Luật Khoa tròn 10 tuổi 🎉
Hôm nay, 5/11, là ngày kỷ niệm 10 năm thành lập của Luật Khoa. Chúng tôi hân hạnh có
Lời toà soạn: Nhà báo, dịch giả Phạm Đoan Trang, sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa tạp chí, là khách mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam từ 23-25/5 vừa qua. Tuy không tới được cuộc gặp do bị cơ quan an ninh ngăn cản, cô cũng đã tham dự hàng loạt cuộc tiếp xúc tiền trạm với phía Mỹ trong nhiều tháng trước chuyến thăm của ông Obama. Luật Khoa tạp chí xin gửi tới quý độc giả bài tường trình và bình luận của nhà báo Phạm Đoan Trang về các hoạt động này cũng như những diễn biến bên lề khác.
Phạm Đoan Trang
Những thông tin về việc Obama chắc chắn sẽ sang Việt Nam và sẽ gặp một số đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, tôi đã được nghe từ lâu, có lẽ từ sau Tết âm lịch, trái ngược với những tin đồn và phỏng đoán rằng Tổng thống Mỹ sẽ không qua đây. Mặc dù vậy, vốn là người nặng tư tưởng dân tộc (nationalist), tôi không quan tâm nhiều. Điều duy nhất khiến tôi chú ý là cách làm việc của những người Mỹ, nói cụ thể hơn nữa là sự vận hành của chính trường Mỹ, thể hiện qua chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia.
Ngay từ nửa năm trước khi ông Obama thực sự sang Việt Nam, đã có những chuyến đi “tiền trạm” của một số quan chức Mỹ tới đây để tìm hiểu tình hình và thu thập thông tin, dữ liệu, chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Tổng thống. Tôi không biết đây có phải là một hoạt động hiển nhiên trong chính trường của mọi nước, kể cả Việt Nam, hay không – đó là điều mà dân Việt Nam rất khó biết. Những người dân bình thường như chúng ta chẳng bao giờ được biết “lãnh đạo”, “cấp trên”, “cán bộ” làm gì hàng ngày, nói chi đến việc biết được những lề thói ngoại giao của họ. Mà suy cho cùng, các quan đi đâu, thăm ai, để làm gì, sẽ nói chuyện gì… đều chưa bao giờ là chuyện để dân biết, dân hiểu cả – nó vĩ mô lắm, quan trọng lắm, đã có Đảng và Nhà nước lo rồi.
Nhưng thôi, ta cứ cho là lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng có những đội ngũ trợ lý, tham mưu chuyên chuẩn bị cho mỗi chuyến công du, công cán, thì chắc chắn, hoạt động ấy cũng không thể giống như cách mà phía Mỹ làm đối với chính khách. Bởi vì, hệ thống chính trị của Việt Nam xưa nay không hề có sự hiện diện của một yếu tố quan trọng (và là chuyện bình thường trong đời sống chính trị): các cá nhân và tổ chức chuyên về việc vận động chính sách. Trong tiếng Anh, họ được gọi chung là các nhóm lợi ích, nhóm gây áp lực (interest group, pressure group). Đó là những nhóm người hoạt động có tổ chức nhằm đạt được lợi ích của mình hoặc của giới mà mình đại diện, bằng cách gây ảnh hưởng lên chính quyền hoặc tác động vào tiến trình chính sách.
Ít nhất từ vài tháng trước khi Obama sang Việt Nam, đã có những quan chức Mỹ và đại diện của những “nhóm lợi ích” như thế ở Mỹ đi tiền trạm. Họ có các cuộc tiếp xúc bí mật với những người Việt Nam có liên quan, để tìm hiểu thông tin về những vấn đề cụ thể nào đó, ví dụ: nhân quyền, kinh tế, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, v.v. Sau khi có thông tin, họ sẽ tổng hợp lại để gửi về cho Nhà Trắng. Từ đó, Obama và đội ngũ cố vấn, trợ lý của ông ta mới quyết định chương trình nghị sự của chuyến đi sẽ là gì, gồm những hoạt động nào, Tổng thống sẽ nhấn mạnh thông điệp nào, v.v.
Trong số các nhóm vận động sang Việt Nam trước Obama, có cả các tổ chức xã hội dân sự chuyên về vấn đề bảo vệ nhân quyền, và họ đã và đang tìm hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam một cách nghiêm túc, độc lập với chính quyền cả hai nước. Có nghĩa là, công việc của họ là phản ánh tình hình thực tế đến chính khách Mỹ, bất cần biết điều đó có vừa ý lãnh đạo Việt Nam hay Mỹ không.
Nói chung, tôi thấy ngạc nhiên và thú vị: Giả sử lãnh đạo Việt Nam đi thăm Bắc Triều Tiên, Lào, Myanmar hay Cuba chẳng hạn, chúng ta đều hiểu ngay là sẽ chẳng có những nhóm vận động nào tìm hiểu thông tin về tình hình nhân quyền ở các nước đó trước, làm báo cáo gửi về cho lãnh đạo. Mà chúng ta cũng có thể hiểu là quan chức Đảng và Nhà nước sẽ chẳng có phát biểu nào liên quan đến nhân quyền trong những chuyến đi như thế.
