2 biểu hiện xem thường pháp quyền của Donald Trump – Kỳ 1

2 biểu hiện xem thường pháp quyền của Donald Trump – Kỳ 1
Ông Trump tại buổi mít ting cử tri ngày 27/05. Ảnh: Newsweek.

Chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ có vẻ đã biến ông Donald Trump thành một con người “hiền hòa, chừng mực”, khác hẳn hình ảnh gay gắt, nhiều phần cực đoan mà ông thể hiện trong vai trò một ứng cử viên tổng thống.

Việc thay đổi hình ảnh đó có thể làm người ta quên đi những biểu hiện thái độ xem thường pháp quyền của ông thể hiện khi ông tranh cử?

I. Thế nào là pháp quyền (rule of law) và xem trọng pháp quyền trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ hiện nay?

Pháp quyền là gì?

Một xã hội pháp quyền là nơi “tất cả mọi cá nhân, mọi cơ quan trong đất nước, bất kể là công quyền hay tư nhân, đều bị ràng buộc bởi luật pháp, và được hưởng những lợi ích có được từ những luật lệ được tạo lập một cách công khai, có hiệu lực và được sự quản lý công khai bởi hệ thống tòa án.”[1]

Để bảo vệ một xã hội pháp quyền, phải có một hệ thống tòa án độc lập, đứng trên mọi đấu đá chính trị, cương quyết không luồn cúi trước các áp lực chính trị để bảo vệ luật pháp. Không chỉ bảo vệ luật pháp thành văn do chính phủ ban hành, mà cả những nguyên tắc, triết lý pháp luật nhân bản truyền thống của nhân loại.

Để duy trì một hệ thống tòa án độc lập, cần những thẩm phán, luật sư, luật gia sẵn sàng chiến đấu cho thượng tôn pháp luật và cho sự độc lập của tòa án. Cần những chính trị gia, những lãnh đạo cộng đồng, những nhà báo sẵn sàng lên tiếng bảo vệ các luật sư, thẩm phán đang là nạn nhân của những hành vi đe dọa, dù là bằng uy quyền chính trị hay bất cứ dạng uy quyền nào khác, bao gồm uy quyền của đám đông quần chúng.

Dĩ nhiên, khách quan mà nói thì một tổng thống Mỹ để hoàn thành nhiệm vụ của mình chỉ cần tuân thủ lập pháp, thực hiện đúng lời thề tổng thống là sẽ “chấp hành chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ một cách trung thành, và sẽ cố gắng hết khả năng của mình giữ gìn, bảo vệ và che chở Hiến pháp Hoa Kỳ.” Có thể nói, giữ gìn, bảo vệ và che chở Hiến pháp Hoa Kỳ chính là tôn trọng pháp quyền rồi.

Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh thời đại đặc biệt đầy bất ổn với các vấn đề an ninh nghiêm trọng tại Mỹ, kèm thêm sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túysự phản kháng mãnh liệt chống lại các thiết chế, nền tảng chính trị truyền thống ở nước này (với cáo buộc là hệ thống chính trị truyền thống tham nhũng, không còn đại diện cho quyền lợi người dân) phải chăng tiêu chuẩn khách quan nói trên đã không còn là đủ?

Chiến thắng của ông Trump là chiến thắng của chủ nghĩa dân túy tại Mỹ (Ảnh: nationalobserver.com)

Chiến thắng của ông Trump là chiến thắng của chủ nghĩa dân túy tại Mỹ. Ảnh: nationalobserver.com

Thế nào là xem trọng pháp quyền trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ hiện nay?

Nhiều người đã nói về sự thiêng liêng của Hiến pháp Mỹ, của bản Tuyên ngôn nhân quyền, của các Tu chính án trong hệ thống luật pháp Mỹ, cũng như những giá trị Mỹ bao gồm thượng tôn pháp luật và tôn trọng tòa án.

Nhiều người, bằng một cách đương nhiên, xem nền pháp quyền hơn 200 năm của Mỹ là một nền tảng tự nó đã vững mạnh và theo đó Donald Trump có làm gì trong vai trò tổng thống cũng sẽ chẳng phải là một  mối lo ngại.

