TED Talks: Quyền tự do thông tin và cuộc chiến chống tham nhũng – Phần 1

TED Talks: Quyền tự do thông tin và cuộc chiến chống tham nhũng – Phần 1

Trương Tự Minh (dịch)

Theo dự kiến, dự thảo Luật tiếp cận thông tin sẽ được Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10 đang diễn ra từ ngày 20/10 đền 28/11/2015. Nhân dịp này, Luật Khoa gửi đến bạn đọc bài chia sẻ của Heather Brooke trong khuôn khổ TED Talks năm 2012 khi cô kể lại việc mình đã dùng quyền tiếp cận thông tin làm công cụ đưa ra ánh sáng các tiêu cực từ phía quan chức nhà nước.

Heather Brooke là một nhà báo người Anh – Mỹ đi đầu trong phong trào vận động quyền tự do thông tin ở Anh Quốc. Năm 2009, cô đã góp công lớn khi giúp đưa ra ánh sáng những bê bối trong việc sử dụng ngân sách của Quốc hội Anh – sự kiện làm chấn động toàn nước Anh khi đó và dẫn đến hàng loạt quan chức lập pháp lẫn hành pháp phải từ nhiệm.

———-

Ngày xửa ngày xưa, thế giới là một đại gia đình vận hành theo khuôn phép gia trưởng. Đứng đầu đại gia đình đó là những phụ huynh đầy quyền lực và vô cùng nghiêm khắc, còn người dân là những đứa con không có nhiều tiếng nói, chúng được bảo cần biết chấp hành và tuân thủ hơn là thắc mắc với những câu hỏi. Nếu hoài nghi quyền hạn của các phụ huynh, những đứa con sẽ bị khiển trách. Và nếu ai trong số chúng cả gan đặt chân vào phòng của phụ huynh, hay xa hơn nữa là ngăn tủ chứa những hồ sơ bí mật, kẻ đó sẽ bị trừng phạt và cấm không bao giờ bén mảng đến nữa nếu muốn được yên thân.

Thế rồi ngày nọ, một người đàn ông lạ mặt xuất hiện, trên tay ông ta là những chiếc hộp chất cao ngất ngưởng, bên trong đựng hàng tá tài liệu mật lấy cắp từ phòng của các phụ huynh. Ông ta nói với bọn trẻ đang mắt tròn mắt dẹt với những cái miệng há hốc: “Hãy xem đi, xem bọn họ đã giấu chúng ta những gì!” Lần lượt từng cái một, bọn trẻ tìm thấy nhiều hồ sơ và biên bản ghi lại các buổi họp của phụ huynh. Chúng phát hiện ra, rốt cuộc những phụ huynh này hành xử không khác gì bọn trẻ. Họ cũng mắc lỗi, và mắc lỗi thường xuyên. Khác biệt duy nhất là sai phạm của phụ huynh được bảo vệ an toàn trong những ngăn tủ bí mật. Nhưng trong số những đứa trẻ có một bé gái cho rằng sự bí mật đó là một điều vô lý, cần có những luật lệ cho phép những đứa con được tiếp cận ngăn tủ này. Và thế là cô bé lên kế hoạch biến mong muốn đó thành sự thật.

Trở lại với thế giới thực tế, cô bé trong câu chuyện trên là tôi, còn những hồ sơ bí mật mà tôi muốn khám phá nằm trong tòa nhà Quốc hội của Anh Quốc. Cụ thể hơn, tôi muốn tiếp cận các hóa đơn, chứng từ ghi lại công tác phí của các vị dân biểu. Tôi đã tưởng đó là câu hỏi cơ bản mà người dân trong một nền dân chủ có quyền truy vấn. Tôi chẳng yêu cầu họ cung cấp mật mã mở cửa hầm chứa hạt nhân, nhưng nếu biết mức độ khó khăn mà tôi đã phải đối mặt khi gửi đơn thắc mắc theo đúng đạo luật Tự do Thông tin thì hẳn bạn sẽ phải tưởng là tôi đã yêu cầu thông tin gì đó ghê gớm đến mức như vậy.

Và tôi đã mất năm năm ròng rã cho cuộc tìm kiếm đó, với hàng trăm đơn yêu cầu đã gửi đi. Thành thật mà nói, tôi không hề có ý định đem đến cuộc cách mạng nào cho Quốc hội Anh cả. Chỉ đơn thuần là tôi gửi đi các yêu cầu cung cấp thông tin nhằm phục vụ cho cuốn sách đầu tay tôi đang ấp ủ khi đó mà thôi. Nhưng dự định tưởng chừng đơn giản đó cuối cùng lại dẫn đến một cuộc chiến pháp lý đầy dai dẳng. Sau năm năm kiên trì yêu cầu Quốc hội công khai thông tin, tôi đã đứng trước những vị thẩm phán lỗi lạc nhất xứ Anh Quốc tại tòa cấp cao, chờ đợi phán quyết của họ cho tranh chấp của chúng tôi. Phải nói với bạn rằng lúc ấy tôi không đặt nhiều hi vọng. Bạn biết rồi đấy, các cơ quan nhà nước thường đứng về phía nhau, thế nên trong cuộc đối đầu đó tôi đã nghĩ mình chỉ là châu chấu đá bánh xe.

Nhưng thật bất ngờ, người chiến thắng lại là tôi.

