Chávez từ năm 2006 đến 2013, ít khi ông ta làm người ta chú ý tới mình: chỉ có lòng trung thành tuyệt đối của ông ta với Chávez và với Cuba đã đưa ông ta lên đỉnh cao quyền lực.

Dưới sự lãnh đạo của ông ta, Cuba càng lúc càng can thiệp sâu hơn vào Venezuela. Ông ta đã đưa các nhà hoạt động được đào tạo trong các tổ chức ở Cuba vào các chức vụ quan trọng trong chính phủ, thậm chí cho phép người Cuba nắm giữ các vị trí tối hậu trong chế độ ở Venezuela. Ví dụ, bản tóm tắt thông tin tình báo hàng ngày mà Maduro đọc không do Venezuela mà do các sĩ quan tình báo Cuba chấp bút.

Nicolas Máduro (phải), “đệ tử” thân cận và người kế nhiệm của Chávez. Ảnh: ilmondo.tv.

Dưới sự chỉ dẫn của Cuba, Maduro đã tước đoạt các quyền tự do kinh tế và xóa sổ mọi dấu vết còn sót lại của chủ nghĩa tự do trong nền chính trị và thiết chế của đất nước. Ông đã mạnh tay tiếp nối chính sách đối nội của Chávez trong việc bỏ tù, lưu đày, hoặc cấm cản các nhà lãnh đạo đối lập – những người đã quá nổi tiếng hoặc khó có thể thu phục – hoạt động chính trị.

Julio Borges, một nhà lãnh đạo đối lập chủ chốt, đã phải sống lưu vong để thoát cảnh tù tội, trong khi Leopoldo López, nhà lãnh đạo ưu tú nhất của phe đối lập, đã bị thuyên chuyển qua lại giữa nhà tù quân đội và quản thúc tại gia. Hơn 100 tù nhân chính trị bị bỏ tù, với các báo cáo về tra tấn tù nhân xuất hiện thường xuyên.

Các cuộc bầu cử định kỳ trở thành lố bịch và chính phủ đã tước hết tất cả quyền hành của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Maduro củng cố liên minh của Venezuela với một số chế độ bài Mỹ và bài phương Tây, quay sang Nga để tìm kiếm viện trợ vũ khí, an ninh mạng và kĩ thuật khai thác dầu khí; quay sang sang Trung Quốc để tìm kiếm tài trợ và cơ sở hạ tầng; quay sang Belarus để tìm kiếm kĩ thuật xây cất nhà cửa; và quay sang Iran để tìm kiếm kĩ thuật sản xuất xe hơi.

Khi Maduro cắt bỏ những liên kết cuối cùng của liên minh trước kia giữa Venezuela với Washington và các chế độ dân chủ Mỹ Latin khác, ông ta đồng thời mất quyền tiếp cận với những lời khuyên hợp lý về kinh tế. Ông ta bác bỏ sự đồng thuận của các nhà kinh tế (cho dù họ có khác nhau về quan điểm chính trị): bất chấp những cảnh báo về lạm phát, Maduro quyết định dựa vào lời khuyên của Cuba và các cố vấn chính sách cực đoạn theo phái Marxist, những người đảm bảo với ông ta rằng sẽ không có hậu quả nào khi in thêm tiền mới để bù đắp cho ngân sách. Và hệ quả tất yếu là một cuộc siêu khủng hoảng đã xảy ra.

Sự kết hợp tai hại giữa ảnh hưởng của Cuba, tham nhũng lan tràn, hủy bỏ cơ chế đối trọng và cân bằng của chế độ dân chủ và sự bất tài toàn diện đã đẩy Venezuela vào gông cùm của các chính sách kinh tế thảm hại. Khi tỷ lệ lạm phát hàng tháng lên đến ba con số, chính phủ chỉ tung ra các phản ứng khiến cho tình hình tồi tệ đi.

Bóc tách căn cơ của một vụ sụp đổ

Gần như tất cả các chế độ dân chủ tự do khai thác dầu khí, như Na Uy, Vương quốc Anh, và Mỹ, đã là các chế độ dân chủ trước khi họ trở thành nhà sản xuất dầu khí. Trái lại, các chế độ chuyên chế với trữ lượng dầu khí, ví dụ như Angola, Brunei, Iran và Nga, đều không thể thực hiện bước nhảy sang chế độ dân chủ tự do. Trong suốt bốn thập kỷ, Venezuela dường như đã lội ngược dòng một cách ngoạn mục khi quốc gia này tiến hành dân chủ hóa và tự do hóa vào năm 1958, nhiều thập kỷ sau khi phát hiện các mỏ dầu khí.

