Brexit: Thất bại của nền dân chủ Anh

Brexit: Thất bại của nền dân chủ Anh
Nguồn ảnh: thedailybell.com

Điều thật sự điên rồ trong việc Liên Hiệp Anh trưng cầu dân ý từ bỏ Liên Minh Châu Âu không phải ở chỗ các nhà lãnh đạo Anh dám đề nghị quần chúng của họ cân đong đo đếm các lợi ích của việc làm thành viên EU với các áp lực nhập cư từ việc làm thành viên đó. Điều thật sự điên rồ chính là ở cái mức phiếu thấp đến mức lố bịch cần phải đạt được để quyết định từ bỏ EU: chỉ cần bầu quá bán. Với tỷ lệ người dân đã đi bầu là 70%, điều này có nghĩa là phong trào ủng hộ việc rời EU đã thắng chỉ với sự ủng hộ của 36% số người đủ điều kiện đi bầu.

  • Trâm Huyền. Dịch từ bài Britain’s Democratic Failure của nhà kinh tế học Kenneth Rogoff trên Project Syndicate. Tựa bài và phân dòng của người dịch.

Đó không phải là dân chủ; mà là một trò cò quay Nga dành cho một nền cộng hòa. Một quyết định có hậu quả khôn lường – lớn hơn cả việc thay đổi hiến pháp của một nước (dĩ nhiên Liên Hiệp Anh không có hiến pháp thành văn) – đã được đưa ra mà không hề có các bước kiểm tra và cân bằng thích hợp (checks and balances).

Việc bầu chọn này có cần phải được lập lại sau một năm để cho chắc chắn? Không. Có cần phải có đạt được đồng thuận đa số tại Quốc hội để có thể ủng hộ Brexit? Có vẻ là không. Dân chúng Liên Hiệp Anh có biết rõ là họ đang bầu cho cái gì? Chắc chắn là không. Thật sự, chẳng ai có ý niệm gì về các hậu quả cho cả Liên Hiệp Anh và cho hệ thống thương mại toàn cầu, hay các ảnh hưởng lên sự ổn định chính trị nội địa. Tôi e rằng viễn cảnh không hề tốt đẹp chút nào.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau kết quả Brexit ngày hôm qua 24/06 (Nguồn ảnh: telegraph.co.uk)

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau kết quả Brexit ngày hôm qua 24/06 (Nguồn ảnh: telegraph.co.uk)

Cũng xin nhắc, người dân phương Tây đang có diễm phúc được sống trong thời bình: các thay đổi hoàn cảnh và các ưu tiên xã hội có thể được đáp ứng giải quyết thông qua các tiến trình dân chủ thay vì chiến tranh với ngoại quốc hay nội chiến. Nhưng một tiến trình dân chủ công bằng dành cho việc đưa ra các quyết định có khả năng thay đổi đất nước, theo những cách không sửa chữa được, trông nó chính xác là như thế nào? Có thể chấp nhận được không một quyết định với 52% phiếu cho việc chia cắt trong một thời khắc khó khăn?

So sánh dựa trên tính bền bỉ và sự cương quyết với các lựa chọn, phần đông các xã hội đặt ra những rào cản trong việc ly dị của các cặp vợ chồng to lớn hơn là các rào cản mà chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã đặt ra cho quyết định rời EU. Những người theo phe Brexit không sáng tạo ra trò cò quay Nga này; đã có nhiều tiền lệ bao gồm trưng cầu dân ý tại Scotland năm 2014, và tại Quebec năm 1995. Nhưng, cho tới nay, chưa bao giờ ổ xoay khẩu súng đưa viên đạn vào nòng. Bây giờ thì viên đạn đã vào nòng, và đã đến lúc phải tư duy lại luật chơi.

Cái ý tưởng cho là một quyết định có thể đạt được bất kỳ lúc nào bằng nguyên tắc đa số chỉ có thể được xem một cách cần thiết là “dân chủ” trong một sự xuyên tạc cụm từ này. Các nền dân chủ hiện đại đã hình thành qua thời gian các hệ thống dành cho việc kiểm tra và cân bằng nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số và tránh việc đưa ra các quyết định không được thông tin đầy đủ và tạo ra những hậu quả thê thảm.  Quyết định càng lớn, càng có hệ quả lâu dài thì các rào cản càng phải to lớn.

Đó là lý do tại sao đưa ra, ví dụ, một thay đổi hiến pháp thường cần phải vượt qua những rào cản to lớn hơn các rào cản cho việc thông qua một dự luật chi tiêu. Nhưng hiện nay tiêu chuẩn quốc tế dành cho việc chia cắt quốc gia trông có vẻ là dễ dàng hơn cả việc bầu chọn việc giảm tuổi cho phép uống rượu bia.

