800 năm Magna Carta: Nước Anh có cần hiến pháp thành văn?

800 năm Magna Carta: Nước Anh có cần hiến pháp thành văn?

Bùi Thúy Hiền (dịch) 

Bạn có biết: Vào thời điểm này 800 năm trước, tại một thảo nguyên ven sông cách London 20 dặm, một nhóm quý tộc nổi loạn và một vị vua thất thế, hết tiền, đã tập hợp nhau lại để đi đến một thỏa thuận thay đổi lịch sử thế giới: Magna Carta (Đại Hiến chương). Nó đã truyền cảm hứng cho dân chủ khắp thế giới và là nguồn gốc của vô vàn hiến pháp, nhất là Hiến pháp Mỹ. Thế nhưng chính bản thân người Anh thì lại chưa bao giờ cố gắng soạn thảo một bản hiến pháp, và bây giờ họ đang băn khoăn liệu có phải đã tới lúc cần thay đổi.

Magna carta

Quang cảnh lễ ký Magna Carta năm 1215. Ảnh: The Guardian

Bài liên quan: Thoát nạn ở Hong Kong – Kỳ 4: Magna Carta (Đại Hiến Chương)

Vương quốc Anh là một trong ba nền dân chủ trên thế giới không có bản hiến pháp thành văn. (Hai nước còn lại là New Zealand và Israel).

Trải qua từng đế chế, giành chiến thắng trong các thế chiến, dường như đất nước này vẫn chưa cần đến một bản hiến pháp thành văn. Nhưng nước Anh hiếm khi đối mặt với thách thức lớn như việc chính bản sắc của họ đang bị đối chất như hiện nay. Scotland gần như tách khỏi Vương quốc Anh trong một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7 năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục duy trì như vậy sau khi Đảng Dân tộc Scotland giành chiến thắng vang dội với 56 ghế trong tổng số 59 ghế nghị sĩ của xứ Scotland trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh vào ngày 7/5 vừa qua. Nước Anh cũng sẽ tổ chức trưng cầu ý dân ý về việc rời bỏ hay ở lại Liên minh Châu Âu. Chính vì hệ thống bầu cử riêng biệt như vậy nên kết quả bầu cử Nghị viện Anh vừa qua có lẽ là một biến dạng của lịch sử.

Khó có biện pháp khả thi cho loạt vấn đề này. Những người ủng hộ hiến pháp thành văn cho rằng vấn đề lớn sẽ được giải quyết khi nước Anh thực hiện những gì cần phải làm trước đây và tiến hành quy trình khó khăn – chấp bút những quy tắc cơ bản.

Vào tuần qua, thượng nghị sĩ Jeremy Purvis đã trình một dự luật mà nếu được thông qua thì nó là khởi đầu cho Hội nghị lập hiến. Ông cho hay: “Chúng ta có truyền thống lâu đời là giúp đỡ các quốc gia khác làm mà không nhận ra rằng chúng ta cần phải làm việc đó cho chính mình. Lúc này chính là thời điểm cần”.


Tìm kiếm một bản hiến pháp thành văn


Sự thực thì Anh có hiến pháp, dù chỉ những học giả pháp lý cực kỳ tỉ mẩn với sự giúp sức của các nhà khảo cổ học thì mới biết nó nằm ở đâu. Thay vì có một văn bản để có thể nhét vào túi áo hoặc để các chính trị gia thực thi quyền lực thì Hiến pháp Anh lại nằm rải rác trong hệ thống thông luật, các đạo luật của Nghị viện, thỏa thuận hiệp ước và hiệp định lịch sử trong suốt hàng thế kỷ qua. Rất nhiều quy định không được thể hiện: Ví dụ, không có mô tả công việc chính thức nào cho thủ tướng, và Nghị viện đã phải tiến hành điều tra nhiều năm trong suốt một nhiệm kỳ vừa qua để luận ra được các công việc của thủ tướng. 

Học sinh Anh ít được học về hiến pháp của quốc gia mình trong nhà trường. Thậm chí ngay chính Đại Hiến chương cũng không hẳn là một bản hiến pháp, các điều khoản cổ hầu hết bị hủy bỏ và cũng ít được người Anh xem trọng như người Mỹ. Đến cả Thủ tướng David Cameron cũng không trả lời được câu hỏi về nghĩa của Magna Carta, tức là Đại Hiến chương.

“Mọi người cần biết đến luật lệ chính quyền”- Nghị sĩ Graham Allen, người cho đến gần đây vẫn giữ chức chủ tịch Ủy ban cải cách hiến pháp, nói. “Nhưng tôi không nghĩ nhiều người Anh biết là nước mình có hiến pháp”.


Ông Allen từ lâu đã tiến hành cuộc thi khá viển vông, là để dân Anh đặt bút viết về những giá trị mà nước Anh đại diện. Ủy ban cải cách hiến pháp này thậm chí đã ủy thác cho các học giả tại Trường Đại học Hoàng gia London, trong vòng 4 năm, thảo ra một bản hiến pháp mẫu dùng làm khung trong trường hợp vấn đề này được chú trọng, dù có vẻ những người tham gia khảo sát không quan tâm nhiều.


