Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Nguyễn Hoàng Linh
Với sự tồn tại của định chế tư pháp “siêu quốc gia” như Tòa án Nhân quyền Châu Âu, việc các “thường dân” có thể chiến thắng quốc gia nơi mình cư ngụ do nhà nước tại đó không đảm bảo được nhân quyền không phải điều hiếm ở các nước XHCN (cũ), nơi mà trước đây vài thập niên, người dân không thể mơ tới những khả năng như thế.
—
Mới đây, hai luật gia Hungary vừa giành được phần thắng trong vụ kiện Nhà nước Hung tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở đặt tại TP. Strasbourg) liên quan tới vấn đề bí mật theo dõi công dân, khiến Quốc hội Hungary sẽ phải sửa đổi luật cho phù hợp với quyết định này của Tòa.
Với phán quyết của Tòa Strasbourg, các cơ quan mật vụ Hung – trong đó có cả Trung tâm Phòng chống Khủng bố (TEK), vốn được coi là “cánh tay phải” của Chính phủ – chỉ có thể tiến hành theo dõi công dân một cách bí mật mà không thông qua sự cho phép của Thẩm phán trong trường hợp có lý do đặc biệt.
Các nguyên đơn khi đệ đơn kiện lên Tòa Strasbourg, có cho hay: họ không đòi Tòa phải tuyên phạt tiền Nhà nước Hungary, mà chỉ muốn Tòa chỉ ra rằng, luật định của Hung hiện tại trong vấn đề này vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền, và buộc chính quyền Hung phải thay đổi luật.
Quyền năng quá lớn của cơ quan mật vụ
Đó là suy nghĩ khiến hai luật gia, đồng thời cũng là các nhà hoạt động nhân quyền – Vissy Beatrix và Szabó Máté Dániel – đưa vấn đề hoạt động của các cơ quan an ninh mật của Hung – đặc biệt là của TEK – lên Tòa Strasbourg cách đây gần một năm rưỡi.
Bởi lẽ, theo một sửa đổi của Luật Cảnh sát Hungary vào đầu năm 2012, TEK có thể khám nhà, đặt dụng cụ theo dõi, hoặc nghe trộm điện thoại và kiểm tra thư tín của bất cứ ai mà không cần sự cho phép của Thẩm phán. Chỉ cần viện lý do “mục đích an ninh quốc gia”, và một cái gật đầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là đủ.
Xu hướng giao quyền hạn theo dõi và kiểm soát công dân cho các cơ quan hành pháp đang trở thành vấn đề chung trên toàn cầu. Ảnh minh họa.
Điều đáng nói là sau khi tiến hành theo dõi, TEK cũng không cần phải thông báo cho đương sự biết về hoạt động này, và như vậy, theo các luật gia, đây là sự vi phạm nghiêm trọng đời tư của cá nhân được Hiến pháp đảm bảo, và là cơ hội tuyệt vời để chính quyền có thể lạm dụng quyền lực của mình trong hành xử với công dân.
Lấy gì làm đối trọng?
Trong những vụ việc mang tính chất an ninh quốc gia (một khái niệm không được định nghĩa chính xác trên phương diện pháp luật), việc bí mật theo dõi công dân được thực hiện trên diện rộng hơn nhiều so với những hành vi phạm tội cụ thể được liệt kê trong luật, và các dữ liệu chính quyền thu được cũng không bị hủy.
Việc chính quyền bí mật theo dõi công dân luôn là sự vi phạm nghiêm trọng tới đời tư của đương sự. Để đảm bảo nhà nước chỉ thực hiện biện pháp cực đoan này trong những trường hợp thực sự có lý do, cần sự kiểm tra đến từ bên ngoài làm đối trọng, chẳng hạn sự chấp thuận của Thẩm phán, định chế độc lập với cơ quan hành pháp.
Luật định của Hungary trao cho Bộ trưởng Tư pháp quyền này là điều đáng lo ngại, bởi lẽ một thành viên nội các chính là người của cơ quan hành pháp, và khi cơ quan mật vụ do Chính phủ kiểm soát chỉ cần sự cho phép của vị Bộ trưởng là đã có thể hạn chế các quyền công dân, thì khả năng lạm dụng quyền lực là thực tế.
