Sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ – Kỳ 3

Sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ – Kỳ 3

Trâm Huyền (Dịch)

Kỳ trước: Sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ – Kỳ 2

Tổng hợp các kỳ:

Kỳ 1

Kỳ 2

Kỳ 3

Kỳ 4

Kỳ 5

Kỳ 6

Kỳ 7

Phát hiện: Làm cách nào mà một nhánh nhỏ của ngành khoa học chính trị bất ngờ trở thành một trong những nhánh nghiên cứu quan trọng nhất về chính trị Mỹ?

dsads

Quà lưu niệm ủng hộ Donald Trump trong ngày diễn ra buổi bầu cử của Đảng Cộng Hòa tại Iowa. Ảnh: Brendan Hoffman/Getty Images

Các nghiên cứu về khuynh hướng chuyên chế bắt đầu không lâu sau Thế chiến thứ 2. Các nhà khoa học chính trị và tâm lý học tại Mỹ và Châu Âu đã cố gắng tìm ra cách mà các nhóm Phát xít đã lấy được sự ủng hộ lớn từ công chúng giành cho tư tưởng quá khích đầy thù ghét của bọn họ.

Đây là một nhánh nghiên cứu cần thiết, nhưng các nghiên cứu ban đầu không đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của nghiên cứu hiện đại. Một ví dụ là bảng câu hỏi đo lường độ F (F-scale) của lý thuyết gia Theodor Adorno dùng để đo lường khuynh hướng ‘Phát xít’. Công cụ này không chính xác. Người thông minh khi trả lời câu hỏi có thể nhanh chóng tìm ra những câu trả lời được cho là ‘đúng’ và theo đó hoàn toàn làm sai lệch các đo lường của bảng câu hỏi này. Cũng không có bằng chứng cho thấy mẫu tính cách mà bảng câu hỏi F-scale xác định thật sự ủng hộ chủ nghĩa Phát xít.

Hơn thế nữa, có vẻ các nghiên cứu ban đầu này đặt giả định là một nhóm người nhất định về bản chất đã là độc ác hoặc nguy hiểm – một ý tưởng mà Hetherington và Weiler cho là quá đơn giản và sai trái. Cả hai đều tránh đặt giả định này trong nghiên cứu của họ. (Họ cũng nhận rằng việc đặt tên “những người theo khuynh hướng chuyên chế” tự nó cũng không ổn thỏa, nhưng họ không thể tìm ra từ nào nghe xuôi tai hơn.)

Nếu sự trỗi dậy của khuynh hướng chuyên chế Mỹ mạnh tới mức đẩy Trump tiến xa đến thế, nó còn có thể ảnh hưởng đến chính trị Mỹ như thế nào nữa? 

Nhưng vấn đề thật sự với các nhà nghiên cứu là cho dù thật sự có tồn tại một trạng thái tâm lý là trạng thái theo khuynh hướng chuyên chế thì làm cách nào để có thể đo lường được nó? Làm cách nào để phát hiện khuynh hướng chuyên chế vốn có thể được giấu kín? Làm cách nào để có được những câu trả lời trung thực cho các câu hỏi nghiên cứu tâm lý khi bản thân các câu hỏi này có thể nhạy cảm và mang tính chính trị cao?

Hetherington giải thích với tôi, “Có những thứ bạn không thể hỏi người ta trực diện. Bạn không thể hỏi người ta, ‘Anh có thích người da đen không?’ Bạn không thể hỏi người ta có phải kẻ cuồng tín không.”

Trong một khoảng thời gian dài không ai tìm ra giải pháp cho những vấn đề nói trên, và nhánh nghiên cứu này bị ngưng trệ.

Thế rồi vào những năm 90, một nhà khoa học chính trị là Stanley Feldman thay đổi mọi thứ. Feldman, giáo sư của Trường Đại học Stonybrook tại New York, tin rằng khuynh hướng chuyên chế có thể là một yếu tố quan trọng trong chính trị Mỹ theo những cách chẳng dây mơ rễ má gì đến chủ nghĩa Phát xít. Feldman tin rằng có thể đo lường khuynh hướng chuyên chế một cách đáng tin cậy bằng cách cắt đứt các liên kết với một số khuynh hướng chính trị riêng biệt nào đó.

Ông nhận ra rằng nếu khuynh hướng chuyên chế có thể được đo lường như một khuynh hướng tâm lý thay vì là một khuynh hướng chính trị thì có thể dễ dàng khiến người trả lời câu hỏi khảo sát để lộ các khuynh hướng của họ hơn. Feldman làm việc này bằng cách đặt câu hỏi theo hướng các đề tài ít gây tranh cãi hơn. Cuối cùng ông chọn một đề tài có vẻ tầm thường đến buồn cười: mục tiêu giáo dục con trẻ.

