Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường vì cáo buộc lạm dụng tình dục
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Luật Khoa 360: Chile trục xuất cận vệ của Chủ tịch nước
Nam Quỳnh
Không nên hoang phí cơ hội cho thay đổi mà một cuộc khủng hoảng đem lại. Giới Start-Up công nghệ Việt Nam có thể rút ra bài học pháp luật gì?
Quyền lợi giới start-up công nghệ và luật pháp
Ý kiến phản biện ‘khó nuốt’ nhất với nhiều người thuộc giới start-up công nghệ Việt trong số 4 phản biện đã nêu ở bài 1 có lẽ chính là ý kiến 4B:
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 đã được phổ biến để lấy ý kiến người dân từ tháng 07/2015. Bộ luật này sau đó mới được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 với tỷ lệ tán thành 84.01%. Tại sao giới start-up, doanh nghiệp và luật sư quan tâm đến vấn đề start-up tại Việt Nam chỉ đồng loạt lên tiếng tỏ ra quan ngại về một điều luật liên quan đến họ khi chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là luật có hiệu lực? Nhà nước đã tạo điều kiện cho việc phản biện và góp ý từ người dân chứ không hề bất ngờ đơn phương áp đặt nên việc nhiều người giới start-up và luật sư phản đối và phê bình nhà nước bằng những lời lẽ gay gắt, thiếu kiềm chế là rất không công tâm.
Tại sao giới start-up công nghệ Việt có vẻ là chỉ biết đến điều 292 BLHS đầy rủi ro nhờ vào sự phát hiện muộn màng của luật sư Trần Đức Hoàng?
Những người làm start-up công nghệ Việt và các luật sư tâm huyết hoạt động ngay tại Việt Nam như luật sư Hoàng đã ở đâu khi bản dự thảo BLHS 2015 được phổ biến để lấy ý kiến người dân trong giai đoạn từ ngày 15 tháng 07 đến 14 tháng 09 năm ngoái?
Nếu điều 292 được đưa vào dự thảo sau khi đã lấy ý kiến người dân thì chẳng lẽ không có cách nào phát hiện điều này trước khi BLHS 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm ngoái?Các đại biểu quốc hội trong nhóm 84.01% tán thành thông qua BLHS 2015 có ai nghĩ đến việc điều 292 có thể có những ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sáng tạo và kinh doanh của giới start-up công nghệ Việt Nam?
Đây là những câu hỏi gây lúng túng mà những câu trả lời cho chúng không hề giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đặt những câu hỏi này ra giúp chúng ta nhìn ra được vấn đề lớn là khuyết điểm mang tính hệ thống của giới start-up Việt: quyền lợi của họ không hề được đại diện một cách hiệu quả trên bình diện quốc gia, ít nhất là trong vấn đề lập pháp liên quan đến BLHS 2015.
Có tổ chức dân sự nào đại diện cho giới start-up công nghệ Việt?
Tại thời điểm viết bài này, vẫn chưa thấy Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) lên tiếng về các ảnh hưởng tiêu cực có thể có của điều 292 BLHS lên hệ sinh thái start-up Việt Nam, cho dù tại Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2016-2020 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 23 tháng 04 vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo “trong thời gian tới VINASA cần quan tâm phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp”, và Ban chấp hành hiện nay của VINASA có mặt đại diện của nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam lần thứ IV (Nguồn ảnh: VINASA)Hội Tin học Việt Nam (VAIP), vốn có mục tiêu “tập hợp lực lượng để góp phần đẩy mạnh các hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ của đất nước”, cũng chưa thấy có động thái gì để hoặc là lên tiếng yêu cầu chính phủ xem xét lại nội dung điều 292 BLHS, hoặc là thông tin tuyên truyền trấn an giới start-up công nghệ thông tin Việt Nam.
Hiệp Hội Internet Việt Nam (VIA), một “tổ chức xã hội nghề nghiệp, tự nguyện, không vụ lợi; tập hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam cùng hoạt động trong lĩnh vực cung ứng, phát triển dịch vụ Internet và các lĩnh vực khác có liên quan đến Internet trên phạm vi cả nước“, cũng vẫn đang im lặng trong vấn đề điều 292 BLHS.
Cần phải nhìn nhận là cả VINASA và VAIP đều không hề là những cơ quan rụt rè, chưa có kinh nghiệm vận động và góp ý cho chính phủ. Năm 2012, hai cơ quan này đã tổ chức Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ Công Nghệ Thông Tin với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Truyền Thông & Thông Tin (TT&TT) ông Nguyễn Minh Hồng.
Còn VIA trong tháng rồi vừa được Bộ trưởng TT&TT ông Trương Minh Tuấn tuyên dương là “đã làm tốt vai trò là đầu mối góp ý xây dựng chính sách, quá trình soạn thảo quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước“, và “đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng hội viên, hợp tác chia sẻ giữa các doanh nghiệp.”
Phải chăng là việc chính phủ ban hành BLHS mới với một điều khoản nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của giới start-up công nghệ dịch vụ không phải là một điều quá quan trọng trong các nghị trình làm việc hiện nay của VINASA, VAIP, và VIA? Hay là việc ban hành luật đó của chính phủ quá bất ngờ đến mức VINASA, VAIP, VIA và tất cả các V có liên quan khác của Việt Nam trở tay không kịp?
Không chỉ giới hạn tầm nhìn trong sự việc trước mắt, VINASA, VAIP, và VIA đã và đang làm gì để giúp giải quyết vấn đề có quá nhiều các thủ tục, giấy phép lằng nhằng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người làm start-up công nghệ? Đã và đang làm gì để giúp gây sức ép lên các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo họ giải quyết hồ sơ giấy tờ cho các start-up một cánh nhanh chóng và công tâm hơn nhiều trường hợp đã có trong thực tế hiện nay?
Nếu VINASA, VAIP, và VIA không bảo vệ được một cách tốt nhất quyền lợi cho giới start-up công nghệ Việt Nam trong trường hợp điều 292 nói riêng và trong tổng thể các vấn đề quản lý hành chính nói chung thì bắt buộc phải hỏi cơ quan dân sự nào có khả năng làm điều đó.
Lobby chính sách và luật pháp nhìn từ Mỹ
Nếu có thể làm một so sánh nhỏ, có thể nhìn sang Mỹ, nơi mà hệ thống chính trị có truyền thống lobby (vận động hành lang) mạnh mẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đủ mọi thành phần thể loại có thể công khai đầu tư tiền nong thuê các nhà lobby chuyên nghiệp tác động bằng nhiều cách lên các cơ quan chức năng, lên giới thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ hai viện lập pháp của Mỹ để họ đưa ra những chính sách và luật lệ có lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Cần tránh nhìn nhận công việc lobby kiểu Mỹ theo các lối nhìn hay có ở Việt Nam đó là lobby kiểu ấy thực ra cũng chẳng có gì ngoài ‘đi cửa sau’, ‘đút lót’, hay ‘ăn nhậu để tạo bầy đàn cánh hẩu’. Công tác lobby tại Mỹ được quản lý bởi nhiều quy định luật pháp về công khai minh bạch, và bản thân các chính trị gia Mỹ cũng khó mà thoát khỏi các giám sát từ hệ thống công quyền và từ công chúng Mỹ.
Thế nên công tác lobby tại Mỹ không hề chỉ bao gồm những hoạt động cửa sau mờ ám (vốn không phải là không có), mà còn có cả các hoạt động vận động công khai, bao gồm gửi thư từ, công văn, và gặp mặt để thảo luận các vấn đề chính sách, luật pháp với các cơ quan chức năng và các nhà làm luật để thuyết phục các bên này nhìn ra những điểm chính sách và luật pháp quá bất lợi hay quá vô lý cho một nhóm người, hay một nhóm doanh nghiệp nào đó.
Khi công tác lobby đã được đẩy đến mức chuyên nghiệp, những người làm công tác lobby có thể có nhiều phương án gây sức ép khác nhau: cấp thấp tốn công sức hơn thì có liên tục viết thư, gọi điện, tổ chức sự kiện quảng bá để kêu gọi ủng hộ từ xã hội; cấp cao hơn, ‘Trương Nghệ Mưu’ hơn thì có việc xây dựng và tận dụng các mối quan hệ với giới báo chí, truyền thông hay các lực lượng cử tri có sức nặng để tạo sức ép lên nhà làm luật; cấp cao hơn nữa thì có thể có việc tìm kiếm và tận dụng cơ hội gặp mặt các quan chức cấp cao nhất trong các sự kiện công cộng hay tư nhân để khéo léo chuyện trò, thuyết phục họ ngả theo quan điểm của bên làm lobby. Và không chỉ có vậy.
Đó chính là lý do tại sao nước Mỹ có nền công nghiệp lobby với những công ty làm lobby chuyên nghiệp, hoặc làm lobby như một phần song song với các dịch vụ quan hệ công chúng (public relations).
Việc sử dụng các công ty lobby này khá đắt đỏ, thế nên các doanh nghiệp công nghệ sử dụng công ty lobby thường là các doanh nghiệp công nghệ lớn. Năm ngoái, Facebook đầu tư 9,8 triệu USD vào công tác lobby, sử dụng 5 công ty dịch vụ lobby khác nhau. Riêng trong quý đầu tiên của năm nay, Google đã chi trả 3,8 triệu USD cho các hoạt động lobby. Những đầu tư này cho thấy sự quan trọng của việc chủ động vận động chính sách và pháp luật trong tầm nhìn chiến lược của hai ông khổng lồ công nghệ Mỹ.