Nhưng gốc rễ của chế độ dân chủ tự do ở Venezuela hóa ra chưa đủ sâu. Chỉ sau hai thập kỷ kinh tế khó khăn, sự ủng hộ của dân chúng dành cho các đảng chính trị truyền thống đã suy giảm, và một kẻ mị dân dẻo miệng đã lợi dụng làn sóng bùng nổ dầu khí để chen chân vào khoảng trống giữa hai bên. Trong những điều kiện bất thường như thế, ông ta đã có thể quét sạch toàn bộ cơ cấu của kiểm soát và đối trọng dân chủ chỉ trong vài năm.

Khi vụ bùng nổ giá dầu kéo dài một thập kỷ kết thúc vào năm 2014, Venezuela không chỉ mất đi thu nhập từ các mỏ dầu – sự ủng hộ của dân chúng và ảnh hưởng quốc tế của Chávez dựa vào nguồn thu nhập này – mà còn mất khả năng tiếp cận thị trường tín dụng ở nước ngoài.

Đất nước rơi vào vũng lầy nợ nần: các khoản vay trong thời kỳ bùng nổ dầu cần được chi trả, trong khi thu nhập quốc gia đã giảm đáng kể. Venezuela đã trở về với nền chính trị điển hình của chế độ chuyên chế từng phát hiện ra dầu mỏ: một nhóm đầu sỏ bóc lột, cướp bóc, bất chấp lợi ích của những người dân thường khi họ còn im lặng và đàn áp một cách dã man khi họ phản kháng.

Cuộc khủng hoảng sau đó đang biến thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử Tây bán cầu. Rất khó tìm thấy các số liệu chính xác về sự sụp đổ GDP của Venezuela, nhưng các nhà kinh tế học ước tính rằng nó có thể ngang với mức giảm 40% GDP của Syria kể từ năm 2012, sau khi cuộc nội chiến thảm khốc nổ ra ở nước này.

Siêu lạm phát đã đạt ngưỡng một triệu % mỗi năm, đẩy 61% người dân Venezuela vào tình trạng cực kỳ nghèo khổ: 89% những người được khảo sát nói rằng họ không có tiền mua đủ lương thực cho gia đình và 64% cho biết họ đã mất trung bình 11 kg (khoảng 24 pounds) trọng lượng cơ thể vì đói. Khoảng 10% dân số – 2,6 triệu người Venezuela – đã chạy trốn sang các nước láng giềng.

Biểu đồ lạm phát gia tăng một cách chóng mặt ở Venezuela (tính tới năm 2017). Ảnh: zerohedge.com.

Nhà nước Venezuela gần như đã đầu hàng trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục và thậm chí là trị an; bạo lực mang tính đàn áp dã man là điều cuối cùng còn lại mà người Venezuela có thể tin là nhà nước sẽ liên tục thi hành. Đối diện với các cuộc biểu tình quần chúng trong các năm 2014 và 2017, chính phủ đã đáp trả bằng hàng ngàn vụ bắt giữ, đánh đập, tra tấn dã man và tàn sát hơn 130 người biểu tình.

Trong khi đó, hoạt động buôn bán trái phép đang ngày càng lan tràn, không hề mang tính phản kháng hay thậm chí đơn giản là lừa dối nhà nước, mà là trực tiếp sử dụng bàn tay của nhà nước. Nạn buôn bán ma túy song hành cùng với sản xuất dầu mỏ và lũng đoạn tiền tệ như các nguồn lợi chính cho những kẻ có dây mơ rễ má với giới cầm quyền; các quan chức cấp cao và các thành viên của gia đình tổng thống đang phải đối mặt với các cáo buộc buôn bán ma túy ở Mỹ.

Một nhóm nhỏ những kẻ ăn trên ngồi trốc đã liên kết với nhau để biển thủ tài sản quốc gia ở một mức độ chưa từng thấy. Tháng 8, một loạt các doanh nhân liên kết với chế độ cầm quyền đã bị tòa án liên bang Mỹ truy tố vì đã tìm cách “rửa” hơn 1,2 tỷ USD trong các khoản viện trợ bất hợp pháp mà họ nhận được – đây mới chỉ là một trong một loạt các vụ lừa đảo, vốn là một phần quá trình bòn rút Venezuela mà thôi.

Toàn bộ khu vực phía Đông Nam của đất nước này trở thành khu vực khai thác mỏ bất hợp pháp, nơi những người dân tuyệt vọng rời khỏi thành phố vì đói kém thử vận may trong các khu mỏ không an toàn do các băng đảng tội phạm – được quân đội bảo vệ – vận hành.

