Đại Hàn Dân Quốc và Hành trình dân chủ – Kỳ 2: Biểu tình và động lực phát triển

Đại Hàn Dân Quốc và Hành trình dân chủ – Kỳ 2: Biểu tình và động lực phát triển

Hoàng Thảo Anh (dịch)

Bài viết được trích từ bài báo cáo ngắn Statement by the United Nations Special Rapporteur on the rights to freedom of peaceful assembly and of association at the conclusion of his visit to the Republic of Korea của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.

Chương, đoạn và các tiêu đề là do ban biên tập của Luật Khoa biên soạn.

Kỳ trước: Đại Hàn Dân Quốc và Hành trình dân chủ – Kỳ 1: Di sản của tự do

Không gian dân sự bị thu hẹp?

Dù Hàn Quốc có một lịch sử lâu dài về biểu tình, tôi nhận thấy không gian để thực hiện quyền biểu tình ôn hòa đã bị thu hẹp vài năm trở lại đây. Những kênh đối thoại và giao tiếp giữa chính phủ với người dân đã không hoạt động hiệu quả như mong đợi, khiến cho các cuộc biểu tình trở thành lựa chọn được ưu tiên.

Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ và thúc đẩy biểu tình ôn hòa, như nguyện vọng của Hội Đồng. Tôi khuyến khích tất cả mọi người dân Hàn Quốc tham gia biểu tình với thiện chí hòa bình, để đảm bảo thông điệp các bạn muốn truyền đạt được lắng nghe tốt hơn và giảm bớt những căng thẳng.

Tuy nhiên, vì quyền biểu tình ôn hòa là một quyền cá nhân, nếu một số người trở nên bạo lực trong một cuộc biểu tình, thì không thể xem cuộc biểu tình đó là bạo lực theo luật pháp quốc tế. Nơi nào người dân sử dụng bạo lực, cảnh sát có trách nhiệm và có đầy đủ năng lực để sử dụng phương thức ít gây tổn thương nhất có thể, tìm cách hạn chế, tạm giữ và yêu cầu những người gây rối chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, rất hiếm khi các cuộc biểu tình phải giải tán.

Hơn nữa, cho dù những người biểu tình bạo lực mất đi sự bảo hộ từ quyền biểu tình ôn hòa, họ vẫn còn những quyền khác, trong đó có quyền toàn vẹn về thân thể, quyền không bị tra tấn hay chịu sự cưỡng chế quá mức.

Han Sang-gyun - một thủ lĩnh lao động bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ sau 24 ngày cố thủ trong một ngôi chùa. Ảnh: NYTimes

Han Sang-gyun – một thủ lĩnh lao động bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ sau 24 ngày cố thủ trong một ngôi chùa. Ảnh: NYTimes

Những hạn chế phi lý đang xâm nhập vào mỗi giai đoạn của quá trình biểu tình ở Hàn Quốc: trước khi biểu tình, trong khi biểu tình và sau khi kết thúc quá trình này. Những giới hạn này trải dài từ những chế định pháp lý cho tới những trở ngại thực tế, và đang dần giảm quyền tự do biểu tình ôn hòa thành một đặc quyền của một số cá nhân.

Thông báo trước biểu tình không thể là điều kiện tiên quyết

Vấn đề cơ bản là thực tế, nhiều cuộc biểu tình bị coi là trái pháp luật trừ khi ban tổ chức thông báo với chính quyền trước đó, và rất nhiều cuộc biểu tình đã bị cấm ngay sau khi thông báo. Hiến pháp của Đại Hàn Dân quốc, luật về Hội và Biểu tình (Assembly and Demonstration Act – ADA) và những tiêu chuẩn quốc tế thừa nhận việc chính quyền yêu cầu được thông báo trước về một cuộc hội họp là có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, rõ ràng việc ban tổ chức thất bại trong việc thông báo trước không nên làm cho một cuộc biểu tình trở nên bất hợp pháp. Cũng như thủ tục thông báo không nên được dùng như một điều kiện tiên quyết để kiểm soát biểu tình, trừ một số trường hợp nhất định. Tôi được biết rất nhiều trường hợp, sau khi thông báo cho chính quyền thì kết quả nhận được là lệnh cấm biểu tình để phòng ngừa ùn tắc giao thông hay để thực thi một lệnh cấm biểu tình toàn diện đối với một số địa điểm hoặc thời điểm nhất định; những lời giải thích như trên là không thỏa đáng theo luật nhân quyền quốc tế.

