Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Minh Anh
Khai Sáng là một trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của nhân loại, đó là thời kì Khai Sáng ở Phương Tây thế kỉ 17, 18. Đây là thời kỳ mà Phương Tây có nhiều chuyển biến quan trọng, như sự ra đời của khoa học hiện đại, của công nghiệp và thương mại, của thể chế dân chủ tự do; và có thể nói rằng, tất cả những nền tảng của đời sống hiện đại mà chúng ta đang sống hiện này, đều được hình thành từ thời kì Khai sáng.
Bìa quyển sách. Sách được tổng hợp, thu thập và biên soạn bởi nhóm Tinh Thần Khai Minh. Bạn đọc có thể ghé thăm trang web của nhóm tại đây.
Quyển sách Khai sáng và các nhà tư tưởng chính trị chính của nó được biên soạn nhằm giúp cho độc giả có một cái nhìn rõ hơn về thời kì này, cũng như hiểu hơn về tư tưởng chính trị của các tác gia lớn, những người có đóng góp quan trọng ở những khía cạnh khác nhau để mang đến cho Phương Tây một nền chính trị hiện đại. Trong quyển này chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu tư tưởng của các tác gia như Hobbes, Locke, Montesquieu, Adam Smith, Rousseau, và Voltaire. Ở đây chúng tôi trình tóm lược tư tưởng chính trị của các tác giả trên, giúp cho độc giả có một cái nhìn tổng quan.
Không có họ, thế giới hiện đại sẽ khác đi rất nhiều. Ảnh minh họa
Hobbes là triết gia đầu tiên trong truyền thống Khế ước xã hội, bên cạnh những người khác như Locke, Rousseau. Ông là người đã định hình nên các khái niệm khung của truyền thống này như trạng thái tự nhiên, trạng thái chiến tranh, xã hội chính trị, quyền tự nhiên, khế ước xã hội. Đóng góp quan trọng của Hobbes là đã sử dụng các phân tích khoa học về hành vi con người, để từ đó đưa ra một cơ sở mới cho quyền lực chính trị, đó là sự đồng thuận của người dân. Dù Hobbes là người hình thành nên truyền thống Khế ước xã hội, song từ các cơ sở phân tích của mình ông ủng hộ cho nền quân chủ chuyên chế mạnh, vì ông thấy rằng một nhà nước yếu là nguồn gốc của mọi bất ổn xã hội.
Tuy nhiên, Locke không đồng ý như vậy, ông cho rằng sự nguy hại của nền quân chủ chuyên chế còn lớn hơn sự nguy hại của tình trạng vô chính phủ. Locke đồng ý rằng chính quyền là cần thiết, song cần phải giới hạn quyền lực của nó, nếu không quyền lực này sẽ trở thành mối đe dọa đối với mỗi người dân, đối với các quyền tự nhiên của họ như quyền sống, quyền tự do, và quyền tư hữu. Chính vì vậy, thay vì ủng hộ cho một nhà nước chuyên chế, Locke đi định nghĩa các ranh giới quyền lực của chính quyền để giới hạn quyền lực của nó, và từ đó đưa ra một khẳng định quan trọng, đó là mục đích của chính quyền là phục vụ người dân, nếu chính quyền không thể hoàn thành mục đích này, hoặc đi ngược lại với quyền lợi của người dân thì người dân có quyền nổi dậy chống lại chính quyền.
John Locke
Lý thuyết chính trị của Locke tập trung vào việc vạch ra các cơ sở, mục đích, và giới hạn quyền lực của chính quyền mà chưa đi sâu vào cơ chế để kiểm soát quyền lực này. Phải đến Montesquieu thì ta mới thấy được điều đó. Trong tác phẩm Tinh thần pháp luật Montesquieu cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ tự do là phải phân chia quyền lực thành ba nhánh: hành pháp, lập pháp, và tư pháp, và mỗi nhánh có quyền kiểm soát hai nhánh kia. Chính cơ chế phân chia, kiểm soát và cân bằng này mới tránh cho quyền lực bị tập trung, và sử dụng tùy tiện, và qua đó bảo vệ tốt hơn các quyền lợi của người dân.
Rousseau bác bỏ mô hình chính trị được xây dựng từ Hobbes, Locke, Montesquieu, ông cho rằng các mô hình này thực chất chỉ phản ánh lợi ích của giai cấp tư sản, củng cố sự bất bình đẳng giữa con người. Ông tìm kiếm một mô hình chính trị mới, trong đó tất cả mọi người có được sự bình đẳng về chính trị, và dù phục tùng quyền lực chính trị, nhưng anh ta vẫn được tự do như trước khi tham gia vào xã hội chính trị, và mô hình này được tóm gọn trong ý niệm nổi tiếng của ông là Ý chí chung. Mô hình chính trị mà Rousseau thực chất mong muốn xây dựng là một nền dân chủ trực tiếp, trong đó mọi người có quyền tham gia và quyết định các vấn đề chính trị của cộng đồng, và ông tin rằng, chỉ như vậy mới đảm bảo sự tự do và bình đẳng thực sự của con người.
Adam Smith
Adam Smith và Voltaire là những người bổ xung thêm vào lý thuyết chính trị của các nhà tư tưởng trên. Adam Smith mở rộng quyền tự do trong lĩnh vực kinh tế, giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, với ý tưởng về Bàn tay vô hình. Ông tin rằng, nếu mọi người được tự do theo đuổi sự tư lợi của mình, thì toàn bộ xã hội sẽ thu được một lợi ích lớn hơn, như thế có một bàn tay vô hình dẫn dắt. Voltaire là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, và tự do tôn giáo, với câu nói nổi tiếng: “Tôi không tán thành điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh”.
Voltaire
Tóm tại, nỗ lực của các nhà tư tưởng trên là mở rộng không gian tự do của con người, và để làm được như vậy, họ cần định nghĩa lại cơ sở, mục đích, tổ chức của chính quyền, hay quyền lực chính trị.
Về cơ sở, thì quyền lực chính trị có nguồn gốc từ sự đồng thuận của người dân chứ không phải từ thẩm quyền thần thánh, hay từ bạo lực. Về mục đích, quyền lực chính trị nhằm mục đích phục vụ, bảo vệ các quyền của người dân chứ không phải là phục vụ cho lợi ích của giới quý tộc, cai trị. Về tổ chức, quyền lực chính trị cần phải bị phân chia và kiểm soát để không thể xảy ra tình trạng chuyên chế, chứ không nằm tất cả trong tay một người, một nhóm với cai trị một cách chuyên chế. Những tư tưởng chính trị của họ có ảnh hưởng lớn đến các cuộc cách mạng xảy ra tại Anh, Pháp, và Mỹ, với sự ra đời của nền dân chủ tự do mà chúng ta thấy ngày nay.
Việt nam chúng ta đến nay có thể thấy rằng vẫn chưa hiện thực hóa được lý tưởng chính trị Khai sáng. Trong nền chính trị của chúng ta, các ý tưởng về con người với các quyền phổ quát, mục đích của chính quyền là bảo vệ các quyền này, và tổ chức nhà nước cần phải đảm bảo sao cho quyền lực không bị làm dụng…vẫn còn khá xa với. Điều này một phần do chúng ta thiếu nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của các ý tưởng trên. Do đó, hi vọng với quyển sách này, thông qua việc tìm hiểu tư tưởng của các tác giả khai sáng, độc giả sẽ có một nhận thức tốt hơn về các ý tưởng trên.