Trịnh Anh Tuấn
Phiên tòa xét xử hai blogger Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy sắp diễn ra vào ngày 23/3 tới, trong bối cảnh chứng cứ và khâu thu thập chứng cứ ở vụ án này có rất nhiều điểm không hợp lý. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những bất ổn căn bản.
Quy trình chứng minh phạm tội không đầy đủ, thiếu chứng cứ
Theo bản cáo trạng, cơ quan ANĐT Bộ Công an cho rằng Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã sử dụng Internet đăng tải 24 bài viết có nội dung xấu, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, tổ chức và cá nhân, đăng tải trên hai blog Dân quyền và Chép sử Việt, được cung cấp bởi công ty Automattic qua trang website WordPress.com.
Ông Vinh và bà Thúy đã không khai nhận bất cứ hành vi nào theo cáo buộc. Vì vậy, nghĩa vụ của công an là phải chứng minh đầy đủ mọi hành vi bằng những chứng cứ xác thực, hợp pháp, đầy đủ. Đây là vụ án có tính chất kỹ thuật sử dụng internet rất cao, để chứng minh được hành vi đăng tải lên blog của bị can, cơ quan điều tra (CQĐT) bắt buộc phải chứng minh đầy đủ các bước sau:
1. Email cá nhân thuộc về quyền sử dụng của bị cáo
2. Email cá nhân của bị can đã được dùng để tạo tài khoản trên WordPress
3. Tài khoản WordPress của bị can tạo ra các blog
4. Cách thức chia sẻ quyền quản trị blog
5. Các bị can có hành vi đăng tải nội dung.
—
1. Chứng minh email cá nhân thuộc về quyền sử dụng của bị can
Công an cáo buộc Nguyễn Hữu Vinh dùng email dxhdsd@gmail.com để tạo ra blog Chép sử Việt (chepsuviet.wodpress.com) vào ngày 18/01/2014 và email chepsuviet@gmail.com tạo ra blog Dân quyền (diendanxahoidansu.wordpress.com) vào ngày 20/09/2013.
Tuy nhiên, CQĐT không hề có chứng cứ nào chứng minh hai email này thuộc quyền quản lý của ông Nguyễn Hữu Vinh. Theo chính sách bảo mật của Google, công ty cung cấp dịch vụ Gmail, thì Google không cung cấp thông tin tài khoản cho bất cứ ai, trừ khi có trát của tòa án hoặc sự đồng ý của người dùng. Họ sử dụng chứng chỉ SSL, một chứng chỉ bảo mật khi giao tiếp qua Internet, để bảo mật tài khoản người dùng. Vì vậy, ngay cả các công ty cung cấp dịch vụ mạng (cụ thể trong vụ án này là VDC và FPT) cũng không thể biết thông tin tài khoản email người khác.
2. Chứng minh email cá nhân của bị can đã được dùng để tạo tài khoản trên WordPress
Bước tiếp theo, công an phải chứng minh được rằng ông Vinh sử dụng các email cá nhân (dxhdsd@gmail.com và chepsuviet@gmail.com) để tạo ra hai tài khoản trên WordPress. Cũng như Google, công ty Automattic, nơi cung cấp dịch vụ trang WordPress.com, sử dụng chứng chỉ bảo mật SSL và điều khoản bảo mật người dùng mà không ai khác ngoài họ có thể biết được thông tin khách hàng. Họ chỉ cung cấp thông tin khách hàng khi được người sử dụng đồng ý hoặc theo trát của tòa án.
Việc CQĐT sử dụng một văn bản xác nhận từ FPT rằng email điện tử đó thuộc về ông Vinh và email đó tạo ra các blog Dân quyền và Chép sử Việt cùng với các số điện thoại để xác minh, là không đúng. Vì theo chính sách của công ty, Google và WordPress không thể cung cấp thông tin đó cho FPT hay VDC. Giả sử FPT hay VDC sử dụng các biện pháp theo dõi bằng việc bắt và phân tích dữ liệu từ đường truyền, thì biện pháp ấy không đúng thủ tục thu thập bằng chứng cũng như không đảm bảo độ chính xác. Vì vậy, việc sử dụng văn bản của FPT làm chứng cứ kết tội là khó có giá trị.
3. Chứng minh tài khoản WordPress của bị can tạo ra các blog
Về mặt kỹ thuật, một tài khoản trên WordPress có thể tạo ra một hoặc rất nhiều blog khác nhau. CQĐT phải chứng minh được rằng tài khoản WordPress được đăng ký từ hai email dxhdsd@gmail.com và chepsuviet@gmail.com có liên quan trực tiếp đến hai blog Dân quyền và Chép sử Việt.
Nhưng hai tài khoản trên có thực tạo ra hai blog hay chỉ được chia sẻ quyền quản lý?
4. Chứng minh cách thức chia sẻ quyền quản trị blog
Công an cáo buộc ông Vinh chia sẻ quyền quản trị cho bà Thúy bằng cách “cung cấp mật khẩu truy cập, chia sẻ cho Nguyễn Thị Minh Thúy một số quyền quản trị với 2 blog này như: quyền viết bài, quyền chỉnh sửa bài viêt, quyền xóa bài viết, quyền kiểm duyệt ý kiến người đọc,…Mỗi lần truy cập quản lý để thực hiện quyền quản trị, Nguyễn Thị Minh Thúy đều phải được Nguyễn Hữu Vinh cung cấp một mật khẩu được gửi đến số điện thoại của Nguyễn Hữu Vinh”.
Ngoài ra, cơ quan công an cáo buộc ông Vinh sử dụng hai số điện thoại 0916008619 và 0903404554 để xác thực mật khấu cấp 2 cho hai blog. Họ khẳng định rằng chỉ có cá nhân người quản lý hai số điện thoại này mới có thể truy cập quản trị blog. Đây là một khẳng định bộc lộ sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật, bởi thật ra, có rất nhiều phương pháp truy cập quản trị blog:
– đăng nhập bằng email và sử dụng số điện thoại để xác thực mật khẩu cấp 2;
– đăng nhập bằng email và sử dụng mã dự phòng (backup codes) để xác thực mật khẩu cấp 2;
– đăng nhập bằng email và sử dụng một phần mềm cung cấp mật khẩu cấp 2 được cung cấp bởi bên thứ ba để xác thực mật khẩu cấp 2 (ví dụ phần mềm Google Authenticator, được cung cấp bởi Goolge);
– Người quản trị có quyền cao nhất của blog sẽ chia sẻ quyền quản trị với một tài khoản WordPress khác, người được chia sẻ quyền quản trị đăng nhập tài khoản của họ để quản trị blog. Có nhiều loại quyền quản trị, có thể chia sẻ một vài hoặc tất cả mọi quyền quản trị.
– v.v.
Vì vậy, Cơ quan công an khẳng định “chỉ người quản lý số điện thoại trên mới có thể truy cập quản trị” là không chính xác.
Giả sử công an đã chứng minh được ba điều trên (ông Vinh dùng email dxhdsd@gmail.com và chepsuviet@gmail.com, ông tạo tài khoản wordpress từ hai email đó và từ tài khoản wordpress lại tạo ra hai blog Dân quyền và Chép sử Việt), thì việc ông Vinh tạo ra hai blog đó cũng không thể đưa đến khẳng định rằng ông Vinh và bà Thúy là người quản trị, đăng tải nội dung lên hai blog. Vì sau khi hai blog Dân quyền và Chép sử Việt được tạo ra với những cách thức nêu trên, có thể có người khác thực hiện việc đăng tải các bài viết.
5. Chứng minh các bị can đã có hành vi đăng tải
CQĐT buộc tội ông Vinh và bà Thúy đăng tải 24 bài viết lên blog. Tuy nhiên, họ không xác định được thực ra thì ai là người đăng tải, thời gian đăng tải. Liệu có người nào khác có thể dùng quyền quản trị (như phân tích ở 4) được chia sẻ để đăng tải hay không?
* * *
Đó là chưa kể, trong lúc khám xét, CQĐT đã tự tiện sử dụng máy tính của ông Vinh, in ra các bài viết từ trên mạng xuống. Sau đó, sử dụng các bài viết này để kết tội ông Vinh. Việc này vi phạm nghiêm trọng Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử. Như vậy, ngay từ đầu, chứng cứ để bắt khẩn cấp ông Vinh đã không hợp lệ.
Chưa xem xét đối tượng bị hại cũng như tổn thất, thiệt hại
Cơ quan điều tra đã cho giám định 24 bài viết “xâm phạm đền quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”. Tuy nhiên, họ không hề xem xét từng bài viết vi phạm điều gì, gây thiệt hại cho công dân, tổ chức hay Nhà nước nào, mức độ thiệt hại của từng bài viết đối với bị hại?
Việc không xem xét đối tượng bị hại dẫn đến không thể xác minh được tổn thất, thiệt hại do các hành vi của hai bị cáo Vinh và Thúy. Vì không có công dân, tổ chức hay đại diện Nhà nước nào xác nhận mình là bị hại do những bài viết đó, nên không thể nói hành vi đăng tải 24 bài viết là vi phạm pháp luật được.
Chưa chứng minh được sự liên quan của Lê Thị Thanh Loan, Trần Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Lý trong vụ án
Trong bản cáo trạng, công an cũng đưa vào chi tiết Lê Thị Thanh Loan, Trần Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Lý có hành vi thu thập các thông tin trên báo chí, chuyển các bài báo đó thành dạng ảnh… rồi gửi qua email cho ông Vinh và bà Thúy.
Tuy nhiên, bản thân những việc làm trên không hề vi phạm pháp luật. Đặc biệt, công an không hề chứng minh được sự liên quan nào trong việc thu thập các thông tin trên báo chí kia với việc đăng tải 24 bài viết trên hai blog mà họ cáo buộc.
Việc đưa thêm thông tin về ba người kia chỉ thể hiện sự yếu kém của CQĐT, khi không thể có những bằng chứng xác thực nên buộc phải đưa những tình tiết không liên quan với vụ án vào để làm dài thêm bản cáo trạng mà thôi.
Tài liệu tham khảo
Chính sách bảo mật của Automattic
http://wordpress.net.vn/ad/?page_id=577#.VpIJ1vmLTIU
Về chứng chỉ SSL
https://support.google.com/websearch/answer/173733?hl=vi
Tác giả Trịnh Anh Tuấn là một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, tham gia tích cực vào các hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường. |