Tuy nhiên, đó không phải là cái kết có hậu bạn vẫn hay thấy trên phim. Vấn đề tiếp tục xuất hiện vì sau đó Quốc hội liên tục trì hoãn nghĩa vụ công bố các thông tin theo phán quyết của tòa. Kế đến, họ có những bước đi nhằm thay đổi luật sao cho trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin không còn áp dụng cho họ nữa. Chẳng hạn như đạo luật minh bạch vừa được thông qua trước đó vốn áp dụng cho tất cả mọi người, giờ đây Quốc hội cố điều chỉnh để các quy định không còn dành cho họ.

Nhưng điều mà họ không ngờ tới chính là công nghệ số hóa thời đại ngày nay. Điều đó có nghĩa tất cả hóa đơn, chứng từ đều được chụp lại và lưu trữ bằng dữ liệu điện tử, vì vậy rất dễ để ai đó sao chép toàn bộ cơ sở dữ liệu vào một cái đĩa rồi tuồn ra ngoài và bán cho người trả giá cao nhất. Trên thực tế, cái tên chiến thắng trong cuộc đấu giá đó chính là tờ Daily Telegraph. Bạn vẫn còn nhớ chứ? Đầu tháng 5 năm 2009, mỗi ngày nước Anh lại rúng động trước những tiết lộ mới đầy tai tiếng về Quốc hội được tờ báo phanh phui ra: ngân sách Quốc hội được dùng để mua từ phim khiêu dâm trên mạng, nút chặn bồn tắm, tân trang nhà bếp mới cho đến thanh toán những khoản mua nhà trả góp vẫn còn chưa trả hết. Kết quả là sáu bộ trưởng đã phải từ chức cùng một chủ tịch Hạ viện bị buộc rời khỏi ghế lần đầu tiên trong vòng 300 năm qua. Sau đó, một nhà nước mới được bầu lên trên nền tảng và trách nhiệm minh bạch. Trong cuộc bầu cử đó có 120 nghị sĩ tự nguyện thôi nhiệm, còn hiện tại bốn cựu hạ nghị sĩ và hai thượng nghị sĩ đang phải ngồi tù vì tội kê khống chứng từ.

Tôi kể với bạn câu chuyện trên bởi không chỉ nước Anh mới có. Nó là một ví dụ điển hình cho sự giao thoa của những nền văn hóa khi hiện tượng này được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới: các quan chức nhà nước nghĩ rằng họ có thể ngồi phía trên tùy nghi quản lý chúng ta mà không phải chịu sự giám sát từ công chúng. Nhưng giờ đây công chúng không còn hài lòng với trật tự đó nữa, và không chỉ là cảm xúc phẫn nộ nhất thời, họ đã tự trang bị cho mình các thông tin và dữ liệu làm bằng chứng đáng tin cậy.

Có thể nói chúng ta đang tiến vào quá trình dân chủ hóa thông tin. Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực tiếp cận thông tin được một thời gian khá dài. Một quan sát thú vị mà tôi nhận thấy đó là trước đây lĩnh vực này chỉ nhận được sự quan tâm từ một nhóm chuyên biệt, so sánh với hiện tại, rõ ràng nó đã phổ biến đến đại chúng. Mỗi ngày, lại có thêm người dân trên thế giới muốn biết những người nắm quyền trên họ đang làm gì. Họ muốn có tiếng nói trong những quyết định lấy mục đích là vì lợi ích cho họ, được thực hiện bằng tiền của chính họ. Trong cuộc dân chủ hóa thông tin này, tôi nhìn thấy một xu hướng khai sáng thông tin với những giá trị tương đồng thế hệ thứ nhất của Phong trào Khai sáng thế kỷ 18. Đó là tiếng gọi đi tìm sự thật thay vì dễ dàng chấp nhận điều ai đó nói là đúng. Chúng ta chỉ xem là sự thật sau khi đã tận mắt chứng kiến hoặc kiểm chứng. Từ nguyên tắc này của Phong trào Khai sáng thế hệ thứ nhất đã dẫn đến những hoài nghi về quyền cai trị bất khả xâm phạm của nhà vua, hay một trật tự xã hội xem phụ nữ thấp kém hơn nam giới, cũng như quan niệm cho rằng nhà thờ là tiếng nói chính thức từ Chúa trời.

Tất nhiên Giáo hội đã không hài lòng với xu thế đó, vì vậy đã tìm mọi cách cản trở và dập tắt nó. Nhưng thứ họ không ngờ tới chính là sự tiến bộ trong kỹ thuật. Máy in ra đời, mở đường cho một nền báo in nở rộ. Bỗng nhiên, người ta có thể lan tỏa và phát đi các ý tưởng xa và rộng một cách nhanh chóng lẫn tiết kiệm. Bên trong những quán cà phê, mọi người tụ lại chia sẻ ý tưởng, bàn bạc, cùng lên kế hoạch cho một cuộc cách mạng.

Còn thời đại ngày nay, chúng ta có công nghệ số hóa. Số hóa loại bỏ gánh nặng vật lý về nơi lưu trữ thông tin. Bằng chứng là bạn gần như chẳng phải bỏ ra đồng nào để sao chép và chia sẻ thông tin. Nền báo in của chúng ta bây giờ là Internet, còn những quán cà phê nơi hàng triệu ý tưởng được chia sẻ chính là các mạng xã hội. Chúng ta đang dần tiến đến hình thành một cấu trúc kết nối toàn cầu, nơi mọi quyết định về biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên hay hệ thống tài chính đều có tiếng nói của mỗi chúng ta.

Còn tiếp

Nguồn bài viết

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.