Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Tương tự như Việt Nam, Hàn Quốc cũng ăn mừng Tết Âm lịch. Trong tiếng Hàn, Tết Âm lịch gọi là Seollal, là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất trong năm tại đây. Tuy nhiên, phụ nữ Hàn hầu như không còn phải đau đầu với nan đề “Tết nhà nội hay Tết nhà ngoại” như ở Việt Nam.
Phụ nữ Hàn Quốc giờ đây tự do hơn và ít bị lễ giáo ràng buộc hơn. Ảnh: weddinggritz.com.Trả lời phỏng vấn Luật Khoa tạp chí, cô Soo Suh, một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ tại Seoul, Hàn Quốc cho biết: “Trước đây, sau khi kết hôn thì phụ nữ Hàn Quốc cũng chỉ chú trọng vào việc chăm sóc gia đình chồng và thăm hỏi bố mẹ chồng vào các ngày lễ tết. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng trong vòng 10 năm trở lại đây.”
Theo cô Soo, thực tế đang diễn ra ở Hàn Quốc là đa số các cặp vợ chồng đều ra riêng, và dịp Tết Âm lịch là khi họ đi thăm bố mẹ của cả hai. Kế đến là xã hội Hàn Quốc đang có xu hướng nhấn mạnh việc thăm viếng và chăm sóc gia đình hai bên nội ngoại phải được xem trọng như nhau.
“Nếu như vì ở quá xa hoặc không đủ thời gian thăm cả hai bên trong cùng một dịp lễ thì họ sẽ chia đều giữa ngày lễ Tết Âm lịch và ngày lễ Chuseok (ngày rằm tháng 8 lịch Âm và là lễ gia đình đoàn viên tại Hàn Quốc) giữa hai bên nội ngoại”, cô Soo cho biết.
Không còn chuộng sinh con trai hơn con gái
Bằng chứng mạnh mẽ nhất cho sự bình đẳng nam nữ ở Hàn Quốc là tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh tại đây. Khác với các nước như Trung Quốc hay Việt Nam, phụ huynh Hàn không còn chuộng sinh con trai hơn con gái.
Câu khẩu hiệu “1 bé gái bằng 10 bé trai” của chính phủ Hàn Quốc trong những năm 1990 đã không chỉ là câu nói sáo rỗng.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2007, Nam Hàn là nước Châu Á đầu tiên chuyển đổi được xu hướng mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh. Từ một nước có tỷ lệ giới tính sơ sinh là 116,5 bé trai/100 bé gái vào năm 1990, đến năm 2007 thì tỷ lệ này chỉ còn 107,4 bé trai/100 bé gái tại Nam Hàn. Và đến năm 2013, tỷ lệ này lại hạ xuống còn 105,3 bé trai/100 bé gái, ngang bằng tỷ lệ của các nước phát triển ở Âu Mỹ. |
Cũng như những quốc gia Châu Á bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng Nho, Hàn Quốc vốn là một xã hội với hệ thống luật pháp coi trọng và bảo vệ nam giới một cách tuyệt đối.
Thế nhưng, tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh tại Hàn Quốc từ năm 2013 đến nay đã cho thấy vấn đề trọng nam khinh nữ đang từng bước bị xóa bỏ, khi xã hội không còn cho rằng bé trai có giá trị hơn bé gái hay nam giới phải được xem trọng hơn nữ giới.
Điều gì đã và đang xảy ra ở Hàn Quốc?
Ảnh: Tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh tại Hàn Quốc hiện nay là cân bằng giữa nam và nữ (aminoapps.com)Phụ nữ có thể khai sinh con theo họ mẹ, được đứng tên trên hộ khẩu và có quyền thờ tự, thừa kế như nam giới
Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo, hệ thống pháp luật tại Hàn Quốc đã từng đặt nặng chế độ phụ hệ và nhấn mạnh yếu tố trọng nam khinh nữ.
Hàn Quốc đã từng sử dụng hệ thống đăng ký hộ khẩu để quản lý người dân tương tự như ở Việt Nam. Nhưng tại Hàn Quốc, hệ thống đăng ký hộ khẩu (hoju) còn là rào cản rất lớn đối với người phụ nữ vì chỉ cho phép nam giới là chủ hộ.
