FBI v. Apple: Nơi công lý không là độc quyền nhà nước

FBI v. Apple: Nơi công lý không là độc quyền nhà nước

Trần Quyết Thắng

Vụ tranh chấp giữa Cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI và tập đoàn điện tử Apple xung quanh việc mở khoá chiếc điện thoại Iphone 5C của một trong hai hung thủ vụ khủng bố tại San Bernardino, California, ngày 2-12-2015 làm 14 người chết và 20 người bị thương, dù đã kết thúc, nhưng để lại nhiều bài học về công quyền. Mỗi bên của vụ tranh chấp đều nắm giữ những lý lẽ của mình trong phiên điều trần trước Nghị viện Hoa Kỳ và dường như cả cơ quan lập pháp của nước này cũng đã bối rối khi không biết ứng xử thế nào trước sự giằng co của một bên là an ninh quốc gia và một bên là tự do cá nhân – thứ được hợp chúng quốc xây dựng, liên tục bảo vệ và tự hào.

Rule of law, không phải Rule by law

Pháp quyền hay Pháp trị là một thuật ngữ phổ biến trên thế giới hiện nay, được ra đời và hoàn thiện ở các xã hội phương Tây rồi nhanh chóng lan rộng ra phạm vi thế giới bởi những giá trị nhân bản của nó. Ngay ở cả các nước Đông Á – vốn lấy Khổng Giáo làm chuẩn mực cũng đã nhìn nhận Pháp quyền như một điểm đồng quy mong ước. Tuy nhiên, ở những quốc gia này sự diễn giải về Pháp quyền đôi khi còn không đúng với những giá trị của nó và thường đi theo hướng đặt sai vị trí của luật pháp.

Trong tiếng Anh, có hai từ được sử dụng. Thứ nhất là Rule by law được dịch thành Dụng pháp trị. Nghĩa là một hình thức vận động của nhà nước mà trong đó pháp luật là công cụ để quản lý xã hội. Theo nghĩa đó, sẽ tồn tại những người sở hữu, sử dụng và đứng trên công cụ ấy – là nhà nước. Đây không phải là giá trị Pháp quyền mà chúng ta đang bàn. Từ thứ hai là Rule of law được dịch thành Pháp trị. Nghĩa là cách thức tổ chức và vận động của nhà nước trên cơ sở pháp luật. Theo nghĩa đó, pháp luật đóng vai trò tối thượng và không một ai – kể cả người sinh ra nó được đứng trên nó. Pháp trị – Rule of law hiểu theo nghĩa này bao gồm sự được đối xử bình đẳng trước luật pháp và thẩm quyền tài phán phải tuân theo một thủ tục tố tụng đã định trước. Đó cũng là cốt lõi của một nền Pháp quyền mà các quốc gia đang theo đuổi.

Trong vụ tranh chấp pháp lý này, rõ ràng tôn chỉ cao nhất của cả FBI và Apple đều là tinh thần của luật pháp. Cả hai bên dù có sự khác nhau về tính chất quyền lực nắm giữ nhưng đều nằm dưới ánh sáng của pháp luật mà trên hết là Hiến pháp Hoa Kỳ với những Tu chính án đã đi vào lề thói của các mối quan hệ xã hội. Điều này cũng có nghĩa rằng, ở đây, pháp trị đã hiểu đúng nghĩa Rule of law và pháp luật đã được đặt đúng vị trí tối thượng của nó.

Cũng cần nói thêm rằng, qua vụ tranh chấp này, mỗi bên đều đưa ra lý lẽ của mình để chứng minh, ngoài việc tuân theo những tôn chỉ của luật pháp thì vấn đề hợp lý cũng cần được tôn trọng. Hợp lý ở đây là việc phán đoán và chấp nhận những lẽ phải trong từng trường hợp cụ thể mà pháp luật vì một lý do nào đó không thể pháp định chi tiết. Tính hợp lý này vốn thuộc về luật tự nhiên. Vai trò của luật tự nhiên trong hệ thống các quốc gia theo Common law trong đó có Mỹ là hết sức quan trọng. Trong các xã hội này, pháp luật là tối thượng nhưng không phải là duy nhất. Mọi lý lẽ đều được xét đến, công lý chỉ được thực thi khi phù hợp luật tự nhiên và toà án sẽ tìm ra những điều hợp lý.