Bạo lực leo thang bạo lực

Một số biện pháp mà cảnh sát sử dụng trong cuộc biểu tình cũng khiến tôi quan ngại, chẳng hạn như việc sử dụng vòi rồng và rào chắn xe buýt. Tôi thấy vào năm 1999, chính phủ đã ngừng sử dụng hơi cay để kiểm soát các cuộc biểu tình. Kết quả là bạo lực đã giảm đáng kể trong các cuộc biểu tình được tổ chức sau đó. Tôi muốn kêu gọi các cơ quan chức năng áp dụng lý thuyết về giảm căng thẳng trong trường hợp trên để đánh giá và xem xét lại việc sử dụng vòi rồng và rào chắn xe buýt.

Một cảnh sát chống bạo động Hàn Quốc bị người biểu tình giữ lại đứng cùng khi họ bị phuôn vòi rồng và hơi cay để giải tán. Ảnh: Reuters.

Một cảnh sát chống bạo động Hàn Quốc bị người biểu tình giữ lại đứng cùng khi họ bị phuôn vòi rồng và hơi cay để giải tán. Ảnh: Reuters.

Vòi rồng có thể gây ra tổn thương rất lớn cho cơ thể, như vụ việc của ông Beak Nam-gi là minh chứng cho thảm kịch này. Rất nhiều người tham gia ôn hòa phản ánh rằng vòi rồng đã được sử dụng chống lại họ mà không hề có một lời giải thích, và đã khiến nhiều người bị thương.

Rào chắn xe buýt khiến người xem không thể thấy và nghe những người biểu tình, làm giảm hiệu quả truyền tải thông điệp của họ. Hơn nữa, việc sử dụng vòi rồng và rào chắn xe buýt, đặc biệt là khi kết hợp triển khai lực lượng an ninh, gần như đảm bảo rằng căng thẳng giữa cảnh sát và người biểu tình sẽ chỉ tiếp tục gia tăng. Vì người ta có thể xem đây là cuộc tấn công vô cớ. Đây không phải là sự biện minh cho bạo lực, mà là một sự quan sát bản chất con người: gây hấn chỉ làm nảy sinh thêm nhiều sự gây hấn mà thôi.

Giảm bớt căng thẳng và đối thoại là những lựa chọn có tính thực tế hơn đối với công tác quản lý biểu tình, về bảo vệ quyền con người của những người biểu tình và đảm bảo trật tự công cộng. Kinh nghiệm của tôi là nếu nhà nước trở nên cởi mở hơn khi cho phép tự do thực hiện quyền biểu tình, thì những người biểu tình sẽ bớt bạo lực hơn

Việc đưa những thanh niên vừa nhập ngũ vào trong hàng ngũ cảnh sát đứng mũi chịu sào trước đám đông người biểu tình là một chính sách đặc biệt thiếu thận trọng, khi mà họ tương đối thiếu kinh nghiệm và sự huấn luyện. Khống chế, đặc biệt là đoàn biểu tình lớn và đang tức giận không phải là việc dành cho tân binh. Nó đòi hỏi tối đa kinh nghiệm, sự huấn luyện và kĩ năng.

Xử lý “nguội”?

Sau cuộc biểu tình, tôi được biết ban tổ chức và những người tham gia thường bị cảnh sát triệu tập để điều tra về tội “cản trở giao thông công cộng” và các tội khác. Sau khi “Đại hội Nhân dân” được tổ chức vào tháng 11 năm 2015, khoảng 1500 người tham gia đã bị triệu tập để điều tra. Trong đó, một số là người qua đường vô tội hoặc là những người thuộc ban tổ chức không tham gia bạo lực với tư cách cá nhân.

