‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC: Luật Khoa Tạp Chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Cà Phê Luật Khoa. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Cà Phê Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển. Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn. |
Oliver Wendell Holmes Jr (1841-1935) là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ suốt ba thập niên từ 1902 đến 1932. Trong cương vị thẩm phán Tối cao pháp viện, Holmes thổi khối kiến thức uyên thâm của mình vào những dòng ý kiến pháp lý sắc sảo, súc tích và đầy sức mạnh, thỉnh thoảng pha chút hài hước ý nhị. Các ý kiến của ông góp phần quan trọng trong việc mở rộng phạm vi quyền tự do ngôn luận tại Mỹ và ảnh hưởng mạnh tới việc sử dụng luật pháp để quản lý kinh tế của nhà nước liên bang. Ông là một trong những người tiên phong đưa tư duy kinh tế vào luật pháp.
Trích đoạn “Con Đường Pháp Luật” (The Path of the Law – 10 Harvard Law Review 457 (1897)):
Học luật là học tổng hợp các tiên đoán, giả định
“Khi chúng ta học luật, chúng ta không phải là đang học một thứ khoa học thần bí nào đó, mà là đang học về một ngành nghề nổi danh với sự thực dụng. Chúng ta đang học những thứ chúng ta cần có để có thể đứng trước các thẩm phán, hoặc đưa ra những tư vấn để giúp thân chủ không bao giờ phải ra tòa. Lý do tại sao luật là một ngành nghề, tại sao người ta trả tiền cho luật sư để cãi cho họ hay tư vấn cho họ, chính là bởi vì trong những xã hội như xã hội chúng ta, các thẩm phán được ủy thác quyền sai khiến sức mạnh công quyền (public force) trong một số trường hợp nhất định.
Toàn bộ sức mạnh nhà nước sẽ được sử dụng, nếu cần thiết, để hiện thực hóa các quyết định và lệnh chung thẩm do các thẩm phán đưa ra. Người ta vì vậy muốn biết trong những hoàn cảnh nào, và tới mức độ nào, thì họ phải đối mặt với rủi ro chống lại một thứ mạnh hơn họ rất nhiều. Trên cơ sở đó, việc tìm ra lúc nào thì mối hiểm nguy đó hiện diện trở thành một nghề chuyên nhiệp. Mục tiêu của việc học của chúng ta vì thế chính là để tiên đoán – tiên đoán được tác động của sức mạnh công quyền thông qua công cụ là tòa án.
Các tư liệu học tập của chúng ta là tập hợp báo cáo án lệ, các tác phẩm nghiên cứu, và luật thành văn, của cả nước ta và của Anh quốc, kéo dài tới sáu trăm năm trở về trước, và đang ngày càng tăng về số lượng, hàng năm tăng tới cả hàng trăm văn bản mới. Nằm rải rác lẫn lộn giữa hằng hà sa số những chiếc lá tiên tri này là những tiên đoán từ quá khứ về những vụ việc nơi ngọn rùi pháp lý sẽ bổ. Người ta đã gọi những thứ đó một cách rất xác đáng là những lời tiên tri của luật.
Có thể nói mọi nỗ lực quan trọng và có ý nghĩa nhất trong tư duy pháp lý đều là nhằm để làm cho những tiên đoán này trở nên chính xác hơn, và nhằm để khái quát hóa những tiên đoán này vào một hệ thống liên kết một cách xuyên suốt.
Đó là một quá trình bắt đầu ngay từ bản tóm tắt vụ việc của một luật sư, nơi người luật sư phải loại bỏ mọi yếu tố cảm tính vốn đầy rẫy trong câu chuyện của thân chủ và chỉ giữ lại những dữ kiện có sức nặng pháp lý, cho tới các phân tích cuối cùng và những phạm vi trừu tượng của lý thuyết khoa học pháp lý. Không phải không có lý do mà một người luật sư không nói ra việc thân chủ của người đó đội chiếc nón màu trắng khi ký kết hợp đồng, trong khi một bà Tám bán bánh nào đấy chắc là chỉ chăm chăm vào chiếc nón đó bên cạnh chiếc cốc mạ bạc và nắm lửa than. Đó là bởi vì người luật sư tiên đoán được rằng sức mạnh công quyền có hiệu lực tương đương bất kể thân chủ của người luật sư đó đội cái gì trên đầu.