Tuy nhiên, Hiến pháp, luật pháp, tòa án hay bất kỳ thiết chế chính trị nào, cũng chỉ là những tư tưởng và công cụ trong bàn tay con người. Và con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và đặc biệt trong hoàn cảnh những thời đại đang chuyển xoay đầy bất trắc, cũng có thể là nạn nhân của các dạng uy quyền bạo ngược.

Các thẩm phán, luật sư không sống trong các tháp ngà kín cổng cao tường (dù trí tưởng tượng thông thường có thể dễ khiến người ta nghĩ thế). Họ cũng là những con người, là những thành viên bình thường trong xã hội, đi làm công ăn lương, đọc báo mạng và mỗi cuối tuần làm tiệc đãi bạn hay lái xe chở gia đình đi chơi.

Một người thẩm phán, bất kể mạnh mẽ đến đâu về tri thức và tính cách, có thể đảm bảo sự tư duy khách quan và độc lập của bản thân đến đâu khi ngay sau khi vừa đưa ra một phán quyết, một bộ phận báo chí đã gầm thét về ông ta như một “kẻ thù của nhân dân”?

Sẽ thế nào khi đám đông cuồng nộ đó tìm ra địa chỉ nhà ông ta và bắt đầu có các hành vi đe dọa hung bạo?

Khi vị tổng thống, con người quyền lực nhất đất nước, sẵn sàng chỉ mặt, điểm tên ông ta, nhục mạ cá nhân họ bằng những từ ngữ miệt thị, dù là trắng trợn hay ngầm ý, và sẵn sàng đem vị thẩm phán đó ra biêu riếu trước đám đông vì phán quyết của ông ta?

Một tổng thống tôn trọng pháp quyền thật sự trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay của Mỹ không thể đơn giản chỉ là một tổng thống không bao giờ vi phạm luật pháp hay là một tổng thống có thể bằng những tranh tụng pháp luật điệu nghệ, đầy tính kỹ thuật tại tòa đánh bại tất cả các thử thách pháp lý chống lại ông ta và chính quyền của ông ta.

Một tổng thống tôn trọng pháp quyền thật sự trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay của Mỹ phải là một tổng thống vừa thượng tôn luật pháp, vừa thượng tôn cả những con người và những thiết chế độc lập đang bảo vệ, quản lý luật pháp, bất kể những con người, thiết chế đó quyết định có lợi hay bất lợi cho ông ta.

Một tổng thống tôn trọng pháp quyền thật sự trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay của Mỹ sẽ bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất phê phán những phe nhóm chính trị gia muốn dùng uy quyền chính trị hay lợi dụng chủ nghĩa dân túy để đe dọa vị thẩm phán nói trên.

Bởi vì đe dọa người thẩm phán đó chính là đe dọa nền tư pháp độc lập.

Một tổng thống tôn trọng pháp quyền thật sự trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay của Mỹ sẽ điềm tĩnh phát biểu trước những đám đông cuồng nộ rằng cho dù ông ta không đồng tình với phán quyết của vị thẩm phán nói trên, ông ta tin vào phẩm chất và năng lực của vị thẩm phán và theo đó là của nền tư pháp độc lập, và mọi hành vi miệt thị, đe dọa chống lại người thẩm phán đó là những hành vi đáng kinh tởm đi ngược lại các giá trị cốt yếu của người Mỹ.

Một tổng thống tôn trọng pháp quyền thật sự trong bối cảnh chính trị xã hội hiện nay của Mỹ, trong mọi hoàn cảnh, sẽ tôn trọng luật pháp như thể nó là công cụ bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền cá nhân của người dân, chứ không phải là nhìn nhận nó một cách thuần túy thô tục như một thứ công cụ để lợi dụng vào các đấu đá chính trị.