Những hành động trên đã chủ động ngăn chặn ban tổ chức và người tham gia. Tôi tin tưởng rằng chính quyền có khả năng xác định và cô lập những ai có hành vi phạm tội mà không cần đến các phương pháp điều tra khiến quyền biểu tình ôn hòa bị suy giảm. Hãy để tôi nhấn mạnh rằng ban tổ chức của các cuộc biểu tình ôn hòa không phải chịu trách nhiệm cho hành vi phạm tội của những người khác trong bất kì hoàn cảnh nào, như những gì đã xảy ra trong vụ của ông Sang-gyun và Park Lae-goon.

Cuối cùng, các nạn nhân của sự cưỡng chế thái quá từ cảnh sát trong cuộc biểu tình liên tục phản ánh thực tế rằng trong khi cảnh sát thường phải đeo thẻ tên, đồ bảo hộ và áo ngoài của họ không có thẻ nhận dạng tương tự, làm cho không thể nhận dạng các sĩ quan để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Tôi mong muốn chính quyền đảm bảo rằng họ sẽ khắc phục những bất thường này trong thời gian sớm nhất có thể.

Tôi cũng đánh giá cao sự quan tâm của Cảnh sát tới những cáo buộc của người khuyết tật, những người đã báo rằng hoàn cảnh đặc biệt của họ không được cảnh sát tạo điều kiện trong khi kiểm soát cuộc biểu tình. Tôi kêu gọi các cơ quan chức năng cực kì thận trọng trong việc tương tác với những cá nhân khuyết tật và những thiết bị hỗ trợ thiết yếu cho cuộc sống của họ.

Thảm họa phà Sewol

Thảm họa Phà Sewol là một trong những tai nạn thảm khốc ở Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Tôi đã vinh dự viếng thăm đài tưởng niệm các nạn nhân ở Ansan, và xúc động sâu sắc bởi những đồ tưởng niệm dành cho những sinh mạng trẻ tuổi bị mất đi. Nỗi đau đớn của gia đình các nạn nhân vẫn còn đó, nhưng tôi ấn tượng bởi sự cam kết của họ về đảm bảo một thảm kịch tương tự không tái diễn.

Những cuộc biểu tình liên quan tới Thảm họa phà Sewol là một phản ứng tự nhiên với cảm giác cho rằng những vấn đề của các gia đình mất con đã không được chính quyền giải quyết thỏa đáng. Trong khi chính phủ nỗ lực điều tra vụ tai nạn, bắt những người có liên quan chịu trách nhiệm, và bồi thường cho các gia đình, thì một số người bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa cảm thấy như thế là chưa đủ.

sewol

Thân nhân của các nạn nhân thảm họa phà Sewol trong một cuộc biểu tình ngày 16 tháng 4 năm 2015, nhằm yêu cầu điều tra và làm rõ thêm trách nhiệm của những người liên quan. Những người biểu tình cáo buộc sự tắc trách trong quản lý, tham nhũng trong mô hình duy tru, sửa chữa tàu cũng như năng lực phản ứng của chính phủ. Ảnh: IBT

Tôi không khẳng định bên nào đúng, bên nào sai, tôi muốn nhấn mạnh rằng quyền tự do hội họp là để giúp người dân có nơi để bày tỏ sự bất đồng quan điểm của họ một cách hòa bình, nhờ thế mà tranh chấp có thể được giải quyết. Là một phần của quyền này, Chính phủ có trách nhiệm duy trì các kênh giao tiếp mở với các gia đình của vụ Sewol và những người đại diện cho họ. Điều này là vì lợi ích của Chính phủ, các gia đình và của cả đất nước để cho thảm họa này không bị chính trị hóa và ảnh hưởng tới phản ứng đối với các cuộc biểu tình ôn hòa liên quan tới vấn đề này.

Còn tiếp

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.