Trên khắp cả nước, các băng đảng hoạt động trong nhà tù, hợp tác với lực lượng an ninh chính phủ, thực hiện các vụ tống tiền béo bở khiến chúng trở thành chính quyền dân sự trên thực tế.

Các văn phòng của kho bạc, ngân hàng trung ương và công ty dầu khí quốc gia đã trở thành các phòng thí nghiệm, nơi những tội phạm tài chính phức tạp được ấp ủ. Cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela, ranh giới giữa nhà nước và băng đảng tội phạm cũng mờ dần.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Venezuela 

Mỗi lần gặp một nhà lãnh đạo Mỹ Latin nào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đều khẳng định rằng khu vực này cần phải làm gì đó để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Trump đã kêu gọi nhóm an ninh quốc gia của mình đưa các lựa chọn thay thế “cương quyết”, và có lúc đã phát biểu rằng có rất nhiều lựa chọn đối với Venezuela và rằng ông ta “sẽ không loại trừ biện pháp quân sự”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio bang Florida cũng từng đả động tới can thiệp quân sự. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thể hiện quan điểm chung của cơ quan an ninh Mỹ bằng cách tuyên bố công khai: “Cuộc khủng hoảng ở Venezuela không phải là một vấn đề quân sự”. Các lân bang của Venezuela cũng phản đối cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Venezuela.

Không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự vào Venezuela của Tổng thống Trump. Ảnh: nbcnews.com.

Và quả thực, những tưởng tượng của Trump về cuộc xâm lăng quân sự là sai lầm nghiêm trọng và cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu có thể sẽ không gặp vấn đề gì trong việc lật đổ Maduro trong một thời gian ngắn, nhưng tình hình sau đó chỉ có thể tồi tệ hơn như người Iraq và người Libya đã biết quá rõ: khi các thế lực bên ngoài lật đổ các nhà độc tài đang ngồi trên đầu trên cổ các quốc gia thất bại, hệ quả sau đó gần như chắc chắn là hỗn loạn chứ không phải ổn định – chứ chưa bàn tới dân chủ.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục đứng trước áp lực là phải tìm cách ngăn chặn vụ sụp đổ của Venezuela. Mặc dù vậy, mỗi sáng kiến được đề ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng cho đến lúc này chỉ càng làm rõ hơn hiện thực rằng chính quyền Mỹ chẳng thể làm được gì nhiều.

Trong thời Obama, các nhà ngoại giao Mỹ đã tìm cách đàm phán trực tiếp với chế độ này một cách vô ích. Maduro đã lợi dụng các cuộc đàm phán được quốc tế làm trung gian nhằm vô hiệu hóa các cuộc biểu tình lớn trên đường phố: trong khi những người đứng đầu các cuộc biểu tình kêu gọi tạm ngưng biểu tình trong giai đoạn đàm phán, thì các nhà đàm phán của Venezuela chỉ tìm cách trì hoãn và đưa ra những nhượng bộ nhỏ nhằm chia rẽ đối thủ, trong khi chuẩn bị cho làn sóng biểu tình tiếp theo.

Mỹ và các lân bang của Venezuela dường như cuối cùng đã hiểu rằng rằng, trong bối cảnh này, các cuộc đàm phán chỉ có lợi cho Maduro mà thôi.

Một số người đã đề nghị sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm gây áp lực buộc Maduro phải từ chức. Đây là phương thức mà Mỹ đã thử nghiệm. Nước này, cả dưới thời Obama lẫn Trump, đều đã thông qua nhiều đòn trừng phạt để cắt các khoản cho vay với chế độ Venezuela, đồng thời cản trở hoạt động tài chính của công ty dầu khí quốc doanh của nước này.

Cùng với Canada và Liên minh ChÂu Âu (EU), Washington cũng tiến hành bế quan toả cảng các quan chức của chế độ, cụ thể là đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài và áp đặt các chế tài đi lại. Nhưng các biện pháp này là thừa thãi: nếu mục tiêu là phá hủy nền kinh tế Venezuela, thì không có biện pháp trừng phạt nào hiệu quả hơn là lên chính chế độ của Maduro. Việc phong tỏa dầu khí cũng tương tự như thế, vì tình hình sản xuất dầu đã rơi tự do rồi.

Washington có thể mài dũa chính sách của mình đối với các nước có ảnh hưởng.