Kết quả đã được công bố vào năm ngoái. Trang 71 đã thể hiện mọi thứ từ tên chính thức của quốc gia (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen) đến bộ luật về quyền. Nghị sĩ Allen đã tìm kiếm phản hồi từ công chúng và “vì những thiên tài Jefferson hoặc Mandela đang ở đâu đó trong chúng ta”, ông hứa dành một chai sâm panh của Hạ viện cho ai có lời tựa thuyết phục nhất. Và lời tựa đó là: “Liên hiệp lại, chúng ta tôn vinh những giọng ca khác biệt làm nên bản đồng ca vĩ đại của đất nước ta”


Trường Kinh tế London gần đây đã công khai một tài liệu do cộng đồng mạng cùng xây dựng từ những sự kiện được thảo luận tự do khắp cả nước, nổi bật nhất là lễ hội hiến pháp với các chương trình âm nhạc và phát miễn phí kẹo bông. Những cố gắng tạo nên một bản hiến pháp điều lệ hóa này, nếu thành công, thì nhóm các quốc gia không có hiến pháp thành văn chỉ còn New Zealand và Israel.


Cùng giữ chung khối liên hiệp


Vấn đề về bản hiến pháp gầy đây lại được khơi dậy không chỉ là vì sự kiện kỷ niệm 800 năm Đại Hiến chương vào ngày 15/6 sắp tới mà còn bởi những căng thẳng mà Vương quốc Anh đang đối mặt.


Mối đe dọa về việc Scotland độc lập tách khỏi Vương quốc Anh đang rõ rệt nhất. Vương quốc Anh không chỉ là một nước mà là liên hiệp bốn quốc gia: Scotland, Anh, Xứ Wales và Bắc Ailen, với quyền lực tập trung tại London hàng thế kỷ qua. Nhưng càng ngày những đòi hỏi về quyền lực ở các vùng khác lại càng tăng dần.Những phản hồi từ chính quyền diễn ra rải rác và không cân bằng, mỗi vùng được trao mức quyền lực khác nhau, trong khi tình trạng căng thẳng trong toàn khối liên hiệp gia tăng.


Thượng nghị sĩ Pulvis – người đang nỗ lực kêu gọi một Hội nghị Lập hiến – cho rằng Vương quốc Anh cần tỉnh táo lại và tự xác định sự sống còn của quốc gia mình.


“Khi một tuyên bố về việc cùng giữ chung khối liên hiệp vẫn còn bỏ ngỏ thì chủ nghĩa dân tộc ở Anh và Scotland ngày càng gia tăng. Tôi muốn một điều gì đó xảy ra để giữ chung đặc tính Anh này” – ông Oulvis nói.

Việc thông qua dự luật của Pulvis có thể không là vấn đề đối với Thượng viện nhưng sẽ rất khó khăn đối với toàn Hạ viện. Đảng Bảo Thủ của Thủ tướng David Cameron, lần nữa lại chiếm đa số trong Hạ viện tại cuộc bầu cử tháng trước dù chỉ chiếm 37% số phiếu, không bác bỏ ý kiến về một hội nghị nhưng nhìn chung cũng sẽ thờ ơ với việc này. Và những gì đảng này muốn thì sẽ có được. 

Đôi khi Anh được xem là một nền độc tài được lựa chọn, bởi họ thiếu sự phân chia quyền lực thực chất. Tòa án không có thẩm quyền sửa luật và Nghị viện thường ngả theo những gì mà thủ tướng và chính phủ quyết định. Đây là một trong những lý do chính mà Allen nỗ lực để đưa ra một cải tiến mới.

Nhưng theo thực tế gần đây thì ủy ban cải cách hiến pháp của ông đã bị giải tán làm việc vào tuần trước. Ông lý giải: “Chính phủ là một con khỉ đột nặng hơn 350 tấn trong khi Nghị viện là một con chuột nhắt. Một khi chuột the thé kêu lên thì con khỉ đột dẫm chết chuột chỉ với một bước chân, và tôi cũng bị dẫm như thế”.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa truyền thống lại cho rằng đây không phải là lý do xác đáng để thay đổi những gì đã và đang vận hành đất nước hàng thế kỷ qua. Philip Norton – Thượng nghị sĩ, học giả hiến pháp – cho rằng việc soạn một bản hiến pháp rốt cuộc cũng chỉ để đất nước phù hợp với một cái áo trói (loại áo cảnh sát dùng để trói tay người mặc, thay cho còng – ND), đủ linh hoạt lúc cần để theo kịp theo sự thay đổi thời thế. Việc này phiền phức, không cần thiết và không khả thi.

Anthony King, nhà khoa học chính trị Đại học Essex, đồng ý rằng cấu trúc chính trị của Anh cần được đổi mới triệt để, nhưng cố gắng tạo ra một bản hiến pháp thành văn có thể chỉ đổ dầu vào lửa, nếu dựa trên nội dung của vấn đề này này thì phải xem xét đến quá trình.
“Nếu bạn nhìn vào những người đã viết nên Hiến pháp Mỹ: James Madison, Alexander Hamilton, George Washington, George Mason – những tinh hoa của nhân loại như thế – thì bạn không thể tái tạo điều đó ở Anh, mà có lẽ là ở hầu hết các nước trên thế giới, vào năm 2015” – ông King nói.

Hiến pháp thường được sinh ra từ các chuyển biến lớn như chiến tranh hay cuộc cải cách. Nhưng chưa thấy một dấu hiệu nào như thế đối với Anh quốc cả, bởi vậy ông Anthony King nghi ngờ những thách thức hiện tại của đất nước, nếu có, cũng chưa cần thiết để phải gượng ép.

“Một hệ thống không thỏa đáng nhưng vẫn chưa đến cực điểm” – ông nói. “Chúng ta sẽ tự xoay xở. Người Anh vốn dĩ tự hào về khả năng đó.”
Dịch từ After 800 years, Britain finally asks: Do we need a written constitution? (Washington Post)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.