Đầu tư cho lobbying của các ông lớn công nghệ Mỹ năm 2013 (Nguồn ảnh: cdn.geekwire.com)Với các start-up công nghệ Mỹ chưa có điều kiện kinh tài như Facebook và Google, họ hoàn toàn có thể đưa tiếng nói của mình đến với các cơ quan chính phủ và các nhà làm luật Mỹ thông qua các nhóm cá nhân hay tổ chức phi lợi nhuận chuyên về việc vận động chính sách vốn hay còn được gọi chung là các nhóm gây áp lực (pressure group), hay các tổ chức vận động (advocacy group).
Những nhóm và tổ chức này cũng có thể thực hiện một số hoạt động lobby như các công ty lobby chuyên nghiệp, tuy nhiên nguồn tài chính của họ chủ yếu là nhờ quyên góp từ cộng đồng, nên hoạt động lobby tuy có thể không hoành tráng bằng các công ty lobby chuyên nghiệp, nhưng không phải là không có sức mạnh, đặc biệt trong thời buổi thông tin kỹ thuật số với các trang mạng xã hội có tính năng lan tỏa rộng.
Giới start-up công nghệ Mỹ có thể trông cậy vào một advocacy group năng động nổi bật là Engine có trụ sở tại San Francisco. Tổ chức này chuyên làm các công tác nghiên cứu, tham vấn, và phản biện chính sách và pháp luật liên quan đến sự phát triển của các start-up công nghệ.
Logo của Engine (Nguồn ảnh: eventbrite.com)Năm 2012, Engine đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động ngăn cản việc thông qua hai dự luật gây tranh cãi lớn là SOPA (Stop Online Piracy Act) và PIPA (PROTECT IP Act). Hai dự luật này cũng được soạn thảo với các mục đích chính đáng: phòng chống việc vi phạm bản quyền tác giả trên mạng, bổ sung thêm cho chính phủ Mỹ khả năng kiểm soát truy cập vào các website chuyên phát tán các sản phẩm trí tuệ vi phạm bản quyền hoặc hàng giả.
Tuy nhiên, các quyền năng mới mà hai dự luật này định ban cho các cơ quan chức năng Hoa Kỳ và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (Internet Service Providers) đã làm dấy lên lo ngại vì các quyền năng này được cho là có thể được sử dụng cho việc giới hạn tự do ngôn luận quá đáng và cạnh tranh không lành mạnh vốn có thể ảnh hưởng xấu đến tất cả các start-up công nghệ.
Nhờ vào nỗ lực vận động, phản biện và phản đối của Engine cùng hàng loạt các tên tuổi lớn của làng công nghệ Mỹ mà hai dự luật SOPA và PIPA đều hứng chịu phê bình nặng nề và cuối cùng chết yểu tại Hạ viện Mỹ.
Vận động chính sách và Vận động lập pháp
Trở lại Việt Nam, thực tế là chúng ta không có một sự công nhận công khai và một sự thực hành chuyên nghiệp công tác lobby chính sách và pháp luật. Việc ‘vận động hành lang’ tại Việt Nam có chứ không phải không, nhưng nó diễn ra một cách nhỏ lẻ, không được minh bạch, và không được nhiều người biết đến. Một số nỗ lực lobby công khai đã và đang có thì có vẻ là chỉ nhắm vào giới chính khách trong chính phủ.
Chính sự quan tâm tới giới start-up Việt Nam của một ông phó thủ tướng đại diện cho chính phủ, thể hiện qua lời nói đã nhắc đến ở trên của ông ta tại Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam lần thứ IV, là rất đáng quý và có thể công nhận sự quan tâm đó có được một phần là do công sức ‘vận động hành lang’ của một số người làm start-up tâm huyết có tên tuổi tại Việt Nam.
Nhưng có lẽ đã đến lúc nhìn nhận là việc tập trung vận động chính sách bằng cách duy trì tiếp cận và giao lưu với các chính khách trong chính phủ Việt Nam thông qua những nỗ lực nhỏ lẻ của một vài nhóm hay một vài cá nhân nhất định cả trong và bên ngoài hệ thống công quyền là không đủ để bảo vệ và nâng cao quyền lợi cho giới start-up công nghệ Việt.
Việc vận động chính sách không thể không đi kèm việc vận động lập pháp, và cả hai việc này tốt nhất nên được thực hiện bài bản. Giới start-up công nghệ Việt Nam phải tìm ra các phương án để nắm bắt rõ nội dung luật pháp ngay từ khâu soạn thảo, và để tiếp cận một cách bài bản và kịp thời các nhà làm luật của chính phủ và quốc hội hòng chủ động tham gia góp ý trong quá trình làm luật của nhà nước bằng cách đóng góp các nghiên cứu, tham vấn, và phản biện từ quan điểm của chính giới start-up công nghệ.
