7 điều có thể bạn chưa biết về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Tòa nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ở Washington DC. Ảnh: Bloomberg.
Tòa nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ở Washington DC. Ảnh: Bloomberg.

Kể từ khi ra đời ngày 24/9/1789 dựa trên Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện đã ban hành nhiều quyết định định hình nên lịch sử nước Mỹ, từ các quyền dân sự, những vấn đề về bầu cử đến quyền hạn của doanh nghiệp và chính phủ.

Được biết đến là cơ quan xét xử cao nhất, Tối cao Pháp viện có thẩm quyền chính thức trong việc giải thích các vấn đề liên quan hiến pháp và luật pháp liên bang để duy trì hoặc đảo ngược quyết định của tòa án cấp dưới.

Đến nay, đã có hơn 112 vị thẩm phán (trong đó có 17 chánh thẩm) trong lịch sử Tối cao Pháp viện: 108 nam và 4 phụ nữ. Dưới đây là một số sự thật thú vị về nhân sự và cơ chế hoạt động của tòa án cao nhất quốc gia này.

1. “Không nhà cửa” trong suốt 145 năm

Phiên tòa đầu tiên được triệu tập vào tháng Hai năm 1790 tại thành phố New York, sau đó là tại thủ đô. Từ năm 1791-1800, Tòa nhóm họp tại Philadelphia, nơi được xem như là thủ đô trong quá trình Washington DC  được xây dựng.

Đến tháng Hai năm 1801, Tòa bắt đầu nhóm họp ở Washington, tại nhiều địa điểm khác nhau trong Tòa nhà Capitol (tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ) suốt hơn một thế kỷ. Thậm chí sau khi người Anh đốt điện Capitol vào năm 1814, Tòa đã từng nhóm họp tạm thời tại nhà riêng.

Năm 1929, trước sự thúc giục của Chánh án William Taft, Quốc hội Mỹ đã thông qua số tiền 9,74 triệu USD để xây dựng một tòa nhà làm trụ sở riêng cho Tối cao Pháp viện.

Các cấu trúc bằng đá cẩm thạch được sử dụng từ năm 1935 do kiến trúc sư Cass Gilbert Sr. thiết kế, ông cũng là cha đẻ của các công trình nổi tiếng trong đó có Woolworth Building New York City (tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới trong thời gian 1913-1930), cùng với một số tòa nhà khác của chính phủ và tư nhân.

Ngày nay, tòa nhà của Tối cao Pháp viện có lực lượng cảnh sát riêng cũng như một phòng tập thể dục trên tầng thượng, với một sân bóng rổ được mệnh danh là “sân bóng cao nhất ở đất nước” (nguyên văn là “the highest court in the land”, court vừa có nghĩa là sân bóng, vừa có nghĩa là tòa án, nên có thể hiểu câu trên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: sân bóng cao nhất- tòa án cấp cao nhất –ND) . Tuy nhiên, ném vòng và nâng tạ bị cấm trong khi diễn ra các phiên xét xử.

2. Không phải lúc nào cũng có 9 vị thẩm phán

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện hiện nay. Ngồi, từ trái sang phải: Các thẩm phán Ruth Bader Ginsburg và Anthony M. Kennedy, Chánh án John G. Roberts, Jr., và các thẩm phán, Clarence Thomas and Stephen G. Breyer. Đứng, từ trái sang phải, các thẩm phán Eleana Kagan, Samuel A. Alito, Sonia Sotomayor, và thẩm phán mới nhất, Neil M. Gorsuch. Ảnh: Franz Jantzen, Supreme Court Curator’s Office.

Hiến pháp Hoa kỳ thiết lập nên cơ chế Tối cao Pháp viện nhưng quyền quyết định số lượng thẩm phán được trao cho Quốc hội.

Đạo luật Tư pháp 1789 đã quy định 6 người: một chánh án và 5 thẩm phán. Năm 1807, Quốc hội nâng con số này lên 7, năm 1837 số thẩm phán tăng lên 9 người và đến năm 1863, con số này đạt mốc 10 người.

Năm 1866, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Giới hạn Tư pháp (Judicial Circuits Act), hạn chế số lượng thẩm phán còn 7 người và ngăn không cho Tổng thống Andrew Johnson bổ nhiệm thêm bất kỳ người mới nào vào Pháp viện.