Trước năm 2005, một người phụ nữ chưa kết hôn phải đăng ký hộ khẩu tại nơi cư trú của cha mình và dưới tên của ông. Sau khi thành hôn, phụ nữ phải đăng ký hộ khẩu dưới tên chồng. Nếu ly hôn, con cái vẫn phải tiếp tục đăng ký hộ khẩu cùng người bố cho dù chúng có sống riêng với người mẹ đi chăng nữa. Nếu người mẹ tái hôn thì con riêng vẫn không thể nhập tịch vào hộ của cha dượng mà vẫn phải giữ cùng hộ với cha đẻ. |
Vào năm 2005, 3 cải cách pháp lý lớn giúp thúc đẩy quyền phụ nữ đã được ra:
1. Tháng 2 năm 2005, Tòa Bảo Hiến (Constitutional Court of Korea) đã đưa ra một phán quyết lịch sử, tuyên bố hệ thống đăng ký hộ khẩu tại Hàn Quốc là vi hiến khi chỉ cho phép nam giới là chủ hộ. Tòa cũng cho phép con cái có thể theo họ mẹ chứ không chỉ được theo họ cha như trước đây. 2. Tháng 3 năm 2005, sau khi Tòa Bảo Hiến có phán quyết, Quốc hội Nam Hàn đã có quyết định xóa bỏ hệ thống hộ khẩu cũng như việc chỉ lập nam giới là chủ hộ trên toàn quốc bằng việc sửa đổi Bộ luật Dân sự (Civil Code). Bộ luật mới được chính thức thực thi vào đầu năm 2008. 3. Tháng 7 năm 2005, Tối cao Pháp viện Hàn Quốc (Supreme Court of Korea) đã đưa ra phán quyết cho phép phụ nữ có quyền sở hữu và thừa kế cũng như được thực hiện các nghi lễ với tổ tiên giống như nam giới trong phổ hệ (chongjung) của cha mình. |
So với phán quyết của Tòa Bảo Hiến và việc sửa đổi luật của Quốc hội Hàn Quốc cùng năm, thì phán quyết của Tối cao Pháp viện lại được đánh giá cao hơn bởi sự ảnh hưởng trực tiếp và tức thì đến quyền của phụ nữ.
Theo đó, những quyền lợi và nghĩa vụ vốn chỉ dành riêng cho nam giới đối với gia đình và tổ tiên đã không còn giá trị pháp lý ở Hàn Quốc. Hơn thế, phụ nữ cũng có quyền được đòi hỏi sự công nhận của dòng tộc cũng như bắt buộc phải cho phép họ thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ đối với tổ tiên.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 2005 đã có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Hàn Quốc.
Trong năm 2006, một khảo sát của Viện Nghiên cứu các vấn đề Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (Korean Institute for Health and Social Affairs) cho biết, chỉ có 10% trong số 5.400 phụ nữ đã lập gia đình được hỏi, trả lời là họ phải sinh con trai. Trong khi đó, vào năm 1991, với một khảo sát tương tự thì có đến 40% phụ nữ nói họ phải có con trai.
Hai năm sau, vào năm 2007, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận đó là năm đầu tiên tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh tại đây có xu hướng đổi chiều, khi phụ huynh bắt đầu không phân biệt giới tính và ưu tiên việc sinh con trai nữa.
Vai trò lớn của các nhóm xã hội dân sự
Những cải cách pháp luật gây chấn động xã hội năm 2005 không tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một quá trình vận động và đấu tranh rất dài hơi tại Hàn Quốc.
Ảnh: Phụ nữ Hàn Quốc tại một cuộc hội nghị hàng năm đòi quyền cho phụ nữ. Yonhap/EPATrong thời kỳ độc tài và trước khi bắt đầu quá trình dân chủ hóa vào năm 1988, chế độ phụ hệ đã được chính quyền nâng cao nhằm siết chặt các giá trị tự do dân chủ tại Hàn Quốc, từ gia đình cho đến xã hội. Vì thế, luật pháp Hàn Quốc lúc đó không ngại đẩy mạnh giá trị của nam giới bằng cách ban hành rất nhiều điều luật bất công đối với phụ nữ, mà hệ thống đăng ký hộ khẩu nói trên là một ví dụ.
