Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Nguyễn Hoài An – Sáng ngày 16/3, Huang Shunfang, 48 tuổi, ở Fanghu, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Henan (Hà Nam) (1) đi khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày, rồi tiêm cho chị một liều antacid, và cho chị về. Chiều hôm đó, Huang đột ngột qua đời.
Ảnh: AFP PHOTO/Mark RALSTON
Nhiều giờ sau cái chết của Huang, gia đình chị tới bệnh viện đòi lời giải thích, nhưng chỉ nhận được tuyên bố thẳng thừng của lãnh đạo bệnh viện “Bệnh viện là chỗ người ta chết”. Gia đình Huang tiếp tục đến sở công an và sở y tế đòi làm rõ, nhưng cả hai chuyến đi đều không mang lại kết quả. Bốn ngày sau, ngày 20/3, sau khi từ chối số tiền bồi thường 800 đô-la của bệnh viện, gia đình đặt thi hài Huang bên ngoài cổng bệnh viện để biểu tình. Rất nhanh sau đó, hơn 100 cảnh sát lao đến lôi thi thể đi, họ đánh đập và bắt giam những người thân cố chống cự của Huang.
Trước đó một tuần, trưa ngày 9/3, trong một chiến dịch cưỡng chế phá sập một khu dân cư ở thành phố Jiangkou, tỉnh Anhui (An Huy), Zhang Guimao, 37 tuổi, đã thiệt mạng khi chiếc chuồng gà đổ sập xuống người anh. Chiều đó, người thân của Zhang cùng với hơn 100 người dân trong làng đã mang thi thể của Zhang tiến vào trụ sở chính quyền đòi một lời giải thích. Đến nửa đêm, toàn bộ đèn đường đột nhiên tắt ngúm. Khoảng 200 cảnh sát chống bạo động mang theo khiên xuất hiện đưa thi thể tới nhà hỏa táng, bắt giam ít nhất sáu người.
Truyền thống mang xác đi đòi công lý
“Taishi kangyi” hay “mang xác đi biểu tình” là một hình thức đã có từ lâu trong lịch sử Trung Quốc. Từ thời phong kiến, người dân đã sử dụng cách này khi hệ thống luật pháp không cho thấy sự đáng tin cậy của mình.
Ở Trung Quốc, khi một người chết vì nguyên nhân không tự nhiên, người đó thường được cho là bị oan. Trong phần mở đầu của tác phẩm kinh điển từ đời nhà Tống The Washing Away of Wrongs (Tẩy oan tập lục), ra đời năm 1247 và được coi là tài liệu sớm nhất về pháp y học, tác giả và là vị quan hình ngục Tống Từ giải thích mấu chốt của việc khám nghiệm chính xác tử thi một người chết bất thường là nhằm “rửa sạch oan khiên và buộc trách nhiệm” những kẻ phải chịu trách nhiệm. Những bộ phim truyền hình nổi tiếng ở Trung Quốc như Witness to a Prosecution (Bức màn bí mật, bộ phim kể về Tống Từ), Amazing Detective Di Renjie (Thần thám Địch Nhân Kiệt), và Young Justice Bao (Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên) càng khiến tư tưởng “rửa sạch oan khiên” này trở nên phổ biến.
Kiểu rong quan tài diễu phố hay đến cửa quan đòi công lý thường bị các triều Minh và Thanh cho là “âm mưu đánh bẫy”. Lịch sử triều Minh và triều Thanh thường nói đến việc thi thể người chết được sử dụng để de dọa hoặc đổ trách nhiệm cho người vô tội. Cả hai triều đại đều có những luật cụ thể trừng phạt hành động này. Bộ luật Thanh triều quy định những người dùng thi thể của ông bà, cha mẹ vì mục đích tống tiền sẽ bị đánh 100 gậy và ngồi tù 3 năm. Tuy nhiên, những câu chuyện được ghi trong sách sở chính thức hiển nhiên cũng lờ đi những vụ việc người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng thi thể người đã khuất như một cách để nỗi oan khiên của họ được nghe thấu và gột rửa.