Có thể tóm tắt các tiêu chuẩn xem trọng pháp quyền nên có trong bối cảnh chính trị xã hội Mỹ hiện nay như sau. Một tổng thống tôn trọng pháp quyền sẽ:

  1. không vi phạm pháp luật;
  1. biết cách vận dụng pháp luật nhưng với những mục tiêu duy nhất là bảo vệ Hiến pháp và quyền cá nhân của người dân;
  1. không lợi dụng quyền năng của luật pháp như công cụ thuần túy để đấu đá chính trị;
  1. phải bằng tất cả khả năng và tấm lòng ra sức bảo vệ hệ thống tư pháp độc lập, bảo vệ những con người là thành viên của hệ thống đó trước bất kể loại uy quyền nào, dù là uy quyền chính trị hay uy quyền đám đông quần chúng.

Vậy bản thân ông Trump đã thể hiện những gì để có thể bị cáo buộc là “xem thường pháp quyền”, “sẵn sàng chà đạp lên ngành tư pháp độc lập”, và “xem luật pháp như công cụ kiếm ăn và đấu đá chính trị”?

Chưa thể nói ông Donald Trump không có vi phạm pháp luật. Hiện nay ông đang phải đối mặt với 75 vụ kiện dân sự, bao gồm một đơn kiện từ các sinh viên cũ của trường đại học Trump mà ông từng mở nhưng nay đã đóng. Các sinh viên cũ này cáo buộc ông Trump thu của họ hàng chục ngàn đô la Mỹ với lời hứa giúp họ biết được các bí mật của nghề kinh doanh bất động sản nhưng trường của ông đã không làm được điều đó.

Ông Trump đang vướng vào một vụ kiện tụng lùm xùm liên quan đến trường đại học Trump ông từng mở (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Ông Trump đang vướng vào một vụ kiện tụng lùm xùm liên quan đến trường đại học Trump ông từng mở (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Dĩ nhiên, kiện tụng trong kinh doanh ở Mỹ là chuyện thường. Các tòa án hoàn toàn có thể quyết định ông Trump không vi phạm pháp luật trong cả 75 vụ kiện, hay ông Trump có thể dùng tiền túi để thương lượng, giàn xếp sòng phẳng với những người đi kiện để họ không kiện nữa.

Chưa thể nói ông Trump biết cách vận dụng pháp luật vào những mục tiêu bảo vệ Hiến pháp và quyền cá nhân của người dân. Đặc biệt nếu nhìn vào một số chính sách mà ông đã hứa với những người cử tri nhiệt thành đã bầu cho ông, có thể thấy nhiều chính sách này có dấu hiệu vi hiến, có khả năng vi phạm quyền của người dân.

Hiện nay chỉ vài ngày sau khi đắc cử, ông Trump đã quyết định thất hứa với nhiều cử tri và lên tiếng rút lại, hay nói giảm nói tránh, một số chính sách ngược ngạo nhất trong số những chính sách nói trên. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản ông đưa những chính sách đó trở lại trong tương lai nếu ông thấy cần.

Có bằng chứng hành vi cho thấy ông Trump không sẵn lòng bảo vệ hệ thống tư pháp độc lập, thậm chí ông sẵn sàng công kích, chà đạp hệ thống tư pháp độc lập theo những cách thô kệch. Và có bằng chứng hành vi cho thấy ông Trump sẵn sàng xem luật pháp thuần túy như công cụ để đấu đá chính trị.

II. Những biểu hiện xem thường pháp quyền của ứng cử viên tổng thống Donald Trump 

1. Sẵn sàng công kích, chà đạp hệ thống tư pháp độc lập

Công kích thẩm phán Curiel

Ông Donald Trump đã có những lời lẽ không đúng mực về thẩm phán Gonzalo P. Curiel – thẩm phán liên bang khu vực Nam California, người đang phụ trách vụ kiện liên quan đến trường đại học Trump nói trên.

Trong nhiều lần từ tháng 2/2016 cho đến tháng 6/2016, tại các buổi mít tinh gặp cử tri và phỏng vấn với truyền thông trong nước, ông Trump công kích thẩm phán Curiel là “một thẩm phán thù địch” (hostile judge). Ông Trump cho rằng thẩm phán Curiel lẽ ra phải từ chối nhận xử đơn kiện của các cựu sinh viên trường đại học Trump.