Nhằm để làm cho các tiên đoán trở nên dễ nhớ và dễ hiểu hơn, chúng ta áp dụng việc giảng dạy dựa trên các án lệ trong quá khứ: tổng hợp các án lệ này thành các mệnh đề chung và tập hợp chúng vào các sách giáo khoa, hoặc các luật thành văn có nội dung tổng quát. Bản thân các quyền và nghĩa vụ quan trọng được nghiên cứu thường ngày trong khoa học pháp lý không có gì khác hơn chính là những tiên đoán. Một trong những ảnh hưởng xấu của việc nhập nhằng giữa các ý tưởng pháp lý và các ý tưởng đạo lý mà lát nữa tôi sẽ nói thêm về vấn đề này, chính là dẫn đến việc xe kéo phía trước ngựa chạy theo sau ( cầm đèn chạy trước ô tô – ND).
Một ảnh hưởng xấu khác là việc xem các quyền hoặc nghĩa vụ như những thứ tồn tại riêng rẽ và biệt lập với các hậu quả từ việc vi phạm các quyền và nghĩa vụ này, vốn phải được giải quyết bằng một số chế tài nhất định tiếp theo đó. Nhưng, như tôi sẽ chứng minh sau đây, cái gọi là nghĩa vụ pháp lý chẳng gì khác hơn là một tiên đoán rằng nếu một người làm hay không làm một số việc nhất định, anh ta sẽ bị buộc phải chịu sự trừng phạt bằng cách này hay cách khác thông qua một quyết định của tòa án, và một quyền pháp lý cũng giống vậy.
Khi được khái quát hóa và dồn vào một hệ thống, bản thân số lượng các tiên đoán của chúng ta không phải là lớn tới mức không kiểm soát được. Các tiên đoán này họp thành một bộ có số lượng giới hạn bao gồm các nguyên tắc chuẩn mực mà chúng ta có thể học thành thục trong một khoản thời gian hợp lý. Sẽ là rất sai lầm nếu chúng ta lo sợ vì số lượng ngày càng tăng của các báo cáo án lệ. Các báo cáo án lệ của một khu vực tài phán bất kỳ hấp thụ gần như toàn bộ khối luật lệ và trình bày lại khối luật này bằng quan điểm hiện tại. Chúng ta có thể tái tạo khối luật lệ từ những báo cáo án lệ cho dù mọi thứ chúng ta có trước đây đều đã bị đốt sạch. Việc sử dụng các báo cáo án lệ từ trước phần nhiều vì mục đích lịch sử. Tôi sẽ nói thêm về mục đích này trước khi kết bài.
Hãy học về giới hạn của luật pháp
Bây giờ tôi xin phép đưa ra một số nguyên tắc đầu tiên của việc học toàn bộ khối những nguyên tắc chuẩn mực hay là các tiên đoán được hệ thống hóa mà chúng ta gọi là luật pháp. Các nguyên tắc dành cho những ai muốn dùng luật pháp làm công cụ trong công việc làm ăn để giúp họ tiên đoán được đường đi nước bước. Liên quan đến việc học này, tôi cũng muốn chỉ ra một hình mẫu lý tưởng mà luật pháp của chúng ta vẫn chưa đạt tới.
Việc đầu tiên phải làm để có thể hiểu chủ đề chúng ta đang học theo một cách có thực tế nhất chính là phải hiểu những giới hạn của luật pháp. Vì thế tôi nghĩ rằng sẽ có ích nếu có thể chỉ ra và giải tỏa sự nhập nhằng giữa đạo lý và luật pháp, vốn thỉnh thoảng có chỗ đứng cao trong lý thuyết về ý thức, và thật sự là rất thường làm khó chúng ta theo một cách chi tiết mà ta không hề biết.