CbqcWzvWAAEFM0z

Bất kể lý lẽ nào mà Apple đưa ra, điều đáng quan tâm trước tiên là họ được hệ thống tư pháp Hoa Kỳ cho nói lên điều họ nghĩ – để bảo vệ điều mà họ tin tưởng. Nguồn: ảnh.

Ngay cả trong phiên điều trần thứ nhất, người quan sát sẽ thấy được rằng, ngoài những việc mặc nhiên tôn trọng các quy tắc chung nhất mà pháp luật quy định, cả FBI và Apple dường như chỉ dùng những điều hợp lý, bất hợp lý và những nguy cơ để tranh luận nhau và thuyết phục Nghị viện mà không viện dẫn các quy phạm luật pháp rườm rà như ở những quốc gia theo Civil law thường thấy. Diễn biến này tương đối lạ lẫm với những nền luật pháp non trẻ trong đó có Việt Nam. Bởi xu hướng chung thường hiểu pháp trị theo cách Rule by law, trong đó những người nắm quyền lực công dường như đứng cao hơn pháp luật, lấy luật pháp làm công cụ quản lý và các quan toà đơn giản chỉ làm nhiệm vụ đối sánh các quy phạm cụ thể vào diễn biến thực tiễn để đưa ra phán xét một cách cứng nhắc. Và nếu vụ tranh chấp pháp lý này diễn ra ở các xã hội đó, phần thắng gần như tuyệt đối nghiêng về FBI.

Pháp trị là bình đẳng trước pháp luật

Vụ tranh chấp pháp lý này cũng cho thấy tâm thế bình đẳng của hai tổ chức, mặc dù chỉ có một bên nắm giữ quyền lực công. Thông thường, trong các lý thuyết hành chính, quản lý hành chính sử dụng thường xuyên nguyên tắc phục tùng, mệnh lệnh. Trong đó, cưỡng chế là công cụ sắc bén của công quyền.

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, nguyên tắc tuân thủ mệnh lệnh của cơ quan nhà nước trước – tranh chấp hành chính giải quyết sau là một nguyên tắc pháp luật hành chính gần như tuyệt đối. Nếu tồn tại trong môi trường tương tự, FBI chỉ cần dùng đến quyết định hành chính để buộc Apple phải tuân theo với chỉ một lý do duy nhất nhưng đủ mạnh: Bảo đảm an ninh quốc gia.

Như vậy là, theo lẽ mà chúng ta với môi trường pháp lý đã được minh chứng từ lịch sử đến nay cho thấy rằng, cơ quan công quyền luôn ở một thế có lợi hơn, hiểu theo ý “cửa trên” đối với các tổ chức, cá nhân dân sự khác. Tuy nhiên trong vụ tranh chấp này, bóng dáng ấy không xuất hiện. Cả FBI và Apple đều bình đẳng với nhau dưới luật pháp và công lý.

apple-vs-fbi-national-security-justice-or-mass-surveillance

Tại Hoa Kỳ, cuộc chiến giữa Apple và FBI là cuộc chiến cân sức của lý lẽ và tinh thần pháp quyền, không phải là sự áp chế tuyệt đối từ quyền lực công cộng. Ảnh minh họa

Nếu FBI viện vào an ninh quốc gia, thì Apple cũng có một vũ khí sắc bén khác là quyền tự do và bất khả xâm phạm thông tin của khách hàng. Tự do cá nhân là thành quả vô cùng kiêu hãnh của Hợp chúng quốc. Đặc biệt những bê bối về ăn cắp thông tin người dân đã từng xảy ra bởi các cơ quan an ninh, tình báo của nước này đã được Apple khai thác thành công và thể hiện được rõ ràng những cảnh báo về một tiền lệ xấu khi tiến hành mở một Backdoor trên các thiết bị di động của họ. Trong tranh chấp này, FBI với tư cách là cơ quan thực thi luật pháp, phải sử dụng đến những khả năng lý lẽ của mình để đối chọi lại những lập luận vốn được người tiêu dùng ủng hộ của Apple nhằm thuyết phục được toà án và nghị viện đưa ra những kết luận mà họ mong muốn thay vì sử dụng quyền lực công cộng – thứ quyền lực khét tiếng mà nhà nước nào cũng có. Đó là một biểu hiện tốt nhất của sự bình đẳng, thứ không dễ gì thấy được ở nhiều quốc gia.