Ngày nay thông tin về các vụ tranh chấp dễ tiếp cận hơn, và cũng dẫn đến việc các vụ việc có án mạng được kể lại chính xác hơn. Tuy vậy, lối thực hành cũ vẫn tiếp tục được sử dụng, đặc biệt khi những cái chết bất thường dính đến các cơ quan công quyền, như do sai sót trong thủ tục khám chữa bệnh, cưỡng chế giải tỏa nhà đất, ẩu đả với lực lượng hành pháp, v.v.
Khi một cái chết bất ngờ xảy ra, người thân sử dụng thi thể của người xấu số để thu hút sự chú ý và kêu gọi sự thông cảm từ những người khác, tất cả đều là nỗ lực gây áp lực buộc chính quyền phải có hành động thỏa đáng.
Chộp xác từ dân – cách triệt “nguồn gây kích động” mới của chính quyền
Theo Teng Biao, một luật sư dân quyền và là học giả khách mời tại trường Luật Harvard, các vụ rong quan tài diễu phố “cho thấy rõ sự thiếu tin tưởng của người dân đối với các cuộc khám nghiệm tử thi hay điều tra do các cơ quan chính phủ và hệ thống tư pháp của Trung Quốc tiến hành”.
Luật sự này cũng nhận định, “Với sự nổi lên của truyền thông xã hội trong khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình của người xấu số có thể đăng ảnh hoặc các video lên mạng. Sự lan truyền thông tin nhanh chóng như vậy có thể gây sức nóng lên chính quyền địa phương”.
Có lẽ sức nóng này chính là một trong những lý do khiến lực lượng hành pháp Trung Quốc có những nỗ lực điều phối chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng dân giữ xác. Một cảnh thường thấy trong các vụ việc kiểu này ở Trung Quốc ngày nay là gia đình, bạn bè và người dân địa phương quây thành nhiều vòng rào chắn bảo vệ thi thể người xấu số. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát với số lượng lên đến hàng trăm người, được trang bị dùi cui và khiên cố gắng phá vỡ đám đông để tiếp cận thi thể và đưa thi thể đi. Đây là một thủ tục mới được các chính quyền địa phương Trung Quốc áp dụng trong vài năm trở lại đây trong nỗ lực giải quyết các vụ việc như trên: “qiangshi” hay chộp xác – khi một trường hợp tử vong bất ngờ xảy ra.
Một vụ quan tài diễu phố ở Việt Nam. Ảnh: Không rõ nguồn.
Vụ “chộp xác” kịch tính nhất trong những năm gần đây diễn ra tại thành phố Shishou, tỉnh Hubei (Hồ Bắc). Ngày 17/6/2009, Tu Yuangao, 24 tuổi, được phát hiện chết bên ngoài khách sạn mà anh này làm bếp trưởng. Cảnh sát nhanh chóng tuyên bố Tu chết do tự tử, song có nhiều tình tiết xung quanh cái chết khiến gia đình Tu tin rằng anh đã bị giết hại.
Người thân đưa thi thể của Tu vào phòng chờ khách sạn. Suốt ba ngày sau đó, hàng vạn người dân địa phương đã tập hợp cùng gia đình Tu bảo vệ thi thể của anh. Những đoạn video clip được đưa lên mạng cho thấy những người biểu tình đã đánh bật những lớp cảnh sát được vũ trang đầy đủ với số lượng khoảng vài nghìn. Những người biểu tình cũng phá hỏng và lật đổ xe cứu hỏa, cũng như xe cảnh sát. Các thành viên trong gia đình Tu, tự trang bị cho mình hai thùng dầu và hơn chục bình ga, thề sẽ bảo vệ thi thể của Tu đến chết. Gia đình Tu chỉ chịu rời đi khi khách sạn bị phóng hỏa. Sau khoảng 80 giờ đấu tranh quyết liệt, chính phủ cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình làm tang lễ cho Tu. Ngày 21/6, chuyên gia pháp y đưa ra kết luận nguyên nhân cái chết là do Tu “rơi từ trên cao xuống”. Bốn ngày sau, thi thể Tu được hỏa táng.