Ba năm sau đó, Quốc hội lại tăng con số thẩm phán lên 9 người và cũng là con số cố định cho đến ngày nay.

Năm 1937, trong nỗ lực thúc đẩy một tòa án thân thiện hơn với chương trình Kinh tế mới (New Deal) của mình, Tổng thống Franklin Roosevelt đã cố gắng thuyết phục Quốc hội thông qua quy định cho phép ông đưa thêm thẩm phán mới vào Pháp viện với con số tổng cộng trên 15 thành viên. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị Quốc hội bác bỏ.

3. Ai cũng có thể trở thành thẩm phán của Tối cao Pháp viện

Hiến pháp Hoa Kỳ nêu ra những yêu cầu về độ tuổi, quốc tịch và nơi cư trú dành cho những ai muốn trở thành tổng thống Mỹ, nghị sĩ Quốc hội nhưng không hề có quy tắc nào hạn định việc gia nhập vào tòa án tối cao của đất nước.

Cho đến nay, đã có 6 thẩm phán là người gốc nước ngoài; gần đây nhất là ngài Felix Frankfurter, một người Vienna chính cống làm việc tại tòa từ năm 1939 đến năm 1962. Thẩm phán trẻ nhất từng được bổ nhiệm là ông Joseph Story, trở thành thẩm phán năm 1811 khi mới 32 tuổi. Thẩm phán Oliver Wendell Holmes Jr, được bổ nhiệm từ năm 1902 và cho đến năm 1932 mới nghỉ hưu ở tuổi 90, trở thành người cao tuổi nhất từng ngồi ghế quan tòa ở Tối cao Pháp viện.

Một điểm chung của tất cả các thẩm phán là họ đã từng là luật sư trước khi bước chân vào pháp viện. Trong suốt thế kỷ 18 và 19, trước khi việc theo học trường luật trở thành thông lệ chuẩn, nhiều thẩm phán tương lai được đào tạo pháp lý khi theo học một giáo viên cố vấn.

Ngài James Byrnes, người từng làm việc tại pháp viện từ năm 1941 đến năm 1942, là thẩm phán cuối cùng không trải qua đào tạo ở trường luật (ông thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học và đã làm thư ký tòa án trước khi vượt qua kỳ thi luật sư).

Harvard là trường đã cho ra lò nhiều thành viên TCPV hơn bất kỳ trường luật nào khác. Tính đến nay, 20 thẩm phán đã theo học hoặc tốt nghiệp học viện đáng kính, được thành lập từ năm 1817 và vẫn đang là trường luật lâu đời nhất nước Mỹ này.

4. Nhiệm kỳ suốt đời nhưng vẫn có thể bị luận tội

Ngài William O. Douglas đã tại vị 36 năm 7 tháng, từ tháng 4/1939 đến tháng 11/1975, là vị thẩm phán giữ chức lâu nhất trong lịch sử pháp viện. Người kế nghiệm ông, John Paul Stevens đã phục vụ tại tòa từ tháng 12/1975 đến tháng 7/2010, trở thành thẩm phán có thâm niên cao thứ 3. (Ngài Steven Johnson Field phục vụ từ năm 1863 đến 1897 giữ vị trí số 2).

Dù họ được bổ nhiệm suốt đời, hơn 50 vị vẫn lựa chọn nghỉ hưu hay từ chức; con số này bao gồm những cái tên như John Jay, Oliver Wendell Holmes, Jr., Charles Evan Hughes, Earl Warren, Thurgood Marshall, và gần đây là William Rehnquist và Sandra Day O’Connor.

Chỉ duy nhất một thẩm phán đã từng bị buộc tội, đó là ông Samuel Chase vào năm 1804. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu luận tội ông Chase – một hình tượng chính trực trong Tối Cao Pháp Viện – bị cáo buộc đã hành xử thiên vị chính phủ trong nhiều vụ án. Tuy nhiên, Thượng viện đã tuyên ông trắng án vào năm 1805 và ông tiếp tục làm thẩm phán cho đến khi qua đời vào năm 1811, kết thúc sự nghiệp quan tòa 15 năm của mình.

5. Từng là tổng thống, vẫn có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán

William Howard Taft là vị tổng thống thứ 27 của nước Mỹ, nhiệm kỳ 1909-1913. Trong thời gian đó ông đã bổ nhiệm năm vị thẩm phán và một chánh thẩm. Taft vốn tốt nghiệp Đại học Yale và trường luật Cincinnati, là một thẩm phán của Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ trước khi trở thành tổng thống.

Sau khi không thể tái đắc cử ở nhiệm kỳ tiếp theo, ông đã về dạy luật ở Yale và đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ, cũng như tham gia nhiều hoạt động khác. Năm 1921, sau khi Chánh thẩm Edward Douglass White, người đã được Taft bổ nhiệm khi còn đương chức tổng thống qua đời, đương kim tổng thống Warren Harding đã đề cử Taft thay thế White.

William_Howard_Taft_as_Chief_Justice_SCOTUS
Ông William Howard Taft. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Là vị chánh thẩm thứ 10 của Tối cao Pháp viện, Taft đã vận động thành công việc thông qua Đạo luật Tư pháp 1925, cho phép các thẩm phán lựa chọn vụ việc họ muốn xử (ngày nay, tòa tuân theo thể thức 4 lựa chọn, theo đó phải có ít nhất 4 thẩm phán bỏ phiếu lựa chọn nhận đơn yêu cầu xem xét lại vụ việc trước khi vụ việc đó được đưa ra xét xử). Taft đã làm chánh thẩm cho đến tháng Hai năm 1930 khi ông phải từ chức do sức khỏe kém; ông mất sau đó một tháng.

6. Tổng thống bổ nhiệm, Thượng viện thông qua

Tổng thống Hoa Kỳ là người duy nhất có quyền hạn bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp viện bất cứ khi nào tòa mở cửa nhận thêm thành viên và mỗi đề cử đều phải được Thượng viện Mỹ thông qua.

George Washington đã có 11 lần bổ nhiệm vị trí này, Franklin Roosevelt về thứ hai với 9 lần bổ nhiệm. Chỉ có ba vị tổng thống ngoài Andrew Johnson không tham gia bổ nhiệm là William Henry Harrison, Zachary Taylor và Jimmy Carter.

Đến nay, các tổng thống đã có tổng cộng 160 lượt đề cử, bao gồm cả vị trí chánh thẩm. Trong số đó, 124 đề cử đã được thông qua và 7 người xin rút.

Tổng thống thứ 10 của nước Mỹ, John Tyler, người nhậm chức sau cái chết của William Henry Harrison, trong nhiệm kỳ của mình đã 9 lần đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện, nhưng chỉ có một người được Thượng viện thông qua.

7. Không phải vụ nào cũng được Tối cao Pháp viện xem xét

Các thẩm phán thường chỉ nhận những vụ việc liên quan đến các nguyên tắc pháp lý quan trọng hoặc những vụ mà tòa cấp dưới không đồng ý với nhau khi diễn giải luật pháp liên bang.

Đa số các vụ là những kháng cáo từ các vụ án của tòa án thấp hơn của liên bang và tiểu bang; tuy nhiên, Tối cao Pháp viện có quyền xét xử sơ thẩm trong một số trường hợp, như các vụ liên quan đến các đại sứ hoặc tranh chấp giữa hai hay nhiều bang.

Do các thẩm phán xét xử chủ yếu các vụ kháng cáo, nên các nhân chứng hoặc bằng chứng không thường thấy ở tòa. Thay vào đó, các luật sư nộp bản luận cứ (tóm tắt) trước và các thẩm phán thường sẽ nghe các phiên tranh tụng, mỗi bên có 30 phút để trình bày và trong khoảng thời gian đó, thẩm phán có thể đặt câu hỏi.

Phòng xét xử được mở cửa cho công chúng trong các phiên tranh tụng, nhưng không cho phép quay phim hoặc chụp ảnh (từ năm 1955, tòa đã ghi âm lại các phiên tranh tụng và công bố sau khi buổi tranh tụng kết thúc). Các thẩm phán sẽ họp kín để thảo luận và bỏ phiếu cho mỗi vụ việc. Nhiều trường hợp sau khi bỏ phiếu, quyết định của tòa cấp dưới vẫn được giữ nguyên.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.