Theo đó, Feldman phát triển một công cụ đo lường khuynh hướng chuyên chế được chấp nhận rộng rãi đến bây giờ: bốn câu hỏi đơn giản trông có vẻ là hỏi về việc giáo dục con cái nhưng thực tế được thiết kế để phát hiện xem người trả lời đánh giá cao tới mức nào các giá trị như tôn ti, trật tự và sự phục tùng so với các giá trị khác.

  1. Làm ơn cho biết bạn nghĩ điều gì quan trọng mà một đứa trẻ phải có hơn: sự tự lập hay lòng kính trọng cho người lớn tuổi?
  2. Làm ơn cho biết bạn nghĩ điều gì quan trọng mà một đứa trẻ phải có hơn: sự tuân lệnh hay sự tự chủ?
  3. Làm ơn cho biết bạn nghĩ điều gì quan trọng mà một đứa trẻ phải có hơn: sự quan tâm hay sự ngoan ngoãn?
  4. Làm ơn cho biết bạn nghĩ điều gì quan trọng mà một đứa trẻ phải có hơn: sự tò mò hay sự lịch sự?

Phép thử này của Feldman đã cho thấy một sự đáng tin cậy lớn. Như vậy là bây giờ các nhà nghiên cứu có trong tay một công cụ để xác định những người có tâm lý theo khuynh hướng chuyên chế. Những người như thế thường xem trọng trật tự và sự phục tùng và khao khát việc áp đặt các giá trị này.

Năm 1992, Feldman thuyết phục được Dự án Nghiên cứu Bầu cử Quốc gia (National Election Study) – một dự án lớn nghiên cứu cử tri Mỹ được thực hiện vào mỗi năm có bầu cử – để dự án này sử dụng bốn câu hỏi về khuynh hướng chuyên chế của ông. Từ khi đó, các nhà khoa học chính trị nghiên cứu khuynh hướng chuyên chế đã tập hợp được một lượng lớn dữ liệu về những người thể hiện khuynh hướng chuyên chế và theo đó là chi tiết nhân khẩu học và các khuynh hướng chính sách của họ.

Những gì các nhà khoa học này tìm ra không thể bị phớt lờ – và nó mới chỉ là bước đầu trong việc hình thành nhận thức của chúng ta về giới cử tri Mỹ.

III. Khuynh hướng chuyên chế hoạt động trong thực tế như thế nào?

jg

Một cuộc biểu tình chống tổng thống Obama vào năm 2010. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Trong những năm đầu thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu bắt đầu sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu bầu cử quốc gia để tìm hiểu cách mà khuynh hướng chuyên chế tác động lên chính trị Mỹ. Họ phát hiện ra ba phát kiến giúp giải thích không chỉ ‘cơn sốt’ Donald Trump mà còn cả các nguồn động lực trong chính trị Mỹ hơn nửa thế kỷ qua.

Phát kiến đầu tiên là của Hetherington và Weiler về sự phân cực đảng phái (partisan polarization). Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng Cộng Hòa đã tự làm mới bằng cách quảng bá bản thân họ như là đảng của luật pháp, trật tự và các giá trị truyền thống – một vị trí rất có sức hút với các cử tri theo khuynh hướng chuyên chế vốn quan tâm đến trật tự và truyền thống. Trong vài thập niên sau đó, những người theo khuynh hướng chuyên chế ngày càng ngả theo Đảng Cộng Hòa và sự tập trung số đông của họ dần mang lại ảnh hưởng cho họ theo thời gian.

Phát kiến thứ hai là lý thuyết của Stenner về “sự kích hoạt”. Trong một cuốn sách rất có ảnh hưởng xuất bản năm 2005 là ‘Động Lực Chuyên Chính’ (The Authoritarian Dynamic), Stenner tranh luận là nhiều người theo khuynh hướng chuyên chế theo dạng kín – họ không nhất thiết ủng hộ các lãnh đạo theo khuynh hướng chuyên chế hoặc các chính sách chuyên chế, cho đến khi khuynh hướng chuyên chế bên trong bản thân họ được ‘kích hoạt’.

Lý thuyết về mối đe dọa xã hội giúp giải thích tại sao những người theo khuynh hướng chuyên chế có vẻ không chấp nhận không chỉ một dạng ‘người ngoài’ (outsider) nhất định, hay một biến đổi xã hội nhất định nào, ví dụ như người Hồi giáo hay các cặp đôi đồng tính hay người nhập cư gốc Mỹ La Tinh, mà họ thường không chấp nhận toàn bộ các nhóm ‘người ngoài’ và toàn bộ các biến đổi xã hội.