Thẩm phán Gonzalo Curiel (Ảnh: Indiana University)

Thẩm phán Gonzalo Curiel (Ảnh: Indiana University)

Ông Trump nhiều lần nhắc đến yếu tố gốc gác chủng tộc của thẩm phán Curiel (sinh ra tại Mỹ, cha mẹ ông là người Mexico nhập cư). Ban đầu ông nhắc đến việc thẩm phán Curiel là người “Tây Ban Nha” (Spanish), “Mỹ gốc Tây Ban Nha” (Hispanic). Sau đó ông Trump nhắc đến việc thẩm phán Curiel là người gốc Mexico và ông giải thích rằng thẩm phán Curiel “ghét” ông vì ông đã nói sẽ xây một bức tường ngăn cách Mỹ – Mexico, và vì ông đã có những lời lẽ thô tục về người Mexico tại Mỹ.

Biểu hiện sẵn sàng chà đạp tư pháp độc lập của ông Trump dâng cao rõ nhất từ buổi mít tinh ngày 27/05 tại San Diego khi ông dành 12 phút để công kích thẩm phán Curiel và một thẩm phán khác cũng đang thụ lý một vụ việc của ông. Ông Trump đã có một số phát biểu sau liên quan đến thẩm phán Curiel:

“… Chuyện xảy ra là thế này. Tụi tôi phải đứng trước một người thẩm phán rất thù địch. Thẩm phán này được Barack Obama bổ nhiệm – một thẩm phán liên bang…

…Và tôi nói thế này… Tôi nghĩ thẩm phán Curiel phải cảm thấy xấu hổ với bản thân ông ta. Tôi nghĩ đó là một nỗi ô nhục khi ông ta làm việc này [ý nhắc đến việc tiếp tục đưa vụ kiện ra xử]

..Nó là một nỗi ô nhục. Nó là một hệ thống bị gian lận (rigged system)… cái hệ thống tòa án này – các thẩm phán trong cái hệ thống tòa án này, tòa án liên bang. Họ nên xem xét kỹ thẩm phán Curiel bởi vì những gì thẩm phán Curiel đang làm là một nỗi ô nhục. OK?…”

Ông Trump tại buổi mít ting cử tri ngày 27/05. Ảnh: Newsweek.

Ông Trump tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 27/05. Ảnh: Newsweek.

Đúng rằng ông Obama là người bổ nhiệm thẩm phán Curiel vào chức vụ thẩm phán liên bang (từ tháng 10/2012). Thẩm phán Curiel là một trong 329 người được ông Obama bổ nhiệm làm thẩm phán trong nhiệm kỳ tổng thống của ông tính tới tháng 9/2016. Tuy nhiên, việc thẩm phán Curiel xử vụ ông Trump là một sự sắp xếp bình thường của tòa khu vực Nam California.

Khó có thể xem những lời tố cáo gay gắt trên là sự tôn trọng danh dự nhân phẩm của người thẩm phán hay xem trọng tư pháp độc lập.

Trong khi đó, vì vụ kiện vẫn đang được tòa xét xử, chưa chắc những người ủng hộ Trump đã hiểu rõ bản chất và có đầy đủ thông tin nhiều chiều về vụ kiện này.

Cũng lưu ý ở đây thẩm phán Curiel mới chỉ đồng ý đưa vụ kiện ra xử chứ chưa có phán quyết cuối cùng bất lợi cho ông Trump.

Ngày 30/05 lúc 10:45 tối giờ New York ông Trump đăng trên trang Twitter cá nhân (lúc đó ông có khoảng 7 triệu người theo dõi trên Twitter):

“Tôi dính phải một thẩm phán trong vụ kiện dân sự đại học Trump, Gonzalo Curiel (San Diego), một người rất không công bằng. Một người được Obama chọn. Hoàn toàn thành kiến và ghét Trump.”