Bạn có thể thấy rất rõ là một con người dù xấu hay tốt thì cũng không hề muốn đối mặt với sức mạnh công quyền. Vì thế bạn có thể thấy tầm quan trọng thực tế của việc phân biệt giữa đạo lý và luật pháp. Một người cho dù không đoái hoài gì đến các nguyên tắc đạo đức mà những người hàng xóm của anh ta tin tưởng và thực hành thì bản thân anh ta nhiều khả năng vẫn muốn tránh việc phải chịu phạt tiền hoặc tránh việc bị bắt bỏ tù nếu có thể.
Tôi mặc định là không độc giả nào của tôi hiểu nhầm rằng tôi đang viết với một giọng điệu bất cần đạo lý. Luật pháp là chứng nhân cho đạo đức của chúng ta, và là nơi để chúng ta ký gửi cuộc sống đạo đức của chính mình. Lịch sử của luật pháp là lịch sử phát triển đạo đức của loài người. Thực tế của luật pháp, không như hay bị đùa cợt chế giễu, thường làm ra những công dân tốt và những con người lương thiện. Tôi nhấn mạnh sự khác biệt giữa luật pháp và đạo lý là nhằm hướng tới một mục đích: sự học và hiểu luật pháp. Để thực hiện mục đích đó, bạn chắc chắn phải làm chủ được những chi tiết cụ thể, và để làm chủ được những chi tiết cụ thể, tôi khẩn cầu bạn hãy tưởng tượng trong một giây phút thôi là những thứ to tát khác không quan trọng.
Tôi không có ý nói rằng không thể có một cái nhìn rộng hơn mà trong đó sự phân biệt giữa luật pháp và đạo lý trở thành thứ yếu hay không quan trọng, như cách mà mọi phân biệt trong toán học tan biến trước vô cực. Ý tôi muốn nói là sự phân biệt giữa luật pháp và đạo lý là quan trọng nhất cho mục đích của chúng ta ở đây: sự học một cách đúng đắn và sự làm chủ luật pháp như một nghề nghiệp với những giới hạn mà chúng ta hiểu rõ, như một khối các nguyên tắc chuẩn mực được bao bọc bởi những lằn ranh rõ rệt. Tôi đã cho bạn thấy lý do thực tế cho việc đó. Nếu bạn muốn tinh tường luật pháp và chỉ luật pháp thôi, bạn phải nhìn luật pháp dưới cái nhìn của một kẻ xấu, một kẻ chỉ quan tâm đến các kết quả vật chất mà kiến thức về luật cho phép hắn ta tiên đoán. Bạn không thể nhìn vào luật pháp như một người tốt, một người luôn tìm lý do đạo đức cho những hành động của anh ta, dù có hợp pháp hay không, trong những miền nhạt nhòa của lương tri.
Tầm quan trọng lý thuyết của sự phân biệt này không hề nhỏ, nếu bạn muốn tư duy tốt trong ngành này. Trong luật pháp đầy rẫy những cách diễn đạt được rút ra từ đạo lý, và sức mạnh của ngôn ngữ sẽ tiếp tục làm cho chúng ta đi từ luật pháp sang đạo lý và ngược lại một cách vô thức, nếu chúng ta không biết giữ sự phân biệt đó thường trực trong tâm trí ta. Luật pháp nói về quyền, về nghĩa vụ, về ác tâm, về mục đích, về sự sơ suất, vân vân và vân vân. Và không có gì dễ hơn, hay nói cách khác là phổ biến hơn trong tư duy pháp lý bằng việc xem xét các từ ngữ này trên cơ sở ngữ nghĩa mang tính đạo lý của chúng khi chúng ta tranh biện, và theo đó là đi vào lối tư duy sai lầm. Ví dụ, khi chúng ta nói về quyền của một người theo nghĩa đạo lý, chúng ta có ý vạch ra những giới hạn trong việc xâm phạm đến tự do cá nhân, những giới hạn mà ta nghĩ là được lương tri hoạch định, hoặc do những lý tưởng của chúng ta tạo ra bằng cách này hay cách khác. Nhưng chắc chắn rằng đã có nhiều luật được thi hành trong quá khứ, và nhiều khả năng vẫn đang được thi hành thời nay, vốn đã bị lên án dựa trên những quan điểm mang tính khai sáng nhất của thời đại. Những luật này đằng nào cũng vượt qua những giới hạn chống xâm phạm do lương tri vạch ra.