Tuy nhiên, song song với việc đòi hỏi dân chủ hóa tại Hàn Quốc, những người đấu tranh cho quyền phụ nữ cũng bắt đầu cất lên tiếng nói của mình. Những cuộc vận động đòi hỏi sửa đổi Bộ luật Gia đình đã được tiến hành ở Hàn Quốc vào những năm 1965, 1977, và 1989.
Lần thay đổi Bộ Luật Gia đình vào năm 1989-1990 là lần thay đổi lớn nhất và đó cũng cùng vào thời điểm Nam Hàn bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ. Sau lần sửa đổi vào năm 1990, Bộ luật Gia đình Hàn Quốc đã công nhận quyền thừa kế của phụ nữ cũng như cho phụ nữ có thêm quyền lợi để vợ chồng có thể trở nên bình đẳng hơn trong hôn nhân. |
Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2000, các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) tại Hàn Quốc tiếp tục công việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua vận động cải cách pháp lý. Các cuộc vận động xóa bỏ chế độ hộ khẩu và yêu cầu cho phép con cái có thể chọn theo họ mẹ đã được bắt đầu từ năm 1997.
Đối với vấn đề chuyển đổi xu hướng chuộng sinh con trai, chính phủ cũng sửa đổi một số luật y tế trong thời gian này. Nhằm chấm dứt việc bỏ thai bé gái, vào giữa thập niên 1990, đạo luật cấm các bác sỹ tiết lộ giới tính của thai nhi đã được thắt chặt hơn khi thêm vào điều khoản án tù cho những bác sỹ vi phạm.
Ngoài ra, các tổ chức XHDS cũng đã yêu cầu chính phủ phải thực thi các công ước quốc tế mà họ đã ký kết về bảo vệ quyền phụ nữ. Hàn Quốc đã ký kết Công ước Quốc tế loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (UN Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women – CEDAW) vào năm 1983 và đã thông qua tại Quốc Hội năm 1984.
Các thay đổi trong cấu trúc xã hội Hàn Quốc cũng góp phần xóa bỏ bất bình đẳng cho phụ nữ. Song song với việc phát triển kinh tế, địa vị xã hội của phụ nữ tại Hàn Quốc cũng có những thay đổi tiến bộ khi họ tham gia nhiều hơn vào đội ngũ lao động, đặc biệt là trong giới trí thức. Về chính trị, cũng có nhiều phụ nữ trở thành những nhà lập pháp và nắm giữ các chức vụ quan trọng hơn trong 20 năm qua.
***
Ngày nay, chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục tạo ra những chính sách góp phần thúc đẩy việc bình đẳng giới. Chẳng hạn như nam giới được khuyến khích giúp vợ chăm sóc con mới sinh qua việc họ cũng được hưởng chế độ nghỉ có lương như phụ nữ. Ngoài ra, các tổ chức XHDS có những chương trình giúp đỡ nam giới học làm việc nhà và chăm sóc trẻ em.
Một trong những lập luận đề cao việc sinh con trai ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, là quan niệm chỉ có nam giới mới có thể thực hiện hết các nghĩa vụ hiếu đạo đối với cha mẹ và tổ tiên.
Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hàn Quốc trong án lệ lịch sử năm 2005 đã xóa bỏ các “lệ làng” này và công nhận phụ nữ cũng có thể gánh vác bổn phận hiếu đạo với dòng họ thuộc phổ hệ của cha mình.
Từ năm 2000 đến nay, trái ngược với Hàn Quốc, Việt Nam từ một nước vốn có tỷ số giới tính bình đẳng giữa bé trai và bé gái sơ sinh lại trở thành một nước có mức báo động về tình trạng tỷ số bé trai quá cao so với bé gái: từ 110,5 bé trai/100 bé gái năm 2009 lên 111,9 bé trai/100 bé gái năm 2011, và tăng lên 112,8 bé trai/100 bé gái năm 2015.
Liệu câu chuyện và bài học của Hàn Quốc có thể giúp cải thiện tình trạng mất cân bằng giới ở trẻ sơ sinh và xa hơn nữa là thực thi bình đẳng giới thực sự tại Việt Nam trong tương lai gần nhất?
Tài liệu tham khảo: