Thư cuối tuần - 02/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thế giới đang thịnh vượng, và sẽ ngày một thịnh vượng hơn nữa.
Một điều hiển nhiên là không phải ai cũng giàu có. Khoảng 1 tỷ người trên hành tinh này đang vật lộn với mức thu nhập cỡ 3 USD/ngày hoặc ít hơn, nhưng chỉ mới đây vào những năm 1800, gần như ai cũng như vậy cả.
Kỷ Đại thịnh vượng bắt đầu từ thế kỷ 17 ở Hà Lan, và từ thế kỷ 18 bắt đầu lan sang Anh quốc, Scotland, rồi đến các thuộc địa Mỹ; và giờ đây đang bành trướng ở nhiều nơi trên toàn thế giới.
—
Thế hệ giàu có nhất trong lịch sử
Các nhà kinh tế học và sử học đều đồng ý về tầm vóc đáng kinh ngạc của kỷ Đại thịnh vượng: đến năm 2010, thu nhập trung bình mỗi ngày ở nhiều quốc gia trên diện rộng, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Botswana và Brazil đã tăng lên từ 1.000 đến 3.000 phần trăm so với mức thu nhập hồi những năm 1800. Người ta đã chuyển từ các căn lều và chòi đất đến các căn hộ cao cấp và phân tầng ở thành thị, từ việc dễ dàng tử vong bởi các bệnh dịch thông thường lây lan qua nước đến cuộc sống dài lâu với tuổi thọ 80 năm, từ sự dốt nát mông muội đến đỉnh cao tri thức.
Sẽ có người cho rằng người giàu thì sẽ ngày một giàu hơn còn người nghèo thì sẽ vẫn cứ nghèo đi. Nhưng với những tiêu chuẩn tiện nghi cơ bản thiết yếu, những người nghèo nhất hành tinh lại là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Ở những nơi như Ai-len, Singapore, Phần Lan và Ý, ngay cả những người tương đối nghèo cũng có đủ lương thực, tiếp cận được giáo dục, có chỗ ở và nhận được sự chăm sóc y tế, và không ai trong số những tổ tiên nghèo nàn của họ được như vậy.
Sự bất bình đẳng về tài chính vẫn luôn biến động, nhưng liên tục trong một thời gian dài, tình trạng này đã được giảm đi đáng kể. Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty đã thừa nhận là bất bình đẳng tài chính vào những năm 1800 và 1900 đã từng lớn hơn hiện nay rất nhiều. Nhờ tầm quan trọng của những tiêu chuẩn tiện nghi cơ bản trong tiêu thụ càng ngày càng lớn, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia đã giảm gần như liên tục.
Trong mọi trường hợp, vấn đề là sự nghèo đói. Không phải là sự bất bình đẳng, cũng không phải là tài sản thừa kế của L’Oréal hay Liliane Bettencourt có bao nhiêu du thuyền, mà là liệu phụ nữ Pháp ở tầng lớp trung bình sống có đủ ăn hay không. Vào thời đại của “Những người khốn khổ”, họ không hề được ăn no. Trong 40 năm qua, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ dân số sống qua ngày chỉ với 1 USD hay 2 USD đã giảm đi phân nửa. Nhà kinh tế học trường đại học Oxford Paul Collier đã kêu gọi giúp đỡ “tầng đáy tỷ dân” của hành tinh trên 7 tỷ dân này. Tất nhiên đó là nghĩa vụ của chúng ta. Nhưng ông cũng lưu ý rằng 50 năm trước, trái đất có đến 4 tỷ người trên 5 tỷ người đã phải sống trong những điều kiện khốn khó như thế. Và hồi những năm 1800, thì tỷ lệ này chiếm đến 95% của 1 tỷ dân địa cầu.
Chủ nghĩa cào bằng không đóng góp gì cho sự giàu có hiện nay
Chúng ta có thể cải thiện điều kiện của tầng lớp lao động. Nâng cao năng suất nhờ cho phép sự sáng tạo của con người là những gì đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả. Ngược lại, lấy của người giàu chia cho người nghèo (và những trạng thái tâm thần tương tự – ND) chỉ giúp được rất ít hoặc không giúp được gì; và dù sao đi nữa trưng thu chỉ là thủ thuật xài được một lần. Giàu lên từ việc cải thiện những lần thử nghiệm thị trường sẽ tiếp tục tiếp diễn và trong thế kỷ tới, sẽ mang lại tiện nghi thiết yếu đến hầu hết mọi người trên hành tinh, và hơn thế nữa cho tầng lớp trung lưu đang ngày một đông đảo.
Nhìn vào những cải tiến đáng kinh ngạc ở Trung Quốc từ năm 1878 và ở Ấn Độ từ năm 1991: những nước này hiện là nơi cư ngụ của 4/10 dân số thế giới. Ngay cả ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thu nhập thực tế đã và đang tiếp tục tăng trưởng trong những thập kỷ gần đây, trái với những gì có thể được đồn đoán. Nhà kinh tế học đến từ Đại học George Mason là Donald Boudreaux và những người khác có tầm nhìn xa hơn bề nổi của tảng băng chìm đã chỉ ra rằng thu nhập thực tế đang tiếp tục tăng trưởng chủ yếu nhờ vào những cải tiến lớn về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cũng như những phúc lợi không tính bằng lương. Sức mua thực tế đã tăng gấp đôi so với những năm 1950 – khi nhiều trẻ em Mỹ quốc đi ngủ trong cơn đói.
Điều gì đã làm nên Kỷ Đại thịnh vượng?
Không phải là sự bóc lột người nghèo, không phải nhờ các khoản đầu tư, cũng không phải do những thiết chế đang tồn tại, mà chỉ nhờ một tư tưởng – về thứ mà nhà triết học, kinh tế học Adam Smith đã gọi là “kế hoạch phóng khoáng về bình đẳng, tự do và công lý”. Nói cách khác, đó là chủ nghĩa tự do, theo nghĩa thị trường tự do châu Âu. Khi trao cho quần chúng bình dân sự bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về phẩm giá xã hội, và để họ độc lập, họ sẽ trở nên cực kỳ sáng tạo và năng động.
Tư tưởng tự do được sản sinh ra từ những sự tình cờ tốt đẹp ở Tây Bắc Châu Âu từ năm 1517 đến 1789, cụ thể là bộ Tứ: Phong trào Cải cách, Cách mạng Hà Lan, Cách mạng Anh và Pháp, và phổ cập văn hóa đọc. Bộ Tứ sự kiện đã giải phóng người bình dân, trong đó có những nhà tư sản phiêu lưu. Thỏa thuận Tư sản, nói một cách ngắn gọn, là : bước đầu tiên, hãy để tôi thử cái này hoặc cải tiến kia. Tôi sẽ giữ vững lợi nhuận, cám ơn rất nhiều, dù ở bước thứ hai các đối thủ cạnh tranh phiền toái sẽ mài mòn nó bằng cách thâm nhập và phá hoại (như Uber đã làm với ngành công nghiệp taxi). Bước thứ ba, sau khi những nâng cấp của tôi đã lan rộng, tôi sẽ khiến bạn trở nên giàu có.
Và họ đã làm như thế.
Bạn có thể phản đối rằng những ý tưởng này quá tầm thường. Nhiều người cho rằng để có thể khiến chúng trở nên hiệu quả, chúng ta phải bắt đầu với nguồn vốn nhân lực và vật chất đầy đủ với những thiết chế xã hội tốt. Đó là ý kiến rất được ưa chuộng tại Ngân hàng Thế giới, nhưng lại là một sai lầm. Đúng vậy, sau cùng thì chúng ta cần đến vốn và các thiết chế để thể hiện những sáng kiến, như tòa nhà đá cẩm thạch với hệ thống sưởi và làm mát trung tâm dành cho Tối cao Pháp viện. Nhưng nguyên nhân có tính trung gian và lệ thuộc như vốn và thiết chế không phải là gốc rễ vấn đề.
Căn nguyên dẫn tới thịnh vượng đã và đang là tư tưởng tự do, thứ đã sản sinh ra trường đại học, đường sắt, cao ốc, mạng internet và quan trọng nhất là sự tự do của chúng ta. Những tích lũy vốn ban đầu nào đã khuyến khích tinh thần của William Lloyd Garrison và Sojourner Truth? Những thiết chế xã hội nào, trừ những cơ chế tự do gần đây về giáo dục đại học và xuất bản sách không kiểm duyệt, đã dẫn đến chủ nghĩa nữ quyền và các phong trào phản chiến? Kể từ Karl Marx, chúng ta đã có thói quen xem thường con người, luôn tìm kiếm động cơ vật chất cho sự phát triển. Nhưng thế giới hiện đại hình thành từ việc tôn trọng với quyền tự do của con người càng nhiều càng tốt.
Hiển nhiên là không phải tư tưởng nào cũng tốt. Chủ nghĩa phát xít, phân biệt chủng tộc, thuyết ưu sinh và chủ nghĩa dân tộc là những tư tưởng phổ biến đáng báo động gần đây. Nhưng chính những sáng kiến thực tiễn ngọt ngào giúp sinh lời cho công nghệ và thiết chế, và tư tưởng tự do mới là điều cho phép con người lần đầu tiên cố gắng, và đã làm nên Kỷ Đại thịnh vượng. Chúng ta cần khích lệ đám đông quần chúng, không phải giới tinh hoa, những người vốn đã được khuyến khích rất nhiều trước đó. Bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về phẩm giá xã hội vẫn là gốc rễ của nền kinh tế, cũng như tinh thần, hay sự hưng thịnh – bất kỳ cái gì có thể trái với suy nghĩ của bạo chúa độc tài.