Với việc Châu Âu bây giờ phải đối mặt với rủi ro của một loạt các cuộc bầu chọn việc chia tách, một câu hỏi bức thiết là có cách nào tốt hơn để đưa ra các quyết định chia tách này hay không. Tôi đã thăm dò một loạt các nhà khoa học chính trị hàng đầu để xem có một sự đồng thuận mang tính học thuật nào không; tiếc rằng câu trả lời là không.

Đầu tiên, quyết định Brexit có thể trông đơn giản trên các lá phiếu, nhưng sự thật là chả ai biết điều gì sẽ đến sau một lá phiếu rời bỏ EU. Điều chúng ta biết chính là trong thực tế phần đông các nước quy định phải có “siêu đa số” (supermajority) cho các quyết định làm thay đổi đất nước, không chỉ là 51% số phiếu. Không có một con số chung ví dụ như 60%, nhưng nguyên tắc chung là ngay cả ở mức thấp nhất, nhóm đa số phiếu nên cho thấy được rằng nó là một nhóm đa số ổn định.

Một đất nước không nên đưa ra các quyết định mang tính nền tảng, không thể sửa chửa được, dựa trên một nhóm thiểu số cực mỏng vốn có thể có ảnh hưởng lớn trong một giai đoạn đầy cảm tính của đất nước. Ngay cả khi nền kinh tế Liên Hiệp Anh không rơi ngay vào khủng hoảng sau Brexit (việc giảm giá đồng bảng có thể làm giảm tác hại lúc ban đầu), rất có khả năng là các bất ổn kinh tế và chính trị tiếp theo sẽ làm cho một số người đã bầu chọn việc từ bỏ EU phải cảm thấy hối hận.

Từ thời cổ xưa, các nhà triết học đã cố gắng tạo ra các hệ thống nhằm cân bằng các lợi thế của nguyên tắc đa số thắng thiểu số với nhu cầu đảm bảo là các bên nắm rõ tình hình có thể có tiếng nói lớn hơn trong các quyết định tối quan trọng, bên cạnh việc đảm bảo‎ ý kiến các nhóm thiểu số cũng được lắng nghe. Thời Hy Lạp cổ, tại các hội đồng lập pháp của thành Sparta, phiếu bầu được xem xét dựa trên mức độ nhiệt liệt. Người bầu chọn phải điều chỉnh giọng nói của họ để phản ánh mức độ nhiệt thành dành cho các lựa chọn của họ. Một viên chức chủ trì sẽ cẩn thận lắng nghe và tuyên bố kết quả. Đó là một hệ thống không hoàn hảo nhưng có lẽ nó tốt hơn những gì vừa diễn ra ở Liên Hiệp Anh.

Theo một số tài liệu, đô thành kết nghĩa của Sparta là Athens đã ứng dụng một ví dụ thuần khiết nhất trong lịch sử của chế độ dân chủ. Mọi tầng lớp đều có phiếu bầu bình đẳng (dù chỉ toàn nam giới). Nhưng cuối cùng sau một số các quyết định chiến tranh thảm hại, người Athens đã nhận ra nhu cầu phải cho các cơ quan độc lập nhiều quyền lực hơn.

Liên Hiệp Anh lẽ ra đã phải làm gì khi câu hỏi về việc làm thành viên EU được đưa ra (vốn phải nói rằng nó không hề được hỏi)? Chắc chắn là rào cản đã phải cao hơn rất nhiều; ví dụ, quyết định Brexit lẽ ra phải bao gồm, ví dụ, hai lần trưng cầu ý dân cách nhau ít nhất hai năm, tiếp theo sau đó là một đa số 60% phiếu tại Hạ Viện Anh. Nếu Brexit vẫn thắng sau các thử thách đó, ít ra chúng ta có thể biết được rằng quyết định đó không chỉ phản ánh một hình ảnh nhất thời của một nhóm nhỏ trong quần chúng.

Lựa chọn của Liên Hiệp Anh đã đưa Châu Âu vào rối loạn. Bây giờ rất nhiều tùy thuộc vào cách mà thế giới sẽ phản ứng và cách mà chính phủ Liên Hiệp Anh sẽ tái tổ chức bản thân nó. Rất quan trọng là chúng ta phải lưu tâm không chỉ đến kết quả mà còn đến quá trình. Bất kỳ hành động nào thay đổi một sắp đặt đã có từ lâu về biên giới quốc gia đều phải cần có nhiều hơn là một đa số đơn giản trong một lần bầu cử duy nhất. Chuẩn quốc tế cho nguyên tắc đa số hiện nay, như chúng ta vừa thấy, là một công thức cho sự hỗn loạn./.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.