Sự kích hoạt có thể đến từ việc cảm thấy bị đe dọa bởi các biến đổi xã hội, ví dụ như sự thay đổi các chuẩn mực xã hội và sự đa dạng chủng tộc ngay càng tăng, hay bất kỳ thay đổi nào mà họ tin là sẽ thay đổi sâu sắc trật tự xã hội mà họ muốn bảo vệ. Đáp trả các biến đổi xã hội này, những cá nhân trước nay ôn hòa có thể bỗng quay sang ủng hộ các lãnh đạo và các chính sách mà chúng ta có thể gọi nôm na là theo kiểu Trump (Trump-esque).

Các nhà nghiên cứu khác như Hetherington thì có một cái nhìn tương đối khác. Họ tin rằng những người theo khuynh hướng chuyên chế không hề được “kích hoạt” – họ đã luôn có sẵn những khuynh hướng chuyên chế của mình – nhưng họ chỉ thể hiện các khuynh hướng này khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi các biến đổi xã hội hay một dạng đe dọa nào đó từ những ‘người ngoài’.

Nhưng cả hai luồng tư tưởng nói trên đều đồng ý về nguyên nhân cơ bản của khuynh hướng chuyên chế. Người ta thường không ủng hộ các chính sách quá khích và các lãnh đạo mạnh bạo đơn giản chỉ vì người ta muốn khẳng định khao khát chuyên chế của mình, mà thường là vì việc ủng hộ các chính sách và các lãnh đạo như thế là cách người ta đáp lại khi người ta cảm thấy sự hiện diện của một số mối đe dọa nhất định.

Phát kiến thứ ba là từ Hetherington và Elizabeth Suhay, giáo sư Trường Đại học American. Hetherington và Suhay tìm ra là ngay cả những người không theo khuynh hướng chuyên chế khi cảm thấy thật sự sợ hãi cũng bất đầu cư xử, về mặt chính trị, như những người theo khuynh hướng chuyên chế.

Nhưng Hetherington và Suhay cũng tìm ra một sự phân biệt giữa các mối đe dọa thể xác như chủ nghĩa khủng bố, vốn có thể làm những người không theo khuynh hướng chuyên chế cư xử như những người theo khuynh hướng chuyên chế, và những mối đe dọa xã hội trừu tượng hơn, ví dụ như sự bào mòn các tiêu chuẩn xã hội hay thay đổi nhân khẩu học, vốn không có ảnh hưởng tương tự như các mối đe dọa thể xác. Sự phân biệt đó khá quan trọng, nhưng nó cũng có ý nghĩa là trong những giai đoạn mà nhiều người Mỹ cảm thấy các mối đe dọa thể xác thường trực, số người theo khuynh hướng chuyên chế có vẻ sẽ tăng rất nhanh.

Cùng với nhau, cả ba phát kiến nói trên họp lại thành một lý thuyết đáng sợ: nếu như các biến đổi xã hội và các mối đe dọa thể xác cùng xuất hiện, chúng có thể đánh thức một số lượng có thể là rất lớn những người theo khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ. Những người theo khuynh hướng chuyên chế này theo đó sẽ đòi hỏi những lãnh đạo mạnh bạo và các chính sách quá khích mà họ cho là cần thiết để đáp lại các mối đe dọa đang dâng cao.

Lý thuyết này có vẻ là đã tiên đoán trước sự trỗi dậy của một nhóm cử tri tại Mỹ có vẻ rất giống nhóm cử tri đang ủng hộ Donald Trump vốn có vẻ… từ dưới đất chui lên. Nhóm này đã giúp Donald Trump biến từ một kẻ thất bại mang tính giải trí trong cuộc bầu cử năm 2012 thành ứng cử viên hàng đầu năm 2016.

Không chỉ mang tính tiên tri một cách đáng ngại như thế, lý thuyết này còn chỉ ra một mối lo ngại đã được nhắc đến nhiều về Trump: thứ đáng sợ nhất không phải là bản thân vị ứng cử viên này mà chính là tầm và tâm của những người ủng hộ ông ta.

Lý thuyết này cũng đặt ra câu hỏi: Nếu sự trỗi dậy lần này của khuynh hướng chuyên chế tại Mỹ mạnh tới mức đẩy Trump lên cao đến thế, thì sự trỗi dậy này còn có thể thay đổi chính trị Mỹ như thế nào nữa? Có thể có những ảnh hưởng khác sau khi cuộc bầu cử năm 2016 kết thúc chăng?

Còn tiếp

Nguồn bài viết:  Amanda Taub, The rise of American authoritarianism, ngày 01 tháng 3 năm 2016, Vox

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.