Ở đây lại phải nói thêm: Nền chính trị Việt Nam xưa nay không cho phép tồn tại các nhóm vận động để thực hiện công việc này một cách chuyên nghiệp. “Vận động chính sách” hiệu quả ở Việt Nam hầu hết là hối lộ, đút lót, đi cửa sau, đi đêm – nghĩa là hoàn toàn bất hợp pháp và vô đạo đức. Những hoạt động nhằm ảnh hưởng tới chính sách, ví dụ như việc nhóm Vì Một Hà Nội Xanh cử đại diện đến UBND TP. Hà Nội chất vấn, khiếu nại về dự án chặt hạ 6.708 cây xanh, bị chính quyền coi là gây rối và bị xã hội coi là không hiệu quả (và đương nhiên, không được thừa nhận rằng nó chính là một dạng vận động chính sách).
Ở những xã hội dân chủ như Mỹ và Tây Âu, hẳn nhiên là cũng có những nhóm, những tổ chức chính trị người Việt chuyên vận động chính sách cho Việt Nam, nhưng tôi không biết họ có thể duy trì kênh tiếp xúc thường xuyên với tầm nguyên thủ quốc gia hay không. Cho phép tôi nghi ngờ điều đó, cũng như tôi e rằng những nhóm này không hoàn toàn hiểu tình hình Việt Nam hay nắm được tâm lý xã hội, tâm lý người dân Việt Nam hiện nay.
Trở lại với chuyện vận động chính sách của quan chức và các nhóm dân sự Mỹ trước chuyến thăm Việt Nam của Barack Obama. Tôi có gặp một số cá nhân/ tổ chức như vậy, và một lần nữa cảm thấy ấn tượng về cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Các cán bộ tham mưu, cố vấn ở ta vốn quen với công tác “minh họa đường lối, chủ trương” nhằm làm vui lòng lãnh đạo (kiểu như, nếu phải nói cái gì xấu thì cố diễn đạt cho thật nhẹ nhàng, ví dụ “tình hình cơ bản tiến triển tốt, tuy nhiên chỗ này chỗ khác, lúc này lúc khác vẫn còn một số bất cập, gây bức xúc dư luận, khiến lòng dân chưa yên”). “Cán bộ” phía Mỹ thì không thế. Họ ghi nhận thông tin một cách cụ thể, khách quan, cố gắng đạt độ chính xác cao nhất có thể, nhằm giúp lãnh đạo nắm được tình hình sát với thực tế nhất.
Và một điều quan trọng nữa là: Họ không chỉ lấy thông tin từ chính quyền Việt Nam, mà họ còn muốn tìm hiểu cả tiếng nói từ người dân – cụ thể chính là khối xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam. (Họ cũng thừa biết là ở Việt Nam tồn tại cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” do chính quyền lập nên, giật dây và kiểm soát toàn bộ; tiếng Anh gọi là GONGO, nghĩa là government-organized NGO).
Để có được một chương trình nghị sự hợp lý, có được một bài diễn văn và một thông điệp thích hợp gửi tới Việt Nam trong chuyến thăm ba ngày của Tổng thống, hệ thống chính trị nước Mỹ – tức là cái “cơ chế” của Mỹ – đã đòi hỏi cả một bộ máy các trợ lý, cố vấn, nhà phân tích, nhóm vận động… hoạt động và chuẩn bị kỹ càng từ vài tháng trước.
Một tháng trước ngày Obama sang Việt Nam, một quan chức phía Mỹ hỏi tôi: “Theo bạn, nếu Obama có bài diễn văn ở Việt Nam thì ông ấy nên gửi tới người nghe thông điệp gì? Bạn muốn ông ấy nói gì?”.
Tôi đáp: “Tôi nghĩ sẽ tốt nhất nếu Obama nói với người dân Việt Nam rằng nhân quyền và dân chủ là những giá trị phổ quát. Không có cái gì gọi là nhân quyền kiểu Mỹ, kiểu châu Âu, kiểu châu Á, kiểu Việt Nam. Nhân quyền và dân chủ là các giá trị phổ quát cho toàn nhân loại, và người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu Việt Nam đảm bảo nhân quyền và dân chủ”.
– Sao bạn lại nghĩ là Obama nên nói như thế?
– Những điều ấy, nếu do chính Obama nói, thì công chúng Việt Nam sẽ thích thú và lắng nghe, còn nếu là các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền, như tôi chẳng hạn, nói thì sẽ bị chỉ trích. Xin hãy hiểu là chúng tôi sống ở một xã hội chưa từng có trải nghiệm về dân chủ, nên rất khó để giải thích cho người dân hiểu được về những khái niệm căn bản nhất của dân chủ, như nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, tự do ngôn luận v.v. Ông biết không, tôi từng nhận được những lá thư của sinh viên hỏi “tù nhân lương tâm là gì, có phải là những người đi tù do không có lương tâm không”.
(Còn nữa)