Vì thế, rất hiển nhiên rằng chúng ta sẽ chẳng đạt được gì khác ngoài sự rối rắm tư duy nếu chúng ta giả định rằng các quyền con người theo nghĩa đạo lý là tương đương với quyền con người theo nghĩa của Hiến pháp và luật pháp. Chắc chắn có thể đưa ra một số vụ việc đơn giản và hạn hữu làm ví dụ cho một số luật tưởng tượng mà cơ quan lập pháp không bao giờ dám phê chuẩn, ngay cả trong trường hợp không có Hiến pháp kiểm soát, bởi vì dân chúng sẽ nổi loạn và đấu tranh chống lại sự ban hành những luật đó. Việc này cho thấy rằng mệnh đề này có lý: luật pháp nếu không phải là một phần của đạo lý thì cũng bị giới hạn bởi đạo lý.
Nhưng giới hạn quyền lực này không khớp với bất kỳ hệ thống đạo lý nào. Bởi vì phần nhiều giới hạn đó sẽ nằm bên trong biên giới của những hệ thống đạo lý như thế, hoặc trong một số trường hợp, giới hạn đó sẽ lan rộng hơn các biên giới của hệ thống đạo lý, tùy theo thói quen của một dân tộc nhất định trong một thời điểm nhất định. Tôi từng nghe giáo sư Agassiz nói rằng dân Đức sẽ đứng lên nổi dậy nếu bạn tăng 2 xu trên giá một ly bia. Một đạo luật thành văn trong một trường hợp như thế sẽ chỉ là những từ ngữ trống rỗng, không phải vì những từ ngữ đó sai, mà là vì chúng sẽ không bao giờ được thi hành. Không ai từ chối rằng các đạo luật sai trái có thể và vẫn được thi hành, và chúng ta không thể tất cả đều đồng ý rằng đạo luật nào sai trái, đạo luật nào không.
Sự nhập nhằng mà tôi đang nói ở đây gây ra nhiều vấn đề cho các khái niệm pháp lý. Ví dụ như câu hỏi căn bản: Cái gì làm nên luật pháp? Bạn có thể đọc một số sách vở mà người viết nói rằng luật pháp là thứ gì đó khác những thứ đang được các tòa án ở bang Massachusetts hay Anh Quốc quyết định, rằng là luật pháp là một hệ thống tư duy, rằng là luật pháp là sự suy luận từ các nguyên lý đức hạnh hoặc từ các tiên đề hay cái gỉ gì gi ấy nữa vốn có thể hoàn toàn không ăn khớp với các quyết định án lệ. Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng cái nhìn của anh bạn xấu của chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra rằng anh ta chẳng đoái hoài tí nào tới những tiên đề hay suy luận, nhưng anh ta muốn biết các tòa án tại bang Massachusettes hoặc Anh Quốc nhiều khả năng sẽ quyết định như thế nào trong thực tế. Ý tôi chính là như thế. Các tiên đoán về việc các tòa án sẽ làm gì trong thực tế, chứ không phải bất kỳ thứ màu mè nào khác, mới chính là luật pháp…”
Tài liệu tìm đọc
Toàn văn bài tiểu luận “Con Đường Pháp Luật” (tiếng Anh)
Bộ 12 bài giảng Thông Luật (tiếng Anh):
Tuyển tập các tác phẩm của Oliver Wendell Holmes Jr trên Amazon (tiếng Anh)