Thứ nhất, họ cần chú ý hơn tới đường đi nước bước của Cuba: sẽ không có thay đổi gì đáng kể mà không có sự giúp đỡ của Havana, và điều này có nghĩa là Venezuela cần phải trở thành chủ đề trọng yếu trong tất cả các cuộc đàm phán giữa Washington cùng các đồng minh của Mỹ với Havana.

Mỹ cũng có thể tạo ra một mạng lưới rộng lớn hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, ngăn chặn không chỉ các quan chức vô đạo đức mà còn cả bè lũ và gia đình của họ, không cho họ hưởng lợi từ việc tham nhũng, buôn bán ma túy, và ăn cắp của công.

Mỹ cũng có thể vận động để biến lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ thành cấm vận toàn cầu. Phải ngăn chặn những dự định độc đoán của chế độ Maduro bằng các chính sách thể hiện rõ cho những kẻ ủng hộ nó rằng việc tiếp tục hỗ trợ chế độ sẽ làm cho họ bị cô lập ở Venezuela và do đó, quay lưng lại với chế độ sẽ là con đường duy nhất dành cho họ. Tuy nhiên, triển vọng thành công của chiến lược này còn khá mờ mịt.

Sau một thời gian dài do dự, cuối cùng, các quốc gia Mỹ Latin khác cũng nhận ra rằng bất ổn ở Venezuela chắc chắn sẽ tràn qua biên giới nước mình. Khi làn sóng trung tả những năm đầu thế kỷ rơi vào thoái trào, một nhóm mới các nhà lãnh đạo bảo thủ hơn ở Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Peru đã làm nghiêng cán cân trong khu vực về phía bất lợi cho chế độ độc tài ở Venezuela, nhưng việc không có những lựa chọn khả thi đã làm cho họ lúng túng.

Ngoại giao theo lối truyền thống không có tác dụng và thậm chí còn phản tác dụng. Điều tương tự xảy ra khi họ gia tăng áp lực. Ví dụ, năm 2017, các quốc gia Mỹ Latin đã dọa đình chỉ tư cách thành viên Venezuela trong Tổ chức các quốc gia châu Mỹ. Chế độ đã phản ứng bằng cách đơn phương rút khỏi tổ chức này, chứng tỏ họ ít quan tâm tới áp lực ngoại giao truyền thống.

Các lân bang đầy giận dữ của Venezuela đang ngày càng chứng kiến cuộc khủng hoảng qua lăng kính vấn đề người tị nạn mà nước này tạo ra; họ hối hả ngăn chặn dòng người đói ăn chạy trốn khỏi Venezuela và mang theo những vấn đề mới vào các chương trình xã hội của mình.

Khi phản ứng của chủ nghĩa dân túy được dựng lên nhằm chống lại dòng người tị nạn Venezuela, một số nước Mỹ Latin dường như muốn đóng cửa biên giới – họ phải chống lại quan điểm này, vì đấy sẽ là một sai lầm lịch sử và chỉ làm cho cuộc khủng hoảng xấu đi thêm mà thôi. Thực tế là các nước Mỹ Latin không biết phải làm gì với Venezuela. Có thể họ sẽ không thể làm được gì, ngoài việc chấp nhận người tị nạn, ít nhất cũng sẽ giúp giảm bớt nỗi thống khổ mà người dân Venezuela đã phải chịu đựng.

Dòng người tị nạn từ Venezuela lũ lượt đổ vào các quốc gia láng giềng, trong đó có Colombia. Ảnh: zerohedge.com.

Trả quyền lực về cho nhân dân 

Hiện nay, chế độ này đã được củng cố vững chắc đến mức việc thay đổi có lẽ sẽ chỉ xảy ra trên bề mặt hơn là thay đổi cả hệ thống. Có lẽ Maduro sẽ bị lật đổ bởi một nhà lãnh đạo có tài hơn một chút với khả năng củng cố sức mạnh chi phối của Cuba ở Venezuela. Kết quả này đồng nghĩa với việc chế độ đạo tặc dựa vào dầu khí và bị nước nước ngoài thao túng trở nên ổn định hơn, chứ không phải là trở về với chế độ dân chủ.

Và, ngay cả khi các lực lượng đối lập – hay cuộc tấn công vũ trang do Mỹ dẫn đầu – bằng cách nào đó thay thế Maduro bằng một chính phủ hoàn toàn mới, chương trình nghị sự cũng sẽ rất khó khăn. Chế độ tiếp theo sẽ phải giảm vai trò to lớn của quân đội trong tất cả các lĩnh vực công.

Họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trong việc khôi phục các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục và hành pháp.