Chính những nghiên cứu, tham vấn và phản biện ‘sát sườn’ này sẽ giúp ngăn chặn những điều luật mù mờ gây hoang mang, có khả năng làm lụn bại nền start-up Việt về lâu dài. Vả lại, bản chất đổi mới không ngừng của công nghệ thông tin luôn làm khó các nhà làm luật và hoạch định chính sách, việc chủ động đóng góp nghiên cứu, tham vấn và phản biện của giới start-up công nghệ sẽ giúp công tác soạn thảo luật lệ, điều chỉnh chính sách của nhà nước có đầy đủ thông tin và thực tế với tình hình thị trường hơn.
Trong trường hợp xấu nhất là các đóng góp, phản biện của giới start-up công nghệ, vì một lý do nào đó, không được chấp nhận, hay bị lặng lẽ quét xuống dưới thảm sàn nhà, thì bản thân giới start-up công nghệ cũng đã ở trong thế chủ động sẵn sàng, biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn từ những điều luật mù mờ sắp được ban hành. Tận nhân lực, tri thiên mệnh.
Một “Động Cơ” Việt Nam?
Có lẽ đã đến lúc phải có một tổ chức như Engine của Mỹ tại Việt Nam, một tổ chức dân sự phi lợi nhuận hoạt động dựa trên quyên góp từ cộng đồng và doanh nghiệp, một tổ chức sẵn sàng giành thời gian công sức tập trung rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách và luật lệ do nhà nước soạn thảo, đồng thời có thể tuyên truyền thông tin đầy đủ cho giới start-up công nghệ, và vận động, gây sức ép lên chính các cơ quan chức năng và các đại biểu quốc hội đang nắm những lá phiếu quyết định.
Ngay cả khi VINASA, VAIP hay VIA có thể làm tốt hơn những công tác nói trên, thì sự hiện diện của một tổ chức dân sự thật sự hoàn toàn độc lập với chính phủ và chuyên tâm cho công việc vận động chính sách và vận động lập pháp cũng là một điều hữu ích cho hệ sinh thái start-up Việt.
Số đông những người làm start-up công nghệ trẻ của Việt Nam không thể mãi cố gắng tách chính trị, luật pháp (những thứ nhiều người trong số họ hay cho là quá đao to, búa lớn) khỏi công việc sáng tạo và làm ăn hằng ngày của họ.
Trong một đất nước mà chính phủ và các nhà làm luật vẫn còn sẵn sàng “hình sự hóa” không chỉ nhiều công việc kinh doanh mà còn nhiều hình thức hoạt động dân quyền khác, người dân không thể mãi trốn tránh việc “chính trị hóa” những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến bát cơm của họ.
Ẩn trong ‘rừng luật’ Việt Nam còn có bao nhiêu bất ngờ cho những người làm start-up công nghệ? Có sức ép nào có thể khiến cho luật pháp Việt Nam trở nên ít giấy phép lằng nhằng hơn, các cơ quan chức năng Việt Nam trở nên ít quan liêu, tham nhũng hơn? Những người làm start-up công nghệ không thể chỉ loanh quanh ngồi chờ tới lúc có một vài status giật gân của một số ít những người có chuyên môn và chịu ngồi nghiên cứu luật rồi mới chịu lên tiếng tranh cãi hay phàn nàn.
Những người làm start-up công nghệ cũng có thể có lựa chọn ích kỷ là mở doanh nghiệp và kinh doanh ở nước ngoài. Nhưng trước khi họ bắt đầu tốn tiền tư vấn hồ sơ cho phương án đó, có lẽ họ cũng nên nhận ra rằng họ không chỉ đơn thuần là những người làm start-up tại Việt Nam, mà còn là những công dân Việt Nam có những dân quyền cơ bản mà họ có thể dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân mình một cách ôn hòa, một trong những quyền đó chính là quyền tự do lập hội. -/-
Một câu trả lời cho một phần các vấn đề của start-up công nghệ Việt Nam? (Nguồn ảnh: http://rightsinfo.org)*Cập nhật 1: Ngày 20/06, theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) cho biết VINASA “sẽ kiến nghị lên Chính phủ về việc không nên đưa ra những quy định có thể tạo ra sự “kìm hãm” ngay từ đầu đối với các dự án khởi nghiệp, những công ty còn non trẻ“.
*Cập nhật 2: Một nhóm những người làm start-up công nghệ tại Việt Nam đang vận động ký kiến nghị gửi các quan chức và cơ quan nhà nước yêu cầu hủy bỏ điều 292.