Chặng thứ nhất: Tòa Bảo hiến Hungary
Trước khi đưa vấn đề lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, hai luật gia đã đệ đơn đề nghị Tòa án Hiến pháp Hungary (Tòa Bảo hiến – AB) xem xét. Tuy nhiên, ở chặng đường thứ nhất này, họ đã nhận được một quyết định khá bất ngờ, theo đó, không phải là họ không có lý, nhưng luật định của Hungary trong vấn đề này cũng không sai!
Trong phán quyết đưa ra năm 2013, AB chỉ quy định rằng Bộ trưởng Tư pháp khi cho phép bí mật theo dõi công dân thì có bổn phận phải lý giải quyết định đó. Còn sự chấp thuận của Thẩm phán, thì AB cho rằng chỉ cần thiết khi tiến hành theo dõi với mục đích phòng chống tội phạm, bởi khi đó nó là vấn đề thuộc về cơ quan tư pháp.
Ngược lại, theo dõi công dân vì lý do an ninh quốc gia, theo AB, mang tính chính trị và do đó, việc “đặt hàng” sự theo dõi đó cần thuộc về Chính phủ, nó là quyết định chính trị của cơ quan hành pháp, chính vì vậy không cần sự kiểm tra của một cơ quan độc lập với chính phủ. AB cho rằng, sự tồn tại của Ủy ban An ninh Quốc gia và Thanh tra Quốc hội là đủ làm “đối trọng” trong trường hợp này.
Chiến thắng trên Tòa Strasbourg (Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu)
Điều thú vị của vụ kiện là hai nguyên đơn không biết – và cũng không thể biết – rằng họ có đang bị theo dõi bí mật hay không. Có thể có, có thể không, nhưng đây không phải là điều quan trọng. Mấu chốt vấn đề là luật định hiện tại của Hungary cho phép điều đó, và họ – cũng như các công dân Hung khác – đang có thể là những bị hại.
Tuy nhiên, mặc dầu Szabó và Vissy không thể chứng tỏ được là quyền cá nhân của họ bị vi phạm một cách cụ thể, nhưng Tòa Strasbourg vẫn thụ lý đơn của họ. Điều này cũng đã có tiền lệ, chẳng hạn vào năm 1978, Tòa Strasbourg đã xử thắng cho các luật sư Đức trong vụ kiện Tây Đức, vì lý do vi phạm luật một cách tiềm ẩn về phía chính quyền.
Trong vụ kiện hiện tại, căn cứ Công ước Châu Âu về Nhân quyền, Tòa Strasbourg nhận thấy rằng, nhiệm vụ cho phép theo dõi công dân một cách bí mật quả thực “phải do một cơ chế độc lập và công bình” đưa ra, và Thẩm phán là nhân vật thích hợp với vai trò này. Vì vậy, điều luật có liên quan của Hungary là vi phạm quyền được tôn trọng đời tư của công dân.
Phán quyết liên quan tới mọi cơ quan mật vụ
Đó là nhận định của TS. Szabó Máté Dániel, một trong hai luật gia nguyên đơn, hiện là Giám đốc chuyên môn của tổ chức bảo vệ nhân quyền “Hiệp hội vì các quyền tự do” (TASZ). Theo ông, quyết định của Tòa Strasbourg ứng với hoạt động theo dõi của tất cả các cơ quan mật vụ, được tiến hành đơn thuần trên cơ sở sự cho phép của Bộ trưởng Tư pháp.
Căn cứ phán quyết trên, Quốc hội Hungary sẽ phải sửa đổi Luật Cảnh sát theo hướng chỉ có thể tiến hành theo dõi công dân với giấy phép của Bộ trưởng Tư pháp trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp, và sau đó còn cần sự xem xét của cơ quan tư pháp. Trả lời truyền thông Hung, ông Szabó nói rằng ông không tranh luận với TEK, mà chỉ muốn cả hệ thống luật của Hung được “chuẩn” hơn.