Các luật sư nói gì về việc “vi phạm đạo đức báo chí cũng là vi phạm pháp luật”?

Các luật sư nói gì về việc “vi phạm đạo đức báo chí cũng là vi phạm pháp luật”?
Liệu vi phạm đạo đức khi tác nghiệp báo chí có đồng nghĩa với vi phạm pháp luật?

Ngày 24.5, báo Tuổi Trẻ cho hay Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức buổi họp báo góp ý kiến xây dựng đạo đức người làm báo. Tại buổi họp báo này, ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã có một phát biểu cho rằng đạo đức báo chí cần được “luật hóa”. Theo đó, nhà báo nào vi phạm đạo đức báo chí thì cũng là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu vi phạm nghiêm trọng.

Trước thông tin này, Luật Khoa đã trao đổi với hai luật sư từ hai đầu đất nước. Nhận thấy đây là một vấn đề phức tạp liên quan đến những khái niệm khó định tính như “đạo đức” và một khái niệm cần sự rõ ràng về câu chữ như “pháp luật”, chúng tôi xin đăng nguyên văn ý kiến các luật sư dưới đây.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Hãng luật Giải Phóng (TP.HCM): “Vi phạm đạo đức chưa hẳn là vi phạm pháp luật”

Pháp luật và đạo đức là hai phạm trù khác nhau, phạm trù đạo đức rộng hơn pháp luật. Có những hành vi được đánh giá khách quan là vi phạm đạo đức nhưng không vi phạm pháp luật.

Pháp luật được tạo ra bởi Nhà nước theo một thủ tục chẽ, tính bắt buộc, cưỡng chế và kèm theo những chế tài. Đạo đức hình thành từ cuộc sống, từ quá trình nhận thức lâu dài và mang tính tự nguyện thực hiện. Đạo đức cũng là những hệ thống quy tắc sự chung, cũng được áp dụng lặp đi, lặp lại nhiều lần trong đời sống xã hội, nhưng không có hiệu lực bắt buộc chung, không được ban hành bởi nhà nước.

Có những hành vi, theo nhận thức của người này là vi phạm đạo đức, nhưng người khác thì không. Khi đó, tiêu chí để xác định có vi phạm hay không phải dựa vào sự đánh giá khách quan của số đông cộng đồng. Còn với pháp luật thì đã cụ thể bằng các văn bản pháp luật. Những quy chuẩn đạo đức có thể được cụ thể hóa bằng luật, nhưng không phải tất cả. Vì tính chất đặc thù của nghề nghiệp, đòi hỏi có những bộ quy tắc đạo đức, mặc dù đã có luật điều chỉnh riêng cho nghề nghiệp đó. Điều đó nói rằng, luật chưa hẳn là đạo đức, đạo đức chưa hẳn là luật. Và do đó vi phạm đạo đức chưa hẳn là vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Công ty TNHH luật Đại Thành (Hà Nội): “…tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là nghĩa vụ của nhà báo”

Có thể ông Lợi đang nói đến Luật Báo chí năm 2016 (Luật số 103/2016/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 theo quy định tại Điều 25 Quyền và nghĩa vụ của Nhà báo. Xin trích dẫn: Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo

1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.

2. Nhà báo có các quyền sau đây:

a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;

b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;

c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;

đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;

e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.

3. Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;

b) Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;

c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;

d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;

e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 25 của Luật Báo chí 2016 thì tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là nghĩa vụ của nhà báo. Nếu vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp cũng là vi phạm pháp luật.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.