Theo một giáo sư đang hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong công tác “duy trì an ninh nội địa”, các quan chức Trung Quốc tin rằng bản thân thi thể là nguồn cơn gây ra tình trạng bất ổn. “Sau vụ việc ở Shishou năm 2009, Ủy ban Chính pháp Trung ương”, cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nhiệm vụ giám sát các lực lượng an ninh nội địa và hệ thống tòa án, “đã làm video huấn luyện lực lượng cảnh sát. Video khẳng định lý do khiến vụ Shishou leo thang là do thi thể, ‘nguồn gây kích động’, đã không được đưa đi kịp thời. Từ đó, trong tất cả các vụ việc có sự tham gia của số đông quần chúng” – như các vụ biểu tình, nổi loạn và các dạng gây rối trật tự xã hội khác – “có liên quan đến án mạng, việc đưa thi thể đi trở thành ưu tiên số 1”.
Một số báo cáo của chính quyền địa phương, được soạn thảo để sử dụng trong nội bộ, nhưng sau này được đưa lên mạng, cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc lấy được thi thể trong những vụ việc gây tranh cãi. Một quan chức chính quyền Guang’an, một thành phố hơn 4 triệu dân ở tỉnh Sichuan, viết, “Thi thể là thứ nhạy cảm nhất” vì “những người có động cơ ngầm sẽ sử dụng thi thể người chết để gây áp lực lên chính quyền… Những người xem, vì hiếu kỳ và thông cảm, quây thành vòng tròn quanh thi thể, sẽ hình thành một đám đông lớn”.
Một báo cáo của cảnh sát giao thông ở Yongzhou, một thành phố hơn 5 triệu dân của tỉnh Hunan (Hồ Nam) (2), cũng đưa ra một lưu ý tương tự, “Kinh nghiệm cho thấy phần lớn các vụ có sự tham gia của đám đông quần chúng liên quan đến các vụ tai nạn giao thông là do thi thể không được đưa ra khỏi hiện trường”. Cả hai báo cáo đều đưa ra lời khuyên phải nhanh chóng đưa thi thể đi làm tang lễ.
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, căng thẳng trong xã hội cũng leo thang, và những vụ việc mà chính phủ gọi là “vụ việc lôi kéo quần chúng” (mass incident) tiếp tục diễn ra trên khắp cả nước, dù con số thống kê về tần suất diễn ra không được công bố.
Để đối phó, chính quyền Trung Quốc triển khai những biện pháp riêng, và tăng thêm ngân sách duy trì ổn định an ninh nội địa, thay vì cho quân đội trong các năm 2012 và 2013. Ngăn cản những vụ rong quan tài kiểu này để chúng không leo thang thành các vụ mất ổn định xã hội hiện đang là nhiệm vụ hàng đầu.
Tuy nhiên, mỉa mai là “sự ám ảnh” của chính quyền Trung Quốc với “sự ổn định xã hội” đã đổ thêm dầu vào lửa, gây ra tình trạng bất ổn định hơn nữa. Những người dân bất mãn, biết rằng các quan chức địa phương muốn tránh tất cả những vụ việc gây rối loạn xã hội, nên càng có động cơ sử dụng hình thức này hơn nữa để “chơi chính quyền”.
Carl Minzner, giáo sư luật tại trường luật Fordham cho biết, “Bằng cách đe dọa tạo ra khung cảnh gây rối loạn xã hội, như sử dụng xác người chết để biểu tình, một số người cố đòi bằng được sự nhượng bộ từ phía quan chức. Thường thì đây là những quyết định đã được tính toán trước. Và đôi khi chúng mang lại kết quả – như tiền bồi thường cao hơn – bất chấp quy định trong luật bồi thường”. Minzner cũng cho biết thêm, các quan chức địa phương “đơn giản là chỉ muốn những người biểu tình biến khỏi các con phố”.
Cập nhật:
So với bản gốc đăng ngày 12/5/2015, bản cập nhật ngày 13/6/2015 có một số thay đổi sau:
(1) “tỉnh Henan (Hải Nam)” sửa thành “tỉnh Henan (Hà Nam)”.
(2) “tỉnh Hunan (Hải Nam)” sửa thành “tỉnh Hunan (Hồ Nam)”.
Lược dịch từ China’s Bizarre, Centuries-old Tradition: Corpse-snatching, Foreign Policy