Pháp trị là trình tự xét xử phải theo thủ tục đã định

Cần nhấn mạnh trước rằng, thủ tục đã định không giống với “quy trình” thứ vốn đang được sử dụng rộng rãi như một lời khẳng định không có sai sót khi thi hành công vụ ở Việt Nam hiện nay.

Đây không phải là lần đầu tiên FBI và Apple tranh chấp pháp lý. Trước đó, ngày 29 tháng 2, thẩm phán James Orenstein tại quận Brooklyn, New York đã bác yêu cầu của FBI buộc Apple phải mở khóa iPhone của một kẻ buôn ma túy với lý do:

“Chính phủ không thể áp đặt lên Apple nghĩa vụ hỗ trợ chính phủ điều tra mà chống lại ý muốn của mình. Sẽ vô lý nếu thừa nhận rằng hành động của cơ quan chính phủ là một trường hợp đặc cách để có thể vi phạm pháp luật”.

Mặc dù tính chất của vụ việc lần này nghiêm trọng hơn vấn đề mua bán ma tuý, tuy nhiên chiến thắng của Apple trước đó đã cho thấy rằng, cơ quan tư pháp Hoa Kỳ đã rất độc lập, có đủ quyền và lương tri để phán quyết một bản án. Và mặc dù, có thể bản án đó được đồng thuận hoặc phản đối, thậm chí sự phản đối còn lớn hơn sự đồng thuận thì xã hội vẫn tuân thủ phán quyết đó và tin vào thẩm phán, tin rằng toà án là nơi sau cùng giải thích pháp luật và tìm thấy được công lý. Niềm tin này xuất phát từ việc toà án đã không nghiêng về phía những cơ quan thuộc các nhánh quyền lực khác khi tranh chấp với các cá nhân, tổ chức dân sự mà mọi bản án đều được tuyên theo đúng thủ tục pháp định.

Thủ tục xét xử tư pháp quốc gia nào cũng có, tuy nhiên ở Hoa Kỳ lại được tuân thủ một cách tuyệt đối. Trong lịch sử tư pháp của nước này, xuất hiện hai khái niệm pháp lý khá khó hiểu Công lý thủ tụcCông lý bản thể. Tuy nhiên, tạm hình dung đơn giản rằng công lý thủ tục là bản án được tuyên trên cơ sở kết quả điều tra khách quan, đúng luật và tôn trọng mọi quyền của người bị tình nghi. Trong khi đó, công lý bản thể là việc chỉ chú trọng đến kết quả cuối cùng của cuộc điều tra mà bỏ qua các thủ tục luật định cũng như bằng các mưu mẹo bất chính thống tác động lên thể xác và tinh thần của nghi phạm. Trong trường hợp này toà án sẽ bác bỏ kết quả, cho dù gần như chắc chắn rằng đó là một kết quả đúng, bởi nó đã không tuân thủ theo những thủ tục định trước và điều này là nguy cơ rõ ràng dẫn đến việc công lý đã không được thực thi.

Có thể thấy rằng, tranh chấp pháp lý của FBI và Apple là một sự kiện lạ lùng đối với cách nhìn của xã hội chúng ta. Rõ ràng có một thứ gì đó khác với thực tế đang diễn ra và cũng khác với những suy nghĩ của nhiều người. Nhưng nó đã diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra với những tính chất tương tự. Bỏ qua những góc nhìn khác, dưới góc độ pháp lý có thể thấy rằng, chính sự kiện này là hiện diện rõ ràng nhất tinh thần pháp luật mà một xã hội dân chủ hướng đến./.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.