Khoảng 10 phút sau đó ông Trump đăng tiếp trên Twitter:

“Lẽ ra tôi đã dễ dàng thắng vụ trường đại học Trump bằng thủ tục rút gọn nhưng tôi dính phải một ông thẩm phán, Gonzalo Curiel, người hoàn toàn có thành kiến với tôi.”

trump-curiel

Các đoạn tweet của ông Trump liên quan đến thẩm phán Curiel do một luật sư,

Josh Blackman

, chụp lại.

Bằng hai đoạn tweet nói trên, ông Trump đã vừa tiếp tục công kích, bêu riếu thẩm phán Curiel, đồng thời ông đưa thông tin họ tên và thành phố nơi làm việc của thẩm phán Curiel đến khoảng 7 triệu người dùng mạng xã hội Twitter. Những người này vốn dĩ không hề liên quan gì đến vấn đề kiện tụng của ông Trump và phần đông chắc chắn không thể có thông tin đầy đủ về vụ việc vốn lúc đó vẫn đang được xử lý giữa tòa và luật sư hai bên tại thành phố San Diego.

Phản ứng công luận và thanh minh của ông Trump

Các lời nói và dòng tweet nói trên của ông Trump nhanh chóng thu hút sự chú ý của công luận, cùng các phê phán gay gắt, từ cả phía đảng Dân Chủ và từ phía các cộng đồng luật sư, bình luận gia pháp lý Mỹ, cả phe bảo thủ và phe tự do.

Cả chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan và thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, hai thành viên trụ cột của đảng Cộng Hòa, ở những mức độ khác nhau, đều lên tiếng phê bình, phản đối ông Trump.

Báo Wall Street Journal trích lời một số giáo sư luật người Mỹ phê phán các hành vi của ông Trump. Một giáo sư cho rằng nói một thẩm phán không thể xử một vụ chỉ vì gốc gác chủng tộc của người thẩm phán đó là “hoàn toàn vô lý”. Một giáo sư khác cho rằng nếu ông Trump có vấn đề gì với thẩm phán Curiel, ông hoàn toàn có thể nộp đơn xin tòa đổi thẩm phán, nhưng luật sư của ông Trump chưa hề làm điều đó.

Ngày 07/06, văn phòng tranh cử của Trump đăng một bản thông cáo. Trong đó ông nói:

“Tiếc là các lời bình luận của tôi đã bị hiểu lầm là những lời nói công kích trắng trợn người gốc Mexico. Tôi có nhiều bạn và tôi cũng thuê nhiều người người gốc Mexico và gốc Tây Ban Nha. Hệ thống công lý Mỹ trông cậy vào các thẩm phán công bằng và bất thiên vị. Mọi thẩm phán phải tuân theo tiêu chuẩn đó. Tôi không cảm thấy rằng nguồn gốc chủng tộc của một người khiến họ không thể trở nên bất thiên vị, nhưng, dựa trên các quyết định tôi đã nhận được trong vụ kiện dân sự trường Trump, tôi cảm thấy mình có lý do để tự hỏi rằng mình có đang được hưởng một phiên tòa công bằng hay không…”

Sau thông cáo nói trên, ông Trump không có bình phẩm nào khác về vụ kiện này nữa.

Luật sư của ông Trump vẫn chưa hề nộp đơn xin đổi thẩm phán và bản thân ông Trump thì vẫn chưa hề có một lời xin lỗi nào với riêng thẩm phán Curiel về hành vi công kích cá nhân ông Curiel trước đám đông và bêu riếu ông Curiel trên mạng xã hội của mình.

Tự do ngôn luận hay xem thường pháp quyền?

Chuỗi hành vi công kích hệ thống tòa án và cá nhân một người thẩm phán của ông Trump như thế diễn ra nhiều lần, không phải là kết quả của những nóng giận nhất thời.

Chỉ khi gặp phản ứng mạnh từ công luận, đặc biệt từ giới luật sư luật gia Mỹ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ, ông Trump mới chịu giải thích (nhưng vẫn không hề xin lỗi) bằng thông cáo ngày 07/06 rồi mới chịu dừng các công kích của mình.