Họ sẽ phải xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ và kích thích tăng trưởng trong các ngành kinh tế khác.

Họ sẽ phải tống khứ những tên buôn bán ma túy, những đầu gấu trong tù, những chủ mỏ cướp bóc, những tài phiệt tội phạm giàu có và những kẻ tham nhũng đã bám vòi vào mọi lĩnh vực của quốc gia.

Và họ sẽ phải thực hiện tất cả những thay đổi này trong môi trường chính trị độc hại, vô chính phủ và khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Với những trở ngại to lớn như vậy, Venezuela có thể sẽ nằm trong tình trạng bất ổn trong một thời gian dài. Thách thức trước mắt đối với người dân và các nhà lãnh đạo của Venezuela, cũng như đối với cộng đồng quốc tế, là ngăn chặn ảnh hưởng của quá trình lao dốc của dân tộc này. Dù đã trải qua biết bao đau khổ, người dân Venezuela chưa bao giờ ngừng đấu tranh chống lại chế độ cai trị tồi dở.

Tính đến mùa hè năm nay [2018], người Venezuela đã và đang tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình mỗi tháng. Hầu hết các cuộc biểu tình đều chỉ ở tầm địa phương, là công việc của quần chúng, thiếu lãnh đạo, nhưng họ đã chứng tỏ là một dân tộc có ý chí chiến đấu vì chính mình.

Những việc họ làm có đủ sức đẩy đất nước này ra khỏi con đường nghiệt ngã hiện nay hay không? Có lẽ là không. Tình trạng tuyệt vọng làm cho ngày càng nhiều người Venezuela mơ tưởng về một cuộc can thiệp quân sự do Trump lãnh đạo, một cuộc can thiệp sẽ mang đến cuộc giải thoát rất đáng mong muốn cho dân tộc đã chịu nhiều đau khổ này. Nhưng đây cũng chẳng khác gì việc trả thù thiếu suy nghĩ, mà không phải là một chiến lược nghiêm túc.

Thay vì một cuộc xâm lăng quân sự, hy vọng tốt nhất của người Venezuela là đảm bảo rằng những ngọn lửa phản kháng đang bùng lên và bất đồng chính kiến xã hội không bị dập tắt và phong trào chống đối chế độ độc tài được giữ vững. Dù tương lai dường như là tuyệt vọng, một ngày nào đó truyền thống phản kháng này có thể đặt nền móng cho sự phục hồi của các tổ chức dân sự và thực hành dân chủ. Việc đó không hề đơn giản và nhanh gọn. Đưa một quốc gia đứng bên bờ vực thất bại trở về không bao giờ là việc đơn giản và nhanh.

Chú thích của dịch giả:

[1] Chủ nghĩa Chavismo là một tư tưởng chính trị cánh tả được xây dựng trên nền tảng ý tưởng, chính sách, và phong cách cầm quyền của cựu tổng thống Venezuela Hugo Chávez. Chủ nghĩa này thâu nạp từ nhiều trường phái chính trị khác như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tuý cánh tả, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc tế hoá, chủ nghĩa Bolivarian, chủ nghĩa nữ quyền, v.v.

[2] Chế độ đạo tặc – tiếng Anh là kleptocracy, là chế độ chính trị tham nhũng, chính phủ tồn tại là để làm giàu cho cá nhân và gia tăng thế lực chính trị của các thành viên chính phủ cũng như giới thống trị trên xương máu của đa số quần chúng, nhưng luôn luôn tuyên truyền là do dân, vì dân.

Từ khoá:

quốc gia dầu khí: petrostate (n)
quốc gia thất bại: failed state (n)
kẻ mị dân: demagogue (n)
đồng tiền mất giá: currency devaluation (n)
lạm phát: inflation (n)
siêu lạm phát: hyperinflation (n)
khủng hoảng ngân hàng: banking crisis (n)
thất nghiệp: unemployment (n); to be unemployed (v)
bất bình đẳng kinh tế: economic inequality (n)
thâu tóm quyền lực: to seize power (v)
tập trung hoá quyền lực: to centralize power (v)
cải cách ruộng đất: land reform (n)
quốc hữu hoá: to nationalize (v), nationalization (n)
can thiệp quân sự: military intervention (n)
trừng phạt: economic sanction (n)
tham ô: embezzlement (n), to embezzle (v)
chế độ đạo tặc: kleptocracy (n)
dân chủ: democracy (n), democratic (adj)
chủ nghĩa dân tuý: populism (n)
nhà dân tuý: populist (n)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.