Đại Hàn Dân Quốc và Hành trình dân chủ – Kỳ 3 và hết: Bảo toàn xã hội dân sự

Đại Hàn Dân Quốc và Hành trình dân chủ – Kỳ 3 và hết: Bảo toàn xã hội dân sự
Các giáo viên và công chức giáo dục Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh cấm hoạt động KTU của cơ quan có thẩm quyền.

Hoàng Thảo Anh (dịch)

Bài viết được trích từ bài báo cáo ngắn Statement by the United Nations Special Rapporteur on the rights to freedom of peaceful assembly and of association at the conclusion of his visit to the Republic of Korea của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc.

Chương, đoạn và các tiêu đề là do ban biên tập của Luật Khoa biên soạn.

Kỳ trước: Đại Hàn Dân Quốc và Hành trình dân chủ – Kỳ 2: Biểu tình và động lực phát triển

Hạn chế quyền lập hội của người lao động

Chuyến thăm của tôi diễn ra cùng lúc với những nỗ lực thực hiện cải cách lao động của chính phủ đã được chỉ ra là trái với quyền lợi của nhiều người lao động. Các công đoàn lao động đã chủ động phản kháng bằng cách tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình trong vài năm qua; và hiển nhiên, mối quan tâm của tôi liên quan rất mạnh mẽ tới quyền tự do hội họp ôn hòa sẽ được áp dụng như thế nào cho các cuộc biểu tình này.

Hiến pháp và pháp luật Đại Hàn Dân quốc đảm bảo cho người lao động quyền thành lập và tham gia hội họp, thương lượng tập thể và có hành vi tập thể. Mặc dù các điều khoản pháp lý chung công nhận quyền của người lao động, vẫn còn nhiều trở ngại đe dọa đến việc thực hiện các quyền trên đối với một số loại lao động.

Người lao động “không thường xuyên”, chẳng hạn như các nhà thầu phụ; những người trong “mối quan hệ lao động bị ngụy trang” (disguised working relationships) như tài xế xe tải, giáo viên, công chức và những người bị sa thải, tất cả phải đối mặt với những trở ngại đáng kể để thành lập và tham gia vào các đoàn thể hoặc để vận động chúng một cách hiệu quả nhằm mục tiêu cuối cùng là cải thiện điều kiện lao động.

Tôi rất quan ngại về việc Liên hiệp Giáo viên và viên chức giáo dục Hàn Quốc (the Korean Teachers and Education Workers union – KTU) bị đưa ra ngoài vòng pháp luật trong thời gian gần đây, chỉ vì nó đã giữ lại 9 thành viên là giáo viên bị sa thải. Luật Nhân quyền quốc tế đã chỉ rõ việc giải tán một đoàn thể chỉ có thể xảy ra trong trường hợp cực kì nghiêm trọng, như là giải pháp cuối cùng. Tôi không cho rằng trường hợp của KTU đã đến mức này.

Các giáo viên và công chức giáo dục Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh cấm hoạt động KTU của cơ quan có thẩm quyền.

Các giáo viên và công chức giáo dục Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh cấm hoạt động KTU của cơ quan có thẩm quyền.

Hơn nữa, nhiều công đoàn đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi của các thành viên. Tôi đã nhận được báo cáo của người lao động bị ép buộc tham gia vào các tổ chức có lợi cho người sử dụng lao động. Vụ công ty điện lực Hàn Quốc Valeo là một ví dụ vô cùng điển hình, và tôi hy vọng cơ quan tư pháp có thẩm quyền sẽ đưa các tiêu chuẩn quốc tế khi họ xét xử vấn đề này, để có thể tác động đến quan hệ lao động trong tương lai.

Trên nguyên tắc thì tất cả mọi người, trong đó có người sử dụng lao động, đều có thể lập hội; nhưng sẽ là vi phạm quyền tự do lập hội khi những đoàn thể đó được lập ra nhằm mục đích thay thế công đoàn độc lập, nhất là khi chỉ có công đoàn chiếm đa số có thể được tham gia vào thương lượng tập thể như ở Hàn Quốc.