Không có gì cấm cản doanh nhân Trump chửi bới thẩm phán Curiel hay tòa án Mỹ bằng những từ ngữ thô tục nhất. Vẻ đẹp của quyền tự do ngôn luận, vốn  được đặt một cách thiêng liêng ngay Tu chính Án thứ Nhất trong Hiến pháp Mỹ, cho phép ngôn luận được thoải mái sinh ra bất chấp những lo ngại mỹ cảm và phép tắc lịch sự khuôn sáo. Lối nói chuyện bộc trực, thẳng thắn cố hữu của ông Trump cũng có nét cuốn hút cá nhân của riêng nó, và là một phong cách rất hấp dẫn cho những show truyền hình thực tế.

Tuy nhiên, những ngôn luận đó có nên được dễ dàng chấp nhận ở ứng cử viên tổng thống Trump? Người rồi đây sẽ nắm một chức vụ buộc ông ta phải bảo vệ luật pháp, hệ thống tư pháp độc lập, và tôn vinh pháp quyền?

Tổng thống Ronald Reagan đọc lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1985 (Ảnh: AP Photo/Ron Edmonds)

Tổng thống Ronald Reagan đọc lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1985 (Ảnh: AP Photo/Ron Edmonds)

Trong bối cảnh mà đa số những người ủng hộ ông Trump đã sẵn mong muốn ông có những biện pháp quản lý nhập cư cứng rắn nhất có thể với người nhập cư trái phép từ Mexico, hành vi của Trump cho thấy ông muốn lợi dụng cảm tính của đám đông để công kích, đe nẹt tư pháp độc lập, thay vì để phơi bày một sự thiên vị bất công nào đó của hệ thống tòa án Mỹ như ông đã giải thích.

Việc phơi bày sự thiên vị đó là một việc rất đáng làm, nhưng nó vốn hoàn toàn có thể được làm một cách cụ thể với viện chứng rõ ràng đến những biểu hiện thiên vị trong nội dung các quyết định của thẩm phán Curiel, chứ không phải với những liên kết mơ hồ về “người bổ nhiệm” và về nguồn gốc chủng tộc của bản thân vị thẩm phán.

Những lo ngại không có bằng chứng của ông Trump vẫn có thể là những lo ngại xác đáng. Nhưng ông Trump đã không dùng đến những biện pháp hành chính đúng mực sẵn có trong luật pháp để giải quyết những lo ngại đó, mà tìm đến sự ủng hộ của đám đông quần chúng trong những công kích tùy tiện nhắm vào sự độc lập của hệ thống tòa án, đồng thời đem danh dự, nhân phẩm của một người thẩm phán ra bêu riếu trước đám đông.

Đó là những biểu hiện của sự sẵn sàng công kích, chà đạp hệ thống tư pháp độc lập, và chúng không nên có ở một con người sẽ làm tổng thống Hoa Kỳ.

Kỳ 2
———–

[1] Định nghĩa được tác giả Tom Bingham đưa ra trong cuốn sách ‘Pháp Quyền’ (‘The Rule of Law’) – Nhà xuất bản Penguin Books 2011.

*Cập nhật: Chiều tối ngày 18/11 giờ New York, nhóm luật sư của ông Donald Trump và nhóm luật sư của nhóm các sinh viên cũ trường đại học Trump công bố đã quyết định thỏa thuận dàn xếp vụ kiện với tổng giá tiền ông Trump đồng ý đền bù cho các sinh viên là 25 triệu USD. Theo thỏa thuận, ông Trump từ chối thú nhận là đã lừa đảo các sinh viên. Ông Trump giải thích là ông quyết định dàn xếp để có thể tập trung vào việc chuẩn bị làm tổng thống.

Thỏa thuận này có được sau nhiều nỗ lực không thành công của các luật sư bên phía ông Trump trong việc đòi hoãn phiên tòa xét xử vụ việc, vốn được thẩm phán Curiel lên lịch cho xử ngày 28/11. Thẩm phán Curiel cho biết ông sẽ kiểm tra điều khoản thỏa thuận dàn xếp để chắc chắn là thỏa thuận này “công bằng, thỏa đáng, và hợp lý”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.