Quyền đình công cũng đang bị hạn chế. Luật pháp Hàn Quốc ghi nhận công đoàn không thể can thiệp vào những vấn đề không phải là tranh chấp tức thời phát sinh từ các điều khoản và những điều kiện làm việc. Người lao động không thể tham gia vào các cuộc đình công đồng thuận (“solidarity strike” – tức những cuộc đình công nhằm ủng hộ, hỗ trợ một cuộc đình công được bắt đầu bởi một tổ chức lao động khác, tại một doanh nghiệp khác – ND), những người tham gia trong trường hợp này bị chính quyền xem là “đình công bất hợp pháp” và có thể bị truy tố hình sự về cản trở kinh doanh hoặc gây thiệt hại về dân sự..

Trong cuộc thảo luận giữa tôi và chính phủ, tôi nhận thấy một thái độ thờ ơ rõ rệt đối với khả năng hội họp của người lao động. Bộ Lao động cho biết công đoàn có tính trung lập. Tuy nhiên, tính trung lập này là không đủ theo luật pháp quốc tế. Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR) đã chỉ ra rõ ràng rằng Nhà nước phải có những biện pháp tích cực để bảo vệ và tăng cường sự thụ hưởng các quyền cơ bản của công đoàn.

Tôi kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên điều này. Các bước đi trước mắt nên là sự phê chuẩn Công ước Quốc tế về Tổ chức Lao động 87 và 98, và hủy bỏ việc bảo lưu điều 22 của ICCPR, điều mà các cơ quan nhân quyền quốc tế nhiều lần khuyến cáo.

Đoàn thể độc lập và không gian xã hội dân sự

Các đoàn thể ở Đại Hàn Dân quốc được ca ngợi là có thể được thành lập và hoạt động dưới nhiều hình thức tương đối dễ dàng. Cũng như thế, tôi rất ấn tượng bởi sự tham gia tích cực của xã hội vào việc ủng hộ hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự thông qua thành viên hoặc đóng góp tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện không gian cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động.

Cơ chế trao tư cách pháp nhân cho phép các cán bộ tùy ý quyết định đã tạo ra sự không ổn định. Nhiều đoàn thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc có được tư cách pháp nhân chỉ vì cơ quan chức năng từ chối thẩm quyền chấp nhận đơn yêu cầu.

Quỹ Beyond the Rainbow, một hiệp hội về giới tính thứ 3 đã bị từ chối tư cách pháp nhân bởi Bộ Tư pháp, có vẻ như lý do là bởi nhóm này hoạt động riêng biệt về giới tính thứ 3, trong khi Bộ này đã xác nhận rằng có thể đăng ký lập hội hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến những vấn đề về “quyền cơ bản của con người”. Vậy Quỹ này cần đăng ký với ai? Bộ Tư pháp không hề đưa ra một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Một lần nữa, Chính phủ cần có biện pháp chủ động hơn nữa để thúc đẩy quyền lập hội cho tất cả mọi người.

“Hội 4.16 Gia đình Sewol vì Sự thật và một Xã hội an toàn hơn” cũng đã đối mặt với vấn đề tương tự trong việc tìm kiếm địa vị pháp lý của mình ở Bộ Hàng hải và Thủy sản. Tôi cũng chia sẻ quan ngại của các cơ quan nhân quyền quốc tế về điều 7 của Luật An ninh Quốc gia, với một ngôn ngữ đa nghĩa và mơ hồ có thể được sử dụng để hạn chế quyền lập hội và hội họp. Điều khoản này cần bị bãi bỏ.

Tóm lại, tôi muốn nhắc lại rằng tôi đánh giá cao quá trình hợp tác tốt đẹp này trong suốt chuyến thăm. Những quan sát và kiến nghị mà tôi đưa ra dựa trên tinh thần đối thoại mang tính xây dựng. Tôi mong muốn tiếp tục được đối thoại với Chính phủ của Đại Hàn Dân quốc và sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết, nhằm củng cố việc thực hiện các quyền tự do hội họp và lập hội trong hòa bình ở đất nước này./.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.